Hàng Xóm Tôi Là Yêu Quái

  • Trương Mục Dã
  • 7899 chữ
  • 0
  • 2024-10-12 15:46

Tẩu Vô Thường
 1

Tôi nhớ rất rõ đó là tháng 3 năm 2006. Tôi đi ăn ở gần Tiểu Hải Địa quận Hà Tây, tình cờ bắt gặp hai chị em Quyên Tử. Chớp mắt đã mười năm xa cách, chẳng ngờ lại có thể gặp nhau. Nhắc đến những chuyện hồi nhỏ, thật khó mà nói cho hết. Trước kia, mọi người trong đại tạp viện đều gọi bà nội của hai chị em là Lưu nãi nãi. Tôi còn nhớ bà nội Lưu trước đây rất cưng chiều tôi. Hỏi ra mới biết bà cụ vẫn còn sống, năm nay đã gần tám chục tuổi rồi. Lúc đó đang vội nên không nói chuyện được nhiều với chị em họ. Chúng tôi cho nhau số điện thoại và hẹn vài ngày nữa sẽ đến thăm Lưu nãi nãi. Cũng nhờ vậy mà tôi mới biết được vài chuyện kỳ quái xảy ra sau khi căn nhà của Đại Tọa Chung bị phá dỡ.
Tôi gọi điện báo trước cho Tiểu Quyên Tử, hẹn thời gian mình đến thăm Lưu nãi nãi, tất nhiên là không thể vác người không đến nhà người ta. Tôi biết Lưu nãi nãi rất thích ăn bánh Kỳ Lân của Tường Đức Trai. Bánh do các tiệm điểm tâm của Thiên Tân xưa làm hoàn toàn khác với bánh của Bắc Kinh. Hình thức thì giống nhau nhưng hương vị và cách làm thì khác xa. Tường Đức Trai là thương hiệu có tuổi đời hàng trăm năm của Thiên Tân, chuyên làm các món điểm tâm như “tám món lớn, tám món nhỏ, sachima, quẩy đường, bánh ga tô, chè trôi nước…” Món ăn đa dạng không thể nào kể hết. Các tiệm điểm tâm trong xã hội cũ sẽ gom tất cả những món điểm tâm chưa bán hết lại chung với nhau, bọc lớp mật ong bên ngoài, cho vào chảo dầu rán qua một lượt, rồi chấm một lớp đường cát trắng. Món điểm tâm này gọi là bánh Kỳ Lân. Người lớn tuổi rất thích ăn món này nhưng mấy năm gần đây không thấy bán nữa, có lẽ là do đời sống bây giờ đã khá hơn. Các thương hiệu lâu đời như Tường Đức Trai, Quế Thuận Trai đã phát triển thành hàng cao cấp, không ai còn dùng đồ điểm tâm thừa làm bánh Kỳ Lân. Bánh Kỳ Lân ngày nay được làm riêng lẻ, không còn hương vị của ngày xưa nữa.
Tôi vừa hay quen biết một lão sư phụ của một tiệm điểm tâm. Tay nghề của ông ấy rất cao, sau khi nghỉ hưu vẫn còn làm những món điểm tâm loại này. Tôi chạy đến chỗ ông ấy mua hai hộp bánh. Ngày hôm sau mang đến nhà Lưu nãi nãi.
Hôm đó, Lưu nãi nãi rất vui, còn dặn chị em Quyên Tử làm sủi cảo, bắt tôi phải ở lại dùng cơm tối. Tôi ngồi nói chuyện phiếm với họ. Cũng chỉ nói về hoàn cảnh của mỗi gia đình sau khi đại tạp viện bị phá bỏ. Vẫn có câu anh em xa không bằng láng giềng gần, ý muốn nói tình làng nghĩa xóm sâu nặng. Mặc dù tôi chỉ ở nhà họ hàng ở Bạch Gia đại viện, cũng chỉ đến đó vào kỳ nghỉ hè nhưng nhiều năm xa cách như vậy tôi vẫn cảm thấy thân thiết. Chị em Đại Quyên Tử giống như chị em ruột của tôi. Hàn huyên một hồi lại quay về chuyện nhà của Nhị đại nương.
Năm đó Đại Tọa Chung nổi tiếng khắp Bạch Gia đại viện, thậm chí toàn bộ con hẻm Vi Đà Miếu. Từ lúc đầu óc bà ta có vấn đề thì con người trở nên lầm lì ít nói. Nghe nói sau khi phá bỏ Bạch gia đại viện, gia đình Đại Tọa Chung đã chuyển tới ở khu vực phụ cận đường vành đai ngoài. Lần này đến thăm Lưu nãi nãi tôi mới biết Đại Tọa Chung đã dọn đến ở gần khu làng mới Quả Viên quận Bắc Thần, đi về phía tây chính là lò hỏa táng Bắc Thương.
Thành phố Thiên Tân có tổng cộng sáu quận nội thành là Hà Đông, Hà Tây, Hà Bắc, Hồng Kiều, Hòa Bình và Nam Khai. Có câu nói “Hà Đông nghèo, Hà Tây giàu, Hồng Kiều đập nồi bán sắt”. Ý là sao đây?
Xưa nay Thiên Tân Vệ phía Nam giàu có, phía Bắc nghèo khổ, phía Đông hèn kém, phía Tây sang trọng.
Trước kia, Hà Đông là khu của người nghèo, còn Hòa bình thuộc về khu thương mại, các biệt thự sân vườn rất nhiều, tấc đất tấc vàng, điều kiện đương nhiên không tệ. Quận Nam Khai là nơi tập trung các trường học. Các đại học nổi tiếng như đại học Thiên Tân, đại học Nam Khai đều nằm ở đây.
Quận Hà Bắc là khu công nghiệp, có nhiều nhà máy cũ nhất. Quận Hà Tây giàu vì các quan chức chính phủ đều sống ở đây, người nơi này không phú cũng quý. Hồng Kiều là nơi ở của dân thường, thời trước được hình dung là quận đập nồi bán sắt. Sau này mở rộng ra thêm bốn quận là Bắc Thần, Đông Lệ, Tây Thanh, Tân Nam. Quận Bắc Thần nằm ở phía Tây Bắc, quận Hồng Kiều. Rất nhiều khu dân cư quy mô lớn đã được xây dựng trong một, hai thập kỷ qua.
Kể từ khi khu thành cũ bị phá bỏ, rất nhiều cư dân đã dọn nhà đến đây. Đại Tọa Chung chuyển nhà lần thứ hai cũng ở cách nhà Lưu nãi nãi không xa. Hai gia đình lại trở thành hàng xóm của nhau, thường xuyên qua lại thăm hỏi, vì vậy mà Lưu nãi nãi và chị em Quyên Tử nắm rất rõ tình hình của nhà Đại Tọa Chung mấy năm qua. Nhân lúc gói sủi cảo chuẩn bị cho bữa tối đã kể cho tôi nghe, làm tôi sởn cả gai ốc.
Theo lời Lưu nãi nãi, sau khi khu thành cũ được cải tạo toàn diện, Bạch gia đại viện bị phá bỏ, Đại Tọa Chung chuyển nhà lần thứ hai đến ở một khu dân cư trong quận Bắc Thần. Vị trí tương đối xa xôi, hoàn cảnh gia đình sa sút hơn trước rất nhiều. Tất nhiên trước kia cũng chẳng khá hơn là bao. Nhị đại nương chưa bao giờ làm ra tiền, đơn vị của Nhị đại gia làm ăn không hiệu quả nhưng đến kỳ vẫn phát được ít tiền lương cơ bản. Sau khi chuyển nhà, nhà máy quốc doanh nơi Nhị đại gia làm việc đóng cửa. Nhà máy bán đất cho các nhà đầu tư bất động sản, lấy tiền chia cho mọi người, tất cả công nhân đều thất nghiệp. Số tiền được chia ít ỏi này và tiền đền bù di dời, sau hai lần chuyển nhà thì không còn một đồng. Hai vợ chồng dắt theo một đứa con, đó là một bé gái mập mạp tên là Tiểu Hồng. Tiểu Hồng rất giống mẹ, khi đến tuổi đi học tiểu học cũng là lúc cần dùng đến tiền, nhị đại gia lo đến bạc cả tóc. Gia đình không có người thân, bạn bè, chỉ có bà con láng giềng chung quanh. Điều kiện mỗi nhà cũng chẳng khá hơn là bao. Chạy vạy nhờ vả khắp nơi, cuối cùng cũng gom đủ tiền mua một ngôi nhà ở làng mới Quả Nguyên, quận Bắc Thần.
Sau thời gian sống ở đây, nhị đại gia mới dần phát hiện một sự thật khủng khiếp. Đại Tọa Chung căn bản không phải là người sống.
Kể đến đây mọi người có thể không tin. Không phải người sống thì tức là người chết à? Người chết mà vẫn có thể ra ngoài vào ban ngày, còn biết dọn nhà từ khu thành phố cũ đến ở làng mới Quả Nguyên? Bạn đừng gấp quá, chuyện này phải kể từ từ. 
Gia đình ba người Nhị đại gia mua nhà sống ở quận Bắc Thần. Sau khi đã ổn định chỗ ở, dầu, gạo, củi, muối, than, nước, điện, cái nào cũng cần đến tiền. Nhị đại gia bản tính thật thà, người cũng nhút  nhát, gặp người lạ không mở nổi miệng nhưng chẳng việc gì bức người ta phải thay đổi ngoại trừ cuộc sống mưu sinh. Mùa đông năm ấy, nhị đại gia phải bày sạp hàng ven đường để kiếm sống. Chính là đẩy một cái xe ba gác nhỏ tới lề đường bán mấy thứ như là bao tay, đệm đầu gối, khẩu trang. Ngày kiếm tám tệ, mười tệ, đủ duy trì cuộc sống. Nếu không bắt tay vào làm thì không biết nó khó khăn thế nào. Hôm nay không bày sạp bán, ngày mai có thể không có gạo nấu cơm. Thường nghe giúp người lúc ngặt chứ không giúp lúc nghèo, sống trên đời đừng trông chờ vào người khác. Tuy rằng nhị đại gia trước kia cũng nghèo khó nhưng dẫu sao hồi đó vẫn còn đơn vị. Mỗi ngày đến nhà máy đều ăn bánh rán, hớp ngụm trà, đọc báo chí, chơi bài tây. Tiền lương trong ngày đều tính cả vào đấy. Cái nồi cơm to đó đã làm hư con người ta mất rồi. 
Bây giờ đã đến đường cùng, cho dù ngoài trời lạnh đến mức chó nhe cả răng thì cũng phải đội gió đạp tuyết mà đi bán hàng. Nghĩ đến chuyện đau lòng này, chú thường một mình gạt nước mắt.
Nhị đại gia thường đến thăm Lưu nãi nãi, cũng muốn tâm sự kể khổ với bà bởi vì Lưu nãi nãi ở Bạch gia đại viện không phải người ngoài, lại là trưởng bối nhìn nhị đại gia lớn lên từ nhỏ, chẳng khác gì cha mẹ của mình.
Con trai của Lưu nãi nãi đang làm việc ở nơi khác, chỉ có hai người cháu là chị em Quyên Tử ở bên cạnh.
Người già cả không tránh khỏi thường xuyên bị nhức đầu sổ mũi. Những năm đó muốn bắt xe đi đâu cũng khó. Nhà bà lại gần nhà nhị đại gia. Lần nào cũng đều là nhị đại gia hì hục đạp xe ba gác đưa Lưu nãi nãi đến bệnh viện khám bệnh.
Mùng ba Tết năm đó, nhị đại gia đưa Tiểu Hồng đến nhà Lưu nãi nãi. Sau khi chúc Tết xong, hai chị em Quyên Tử dẫn Tiểu Hồng xuống lầu chơi. Lưu nãi nãi bảo nhị đại gia ngồi xuống nói chuyện. Khi hỏi đến tình hình ở nhà thì nhị đại gia im lặng, thờ thẫn nửa ngày, giống như muốn nói điều gì đó mà không dám nói.
Lưu nãi nãi nói: “Con làm sao mà giấu được bà? Ở nhà có chuyện gì à?”
Nhị đại gia ấp úng: “Con không dám giấu bà, con nghĩ nhà mình có quỷ rồi…”
Lưu nãi nãi không tin, đang yên đang lành làm gì có ma quỷ được. Ngày tư ngày Tết lại đi nói những lời xui xẻo này, mau ra ngoài nhà nhổ bãi nước miếng đi.
Nhị đại gia không giống như đang nói đùa. Chú liền kể về chuyện mình đã trải qua. Số là từ khi khu thành phố cũ bị phá bỏ, Bạch gia đại viện không còn nữa. Con người của Đại Tọa Chung cũng thay đổi, trở nên lầm lì, đôi mắt cũng đờ đẫn. Có khi cả ngày không nói một câu, hiếm khi đi ra ngoài. Trước kia, Đại Tọa Chung thích nhất là ghé nhà hàng xóm nói chuyện phiếm nhưng bây giờ giống như là con người khác, cũng không thấy bị ốm đau gì. Nhị đại gia cũng vui mừng một thời gian. Nhưng có một số chuyện tuy giấu được người ngoài nhưng không thể giấu được người ngày nào cũng ngủ chung chăn chung giường với mình.
Có những lúc Nhị đại gia thấy lạnh cả người mà không thể giải thích được. Chú luôn cảm thấy Nhị đại nương có gì đó không đúng nhưng con người chú khá thành thực. Hai năm nay bận lo việc chuyện chuyển nhà, mỗi ngày còn phải ra ngoài buôn bán mưu sinh, cả thể xác và tâm trí đều mệt mỏi rồi. Có nhiều chuyện không thể lo hết, tạm thời để vào trong lòng.
Trước khi Tết đến, vừa mới qua tháng chạp, nhị đại gia đã phải lo đón Tết. Người nghèo ăn Tết khó như qua quan ải. Cả năm có tiết kiệm thế nào, Tết đến cũng phải gói sủi cảo, ninh nồi thịt. Đi chúc Tết bà con họ hàng, bạn bè thân hữu cũng phải chuẩn bị ít trái cây, đồ điểm tâm. Cho dù trốn ở trong nhà không đi ra ngoài, người lớn còn cố chịu được nhưng trẻ con thì không thể tiết kiệm được. 
Nếu không đủ tiền mua áo khoác mới thì ít nhất cũng phải may cho con cái áo choàng ngắn, nếu không Tết đến con mình phải mặc quần áo cũ, ra ngoài gặp bạn cùng lớp sẽ bị chê cười. Nhưng trong nhà làm gì còn đồng nào?
Nhị đại gia lo lắng thiếu điều muốn đập đầu vào tường. Nhị đại nương chợt lên tiếng, trách móc nhị đại gia đầu óc ù lì, chỉ biết có bán bao tay, khẩu trang mà không biết xoay xở tìm cách khác. Vào thời đó, mỗi dịp Tết đến mọi nhà đều treo tranh dán Tết bằng nhựa, có in hình thần tài và tụ bảo bồn, nguyên bảo, đô la Mỹ, nhân dân Tệ, tuy thô thiển nhưng vui mắt lại may mắn nữa. Loại tranh này đều là tranh bán buôn của Tào Trang Tử. Cứ nhập ít tranh Tết về bày ở ven đường, thế nào cũng bán được. 
Nhị đại gia đầu óc chậm chạp, không giỏi ăn nói, căn bản là không thích hợp làm nghề buôn bán. Bày sạp bán hàng lề đường chẳng qua là do cuộc sống bức bách. May nhờ có nhị đại nương nhắc nhở, mới nhớ ra đúng là có chuyện này. Sáng sớm hôm sau đạp xe ba gác đến Tào Trang Tử lấy hàng. Tào Trang Tử chính là khu vực vườn Bách Thảo ngày nay. Chú nhập sỉ một ít tranh Tết về bán lại. Tranh được bày trên mặt đất, màu sắc bắt mắt, nhìn từ xa đã rất hút khách. Quả nhiên mới được một ngày mà đã bán được không ít, chạy hơn nhiều so với bán găng tay, khẩu trang.
Nhờ bán tranh Tết mà chỉ trong tháng chạp, Nhị đại gia đã kiếm được một số tiền, Tết này không cần phải bận tâm gì nữa. Ngày 28 tháng chạp, số tranh còn lại đều bán hết veo, Nhị đại gia dọn hàng về nhà. 
Chú xơi hai cái chân giò hầm, uống hai chén rượu nhỏ. Nhị đại gia tửu lượng kém cỏi, trước giờ rất ít khi uống rượu chỉ là hôm đó vui quá, tự rót thêm cho mình vài chén, đầu óc chếnh choáng bèn ngủ thiếp đi. Nửa đêm tỉnh rượu, mơ mơ màng màng mở mắt ra, bất chợt nhận thấy người nằm bên cạnh mình không phải là Nhị đại nương. Mặc dù không trông rõ mặt mũi nhưng chắc chắn đó không phải vợ mình.


2


Hai vợ chồng nhà này đúng là có tướng phu thê. Nhị đại gia mắt ti hí, tướng ngũ đoản, thân hình vừa lùn vừa mập, tay ngắn chân ngắn, đến cái cần cổ cũng ngắn. Đầu, cổ đều to, lại thêm cặp kính cận thị nặng trên mặt, cứ luôn phải đẩy kính lên nếu không nó sẽ tuột xuống mũi. Giọng nói ồm ồm, giống như con gà bị giẫm lên cổ. Hồi nhỏ đám trẻ con vô tri chúng tôi toàn trêu chọc chú, nói hồi bé chú là nam diễn viên chính trong bộ phim hoạt họa “Câu chuyện của chú chuột chũi” do Tiệp Khắc sản xuất.  
Tối hôm đó trước khi ngủ, nhị đại gia đã uống quá chén rồi, tiện tay để cái kính bên cạnh gối nằm. Tầm hơn mười hai giờ đêm hơi rượu tan bớt mới dần tỉnh lại. Vừa trở mình định ngủ tiếp, đột nhiên phát hiện người bên cạnh mình không phải Nhị đại nương. Cả hai vợ chồng đều bị cận thị, ban ngày không mang kính nhìn thứ gì cũng thấy mờ mờ, đêm hôm khuya khoắt trong phòng tối om không đèn không đóm, nhà ở lầu cao, giường hai vợ chồng kê sát cửa sổ. Không biết là đèn đường hay ánh trăng bên ngoài chiếu qua rèm cửa vào trong nhà. Chỉ bằng chút ánh sáng yếu ớt như vậy đương nhiên chú không thể nhìn rõ mọi vật nhưng vẫn có thể nhìn thấy đường nét khái quát của người bên cạnh mình. Đây tuyệt đối không phải là nhị đại nương. Vóc dáng của Đại Tọa Chung vô cùng đặc biệt, chưa kể vợ chồng bao năm ngủ chung một giường, mắt có tệ thế nào đi nữa cũng không nhận lầm được.
Nhị đại gia thấy căng thẳng trong lòng, đầu tiên nghĩ là có lẽ mình đã uống rượu đến hồ đồ mất rồi. Nửa đêm đi vào nhầm nhà, ngủ luôn trên giường hàng xóm. Lúc đó cũng không dám làm ồn. Thế nhưng không thể nào nhầm nhà được vì khăn trải giường và tường nhà người khác không giống nhà mình. Vấn đề là mình đã không lên nhầm giường vậy vì sao cái người phụ nữ đang nằm trên giường kia không phải Đại Tọa Chung?”
Suy nghĩ này vừa lóe lên trong đầu, cũng chỉ là trong chớp mắt. Chú cũng muốn biết rốt cuộc người phụ nữ kia là ai. Tuy ánh sáng chỉ lờ mờ không nom rõ mặt nhưng nhị đại gia cứ có cảm giác mình đã từng gặp người này ở đâu đó rồi. Hình dáng, đường nét ấy có mấy phần quen thuộc. Chỉ là đầu óc bị mắc kẹt, nhất thời không thể nhớ ra là ai. Nghĩ đến đây lại thấy choáng váng, chưa kịp hoàn hồn thì thấy người phụ nữ bên cạnh đột nhiên mở mắt, ánh mắt âm u, mang vẻ ma mị khó tả. Nhị đại gia lập tức thấy rùng mình ớn lạnh, từ lỗ chân lông thấu vào tận xương. Cảm giác đó giống như nằm mơ bị bóng đè. Mặc dù tỉnh táo nhưng lại không thể cử động được, cuối cùng mới choàng tỉnh lại. Lúc này trời cũng đã sáng. Chú nằm ở trên giường mà khắp người đổ mồ hôi lạnh. Đại Tọa Chung đã dậy từ lâu, đang mặc quần áo cho con trong nhà.
Nhị đại gia càng nghĩ càng sợ, không biết chuyện hồi đêm là thật hay là ác mộng, nghĩ là căn nhà này có ma rồi, cũng không kể chuyện này cho Nhị đại nương biết. Chớp mắt đã là ba mươi Tết. Ngày mùng ba Tết, chú đưa con đến chúc Tết Lưu nãi nãi và kể lại sự việc xảy ra đêm đó. Bà xem, con mới dọn đến ở chưa đầy nửa năm thì đã có chuyện rồi.
Ban đầu Lưu nãi nãi cũng không để tâm lắm. Bà thấy Nhị đại gia là người nhút nhát, đa nghi. Làng mới Quả Viên ở gần lễ đường Bắc Thương, đều là khu căn hộ mới được xây dựng. Trước đây chưa từng có người ở, không thể nào là một hung trạch, lấy đâu ra ma quỷ? 
Chắc là do ban ngày bán hàng mệt mỏi, tối về ngủ mơ thấy ác mộng đây.
Nghe Lưu nãi nãi nói vậy, Nhị đại gia cũng thấy nhẹ nhõm hơn, cũng xác thực là có chuyện này. Những ngôi nhà ở làng mới Quả Viên đều là nhà mới xây. Mặc dù trước kia là đất hoang nhưng cùng với sự mở rộng của thành phố, tất cả các nghĩa địa đã được di dời và san lấp. Tình trạng này rất phổ biến ở khu vực ngoại ô. Nếu như các công trình xây trên nghĩa địa trước đây bị ma ám thì sẽ không có chỗ cho người sống nữa rồi. Nhưng lúc đó chú lại bỏ qua một chuyện rất quan trọng, vì sao người phụ nữ ấy lại làm cho chú có cảm giác quen thuộc. Cũng không phải chú không phát hiện trong nhà có gì bất thường, chỉ là vì bản tính nhút nhát, không dám nghĩ nhiều.
Trong dịp Tết, từ tháng chạp đến tháng giêng, ngày nào cũng đều phải chú ý. Phong tục dân gian ở Thiên Tân đặc biệt nồng đậm. Phải qua ngày 15 tháng giêng thì mới được xem là hết Tết. Thời trước, người ta không mở hàng mua bán trong tháng giêng. Tất cả hàng quán đều đóng cửa. Những người lao động nhập cư cũng về quê ăn Tết, trên đường phố cũng không thấy có người bán đồ ăn sáng nào.
Thế nên thời đó, trước khi Tết đến cần phải chuẩn bị rất thứ, chuyện này đã quá khứ rồi. Đến thời điểm những năm 90, thông thường là qua mùng năm Tết, sau khi khai trương nếu tiệm nào cần hoạt động thì đều hoạt động cả. 
Những bức tranh Tết nhị đại gia đã bán đầu năm, qua Tết là không ai mua nữa, không còn cách nào khác lại phải bán khẩu trang. Nhị đại gia là người trầm tính, theo lời Lưu nãi nãi chính là cái hồ lô không miệng. Khi khách đến mua hàng sẽ không chủ động chào hỏi người ta, không biết linh hoạt mềm dẻo. Lúc nào cũng chỉ mong một năm trôi qua mau để cuối năm lại có thể bán tranh Tết kiếm ít tiền. Cả ngày cứ đều đều như thế, buôn bán tự nhiên ngày càng thụt lùi. Thu nhập hôm sau không bằng hôm trước, chẳng bao lâu sau thì cạn sạch tiền. Mắt thấy con mình đi học phải đóng đủ mọi loại phí. Mặc dù những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được nhà trường miễn giảm học phí nhưng tiền may đồng phục thì vẫn phải nộp. Giương mắt nhìn cũng không biết kiếm đâu ra khoản tiền này, làm nhị đại gia lo nghĩ muốn đập đầu vào tường.
Đã đến bước này rồi, cũng chỉ còn cách đi tìm họ hàng, bạn bè để vay tiền. Nhưng vay được tiền cũng không dễ dàng như thế, chưa nói đến việc có người chịu cho vay. Đầu tiên mở miệng hỏi đã thấy khó, vì thế mới có câu nói: “Lên núi bắt hổ dễ, mở miệng cầu người khó”. 
Nhị đại gia vắt óc suy tính cũng không nghĩ được cách nào, đành mặt dày đến nhà Lưu nãi nãi giật tạm ít tiền. Năm ngoái đã vay nhà người ta ba trăm tệ còn chưa trả, hơn nữa nhà Lưu nãi nãi cũng không phải khá giả gì. Nhưng chỉ cần mở miệng thì chắc sẽ vay được tiền. Mặc dù trong lòng đã quyết nhưng vẫn còn ngại. Hôm nay đang lúc chần chừ không biết có nên đi không thì thấy tan học con gái về nhà, trên  người mặc đồng phục của trường. Nhị đại gia ngạc nhiên: “Nhà trường lại ra chính sách mới,  gia đình khó khăn được phát miễn phí đồng phục à?”. Hỏi con thì mới biết không phải như thế, tiền đồng phục đã nộp cho trường rồi, là mẹ đưa cho. Nhị đại gia càng thêm khó hiểu. Tiền bạc trong nhà có hạn, Nhị đại nương kiếm đâu ra số tiền này? Hay là nhân lúc vắng chồng đã léng phéng với thằng nào rồi? Lại nghĩ không thể có chuyện này. Bằng vào nhan sắc của Nhị đại nương, có cho tiền cũng chẳng ma nào thèm, vậy số tiền này là sao đây?
Hồi còn ở Bạch gia đại viên, Nhị đại nương thần trí khùng khùng điên điên, không có việc gì thì ở nhà thắp nhang, đốt giấy tiền, vái lạy con búp bê vải. Lúc đấy cũng không thấy bà ta làm ra tiền, lẽ nào đã tìm người vay mượn? Nhưng gia đình Đại Tọa Chung đã không còn người thân từ lâu rồi, hàng xóm láng giềng bình thường chỉ quan hệ ở mức gật đầu chào nhau, ai có thể cho bà ta vay tiền? Nếu nói là trộm cắp cướp giật thì Nhị đại nương tuyệt đối không có cái gan đó. Rốt cuộc bà ta lấy đâu ra số tiền này?
Nhị đại gia phát hiện tiền cho con mua đồng phục không rõ ràng nên ăn xong bữa tối mới dò hỏi Nhị đại nương. Nhị đại nương nói tiền bà ta kiếm được là nhờ giúp đỡ hàng xóm, NNhị đại gia nghe vậy liền thấy yên tâm. Chú biết rõ Nhị đại nương tay chân vụng về, đến cái máy may mà cũng không biết dùng nhưng thời gian này đầu óc cũng tỉnh táo lại nhiều, ở nhà cũng biết giặt đồ nấu cơm, giúp đỡ hàng xóm kiếm ít tiền cũng hợp tình hợp lý. Nhị đại gia vui lắm, hai vợ chồng đều làm ra tiền, cuộc sống sẽ tốt hơn nhiều. Lúc đó không hỏi thêm gì nữa, về sau qua miệng bà con hàng xóm mới dần dà biết được nhị đại nương đã kiếm tiền như thế nào.
Thì ra ngày nào nhị đại gia cũng đi sớm về muộn, con cái cũng đến trường, chỉ còn Nhị đại nương ở nhà. Gia đình sống ở lầu ba. Mấy bữa trước có một hộ ở lầu một làm bạch sự. Cưới hỏi thuộc về hồng sự, người chết làm đám tang thì gọi là bạch sự. Trước cửa nhà sẽ dán cáo phó, lấy tờ giấy trắng ghi bốn chữ Thư Báo Bất Chu, phần lạc khoản đề tên đám tang nhà nào đó. Ý tứ là gia đình có người thân mới mất; bạn bè, hàng xóm, họ hàng đông; nếu không thể thông báo hết được, xin quý vị hãy lượng thứ.
Thiên Tân có tục lệ, không chỉ người thân, đồng nghiệp gửi vòng hoa mà những người hàng xóm quen biết trong khu nhà cũng góp tiền mua vòng hoa hay thứ gì đó đi viếng. Trong nhà sắp đặt linh vị, bày ảnh chân dung, còn có người rành việc ma chay đứng ra đón khách. Người quá cố là trên hết. Người đến chia buồn trước tiên đến trước di ảnh vái lạy ba lần.
Sau khi Nhị đại nương chuyển đến đây thì không còn ở nhà cả ngày nữa, cũng ra ngoài đi lại. Bà con láng giềng đều quen mặt cả. Nghe tin gia đình lầu một có người nhà qua đời, hai vợ chồng cũng bỏ hai chục đồng phúng điếu. Dù không nhiều nhặn gì nhưng cũng là chút tấm lòng. Hai vợ chồng không chỉ góp tiền mà còn giúp đỡ lo tổ chức tang sự.
Thông thường làm bạch sự phải dựng một cái rạp lớn trước nhà, thỉnh cư sĩ hòa thượng đến niệm kinh siêu độ. Gia đình này không có đủ bàn ghế, Nhị đại nương liền mang bàn ghế nhà mình tới. Người đến chia buồn rất đông. Ban ngày Nhị đại nương giúp đun nước, pha trà, tiếp đón khách khứa, buổi tối còn phụ chủ nhà nấu nướng. Bà ta thấy gia đình nhà này cũng không được hòa thuận lắm.
Người chết là một ông cụ đứng đầu nhà này. Ông cụ này có quan niệm rất bảo thủ. Hồi còn sống rất thích giấu đồ, có tiền cũng không gửi vào ngân hàng mà đem cuộn lại, cất vào trong cái hộp sắt vẫn dùng để đựng bánh, ngay đến sổ hộ khẩu cũng nhét vào trong hộp sắt, bọc qua hai lớp vải dầu, rồi cất Đông giấu Tây, có lúc cũng quên luôn mình đã để ở chỗ nào. Lần này ra đi đột ngột, chưa kịp dặn dò con cháu, làm cho mấy đứa con trai và con dâu náo loạn cả lên. Chúng nó đều cho rằng ông già đã lén đem giấy tờ nhà và sổ tiết kiệm cho ai mất rồi. Kết quả bên này xác vẫn chưa lạnh, bên kia con cháu đã đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Trừ phi tìm lại được cái hộp sắt, nếu không thì mâu thuẫn của gia đình khó mà chấm dứt được. Vấn đề là ông già đã đi chầu tiên tổ. Người chết thì không hỏi được gì. Không ai biết ông cụ giấu cái hộp sắt ở đâu, trong nhà ngoài nhà đều đã lật tung lên hết mà vẫn không tìm thấy.
Nhị đại nương thấy chướng mắt bèn gọi cậu con cả đến và tuyên bố mình biết cái hộp sắt ở đâu. Anh này nghe xong thì sững sờ tại chỗ, đánh giá trên dưới Nhị đại nương một lượt, trong lòng nghĩ lão gia không bị mờ mắt chứ, sao có thể mê được kiểu người như Đại Tọa Chung? Nhưng biết đâu chừng lúc lão gia giấu hộp sắt đã bị hàng xóm nhìn thấy rồi.
Nhị đại nương nói mình không nhìn thấy nhưng có thể hỏi trực tiếp lão gia chuyện này. Ông cụ giấu hộp sắt ở đâu thì bản thân là người rõ nhất nhưng hôm nay chưa hỏi được, phải đợi đến thất đầu mới gặp được lão gia.
Cậu cả nghe mà nổi da gà. Anh ta từng nghe chuyện “tẩu vô thường”, tức là người nào đó có thể xuất hồn đi xuống âm gian. Nếu nhà ai có người qua đời, người nhà không yên tâm sẽ nhờ người đó tẩu vô thường, xuống dưới địa phủ thăm hỏi và chuyển lời của người chết về cho người nhà.
Thật không nhìn ra Nhị đại nương lại có thể tẩu vô thường.  Tuy trong lòng bán tín bán nghi nhưng cũng không còn cách nào khác, vậy là bàn bạc với người nhà, đợi đến đêm đầu thất, mời Đại Tọa Chung đến nhà hỏi hồn ma lão gia xem rốt cuộc đã giấu cái hộp sắt ở đâu rồi.


3


Cái gọi là Tẩu vô thường, có nghĩa là người sống đi xuống cõi âm. Hồn phách của người sống ban đêm xuất khỏi thân thể, có thể nói chuyện với ma quỷ ở âm gian, rồi mang những chuyện họ đã thấy được, nghe được trở lại dương gian. Hồi xưa người ta còn mê tín, loại chuyện như thế này có rất nhiều. Nói chung những người tẩu vô thường, lên đồng nhập cốt đều là lão thái thái ở nông thôn. Cho dù có người chuẩn, có người không thì đa số vẫn là lừa gạt tiền tài.
Gia đình này đã bó tay hết cách, quyết định để Đại Tọa Chung đi hỏi hồn phách của ông cụ vị trí cất giấu hộp sắt đựng tiền và giấy tờ nhà. Theo phong tục dân gian, ngày thứ bảy sau khi chết gọi là đầu thất. Đây là lúc hồn phách người chết về lại nhà. Đến ngày này phải chuẩn bị đồ ăn ngon, sau đó toàn bộ nam nữ, già trẻ tránh đi chỗ khác. Sau khi trời tối lập tức đi ngủ. Không ngủ được cũng phải trốn dưới chăn mền, không được để ma quỷ nhìn thấy. Phong tục này mỗi vùng mỗi khác, cũng tồn tại nhiều điểm sai biệt, chúng ta không nói chi tiết ở đây.
Vào ngày đầu thất, trời vừa tối, Nhị đại nương đã xua hết mọi người ra ngoài. Bà ta cũng không vào trong nhà mà về nhà mình ngủ. Nhị đại nương nói nếu không có chuyện gì, sáng sớm ngày mai sẽ có kết quả. Mọi người đành phải chờ xem. Sáng ra, Nhị đại nương cho người nhà biết mình đã hỏi được địa điểm giấu cái hộp sắt rồi, nó được chôn trong cái chậu hoa trồng thạch lựu.
Đúng là trong nhà có một chậu hoa như vậy. Khi nhổ cây lựu đã chết lên xem thì thấy hộp sắt được chôn bên dưới lớp bùn đất. Tiền tiết kiệm, giấy tờ nhà đất, trái phiếu của ông cụ đều nằm cả trong đó.
Gia đình vừa ngạc nhiên vừa cảm kích, liền gửi Đại Tọa Chung vài trăm đồng tiền hậu tạ. Kể từ đó, chuyện Đại Tọa Chung có thể tẩu vô thường đã lan đi khắp nơi. Thường xuyên có người tìm đến nhà nhờ bà ta giúp đỡ. 
Bạn đừng nghĩ người chết như ngọn đèn tắt, giữa người sống và người chết luôn có rất nhiều việc cần phải giải quyết. Không phải việc nào Đại Tọa Chung cũng nhận. Bà ta mà đã từ chối thì có đưa thêm bao nhiêu tiền cũng vô dụng. Nếu một tháng đi hai ba chuyến thế này thì không cần lo tiền sinh hoạt nữa rồi.
Mới đầu Nhị đại gia thấy việc này không ổn lắm. Thứ nhất tẩu vô thường hơi có phần đáng sợ, thứ hai là không chừng ngày nào đó sẽ có người đi tố cáo mình nhưng mà người nghèo chí mọn, có đường kiếm tiền rồi sao lại không đi, đành mắt nhắm mắt mở, coi như không biết gì. Thỉnh thoảng hàng xóm lại xầm xì to nhỏ nhưng chú cũng mặc kệ. Chẳng qua cũng họ cũng chỉ suy đoán lung tung. Nhị đại gia là cái hồ lô không miệng, có chuyện gì đều ít khi nói ra ngoài, chẳng ai biết chú ấy đang thực sự nghĩ gì.
Hai nhà Nhị đại gia và Lưu nãi nãi ở rất gần nhau. Dưới bầu trời này không có bức tường nào kín gió, đương nhiên Lưu nãi nãi cũng nghe được chuyện này. Hôm nay, nhị đại gia lại đưa con gái đến thăm Lưu nãi nãi. Bà vừa thấy chú đã nói: “Nhị Hỉ, đấy à”. Nhị Hỉ là tên gọi hồi nhỏ của nhị đại gia. Tuy con gái chú ấy đã học tiểu học nhưng người lớn tuổi vẫn gọi bằng tên hồi nhỏ.
Lưu nãi nãi nói: “Nhị Hỉ, bà có vài lời muốn nói với cháu”. Nhị đại gia nói: “Dạ, bà cứ nói đi. Cháu xin nghe” 
Lưu nãi nãi cho biết hồi còn trẻ bà đã tận mắt thấy tẩu vô thường. Đó là người sống đi âm, hồn phách lìa bỏ xác thân đi xuống cõi âm, không gì nguy hiểm hơn chuyện này. Ai biết được sẽ gặp phải thứ gì dưới đó. Nghe nói một số cô hồn dã quỷ không đầu thai được, chuyên rình đợi hồn phách người sống rời khỏi cơ thể rồi nhân cơ hội đó nhập vào. Vậy là người tẩu vô thường đó sẽ không bao giờ trở lại được nữa. Con mà tham chút tiền này, cứ để vợ tẩu vô thường như thế, đến khi xảy ra chuyện hối hận cũng muộn rồi.
Nghe Lưu nãi nãi nói xong, Nhị đại gia cứ ấp úng, không gật đầu mà cũng chẳng lắc đầu nhưng vẻ mặt rất khó coi.
Lưu nãi nãi thấy dường như Nhị đại gia có điều gì đó chưa dám nói ra. Bà biết con người chú vốn nhu nhược, cạy răng không nói một lời, bèn nói: “Thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng. Tóm lại những lời cần nói, bậc tiền bối như bà đều đã nó cả rồi. Cháu tự mình thu xếp sao cho ổn thỏa đi”
Nhị đại gia vẫn chưa lên tiếng, hai con mắt hí đảo đi đảo lại sau cặp mắt kính. Lưu nãi nãi cũng không nhìn ra được chú đang nghĩ gì, cũng chẳng buồn quản đến việc của chú nữa. Sau này Lưu nãi nãi nghe chị em Quyên Tử kể trong lúc chơi với Tiểu Hồng, thường thấy Tiểu Hồng run rẩy, mắt nhìn thao láo, giống như đang sợ hãi điều gì đó.
Hai chị em Quyên Tử đều xinh xắn dễ coi nhưng tính cách lại trái ngược nhau.
Tiểu Quyên Tử dịu dàng ít nói, Đại Quyên Tử từ nhỏ đã giống như quả ớt đỏ, đụng chuyện dám ra mặt, cát vào mắt không thèm dụi. Cô ấy nghĩ Tiểu Hồng đã bị các bạn trong trường bắt nạt, lập tức muốn tìm đối phương phân xử. 
Tiểu Quyên Tử còn biết phải hỏi rõ xem rốt cuộc là chuyện gì. Tiểu Hồng học lớp hai tiểu học, là một cô bé mũm mĩm, ngoại hình tính cách giống y như ba mẹ, lầm lì ít nói, người khác đừng hòng hỏi được gì nhưng lại có thể nói chuyện với hai chị em Quyên Tử. Tiểu Hồng còn nhỏ nói năng không rõ ràng, dù sao ý tứ của cô bé chính là sợ người mẹ ở nhà không phải là mẹ mình.
Đại Quyên Tử mồm miệng nhanh nhảu, lập tức kể cho Lưu nãi nãi nghe chuyện này. Lưu nãi nãi lắc đầu thở dài: “Người nhà này toàn là kiểu gì ấy nhỉ? Đứa bé này chẳng khác gì bản sao của Đại Tọa Chung, làm sao có thể không phải mẹ ruột chứ? Nhưng cũng không thể trách con bé được. Hồi còn ở Bạch gia đại viện Đại Tọa Chung đã từng mắc bệnh nặng, từ đó bắt đầu biến thành con người khác, cả ngày giam mình trong nhà không ra ngoài, hơn một năm gần đây mới có chuyển biến tốt…”
Không lâu sau chuyện này, đột nhiên truyền đến một tin dữ. Sáng hôm đó Nhị đại gia đạp xe ba gác đi nhập hàng. Có lẽ chú ấy đang mải nghĩ gì đó nên vô tình đi vào làn đường của xe cơ giới. Đường vành đai chỉ toàn là xe tải chở than, phóng rất nhanh khiến cho nhị đại gia và chiếc xe ba gác lộn ngược lên, cả người và xe bay xuống mương nước tử vong tại chỗ.
Lưu nãi nãi biết tin liền dẫn chị em Quyên Tử đến nhà Nhị đại gia giúp chủ trì hậu sự. Dù hai nhà gần nhau nhưng Lưu nãi nãi đi lại khó khăn, chưa từng đến nhà nhị đại gia. Vừa bước vào cửa, Lưu nãi nãi đã ôm lấy Tiểu Hồng mà khóc.
Con bé mập này quá khổ rồi. Lúc này Đại Tọa Chung cũng xuất hiện, sụt sùi than khóc. Sau đó dẫn Lưu nãi nãi vào trong nhà ngồi. Từ khi chuyển nhà đến giờ, Lưu nãi nãi vẫn chưa gặp lại Đại Tọa Chung. Lần này gặp lại bà ta trước linh cữu Nhị đại gia. Lão thái thái quan sát Đại Tọa Chung, trong lòng nhất thời kinh sợ.
Lưu nãi nãi nói Đại Quyên Tử gửi tiền phúng điếu, không nói lời nào với Đại Tọa Chung, cũng không ngồi lại, mau chóng đứng dậy đi về nhà. Đại Quyên Tử thấy lạ bèn hỏi bà nội có sao không. Trong nhà Nhị đại gia xảy ra chuyện lớn như vậy, gia đình lại neo người, thường ngày bà nhiệt tình như vậy, sao lần này lại bỏ mặc không lo? Trong lòng Lưu nãi nãi hiểu rõ nhưng lúc đó không nói cho Đại Quyên Tử biết, sợ cháu mình sẽ kinh sợ.
Nghe nói, sau đám tang của nhị đại gia, Đại Tọa Chung lại chuyển nhà đi nơi khác cùng Tiểu Hồng, cũng không chào tạm biệt ai. Không người nào biết lần này bà ta chuyển nhà đi đâu. Từ đó không thấy liên lạc với Lưu nãi nãi nữa. Lưu nãi nãi đã kể lại toàn bộ chuyện này cho tôi nhưng tôi không hiểu lắm. Vì sao Lưu nãi nãi nhìn thấy Đại Tọa Chung trước linh đường thì lập tức quay đầu về nhà. Chẳng lẽ lúc Đại Tọa Chung tẩu vô thường, đã thực sự bị thứ gì đó nhập vào trong người? Vì thế mà Nhị đại gia và con gái mới cảm thấy người này đã thay đổi nhưng trước sau vẫn không dám nói ra, bởi vì Đại Tọa Chung thực sự đã chết từ lâu rồi, còn Nhị đại nương bây giờ là hồn ma nơi khác. Nhưng nói như thế có phải là võ đoán không? Lưu nãi nãi cũng không mở thiên nhãn, có thể nhìn ra nhị đại nương là người hay ma không đây?
Lưu nãi nãi còn cho tôi biết chuyện này còn đáng sợ hơn những gì tôi nghĩ. Đại Tọa Chung hoàn toàn không phải bị cô hồn dã quỷ chiếm xác khi tẩu vô thường bởi vì bà ấy vốn đã là quỷ rồi.
Vì sao đêm đó Nhị đại gia thức dậy thì phát hiện người nằm bên cạnh mình là một người khác, mặc dù không phải là Đại Tọa Chung nhưng vẫn thấy quen mắt? 
Thực ra là thấy quỷ rồi. Khi đó Nhị đại gia chưa nhớ ra nhưng chắc chắn sau này đã biết người phụ nữ đó là ai, chỉ là không dám vạch trần. Tiểu Hồng tuy còn nhỏ tuổi nhưng mắt trẻ con tinh tường, có thể nhìn được những thứ mà người lớn không thấy, hơn nữa Đại Tọa Chung kia là mẹ ruột của nó. Còn Đại Tọa Chung này có thể giấu được người ngoài chứ không thể giấu được người trong nhà.
Tôi không phải dạng người nhát gan nhưng nghe đến đây cũng phải dựng tóc gáy. Nếu Đại Tọa Chung này không phải là Đại Tọa Chung ở Bạch gia đại viện trước đây, vậy thì đó là ai?
Lưu nãi nãi nói hôm đó đã gặp lại Đại Tọa Chung ở trước linh đường Nhị Hỉ. Tuy Lưu nãi nãi đã tuổi cao sức yếu nhưng vừa nhìn là biết ai rồi. Có điều chuyện này không thể nói cho người ngoài biết mà có nói ra đi nữa chưa chắc đã ai tin. Chúng ta đều là hàng xóm láng giềng cũ, nghe vậy thì cứ biết vậy.
Theo lời của Lưu nãi nãi, trước khi Bạch gia đại viện bị phá bỏ, đầu óc của Đại Tọa Chung đã có vấn đề rồi. Bà ta luôn nói mình có thể nhìn thấy Di lão lão đã qua đời từ lâu, sau này đột nhiên nói mình sắp phải đi xa, Di lão lão sẽ đến đón mình.
Tối hôm đó, bà ta ngồi một mình trong nhà ăn mì, sau đó thay quần áo mới, giày mới, nhảy qua cửa sổ phía sau nhà và nằm bất tỉnh dưới gốc cây cổ thụ. Sau khi được hàng xóm phát hiện, cứu sống lại thì tính tình thay đổi hẳn, cả ngày trốn trong nhà không ra ngoài. Có thể thời điểm này, Đại Tọa Chung đã chết rồi, thay vào đó là một hồn ma ở trong đại viện. Nó đã mượn thân xác của Đại Tọa Chung để hoàn dương. Vì sợ mọi người nhìn ra nên không nói năng gì, cứ núp ở trong nhà.
Tôi càng nghe càng thấy quái lạ. Hồi đó đại tạp viện làm gì có ma? Vì sao Nhị đại gia và Lưu nãi nãi có thể nhận ra hồn ma này?
Lưu nãi nãi nói trước đây Đại Tọa Chung giống như là người biết yêu pháp. Ai mà đắc tội với bà ta thì sẽ gặp xui xẻo. Có lần chỉ vì một chuyện nhỏ xíu mà to tiếng với một bà hàng xóm họ Vương. Cái bà họ Vương này miệng lưỡi chua ngoa, đáo để, có thể đè chết người ta, nếu để chửi lộn thì có thể chửi mười ngày liền không biết khô cổ, toàn là những câu hạ tiện, bẩn thỉu, hơn nữa không có nửa câu trùng nhau, chính là oan gia đối đầu của Đại Tọa Chung.
Đại Tọa Chung chửi không lại người ta, giận tím mặt, nhốt mình trong nhà, lại thắp nhang, bái lạy liên tục. Chẳng bao lâu sau thì thím Vương phát ban đỏ mà qua đời. Lưu nãi nãi đã sống ở Bạch gia đại viện năm, sáu chục năm, biết rất rõ người hàng xóm này. Hôm đó vừa thấy Đại Tọa Chung trước linh đường liền nhận ra ngay, người phụ nữ này tuy bề ngoài là Đại Tọa Chung nhưng ánh mắt, cử chỉ rõ ràng là bà thím họ Vương kia, cũng có nghĩa là âm hồn của thím Vương vẫn chưa tiêu tán. Sau khi chết oán khí không hết, vẫn theo sát Đại Tọa Chung. Chẳng ngờ đêm đó hồn phách Đại Tọa Chung rời khỏi thân xác. Thím Vương liền mượn xác sống lại, mạo nhận làm Đại Tọa Chung. Về phần hồn phách của Đại Tọa Chung đi đâu rồi, đã chết hay xảy ra chuyện gì thì không ai biết được. Tóm lại, Đại Tọa Chung hiện giờ thực ra là thứ nào đó đã mượn xác sống lại.
Đại Tọa Chung bị chiếm xác này cứ trốn ở trong nhà không ra ngoài, cũng không dám nói năng, chỉ sợ bị người khác nhìn thấu. Đúng lúc đó khu thành phố cũ bị dỡ bỏ để cải tạo lại. Sau khi dọn tới khu dân cư mới, chẳng ai biết ai, bà ta mới dám ra khỏi nhà. Có lẽ bà ta cũng muốn duy trì gia đình này nên mới gợi ý Nhị đại gia bán tranh Tết. Đại Tọa Chung chân tay lười biếng, ngũ cốc cũng chẳng phân biệt được từng loại, nói gì đến chuyện làm ăn buôn bán? 
Có lẽ Nhị đại gia cũng đã nhìn ra nhưng chú là người hèn yếu, đại khái cảm thấy sống với ai cũng vậy, cứ qua ngày đoạn tháng là được rồi, cho nên đến chết cũng không nói ra. Sau khi Đại Tọa Chung bị Lưu nãi nãi nhìn ra chân tướng, liền chuyển nhà đi nơi khác cùng con gái, tiếp tục cuộc sống của mình. Lưu nãi nãi cũng hy vọng đời này không gặp lại bà ta nữa.
Tôi không biết những chuyện Lưu nãi nãi kể có thật hay không? Dù chỉ là lời nói một phía nhưng cũng viết thành một câu chuyện cho các bạn nghe. Tôi nghĩ đây là một trong những câu chuyện hãi hùng nhất mình từng biết.

(Tổng: 7899 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận