Hàng Xóm Tôi Là Yêu Quái
- Trương Mục Dã
- 8737 chữ
- 0
- 2024-10-12 15:46
Bức tường cũ ở Cố Cung và những chuyện quái lạ ở núi Môi Sơn
Núi Môi Sơn nằm ở phía Bắc Tử Cấm Thành. Trước đời nhà Nguyên là một vùng đất hoang sơ. Cuối đời nhà Minh, hoàng đế Sùng Trinh đã treo cổ ở đây. Nghe kể nếu ban đêm nhìn thấy một một ông già khoác hồng bào than khóc quanh núi Môi Sơn, ngày hôm sau hoàng thượng, hoàng hậu trong cung sẽ băng hà. Đã từng có thị vệ dùng súng bắn vào ông già nhưng ông ta biến mất ngay lập tức. Đây chính là những tin đồn ma quái về núi Môi Sơn.
Cố Cung ở Bắc Kinh đã có lịch sử hơn sáu trăm năm rồi. Ban đêm đội tuần tra thường nghe thấy hoặc nhìn thấy những thứ vốn không nên tồn tại, làm người ta phải dựng tóc gáy. Tỉ như ở dưới một bức tường cũ, họ nhìn thấy hồn ma của một cung nữ. Năm 1992, có người còn chụp được những hình ảnh mơ hồ. Bởi chốn thâm cung đại viện, xét về mặt phong thủy là nơi tụ khí, có từ trường rất mạnh. Vào những ngày mưa gió sấm chớp hoặc trăng tròn đều có thể ghi lại hình ảnh của con người. Đoạn tín hiệu này sau nhiều năm sẽ xuất hiện trở lại dưới dạng linh hồn.
Mặc dù đầu đề lần này là “Bức tường cũ ở Cố Cung và những chuyện quái lạ ở núi Môi Sơn” nhưng câu chuyện mà tôi muốn kể không phải là những lời đồn đại hoang đường, vô căn cứ này.
Tôi có một người bà con, luận vai vế phải gọi một tiếng là cậu hai. Mặc dù vai vế không lớn nhưng tuổi tác cậu đã cao. Hồi trẻ cũng được học hành chút ít, trước giải phóng thì tham gia cách mạng, từng làm cảnh vệ cho thủ trưởng của tập đoàn quân dã chiến số 4. Trong chiến tranh bị thương nặng do máy bay địch ném bom. Năm nay cậu đã ngoài bảy mươi tuổi rồi, xương cốt còn rắn chắc nhưng trong phổi vẫn còn mảnh đạn chưa lấy ra được. Những ngày mưa gió sẽ cảm thấy khó thở. Cậu đã kể cho tôi rất nhiều chuyện quái lạ mà mình từng gặp ở Cố Cung.
Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949. Thủ trưởng ưu tiên cậu hai tôi bị thương tật nên sắp xếp cho một công việc tương đối nhẹ nhàng, chuyển ngành sang làm ở ban bảo vệ Cố Cung. Khi đó Cố Cung đã để hoang mấy chục năm, không có người cư trú, cũng không mở cửa với bên ngoài, công việc cũng khá nhàn hạ.
Chỉ vài năm sau, vào đầu những năm năm mươi, nhà nước quyết định cải tạo lại Cố Cung. Sau khi được Thủ tướng Chu Ân Lai đích thân phê duyệt, ban bảo vệ và ban quản lý đã điều chuyển nhân sự, chia thành nhiều tổ công tác tới các khu vực của Cố Cung khảo sát, ghi nhận hiện trạng từng ngóc ngách một để báo cáo với cấp trên. Như là đại điện bị hư hại chỗ nào, sập đổ ra sao, cỏ dại cao bao nhiêu, từ ngoài vào trong có những vật gì, hình dạng thế nào, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng phải chép lại để lập thành hồ sơ chi tiết. Sau đó cấp trên sẽ cử người đi tiến hành cải tạo, chỉnh trang. Công tác này được thực hiện liên tục trong hơn hai năm. Chỉ tính riêng số rác tích tụ hàng trăm năm trong Cố Cung được thu gom lại đã tới cả mấy chục vạn mét khối.
Những chuyện cậu kể chính là xảy ra vào khoảng thời gian này.
Đầu những năm năm mươi, mùi khói súng của cuộc chiến tranh kháng Mỹ viện Triều còn chưa tan hết, trong nước vẫn còn nhiều gián điệp hoạt động.
Theo quy định, ban bảo vệ và đội tuần tra ban đêm cũng được trang bị súng. Tổ công tác của cậu hai chỉ có vài người, nhưng cậu là người duy nhất có súng ngắn. Ngày nào cũng mang theo lương khô, bình nước, sổ ghi chép, máy ảnh, bản vẽ thiết kế… Lý do phải mang theo lương khô là vì Cố Cung quá rộng lớn, đi lại ăn uống mất thời gian nên cứ nhét hai cái màn thầu vào trong túi, khi nào thấy đói mệt thì ngồi xuống làm hớp nước cho mát họng, gặm miếng bánh để lót dạ. Bọn họ đi sớm về khuya, cả ngày lang thang trong cung điện mênh mông, vắng lặng.
Cố Cung là quần thể kiến trúc cung điện lớn nhất thế giới, được xây dựng bắt đầu từ thời Vĩnh Lạc, nhà Minh, có diện tích 720.000 mét vuông, chu vi tường bao dài khoảng 3.5 km. Sông Đồng Tử chạy quanh thành rộng 52 mét. Tương truyền Cố Cung có chín nghìn chín trăm chín mươi chín gian phòng rưỡi. Thêm nửa gian nữa là mười nghìn gian. Khi đó chưa có khách tham quan, chỉ có mấy người trong tổ công tác. Đứng trước điện Thái Hòa hùng vĩ, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời sẽ có một cảm giác xuất thần, cách biệt với thế giới bên ngoài.
Cố cung rộng lớn như thế, muốn đi hết mọi ngóc ngách không phải là chuyện dễ dàng. Thế nhưng người thời đó rất chăm chỉ chịu khó, hơn nữa tổ chức đã sắp xếp cả rồi, cứ thế mà làm thôi.
Trước tiên sẽ tiến hành khảo sát Ngọ Môn. Bạn đi qua Thiên An Môn và Đoan Môn, thẳng về phía trước sẽ đến cổng chính vào Cố Cung là Ngọ Môn. Trước kia, thuyết thư thường nói “Giải ra Ngọ Môn chém đầu”, chính là chỉ chỗ này. Chính giữa bức tường thành màu đỏ cao lớn có ba cửa vào, còn hai bên trái phải là dịch môn, thường được gọi là Tam Minh Ngũ Ám. Do nhiều năm chưa được tu sửa, tường thành đã bong tróc nghiêm trọng, cỏ dại mọc kín môn lâu.
Tuy Ngọ Môn tiêu điều như thế nhưng vẫn còn được xem là khá tốt trong Cố Cung. Dù sao người ta cũng thường qua lại đây. Còn những khu vực khuất nẻo, quanh năm cửa đóng then cài lại càng tệ hơn. Cỏ dại mọc cao quá thân người, muốn tìm chỗ đặt chân để vào bên trong cũng không có. Khi cậu hai mới đến Cố Cung còn tưởng khoảng đất trống trước Ngọ Môn là pháp trường hành quyết các tù nhân thời xưa, còn cố tình đi xem thế nào. Sau này nghe các chuyên gia trong tổ công tác nói, tình tiết “Giải ra Ngọ Môn chém đầu” trong bình thư, hát kịch toàn là bịa đặt. Giải ra Ngọ Môn thì không vấn đề gì nhưng không được chém đầu trước Ngọ Môn. Nhà Minh cho xử quyết các tử tù ở cổng Tây Tứ, còn pháp trường của Nhà Thanh thì đặt ở Thái Thị Khẩu.
Thời đó, cứ sau mùa thu là sẽ tiến hành xử tử phạm nhân. Sai dịch sẽ áp giải tử tù ra khỏi Tuyên Vũ Môn, đi qua những nơi như Đoạn Hồn Kiều và Mê Thị và đưa đến Thái Thị Khẩu để hành hình. Nơi này tập trung nhiều sạp bán rau, nên mới gọi là Thái Thị Nhai, ngã tư trước mặt gọi là Thái Thị Khẩu. Ở đó có nhiều truyền thuyết ma quỷ nhất nên sẽ dành để kể sau.
Giờ lại nói về Ngọ Môn. Vì sao lại gọi là Ngọ Môn? Phàm đã là địa danh thì đều có một câu chuyện trong đó, Ngọ Môn cũng vậy. Bố cục bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của toàn bộ Tử Cấm Thành vô cùng tề chỉnh, tọa Bắc hướng Nam theo trục Tý Ngọ. Nếu lấy Tý, Sửu, Dần, Mão mười hai giờ tượng trưng cho phương vị. Tý sẽ ở chính Bắc còn Ngọ ở chính Nam. Ngọ Môn nằm ở cửa Nam Cố Cung. Chữ Nam đồng âm với chữ Nạn, không được may mắn, tốt lành, ngày xưa là điều kiêng kỵ. Bạn cứ nhìn vào cuộc chiến giữa hai miền Nam – Bắc, không chỉ ở Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, cả Hoa Kỳ nữa. Hễ Nam Bắc đánh nhau thì miền Bắc nằm phía trên, miền Nam nằm phía dưới. Luận về hình thế là trên đè dưới, Bắc đè Nam, phe phía Nam chưa bao giờ thắng trận. Triều đình trước đây kỵ nhất là điều này. Đây là lý do vì sao gọi Nam Môn là Ngọ Môn.
Những điều này là cậu hai nghe các đồng chí lớp trước của tổ công tác kể cho nghe. Những năm làm việc cùng họ đã giúp cậu học hỏi được khá nhiều thứ, cũng thỉnh giáo được mọi người vì sao Cố Cung được gọi là Tử Cấm Thành.
Ở đây có gì đáng nói không? Các đồng chí bảo làm sao mà không có được, đã là địa danh thì đều có sự tích cả. Tử Cấm Thành là nơi sinh sống của nhân vương, nhân vương chính là đế vương của thế gian, hiệu xưng là chân long thiên tử, là con của thiên đế. Thiên cung cũng được gọi là tử cung, bởi sao Tử Vi nằm ở giữa trời và đất. Hoàng cung nằm ở cấm địa được canh phòng nghiêm mật nên mới được gọi là Tử Cấm Thành. Chỉ là quy mô cung điện của nhân vương không dám vượt qua thiên cung. Tương truyền thiên cung có đúng một vạn gian phòng. Cố cung chỉ có chín nghìn chín trăm chín mươi chín gian phòng rưỡi, mục đích là để ít hơn Thiên cung nửa gian phòng. Trên thực tế, đã qua nhiều năm rồi mà vẫn chưa có người nào đếm được chính xác số phòng, chỉ biết đại khái con số là tám, chín nghìn, cũng như không ai biết trong Tử Cấm Thành tổng cộng có bao nhiêu con rồng. Cố Cung có biết bao điều bí ẩn khó mà giải đáp chi tiết hết được.
Khu vực tổ công tác của cậu hai khảo sát ban đầu là khu vực mé Tây phía trước Cố Cung. Sau khi đi vào Ngọ Môn thì rẽ trái, cách một dãy tường chính là điện Anh Vũ. Khu vực này không có nhiều kiến trúc, lại vừa sâu vừa trống trải. Ngày nay, Cố Cung đã mở cửa cho công chúng vào tham quan, nhưng cũng chỉ mở một phần nhỏ, còn phần lớn vẫn đóng cửa quanh năm. Điện Vũ Anh này là một trong số đó.
Khi tổ công tác bước vào bên trong điện, cỏ dại đã mọc kín khắp nơi, cao tận thắt lưng người, còn có một bầy quạ lớn sinh sống ở đây. Mỗi ngày khi mặt trời lặn, hoàng hôn buông xuống là bầy quạ kéo đàn kéo lũ bay đến điện Vũ Anh. Chúng nó bay rợp trời dậy đất, trông như một đám mây đen. Số lượng nhiều đến kinh người, không ngừng kêu những tiếng thê lương, ồn ã. Nhiều năm rồi, không ai dám động đến bầy quạ này vì lão bách tính đều nói đây là lính quạ đen của ngọc hoàng đại đế.
Ban ngày bầy quạ bay đến phía nam thành kiếm ăn, đến chiều tối lại bay về khu vực chung quanh điện Vũ Anh. Mái hiên, đầu tường đều là nơi chúng nó trú ngụ. Do nhiều năm qua khu vực này không có người lai vãng nên quạ rất dạn người. Tương truyền, bầy quạ trong Cố Cung đã có từ hàng trăm năm trước nhưng số lượng rất ít, không nhiều như bây giờ.
Lưu La Oa, một vị quan nổi tiếng thời Càn Long, từng làm một bài vè về những con quạ này: “Một con, hai con, ba bốn con. Năm, sáu, bảy, tám, chín, mười con. Ăn hết nghìn chén kê quân vương. Vì sao phượng hoàng thì ít còn chúng bay lại nhiều”
Ông mượn bài vè này để phê phán những viên quan tầm thường, vô dụng của triều đình. Tất nhiên cũng có người nói bài vè này tả chim sẻ nhưng thực tế là chỉ con quạ. Hoàng đế thời tiền Thanh thường hạ chỉ ném gạo cho quạ ăn, vì sách xưa có điển cố: “Ô Nha Phản Bộ” (Quạ mớm cơm cho cha mẹ). Hoàng đế cho quạ là loài chim có hiếu, trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu nên đáng được ban thưởng. Việc làm này chủ yếu để làm gương cho quan lại và thường dân bách tính, chứng tỏ hoàng đế là người tôn sùng hiếu đạo.
Mấy người trong tổ công tác bận rộn đến tận trưa. Trong lúc họ ngồi trước bậc thềm đá trước điện Vũ Anh ăn màn thầu, uống nước thì thấy một con quạ già đang đậu dưới bóng râm chỗ chân tường. Con quạ này có bộ lông bóng mượt, thân hình to lớn khác thường. Thời điểm này chung quanh điện Vũ Anh không có nhiều quạ, hầu hết đã bay đi kiếm ăn. Mới đầu tổ công tác cũng không để tâm đến nó, dè đâu con quạ ở Cố Cung này thật là có linh tính.
Trong tổ công tác có một nhân viên nữ tên Tiểu Trần. Cô ấy ném một mẩu bánh nhỏ còn thừa cho con quạ già, con quạ to lớn liền nuốt chửng nó. Sau bữa trưa, tổ công tác đi khảo sát ở khu vực phía trước điện Vũ Anh. Phía trước điện Vũ Anh chính là Vũ Anh Môn. Bao quanh đại điện là bức tường màu đỏ thẫm, đầu tường lợp ngói lưu ly, khắp mặt đất toàn là cỏ dại. Cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, Sấm Vương Lý Tự Thành đã tiến vào Bắc Kinh và lên ngôi xưng đế ở cung điện này nhưng không lâu sau đã bị quân thiết giáp Bát Kỳ Mãn Thanh đánh cho phải chạy khỏi kinh thành, rồi thua trận vong mạng. Mang trong mình giai đoạn lịch sử này khiến cho cung điện vốn hoang phế càng thêm vẻ lạnh lẽo, thê lương.
Tổ công tác gạt cỏ dại qua một bên, định tiến về phía trước, con quạ già chợt kêu to, vỗ cánh bay lòng vòng trên đầu mọi người. Có người nói: “Con quạ này thật đáng ghét, cho ăn rồi là bám riết không thôi”. Người này vừa chửi vừa đi về phía trước. Con quạ liền bay xuống mổ vào người anh ta, có xua đuổi thế nào nó cũng không chịu bỏ đi.
Lão đồng chí trong tổ cảm thấy hành vi của con quạ có phần quái lạ, giống như muốn bảo mấy người họ không nên đi sâu vào bên trong, hay là phía trước có nguy hiểm gì chăng?
Trong lòng mọi người đều đặt dấu hỏi, căng mắt nhìn về phía trước. Có mấy cái vò lớn bằng đồng hình đầu thú nằm khuất sâu trong bụi cỏ. Đây là đồ chứa nước phòng tránh hỏa hoạn trong cung, hầu như như cung điện nào cũng có. Lúc này chợt nghe thấy tiếng sột soạt trong bụi cỏ, dường như có thứ gì đó đang di chuyển rất nhanh trong đó. Vút một tiếng, một con quái vật không biết là loài gì đột nhiên nhảy vọt ra.
Sinh vật sống nhảy ra từ bụi cỏ này dài hơn một thước, trên người có những cục u sần sùi, màu da giống như màu lá khô, có tứ chi và đuôi, cái đầu vừa tròn vừa bẹt, hai con mắt và lưỡi của nó đỏ lòm như máu, trông rất hung ác. Nó nhảy vào đám cỏ dại trước thềm đá của điện Vũ Anh ngay trước mắt mọi người. Mọi người thử tìm kiếm những không thấy nó đâu. Nếu không nhờ con quạ già làm loạn trên đầu, chắc là nhóm người cậu hai đã bị nó cắn nếu còn bước thêm mấy bước nữa rồi.
Trước kia từng lan truyền lời đồn trong Cố Cung có quái vật. Nhiều người đã trông thấy nhưng chưa bao giờ bắt được. Còn như hình dạng của nó thế nào thì mỗi người nói một phách, không ai giống ai. Tương truyền đó chính là thần thú trấn tà trên mái điện. Trải qua nhiều năm tháng mà có linh tính, đợi đêm khuya thanh vắng sẽ di chuyển khắp nơi. Tất nhiên đây chỉ là những lời đồn đại mê tín, có điều trong Cố Cung quả thực có quái vật. Năm đó cậu hai làm trong đội tuần tra ban đêm của ban bảo vệ đã được chứng kiến tận mắt không chỉ một lần. Cái hôm nhìn thấy con quái vật trước bụi cỏ của điện Vũ Anh đó chính là lần đầu tiên.
Lão đồng chí trong tổ công tác họ Giả. Cậu hai gọi ông ấy là “Giả Bất Đổng” (Giả không hiểu). Giả không hiểu nhưng lại thực sự hiểu. Hầu như chuyện gì trong Cố Cung ông ấy cũng biết. Ông ấy rành rẽ lịch sử của từng viên gạch, tấm ngói nơi này.
Tỉ như thần thú chạm khắc trên nóc nhà hay trên mái thoát nước của cung điện. Con nào cũng có tên gọi, con nào cũng có sự tích. Đồng chí Giả Bất Đổng có thể kể cho bạn lai lịch của từng con một. Nhưng cái thứ nhảy từ trong bụi cỏ ra này, ngay đến lão Giả cũng không nhận ra, có lẽ vì ông ấy đi phía sau nên không thấy rõ.
Ban đầu mọi người cho nó là một loại quái xà nào đó nhưng rắn vốn không có chân. Sau này đã tra cứu nhiều hồ sơ tài liệu cũ. Trước đây, khá nhiều loài động vật được nuôi trong Cố Cung. Ngự hoa viên có những con thú kỳ dị quý hiếm, còn có những con thủ cung được nuôi trong tầng hầm. Thủ cung là loài động vật có độc tính cao, được nuôi trong thâm cung và cho ăn những vị thuốc bí truyền. Khi lớn lên sẽ bị đóng đinh vào ngói, nướng trên than hồng và được nghiền thành bột thủ cung sa, sau đó chấm lên cánh tay cung nữ, phi tần. Khi đó cánh tay sẽ có một dấu máu đỏ như hồng ngọc, một khi cung nữ, phi tần bị thất tiết, vết thủ cung sa sẽ biến mất. Phương pháp này được dùng để ngăn chặn những kẻ làm chuyện ô uế trong hoàng cung.
Sau khi hoàng đế cuối cùng nhà Thanh là Phổ Nghi bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành, thủ cung không còn được cho ăn uống nữa, liền trốn đi khắp nơi. Loài này ưa chỗ râm mát, những vại đồng lớn trước điện Vũ Anh đã tích tụ nước mưa hàng trăm năm. Nước có màu xanh đen, bốc mùi tanh hôi, rêu xanh bám đầy chung quanh, bên dưới là những khe kẽ ẩm ướt, mát mẻ. Thủ Cung rất thích chui vào những chỗ này. Có thể chúng nó đã cắn chết rất nhiều quạ. Mặc dù nhiều người không ưa quạ nhưng loài chim này rất khôn, rất có linh tính. Con quạ già đó nhất định biết rõ trong bụi cỏ có thủ cung nên mới ngăn không cho người lại gần.
Tất nhiên đây cũng chỉ là phỏng đoán. Vì không bắt được con quái vật thường hay xuất hiện ở quanh điện Vũ Anh nên không thể biết được rốt cuộc nó là giống gì. Thực tế không chỉ có mỗi loài này. Vào những năm năm mươi, trong Cố Cung có rất nhiều loài sinh vật phổ biến như là chồn vàng, mèo hoang, chuột, dơi. Do đã bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ nên Cố Cung cũng có các loài độc vật như bò cạp, rắn, rết. Kể từ lần đó, tổ công tác đã rút ra bài học. Nếu đi tới những nơi hoang vắng, cỏ mọc cao đến đầu gối thì phải quấn xà cạp trước, chí ít cũng buộc gấu quần lại, để tránh rắn rết chui vào trong cắn người bị thương.
Trong quá trình cải tạo toàn bộ Cố Cung, tổ công tác đã lần theo manh mối tìm thấy một gian phòng bí mật cất giữ châu báu, địa điểm nằm ở cung Càn Thanh. Cái này là do sau giải phóng có một lão thái giám đã báo cho chính phủ nhân dân thông tin về mật thất để lập công. Nghe nói ngay cả Phổ Nghi cũng không biết đến nơi này. Cung Càn Thanh có kiến trúc cực kỳ phức tạp. Nơi đây từng là tẩm cung của hoàng đế, có chín gian noãn các, mỗi gian chia làm hai tầng trên dưới và nối thông với nhau bằng cầu thang. Mỗi gian phòng đều có ba giường, cả thảy có hai mươi bảy giường để cho hoàng đế thay đổi chỗ ngủ, tránh bị người ám hại. Thế nhưng một số vụ án mạng của cung đình nhà Minh vẫn xảy ra ở đây.
*Noãn các: Phòng đặt lò lửa để sưởi ấm.
Noãn các ở cung Càn Thanh có tường đôi chống cháy. Gian phòng bí mật nằm ở bên trong tường. Thứ giá trị cuối cùng được lấy từ bên trong có tên là Kim Phát Tháp. Đó là một tòa bảo tháp nhỏ bằng vàng ròng, cao hơn bốn thước, trên thân khảm đá quý, kỹ thuật chế tác vô cùng tinh xảo, trên tháp đặt một ít tóc. Đó là tóc của Hiếu Thánh Hiến Hoàng hậu, mẹ ruột hoàng đế Càn Long. Hoàng đế nhà Thanh rất sùng tín Mật tông cho nên mới có tục lệ này, gọi là Hi Thế Trân Bảo (bảo vật hiếm có trên đời)
Ngoài ra, còn có hai đồ tạo tác bằng xương, chính là pháp khí làm từ xương người. Còn như là xương cốt của ai thì chưa khảo chứng được. Trong dã sử có một cách nói chưa chứng thực rằng thời Hàm Phong có phát phỉ dấy loạn, ý nói cuộc khởi nghĩa của Thái Bình Thiên Quốc. Đây là cuộc nổi dậy của nông dân có quy mô lớn nhất, kéo dài nhất trong lịch sử triều Thanh. Khi Thái Bình Thiên Quốc ở thời kỳ hưng thịnh nhất đã phái binh Bắc phạt. Hai thống soái của chuyến Bắc phạt là Lâm Phượng Tường và Lý Khai Phương. Quân Thái Bình tiến thẳng một đường về phương Bắc, thế như chẻ tre. Khi đánh đến Thiên Tân thì bị phục kích bởi tổ chức dân đoàn của tri huyện Thiên Tân, Tạ Tử Trừng. Quân Thái Bình bị tổn thất nặng nề. Lúc này quân kỵ mã Mông Cổ do Tăng Cách Lâm Thấm chỉ huy đã kịp tới tăng viện cho quân triều đình. Quân Thái Bình bị tiêu diệt hoàn toàn. Lâm Phượng Tường và Lý Khai Phương lần lượt thụ thương và bị bắt sống. Lý Khai Phương là người bị bắt đầu tiên.
Trước giờ, quân Thanh chưa thắng quân Thái Bình trận nào. Đây là lần đầu tiên giành thắng lợi lớn, bắt được thủ lĩnh phản tặc. Để tâng công với hoàng đế, Thiết Mạo Tử Vương Tăng Cách Lâm Thấm đã cho đóng cũi Lâm Phượng Tường, giải về Bắc Kinh. Hoàng đế dẫn theo văn võ đại thần, đích thân đứng trên lầu Ngọ môn quan sát tù binh. Lão bách tính ở kinh thành cũng đổ xô đến xem náo nhiệt. Đám đông chen vai thích cánh thành một biển người, muốn xem đại nhân vật của quân Thái Bình này có phải ba đầu sáu tay không. Nhác trông tuy không lợi hại như trong truyền thuyết nhưng cũng thực là tay hảo hán.
Lâm Phượng Tường bị áp giải đến Thái Thị Khẩu xử lăng trì. Thân thể phải chịu hàng nghìn nhát dao cắt nhưng từ đầu đến cuối thần sắc vẫn như thường. Sau khi chết xương hàm được Lạt ma làm thành chén uống rượu, mặt trên có khắc chân ngôn chú ngữ của mật tông, nghe nói có thể trừ tà.
Sau này Thái Bình Thiên Quốc hoàn toàn bị trấn áp. Thiên vương Hồng Tú Toàn có một người em gái tên là Hồng Tuyên Kiều. Thời điểm Nam Kinh bị quân Thanh đánh chiếm, Hồng Tuyên Kiều đã chết trong đám loạn quân. Quân Thanh tìm thấy thi thể liền lột da lấy xương, di cốt cũng được làm thành pháp khí. Theo mô tả trong dã sử, hai món này được cất giữ trong đại nội hoàng cung nhưng chưa ai được thấy, hơn nữa đây cũng không phải là chính sử, chỉ là truyền thuyết tiện thể nhắc đến thôi. Nhưng quả thực trong số bảo vật được phát hiện ở mật thất của cung Càn Thanh có hai món đồ tạo tác mật tông làm bằng xương. Nguồn gốc thế nào vẫn chưa xác minh được.
Các bảo vật phát hiện trong mật thất ở Cố Cung vào đầu những năm năm mươi giờ đây có thể được nhìn thấy ở Trân Bảo Quán của bảo tàng Cố cung nhưng hai món đồ tạo tác bằng xương kia vẫn chưa từng được trưng bày. Không biết là đã bị niêm phong hay thế nào rồi.
Trân Bảo Quán hiện nằm ở phía Đông Bắc của Cố Cung. Nơi này thuộc về hậu đình, cách nơi Trân phi nhảy xuống giếng không xa. Vì đã kể về quái vật ở Cố cung nên tiếp theo sẽ kể về giếng Trân phi.
Vào cái năm liên quân tám nước đánh vào Bắc Kinh, Thái hậu Từ Hi định chạy về Tây An lánh nạn. Lão Phật gia vốn không ưa Trân phi, xem nàng là cái gai trong mắt nên vẫn giam lỏng Trân phi trong lãnh cung. Trước khi chạy trốn nhất định phải tìm cớ trừ khử con tiểu yêu tinh này. Bà ta liền nói quân tướng Tây Dương sắp đánh vào thành Bắc Kinh rồi, không thể để Trân phi ở lại chịu nhục. Nếu chẳng may bị đám quỷ Tây Dương chà đạp sẽ tổn hại đến thể diện quốc gia, nên ép Trân phi phải nhảy xuống giếng tự tận.
Trân phi đang sống bình thường, sao lại có thể cam tâm đi chết. Lúc đó đã chống cự quyết liệt, cuối cùng bị đám thái giám tâm phúc của Từ Hi đẩy xuống giếng. Kết quả là ngọc nát hương tan, trở thành con ma nước. Sau này Từ Hi trở về Tử Cấm Thành, ban đêm thường mơ thấy ác mộng. Bà ta thấy Trân phi đầu bù tóc rối, bò ra khỏi miệng giếng đòi mạng. Từ Hi không chịu nổi nữa nên sai người trục vớt thi thể của Trân phi dưới đáy giếng đem đi chôn cất tử tế. Một điều khá đáng sợ là thi thể Trân phi vẫn như người còn sống. Đây cũng có thể là hậu thế nghe sai đồn bậy. Đến thời Dân quốc thì xảy ra một vụ đại án – Ban đêm trộm mộ Trân phi. Chuyện này sẽ để nói sau.
Tôi nghe cậu hai kể khi Cố cung được cải tạo vào những năm năm mươi, có người đã nhìn thấy một thứ gì đó rất kỳ quái gần giếng Trân phi.
Giếng Trân phi nằm ở Cảnh Kỳ Các, thuộc về hậu đình của Tử Cấm Thành. Nó là một ngôi lầu các hai tầng. Khi đó những người trong ban quản lý đã biết chuyện giếng Trân phi có ma. Ban ngày đi qua đây cũng thấy rợn người. Miệng giếng nhìn không lớn lắm, chỉ cần người Trân phi đầy đặn hơn tí là không thể nhét vừa. Trước kia giếng nước là một lan can hán bạch ngọc hình bát giác, gọi là Bát Giác Linh Lung Tỉnh. Khi đó miệng giếng vẫn còn rất rộng.
Đầu những năm năm mươi, giếng Trân phi đã cạn trơ cả đáy. Khi đó có người của đội tuần đêm đi ngang qua Khánh Thọ Đường. Ban đêm nghe thấy tiếng cỏ xào xạc, còn tưởng là con mèo hoang nào đó, chiếu đèn pin vào thì trông thấy một đứa bé rất gầy, hình dáng quái lạ, có mũi, có mắt, đứng thẳng còn chưa cao đến đùi người bình thường, toàn thân mọc lông trắng toát.
Nếu nói con quái vật này là một đứa bé thì không giống lắm mà nó giống một con khỉ nhỏ có lông màu trắng hơn. Mấy người của đội tuần đêm cũng bạo gan, liền hò hét xông tới định bắt con khỉ. Không ngờ tên gia hỏa này đã nhanh chân tẩu thoát, chỉ nhảy tưng tưng vài cái đã lên đến đầu tường. Đội tuần đêm nương theo ánh trăng đuổi theo phía sau, từ Khánh Thọ Đường đến tận Cảnh Kỳ Các. Chỉ thấy nó chui vào giếng Trân phi nhanh như làn gió. Đội tuần đêm chạy đến bên miệng giếng, nhìn xuống dưới chỉ thấy một màn tối đen, không thấy đáy.
Khi nạo vét bùn đất ở cái giếng cổ này, có công nhân xuống bên dưới thì thấy thành giếng rất trơn, không thứ nào có thể leo lên trên. Mặc dù bùn đất được moi lên khá nhiều nhưng chưa sâu bao nhiêu nước đã dâng lên kêu ùng ục. Có người nói khả năng giếng thông với sông Đồng Tử nên không dám đào nữa, cứ để mặc cho nước tự lên xuống.
Chuyện này cậu hai cũng chỉ nghe những người tham gia nạo vét kể lại. Sau này Cố cung mở cửa với bên ngoài, người ra vào ngày một nhiều, những chuyện quái gở này cũng hiếm khi xuất hiện trở lại. Mặc dù vậy, hiện nay Cố cung vẫn còn một số khu vực chưa bao giờ mở cửa cho công chúng tham quan. Trong đó có một số nơi sau mười hai giờ đêm, ngay đến đội tuần đêm cũng không dám tới.
Nơi làm đội tuần đêm hãi nhất chủ yếu là phía đông hậu đình Tử Cấm Thành. Cố cung có vô số gian phòng, những người không quen thuộc đường lối mà vào đây sẽ giống như lạc vào mê cung. Mặt trước Tử Cấm Thành chủ yếu là ba tòa đại điện, lần lượt là điện Thái Hòa, điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa. Kể từ thời nhà Minh, chung quanh ba tòa đại điện này không trồng một cái cây nào. Theo cách nói của dân gian, không trồng cây vì sợ thích khách sẽ ẩn núp trên đó nhưng thực tế không phải như vậy.
Ba tòa đại điện ở ngoại triều Tử Cấm Thành xưa nay không hề trồng cây, đến thời cận đại thì có trồng loe hoe một vài cây. Số cây được trồng sau cách mạng Tân Hợi phát triển không tốt, sau đó cũng bị chặt bỏ. Trước đây, triều đình không cho trồng cây, chủ yếu là để làm tôn lên vẻ uy nghiêm, hùng vĩ của chốn hoàng cung. Các quan văn võ đến triều bái thiên tử, trước hết phải đi qua Thiên An Môn, bước trên một ngự đạo vừa dài vừa sâu, xuyên qua tầng tầng lớp lớp kiến trúc nhấp nhô, cảm nhận được một áp lực vô hình đang tăng dần. Cuối cùng khi bước vào Thái Hòa Môn, nhìn thấy ba tòa đại điện nguy nga sừng sững trên quảng trường rộng lớn, áp lực tinh thần sẽ lên tới cực điểm. Đây chính là hiệu quả mà đấng thiên tử chí cao vô thượng mong muốn.
Cậu hai còn nghe đồng chí Giả nói rằng không trồng cây trước cung điện cũng có liên quan sâu sắc đến vấn đề phong thủy ngũ hành. Tử Cấm Thành chú trọng thiên nhân hô ứng. Hoàng đế chiếm vị trí thổ trong ngũ hành. Mộc khắc thổ, không có lợi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trước ba tòa đại điện không có cây xanh. Trong Cố cung có rất nhiều điều kiêng kỵ như vậy. Tỉ như trong Tử Cấm Thành có nhiều nơi treo biển trước cửa vào. Phần trên được viết bằng chữ Hán và chữ Mãn cho biết đây là cửa gì. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ sẽ thấy chữ “Môn” đều không có nét móc dưới cùng. Đây chỉ là một trong vô số điều kiêng kỵ. Ngoài ra phía đông còn có Âm Môn, là nơi bị ma ám.
Âm Môn không phải là tên gọi chính thức mà là tên gọi thông tục của dân gian. Cửa này được gọi là Đông Hoa Môn. Đinh trên mỗi cánh cổng lớn ở Tử Cấm Thành đều có “Chu hộ kim đinh, tung hoành cá cửu” tức là cửa sơn màu đỏ son, đinh cửa thếp vàng, sắp xếp theo số 99, mỗi hàng là chín đinh, tổng cộng chín hàng ngang dọc. Duy có mỗi Đông Hoa Môn, đinh cửa lại thiếu mất một hàng, chỉ có tám chín bảy mươi hai cái đinh. Có người nói trong quá trình xây dựng cổng này đã xảy ra sai sót. Thực ra không phải vậy. Tử Cấm Thành là nơi hoàng đế ở, ai dám phạm lỗi lớn như thế? Vả lại từ đầu đã sai rồi, vì sao hàng trăm năm qua vẫn chưa sửa lại?
Thực ra là cố ý để như vậy. Bảy mươi hai là số địa sát. Đông Hoa Môn vốn không phải nơi dành cho người sống đi lại. Hơn hai mươi vị hoàng đế của mọi triều đại từng sống ở Tử Cấm Thành khi băng hà đều được đưa đi an táng qua lối Đông Hoa Môn, chính vì vậy mới có cái tên là Âm Môn. Khu vực này rất trống trải, còn vắng lặng hơn cả điện Vũ Anh ở phía tây và cũng là nơi có nhiều tin đồn ma ám nhất.
Đông Hoa Môn nằm ở góc Đông Nam Của Tử Cấm Thành, vị trí xa xôi, khuất nẻo. Vào những năm năm mươi, khu vực này rất hoang vắng. Đi về phía Bắc qua Hoàng Cực Môn là thuộc về nội đình. Các công trình kiến trúc bắt đầu trở nên dày đặc, cung điện nhấp nhô, trùng điệp, người nào không quen đường lối rất dễ đi lạc.
Từ trên cao nhìn xuống mé Đông Bắc Tử Cấm Thành, cung điện, lầu các và các bức tường giống như một bàn cờ, các tin đồn ma ám trong Cố Cung phần lớn xảy ra ở phía Đông. Thậm chí còn có người đã mất tích sau khi bước vào đây, xác cũng không thấy đâu. Một người đang sống sờ sờ mà lại biến mất một cách không rõ ràng như thế đó.
Hồi mới giải phóng, rất nhiều đơn vị thực hiện chế độ quân quản. Nhiều nhân viên của ban quản lý và ban bảo vệ đều là người của bên quân đội điều động qua làm. Cậu hai có một đồng nghiệp, cũng là quân nhân chuyên nghiệp. Hồi chiến tranh là nông dân ở quê tham gia quân đội, chữ nghĩa không có bao nhiêu được mỗi cái liều mạng. Anh ta đến Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh chưa quá hai ngày, biết đây chính là Kim Loan Điện của lão hoàng đế thì hai con ngươi không làm chủ được nữa. Nhìn gì cũng thấy mới lạ, một mình đi thăm thú khắp nơi.
Có người trong ban quản lý khuyến cáo anh ta: “Cậu không biết đường lối, đừng đi lại lung tung một mình trong này, kẻo lạc đường thì gay đấy”.
Cái gã thô thiển này không chịu nghe lời. Hồi trước từng đánh du kích với quỷ Nhật, núi sâu rừng rậm gì mà chả từng chui vào, không tin có thể lạc trong này. Kết quả người này một mình tới hậu đình, sau đó không thấy quay về nữa. Ban bảo vệ cử người đi tìm suốt mấy ngày trời nhưng không thấy tung tích gì. Còn như đã gặp phải chuyện gì ngoài ý muốn hay không, e là chỉ có anh ta mới biết nhưng không còn cơ hội nói ra nữa rồi. Cũng không biết có phải chuyện này liên quan đến lời đồn hậu đình của Đông cung có ma không nữa.
Nói hậu đình Đông cung bị ma ám không phải là không có cơ sở. Bản thân kiến trúc ở Hậu đình rất phức tạp, phát huy đầy đủ yếu tố phong thủy cổ đại. Tử Cấm Thành có một đặc điểm là nếu đứng trên đồi Cảnh Sơn ngoài Hoàng Thành, địa thế sẽ cao hơn rất nhiều so với bên trong thành. Mặc dù bên trong cung có rất nhiều công trình nhà cửa nhưng chỉ trông thấy những bức tường đỏ nối tiếp nhau và mái điện lợp ngói lưu li nhấp nhô. Đây là để ngăn ngừa thích khách đứng trên đồi nhìn lén đường đi lối lại trong đại nội.
Trước giải phóng, Bắc Kinh từng có giai đoạn được gọi là Bắc Bình. Vào những năm chiến tranh loạn lạc đó, quân phiệt Bắc Dương, người Nhật và Quốc dân đảng là những thế lực thay nhau nắm quyền thống trị Bắc Bình. Mặc dù thành phố không có chiến tranh lớn nhưng đã có những lúc trị an không được ổn định. Sau khi hoàng đế bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành, nơi đây gần như đã trở thành mảnh đất vô chủ. Việc tuần tra đảm bảo an ninh công cộng chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng gì. Bọn trộm cắp nhìn vào hoàng thành sao có thể không thấy xốn mắt cho được.
Trên thực tế, để tránh bị quân Nhật ném bom, những bảo vật giá trị liên thành trong Cố cung đã được chính phủ chuyển về hậu phương. Cố cung gần như đã trở thành một tòa thành trống, nhưng trộm cắp không thể trở về tay trắng. Nơi ở bao đời của các hoàng đế, tiện tay lấy món nào cũng đều là bảo bối cả vì thế bọn trộm liên tiếp đột nhập vào Tử Cấm Thành nhưng sau khi vào được bên trong lại rất ít tên có thể sống sót trở ra. Nghe nói bọn chúng đều bị ma quỷ mê hoặc, vây hãm ở trong đó.
Sự kiện Đông cung bị ma ám bắt đầu từ cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh. Hai mươi vạn đại quân của Sấm vương Lý Tự Thành, mặc đồ đen, giáp đen, vượt sông Hoàng hà đánh vào thành Bắc Kinh, thế như chẻ tre. Hoàng đế Sùng Trinh cùng đường, đã phủ tóc che mặt, treo cổ tự vẫn ở núi Môi Sơn.
Trong số cung nữ chốn tam cung lục viện, có người sợ bị nghĩa quân bắt và làm nhục, cũng có người muốn giữ trọn lòng trung với hoàng đế nhà Minh nên đã tự sát khá nhiều.
Sau khi nghĩa quân đánh vào Tử Cấm Thành đã giết thêm một số người nữa. Hầu hết người chết đều ở Đông cung. Nhiều năm đã trôi qua nhưng oan hồn vẫn không siêu thoát. Theo dân gian truyền miệng, sau khi Mãn Thanh nhập quan đã cho xây một Phật đường ở phía đông để trấn áp những hồn ma này. Cuối đời nhà Thanh, Phật đường này đã bị sập, không thể trùng tu, nên ma quỷ mới xuất hiện quấy phá.
Thuở trước, Bắc Kinh có rất nhiều truyền thuyết về phi tặc nhưng thực tế số phi tặc có thể băng tường vượt nóc vô cùng ít ỏi. Kẻ có bản lĩnh đó thì không cần phải trộm hoàng cung nội phủ làm gì nữa, cứ tìm một nhà phú thương nào to to, là có thể trộm được vô số tài vật. Hầu hết bọn trộm cắp đều không có lợi hại như thế. Tỉ như trước kia ở Phong Đài có một tên trộm, ngoại hiệu là Phi Mao Thoái. Hắn ta đi lại thong dong trên phố, vào cửa hàng của ai đó, chộp lấy món hàng rồi ù té chạy, những người bình thường đều không đuổi kịp hắn ta vì thế mới có ngoại hiệu là Phi Mao Thoái. Còn nguyên nhân vì sao đa số bọn trộm cắp đều chết ở Đông cung thì chúng ta phải tìm hiểu sơ qua địa hình của Tử Cấm Thành trước đã.
Bao quanh Tử Cấm Thành là một con sông hộ thành. Thời Dân Quốc con sông này khá sâu, duy chỉ có khu vực chung quanh giác lâu ở phía Đông Bắc của Cố Cung mới có thể tìm được một nơi để qua sông.
*Giác lâu: Lầu canh gác nằm ở góc tường thành.
Đám mao tặc thấy nước sông dưới chân giác lâu khá nông, bèn dùng thang rết leo lên tường thành vào trong hậu đình. Cũng có tên ban ngày đột nhập qua lối cửa ngách, ẩn núp chờ đến đêm mới động thủ, chúng thường trốn những nơi gần hậu đình Tử Cấm Thành. Ban đêm đi lại giữa thâm cung đại nội u ám, trống vắng, gặp lúc gió thổi cỏ lay, tên nào yếu bóng vía sẽ bị dọa cho chết khiếp. Nghe đồn cũng có tên bị ma quỷ dắt đi lung tung. Dù cho nơi này không có ma quỷ chăng nữa, khi đó tất cả cửa cung đều đã đóng chặt, bọn chúng phải mò mẫm trong bóng tối mà đi, có lạc đường cũng không phải chuyện lạ. Một số tên trộm đã chết ở bên trong nhưng vẫn chưa tìm thấy xác. Trường hợp cá biệt thì giống như cái gã thô thiển ở ban bảo vệ. Nói mất tích là mất tích luôn, đến nay vẫn chưa thấy thi thể đâu.
Khi Tử Cấm Thành được cải tạo vào đầu những năm năm mươi, hai xác chết đã được tìm thấy trong rãnh thoát nước phía đông Hậu đình. Xương cốt bị ngâm trong nước bẩn đã mục nát, đến nay vẫn chưa xác định được danh tính. Do đã xảy ra nhiều chuyện không thể giải thích được nên lúc đó các nhân viên trong ban bảo vệ có một quy định bất thành văn đó là tuyệt đối không được đi về khu vực phía đông hậu đình sau mười hai giờ đêm.
Vào những năm sáu mươi, cậu hai chịu tác động của cách mạng văn hóa, nên rời khỏi ban bảo vệ, sau khi được minh oan, tổ chức đã sắp xếp cho cậu làm một công việc khác.
Cậu vẫn ở Bắc Kinh cho đến khi già cả, trải qua mấy chục năm mưa gió, cũng xem như là người nơi đây, thậm chí cũng có thói quen uống nước đậu xanh và ăn bánh rán như người Bắc Kinh gốc. Cậu kể cho đám hậu bối chúng tôi những gì mình từng nghe, từng thấy khi còn làm trong ban bảo vệ Cố Cung, sống động cứ như thật vậy.
Chẳng hạn như từ “Triều đình” mà mọi người biết. Do Tử Cấm Thành được chia làm hai phần trước sau. Ba tòa đại điện chủ trì chính sự nằm ở phía trước được gọi là tiền triều, hậu cung nơi hoàng đế ở được gọi là hậu đình, ghép lại gọi chung là triều đình.
Chữ Môn trên các tấm biển đề ở Tử Cấm Thành đều không có nét móc, duy có Tích Khánh Môn là có nét móc. Có rất nhiều dị bản giải thích về bí ẩn này.
Nghe nói hoàng thành có rất nhiều điều cấm kỵ. Trong thư pháp, nét cuối cùng của chữ Môn được gọi là câu giác (nét móc). Hoàng cung đại nội kỵ nhất là câu tâm đấu giác (Đấu đá lẫn nhau) vì vậy tất cả nét móc đều được bỏ đi. Duy chỉ có Tích Khánh Môn là ngoại lệ. Tích Khánh Môn nằm ở phía Đông hậu đình, là đầu mối giao thông quan trọng của toàn bộ Tử Cấm Thành. Theo cách nói mê tín ngày xưa, cửa này tương đương với tử huyệt của con người và cần được che chở. Vì thế chỉ có chữ Môn ở Tích Khánh Môn là có nét móc câu.
Bạn đọc nào có dịp ghé thăm Cố Cung, đừng quên kiểm chứng xem có đúng không nhé, đảm bảo sẽ có những phát hiện bất ngờ đấy.
So với những chuyện cổ quái này thì câu chuyện khiến cậu hai thích thú nhất lại là một giai thoại ít người biết đến mà cậu đã nghe được từ đồng chí Giả.
Vào những năm đầu đời Thanh, Tử Cấm Thành được canh phòng nghiêm mật. Các doanh, các kỳ của Ngự lâm quân đều có khu vực phòng giữ riêng, kín kẽ như cái thùng sắt, đến con ruồi cũng không lọt được vào nhưng đến thời Hàm Phong đã xảy ra một chuyện ly kỳ.
Những năm đầu thời Hàm Phong, huyện Uyển Bình phủ Thuận Thiên có một thảo dân, vốn là bách tính tầm thường chốn thôn dã, tổ tông tám đời chưa từng được no bụng. Gã này họ Vương, nhà nghèo xác xơ, không có đại danh, chỉ có cái nhũ danh là Khố Nhi, tên đầy đủ là Vương Khố Nhi, biệt danh là Sỏa Trụ Tử. Sỏa Trụ Tử là kiểu nói của người Bắc Kinh xưa, dùng để chỉ một người khù khờ, không hiểu vương pháp, chỉ biết đến kiếm tiền. Đến đời anh ta thì làm nghề buôn bán nhỏ. Hàng ngày hấp bánh màn thầu rồi đẩy xe vào thành Bắc Kinh bán.
Có lần nọ, hắn tình cờ nhặt được một cái yêu bài ra vào Tử Cấm Thành, yêu bài tương đương với giấy thông hành ngày nay. Bạn nói xem tên tiểu tử này to gan đến mức nào. Hắn chẳng coi vương pháp ra gì, điều đầu tiên nghĩ đến là liệu có thể bán màn thầu trong Tử Cấm Thành không? Hắn cũng chẳng biết đấy là chuyện động trời thế nào, tự mình cạo bỏ tên chủ nhân trên yêu bài, thay tên của mình vào. Qua ngày sau, không bán bánh ngoài đường nữa mà đẩy xe nghênh ngang đi vào Tử Cấm Thành.
Khi đó, đám quân canh cũng không tưởng lại có kẻ lớn mật như vậy, chưa được phép mà dám bày bán trong cấm địa của đại nội nhưng thấy Vương Khố nhi đeo yêu bài thì nghĩ là phủ nội vụ đã đặc cách phê chuẩn nên để hắn ta vào bên trong. Từ đó, Vương Khố Nhi say mê kiếm tiền, ngày nào cũng thức khuya dậy sớm vào trong hoàng cung bán bánh. Đám thái giám, cung nữ, ngự tiền thị vệ thảy đều cho rằng người này có thể bán màn thầu trong Tử Cấm Thành, chắc đã được thượng cấp cho phép nên cũng không hỏi nhiều, lại có không ít người đến mua màn thầu. Phải nói tay nghề của Vương Khổ Nhi rất khá, ai cũng khen màn thầu hắn làm rất thơm ngon.
Có những lúc để kịp buổi chầu sớm, các vương công, đại thần phải vào Tử Cấm Thành từ lúc trời còn chưa sáng, không thể bắt hoàng thượng đợi các đại thần được. Do phải dậy quá sớm, nhiều người còn chưa kịp ăn sáng. Vương Khố Nhi biết thế liền dậy sớm hơn cả các đại thần này, đẩy xe màn thầu còn nóng hôi hổi đến bán. Các vương công bối lạc, đại thần văn võ thấy trong cung có bán màn thầu thì đều lấy làm lạ nhưng vừa ngửi thấy mùi bánh thì bụng sôi lên òng ọc, vội vội vàng vàng móc tiền ra mua. Có người không mang theo tiền vì trước giờ đi chầu đâu cần đem theo ngân lượng, thế là phải tìm các đại thần để vay tiền.
Màn thầu của Vương Khố Nhi bán đắt gấp mấy lần bên ngoài nhưng Tử Cấm Thành có mỗi sạp hàng này, ngày nào bánh cũng bán hết veo. Ngoại trừ hoàng đế ra, ngay đến hoàng hậu ở hậu cung cũng biết chuyện này. Nghe nói có tiểu thương bán màn thầu, tay nghề độc đáo nhất kinh thành cho nên hoàng hậu và các phi tần thỉnh thoảng cũng sai thái giám đến mua về ăn. Những người này đã quen với sơn hào hải vị, chưa từng nếm qua loại bánh màn thầu bình dân này.
Vì đây là món mới lạ, lại thêm ai ăn cũng khen cả nên những người thấy món này bình thường cũng không khỏi thấy ngon miệng. Hơn nữa, đồ ăn kèm theo toàn là thứ tốt trong cung, đâu phải là dưa cải muối.
Do Vương Khố Nhi bày sạp bán màn thầu quanh năm trong cung nên lâu ngày cũng quen thân với đám thị vệ, thái giám, thậm chí cả vương gia, bối lạc. Có lần hắn ốm bệnh, không vào Tử Cấm Thành bán bánh được. Ngày nào mọi người cũng gặp hắn ta, một ngày không có mặt liền thấy nhơ nhớ. Nghe nói vị vương gia nào đó đã phái ngự y đến thăm bệnh cho hắn, có thể nói là tiếng tăm như cồn.
Sau này các vương công, đại thần, hoàng hậu, phi tần đều luôn miệng ca tụng hoàng đế, nói hoàng đế thật là một vị quân vương nhân từ, vì thương xót các đại thần phải dự chầu sớm vất vả nên cho người bán màn thầu trong cung để mọi người có cái ăn. Hoàng thượng càng nghe càng thấy lạ. Làm gì có chuyện này? Màn thầu ở đâu ra? Nhưng hoàng đế có anh minh hơn nữa thì vẫn thích nghe kẻ dưới tâng bốc, nịnh nọt; bề tôi nói mình là vua thánh chúa hiền lại chả sướng hay sao? Dĩ nhiên là mặt rồng vui vẻ, cũng không truy cứu chuyện này.
Mãi đến vài năm sau đó, chuyện Vương Khố Nhi bày sạp bán hàng không phép mới vỡ lở. Thì ra có một chấp sự ở ngự thiện phòng ra ngoài mua rau, nhất thời sơ ý đánh mất yêu bài. Do hắn sợ bị trách phạt nên không dám trình báo. Đây chính là cái yêu bài mà Vương Khố Nhi đã nhặt được.
Nghĩ đến hoàng cung đại nội của Tử Cấm Thành là nơi được canh phòng nghiêm mật, vững như bàn thạch, lại để cho một tên thảo dân dễ dàng lọt vào tận mấy năm trời, quả là không thể hiểu nổi. Thế nhưng chuyện hoang đường vô lý này đúng là đã từng xảy ra ở Tử Cấm Thành.
Ngày nay, phim truyền hình về cung đình nhà Thanh rất phổ biến. Những chuyện về cách cách, bối lạc, hoàng đế mọi người xem cũng phát ngấy từ lâu rồi. Tôi nghĩ nếu có thể thêm ít gia vị mắm muối vào câu chuyện Vương Khố Nhi bán màn thầu trong cung thì có thể dựng được một bộ phim dài tập, khán giả nhất định sẽ rất thích xem.