Trung Quốc là một đất nước có lịch sử lâu dài và một kho tàng thư tịch lịch sử vô cùng phong phú. Truyền thống viết sử của Trung Quốc đã được bắt đầu từ rất lâu. Theo tài liệu thành văn hiện còn, thì bộ Xuân Thu do Khổng Tử, vị thủy tổ của Nho học viết ra, được coi là bộ sử biên niên mở đầu của ngành sử học Trung Quốc.
Đến đầu đời Hán, xuất hiện Tư Mã Thiên, một nhà sử học lỗi lạc của Trung Quốc và thế giới với bộ Sử Ký. Một bộ thông sử đồ sộ gồm 130 thiên, 52 vạn chữ, bao quát một thời gian dài khoảng ba ngàn năm từ thời Hoàng Đế trong truyền thuyết tới đời Hán Vũ Đế là hoàng đế đương thời. Tiếp ngay sau đó, Ban Cố với bộ Hán Thư, là bộ sử về một triều đại (đoạn đại vi sử) đã chính thức đặt nền móng cho thể loại sử thư theo lối ký truyện của Trung Quốc. Sau cuộc đại nhất thống dưới triều Đường, ý thức về quốc gia dân tộc của người Trung Hoa đã hình thành vững chắc. Việc nhà nước ghi chép chính sử đã được định thành chế độ và được các đời sau kế thừa.
Trước hết, bốn bộ Sử Ký, Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tam Quốc Chí được quy định là Tứ Sử.
Tiếp theo, chín bộ Tấn Thư, Tống Thư, Tề Thư, Lương Thư, Trần Thư, Ngụy Thư, Bắc Tề Thư, Chu Thư và Tùy Thư được liệt thêm vào, thành Thập Tam Sử.
Đời Tống, lại liệt thêm bốn bộ Nam Sử, Bắc Sử, Đường Thư (còn gọi Tân Đường Thư), Ngũ Đại Sử (còn gọi Tân Ngũ Đại Sử) vào thành Thập Thất Sử.
Đời Càn Long nhà Thanh, lại liệt thêm năm bộ Tống Sử, Liêu Sử, Kim Sử, Nguyên Sử, Minh Sử vào thành Khâm Định Nhị Thập Nhị Sử. Sau lại bổ sung hai bộ Cựu Đường Thư và Cựu Ngữ Đại Sử vào, thành Khâm Định Nhị Thập Tứ Sử.
Sau khi triều Thanh diệt vong, Triệu Nhĩ Tốn chủ biên bộ Thanh Sử Cảo. Người ta gộp bộ này với Nhị Thập Tứ Sử và gọi chung là Nhị Thập Ngũ Sử.
Ngoài hai mươi lăm bộ chính sử nói trên, học giả các thời còn biên soạn nhiều bộ sử đồ sộ khác, như bộ Thông Điển của Đỗ Hựu thời Đường gồm hai trăm quyển, bộ Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang thời Tống gồm 294 quyển, v.v.
Bên cạnh chính sử, nhiều triều đại còn biên soạn các bộ thực lục cho mỗi đời vua, tất cả có tới 110 bộ, trong đó thực lục của hai triều Minh, Thanh là tương đối hoàn chỉnh.
Khối lượng thư tịch lịch sử đồ sộ ấy khiến cho ngay cả các học giả Trung Quốc dù cả cuộc đời cũng không thể đọc hết được. Văn hào Lỗ Tấn đã từng than tiếc về điều đó.
Tình hình ấy làm nảy sinh yêu cầu phải biên soạn những loại sách phổ cập kiến thức lịch sử cho đông đảo người đọc, giúp họ chỉ mất ít thời gian cũng có được những hiểu biết vừa bao quát, vừa cụ thể về diễn tiến lịch sử trong suốt quá trình lâu dài và phức tạp ấy.
Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ có cảm giác như được xem một bộ phim dài ghi suốt quá trình lịch sử Trung Quốc kể từ khi xuất hiện những con người đầu tiên, trải qua chế độ công xã nguyên thủy, chế độ nô lệ, chuyển sang chế độ phong kiến dài nhất trong lịch sử loài người.
Trên vũ đài lịch sử, ta thấy xuất hiện đủ mọi loại nhân vật, mọi hoạt động từ đấu tranh với thiên nhiên đến việc tranh thành cướp đất, giành giật ngôi vị, thôn tính đất đai, mở rộng cương vực. Người ta đề xướng ra mọi học thuyết, định ra mọi chế độ chi phối đời sống vật chất và đời sống tâm linh của dân tộc Trung Hoa.
Trong số các nhân vật đông đảo hoạt động trên vũ đài lịch sử có đủ anh hùng nghĩa sĩ, tặc tử, gian thần; có minh quân và hôn quân, hậu phi và thái giám; có kẻ sĩ chính trực và bọn lưu manh gian xảo; có hành động từ tuyệt vời, cao thượng đến những thủ đoạn lắt léo, hèn hạ nhất.