

Thời cổ đại Trung Quốc, ảo thuật được gọi là huyễn thuật hay hý pháp, đến nay đã có hơn hai nghìn năm lịch sử. Vào thời Tây Hán, Hán Vũ Đế Lưu Triệt thết đãi khách Tây Vực bằng món cá lấy từ trò “Ngư Long Man Diên”. Còn Tả Từ thời Đông Hán thì dùng trò “Không Can Điếu Ngư” để bỡn cợt Tào Tháo và Tôn Quyền. Đỗ Thất Thánh thời Tống lại nổi danh sử sách nhờ trò làm người chết sống lại là “Sát Nhân Phục Hoạt”. Thời Minh và Thanh, khắp các hang cùng ngõ hẻm chỗ nào cũng có người biểu diễn hý pháp. Cuối thời Thanh, ảo thuật phương Tây bắt đầu du nhập vào Trung Quốc. Kể từ đó, Hý Pháp La ở Thiên Tân và Khoái Thủ Lư ở Bắc Kinh cũng nổi danh khắp trong ngoài nước.
Năm 1940, Đơn Nghĩa Đường, nơi tụ họp của nhiều nghệ nhân ở Bắc Kinh rơi vào cảnh diệt môn. Trò hý pháp huyền thoại kết hợp trí tuệ cổ kim là “Thâu Thiên Hóa Nhật” cũng thất truyền theo. Hơn 50 năm sau, La Tứ Lượng, một cậu bé mười ba tuổi, truyền nhân của một gia tộc hý pháp có lịch sử cả trăm năm đã bị một lão già quái lạ lừa gạt và bước chân vào thế giới giang hồ. Cậu bé được học nghề biểu diễn hý pháp, từng xông pha vào đất Tương Tây, quyết đấu cùng quần hùng và trải qua những thời khắc sinh tử nhằm vén mở một bí mật đã tồn tại suốt nửa thế kỷ.