Truyện Audio

Giết Yamamoto
audio

Giết Yamamoto

  • 12 chương
  • Davis Burke

Trong một nước Nhật Bản hiện đại và bận rộn ngày nay, huyền thoại về danh tướng Yamamoto dường như đã bị quên lãng. Giới trẻ dường như không nghe, không biết, không đọc nhiều về người anh hùng mà thế hệ cha ông họ từng sùng kính.

Yamamoto là một đô đốc vĩ đại, vượt lên các tướng lĩnh khác cùng thời bởi tầm nhìn chiến lược. Trong hơn một năm, từ chiến thắng hiển hách tại Trân Châu Cảng tháng 12/1941 cho tới ngày 18/4/1943, khi ông bị không quân Mỹ phục kích ám sát trên không phận đảo Bougainville, Yamamoto quả thực là một con rồng của huyền thoại, gây sóng gió và làm chủ một chiến trường mênh mông, bao gồm cả Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương. Các địch thủ của Yamamoto vừa căm hận ông đến xương tủy nhưng cũng vừa kính sợ muôn phần. Ngay đến đô đốc huyền thoại của Hải quân Hoa Kỳ: Chester Nimitz cũng từng viết lại trong hồi ký mình rằng: "Kẻ thù đáng sợ nhất trong đời tôi chính là Yamamoto".

Ông là một chiến lược gia can đảm và xuất chúng. Tư tưởng quân sự của ông đi trước thời đại và trước các chiến lược gia khác, ngay cả Nhật và Mỹ. Ông đã làm chủ Thái Bình Dương trong suốt một năm rưỡi, và trong trận Guadalcanal trước khi chết, Yamamoto đã tỏ rõ tài năng quân sự tuyệt luân của mình khi triệt thoái 13.000 quân Nhật mà chỉ chịu những thiệt hại rất nhỏ. Ðây là một kỳ công bởi rút quân bao giờ cũng khó hơn tiến quân rất nhiều.

Người Nhật thương tiếc cho cái chết của ông, nhưng thực ra, cái chết của Yamamoto phản ảnh đúng tiên đoán của ông. Yamamoto vẫn thường tin rằng ông sẽ không sống sót đến sau cùng của cuộc chiến Thái Bình Dương, một trận chiến mà ông bất đắc dĩ phải tiến hành, và hơn ai hết, lúc nào ông cũng muốn làm bạn với người Mỹ. Tuy nhiên cũng nhờ cái chết mà ông không phải chịu nỗi nhục khi nhìn thấy nước Nhật bại trận. Ðiều đó đối với ông có lẽ còn đau đớn hơn cái chết.

Cuộc đời binh nghiệp của Yamamoto là hoàn hảo, hoàn hảo theo quan niệm của một samurai. Ông đã đạt tới tột đỉnh vinh quang của con đường binh nghiệp khi được phong làm Ðô đốc Tổng Tư lệnh Liên Hợp Hạm Đội, và có được niềm tin cũng như sự kính nể của toàn thể quân dân Nhật Bản. Cái chết của ông là một cái chết vinh dự cho một bậc anh hùng: được chết ngoài chiến trường, được chết trong lúc đang thi hành phận sự của một quân nhân. Đó là điều ông thường mong mỏi, như đã từng viết trong một bài thơ cuối cùng:

Ta vẫn là một thanh kiếm của Thiên Hoàng.

Ta sẽ không cắm vào vỏ kiếm.

Cho đến khi ta chết.

Cuộc đời Yamamoto chỉ có một mục đích: Phục vụ tổ quốc và Nhật Hoàng. Ông đã đạt được mọi ý nguyện, kể cả trong cái chết của mình..."