Hàng Xóm Tôi Là Yêu Quái
- Trương Mục Dã
- 3020 chữ
- 0
- 2024-10-12 15:46
Cương thi trong trụ cầu
Lần này không phải là viết tiểu thuyết hay là kể chuyện mà là hồi đó tôi nghe thấy gì, nhìn thấy gì thì thuật lại y như thế. Có điều đây đều do bản thân mắt thấy tai nghe nên khó tránh khỏi còn nhiều hạn chế, hơn nữa đã qua nhiều năm, có một số chuyện tôi không còn nhớ được chính xác nữa.
Mấy bữa trước, tôi có gặp lại một người bạn cũ đã nhiều năm xa cách. Bên ngoài trời rất lạnh, âm 7, âm 8 độ. Chúng tôi tìm một quán thịt dê làm vài chén rượu. Trong lúc hàn huyên mới nhắc đến chuyện này.
Đó là mùa đông năm 1989. Người bạn cũ cũng có mặt ở đó. Anh ấy hơn tôi bốn tuổi và là hàng xóm của tôi. Hồi nhỏ thường hay dẫn tôi đi chơi. Khi tôi lên lớp sáu tiểu học thì anh ấy vào học ở trường nghề. Tên thì thôi không cần nhắc đến nữa, còn biệt danh là Tứ Bối Nhi. Đây là một kiểu gọi tên rất đặc biệt của Thiên Tân. Gia đình nào có bốn thế hệ cùng sống chung một mái nhà, hàng xóm láng giềng sẽ gọi những đứa trẻ thế hệ nhỏ nhất của nhà này là Tứ Bối Nhi (đứa trẻ đời thứ bốn).
Tôi đã từng xem bộ phim “Những ngày nắng đẹp” của đạo diễn Khương Văn, trong đó có một nhân vật do Cảnh Lạc thủ vai. Cảm giác đầu tiên là nhân vật này rất giống Tứ Bối Nhi. Anh ấy cao ráo, đẹp trai; hút thuốc, đánh lộn, trượt băng món nào cũng giỏi cả, đặc biệt là bơi lội rất cừ, người cũng nghĩa khí, có thể đứng ra làm trung gian hòa giải cho hai bên đánh nhau. Anh thường cưỡi con Thiết Lư 28 chở một cô gái ngồi sau, lướt đi như gió trước cổng trường. Theo cách nói của người dân ở đây thì anh là một tay chơi bời.
*Thiết Lư 28: Lừa sắt 28, một mẫu xe đạp có đường kính vành xe tới 28 inch.
Sau này, Tứ Bối Nhi bị công an đưa đi lao động cải tạo hai năm trong giai đoạn trấn áp hoạt động tội phạm hình sự. Thực ra cũng chẳng phải chuyện gì ghê gớm, nếu là thời nay thì không thể xem là tội được. Sau đó anh ấy vào làm công nhân trong nhà máy.
Nhiều năm rồi chúng tôi chưa gặp lại nhau. Tất nhiên chủ đề chúng tôi nói đến đều là chuyện của mười mấy, hai chục năm trước. Dần dà cũng nhắc tới chuyện đi bơi dưới sông Tử Nha. Địa điểm chúng tôi nhìn thấy cương thi năm đó cũng nằm phía dưới chân cây cầu ở sông Tử Nha.
Hồi đó chúng tôi không có tiền đi hồ bơi. Sông Tử Nha chính là một nơi lý tưởng để bơi lội vào mùa hè. Cứ tan học về là bọn nhóc choai choai đều chạy đến đây chơi. Bây giờ nơi này đều là những khu dân cư cao tầng rồi. Quay lại thời điểm mười mấy năm trước, hai bên bờ sông chỉ toàn là ruộng rau và mồ mả. Tôi nghĩ chắc sông Tử Nha có liên quan gì đó đến Khương Tử Nha. Nếu không sao người ta lại đặt tên sông như thế. Nghe nói năm nào cũng có vài người chết đuối khi đến bơi ở đây.
Con sông này rất rộng nhưng dòng chảy êm ả. Dưới chân cầu còn có một trụ cầu cũ. Cây cầu cũ đã được tháo dỡ từ nhiều năm trước, chỉ còn lại một nửa trụ cầu bê tông nhô lên mặt nước. Tôi thấy có một bạn vừa nhắc đến xong, điều đó cho thấy trí nhớ của tôi là chính xác. Cái trụ cầu đó giống như là một căn phòng bằng bê tông đóng kín giữa dòng sông xanh. Bên trong thế nào tôi cũng chưa từng thấy. Hồi đó, tôi và những người bạn như Tứ Bối Nhi thích “nhảy đập kem” từ trên cầu xuống dưới sông.
Cái gọi là “nhảy đập kem” chính là đứng ở một vị trí cao hơn chục mét, tay chân khép lại rồi nhảy thẳng xuống dưới nước. Lúc người rơi xuống, tay chân phải giữ nguyên tư thế thì mới được xem là gan dạ. Lúc đó thật không biết nguy hiểm là gì nữa.
Có một thằng bé hàng xóm, ba nó làm nghề bán rau. Nhà này có hai đứa con trai, đứa nhỏ tên là Nhị Tử. Sau khi nó “nhảy đập kem” ở cây cầu bên sông Tử Nha thì không thấy trồi lên nữa. Chuyện này tôi cũng được tận mắt chứng kiến. Dẫu là chết đuối đi nữa thì cũng phải thấy sủi bọt lên chứ, thế nhưng người lại không thấy đâu cả.
Ban đầu tôi còn tưởng nó bị cá dưới sông ăn mất rồi. Vấn đề là có con cá nào to cỡ đó không? Trên thực tế, chỗ chúng tôi “nhảy đập kem”, phía dưới đáy sông vẫn còn dấu tích của cây cầu cũ. Chắc là còn sót lại từ trước giải phóng. Nó có kết cấu bằng bê tông cốt thép. Trong chiến dịch Bình Tân, nơi đây chính là đột phá khẩu. Lúc đó cây cầu cũ đã bị đạn pháo phá hủy. Dưới đáy sông có nhiều thanh thép và khối bê tông nhọn hoắt, dựng thẳng đứng. Người đến đây bơi dù có nhảy cầu cả trăm lần cũng không việc gì nhưng đến kỳ con nước thì mực nước thay đổi thất thường. Gặp khi nước ròng, một khi nhảy xuống quá sâu, cơ thể sẽ cắm vào những thanh thép dưới đáy sông, trở thành cây thịt xiên. Nhị Tử đã chết như thế đó. Lúc người ta vớt xác lên mới phát hiện nó không phải là cái xác duy nhất bị đóng đinh dưới đáy sông.
Có thể một khi bạn đã viết quá nhiều tiểu thuyết, muốn tả lại chân thực còn khó hơn lên trời. Lần trước tôi đã gõ được rất nhiều chữ nhưng đều bỏ đi hết, nguyên nhân là vì không kiểm soát được bản thân, bất giác thành lan man.
Bây giờ kể tiếp nhé. Lúc đó tôi xác nhận là mình đã nhìn thấy cương thi dưới sông. Mặc dù nó không phải loại cương thi nhảy đến vồ người như trong phim ảnh Hong Kong nhưng cá nhân tôi cho nó thuộc về loại thi biến.
Mùa hè năm 1989, tôi vẫn chưa tốt nghiệp tiểu học. Chiều nào tan học về đều ra sông Tử Nha bơi cùng Tứ Bối Nhi. Còn các ngày chủ nhật hay dịp nghỉ hè thì chơi ngoài sông cả ngày. Nhị Tử nhảy đập kem bị thanh thép của cây cầu cũ dưới đáy sông xuyên qua người cụ thể xảy ra vào ngày tháng nào tôi thực sự không có ấn tượng, hỏi Tứ Bối Nhi thì anh ấy cũng nói không nhớ nổi. Buổi tối người ta đến tìm xác thì phát hiện dưới đáy sông còn có một thứ khác.
Một số bạn có thể không tin. Không tin thì cứ xem như là chuyện kể chơi cũng không sao. Thực ra, tên gọi cương thi dùng để chỉ những người chết đã biến đổi, không bị thối rữa sau nhiều năm.
Tôi nghĩ các bạn ở Thiên Tân đều có thể làm chứng. Người chết đuối ở sông Tử Nha tới cả trăm, cả nghìn người. Tôi đã mấy lần chứng kiến người chết đuối khi được vớt lên xác đã trương phình như một người béo phì. Còn có những xác chết trôi từ trên thượng nguồn xuống đóng thành băng giữa sông, chỉ lộ ra phần lưng mặc cái áo bông màu đen, trông rất đáng sợ nhưng đó không phải là cương thi.
Thời nay, con người đã biết quý trọng mạng sống của mình hơn. Người ra sông bơi cũng ít dần. Cách đây mười mấy năm, mùa hè ra sông bơi lội là chuyện rất bình thường, không phân biệt già trẻ, nhớn bé gì. Nhiều người còn không mặc quần bơi. Dù sao ở đó không có phụ nữ. Người chết đuối hàng năm cũng chẳng ngăn nổi lòng nhiệt tình của mọi người. Ai chết mặc ai, bơi là việc của ta. Cho nên cứ đến hè là thuyền vớt xác lại có thêm nhiều việc để làm.
Lúc đó tôi còn nhỏ, không rõ thuyền vớt xác trên sông hoạt động như thế nào, chắc đó là thuyền chuyên dụng của cảnh sát đường thủy. Trên thuyền có hai, ba ông già cởi trần mặc quần bơi, nhưng không thấy mặc đồng phục, nói tóm lại là có tổ chức, không làm vì tiền như bây giờ. Chỉ cần nơi nào có người chết đuối không tìm được xác là họ sẽ đến mò vớt. Tôi không biết lúc đó có thu phí không, chỉ thấy gia đình người chết biếu thuốc cho các sư phụ.
Nhận tiện kể về chuyện này. Khi đó phải đến tận nửa đêm thuyền vớt xác mới tìm thấy thi thể của Nhị Tử. Tôi không nhìn thấy quá trình vớt xác, thậm chí còn không tin thằng bé đen nhẻm vẫn cởi truồng bơi cùng chúng tôi đã chết. Tôi còn nghĩ nó đã đi đâu xa. Nhưng cái cảnh tượng ba mẹ Nhị Tử đập tay xuống đất, lăn lộn gào khóc hôm đó thực sự đã làm tôi kinh hãi.
Trải qua mấy ngày nắng nóng, oi bức bất thường tôi không chịu nổi nữa, lại ra sông Tử Nha bơi cùng Tứ Bối Nhi thì thấy cái thuyền vớt xác vẫn nằm bên bờ sông. Chúng tôi nghĩ chắc lại có người nào đi bơi bị chết đuối nhưng những người xem náo nhiệt chung quanh nói hình như không phải thế, cũng không biết các sư phụ đang mò gì dưới đáy sông. Tôi gần như không có ấn tượng với chuyện này. Hai hôm trước trò chuyện với Tứ Bối Nhi đến đây. Anh ấy nói lúc đó người ta phát hiện dưới đáy sông còn có một thi thể khác nữa, chính là ngay chỗ trụ cầu cũ. Không hiểu nguyên nhân gì mà mấy ngày rồi vẫn chưa vớt được xác lên.
Khi đó Tứ Bối Nhi đã vào học trường kỹ thuật, chuyện này anh ấy nhớ rõ hơn tôi. Theo như anh nói thì anh cũng nghe được từ lời một ông bác tới xem náo nhiệt. Lúc đó cũng không để tâm chuyện này lắm. Chúng tôi thấy không bơi được ở chỗ cây cầu cũ, lại thấy không mò được gì thì đến công viên Tây Cô chơi. Từ đó về sau, chúng tôi vẫn có thời gian đến cây cầu cũ “nhảy đập kem”, cũng không cảm thấy có gì khác lạ và cũng chẳng có ai bảo chúng tôi không thể đến bơi ở đó nữa.
Thi thể không vớt lên được vào mùa hè năm 1989 cuối cùng cũng có kết quả vào cuối năm. Lúc đó trời vừa đổ tuyết, mặt sông cũng đã đóng băng. Như thường lệ, tôi đi ngang qua đó. Từ xa đã thấy người bu đen bu đỏ trên mặt cầu. Chúng tôi liền chen vào bên trong hóng hớt. Do tuổi còn nhỏ, không nhớ được nhiều chuyện nên trong đầu chỉ còn lại những đường nét mơ hồ. Nhưng bây giờ hồi tưởng lại những gì đã thấy hôm đó vẫn có thể hình dung như đang ở ngay trước mắt. Từ trên cầu nhìn xuống, mặt băng trên sông đã bị khoét một cái lỗ lớn. Có vài người mặc áo khoác quân đội, miệng ngậm thuốc, chân đạp băng khiêng một vật lên bờ. Thứ này có màu trăng trắng, trông như là con người. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy nó giống một đứa bé.
Cái xác được vớt từ đáy sông Tử Nha lên, toàn thân trắng hếu, không nhìn rõ mặt mũi, người gầy nhỏ nhưng không bị phân hủy. Dù đang giữa ban ngày, trên cầu người chen chúc nhau nhưng tôi lại thấy sợ. Không biết tôi sợ gì nữa, có lẽ là cảm thấy người chết dưới sông kia rất đáng thương. Trời lạnh thế này mà bị đông cứng dưới sông thì cơ thể phải chịu giá rét đến thế nào. Khi đó con sông đã đóng băng hơn nửa tháng rồi, cái xác này sao lại ở dưới đáy sông được?
Khi đó tôi đã nghe được rất nhiều lời đồn đại. Có người nói đó là cổ thi vớt được dưới sông Tử Nha, có người nói đó là đứa bé dùng để hiến tế thần sông, lại có người nói đó là con khỉ lông trắng đã chết. Tôi thừa nhận mình cũng góp phần lan truyền một số tin đồn thất thiệt do đã được nhìn thấy tận mắt. Đó toàn là những lời tào lao nhảm nhí nên không nhắc lại ở đây.
Mấy ngày trước trò chuyện cùng Tứ Bối Nhi có nhắc đến chuyện này, cảm thấy lời anh ấy đáng tin hơn. Anh ấy nói cương thi vớt từ dưới sông Tử Nha có liên quan đến cây cầu cũ. Cái lần Nhị Tử “nhảy đập kem” biến thành cây thịt xiên, đội vớt xác xuống sông mò tìm thì phát hiện lớp xi măng ở trụ cầu bê tông cây cầu cũ đã rời ra, để lộ phần cốt thép bên trong hướng thẳng lên mặt nước. Trong đó có một thanh thép đã xuyên qua người Nhị Tử. Khi kéo xác Nhị Tử ra thì thấy hình như bên trong hốc của trụ cầu cũ vẫn còn một xác chết. Người này đứng bên trong hốc chỉ lộ ra nửa cái đầu trắng hếu. Cái xác này đã nằm dưới đáy sông không biết bao nhiêu năm tháng rồi vậy mà không bị hư thối. Lúc đó, người của đội vớt xác muốn lôi nó ra nhưng trụ cầu bê tông dày quá nên không làm được, phải đợi đến mùa Đông nước cạn, mặt sông đóng băng mới đào lên được.
Mỗi năm con sông này có ít nhất một, hai người chết đuối không tìm thấy xác nhưng chắc chắn đó không phải là cương thi bên trong trụ cầu. Nó chỉ có thể được nhét vào trong lúc xây dựng cầu. Bây giờ nghĩ lại cảnh mọi người bơi lội dưới sông ngay gần sát cương thi như thế thì lại thấy lạnh gáy.
Có lời đồn rằng cây cầu cũ là do người Nhật xây dựng. Mấy lần đổ bê tông làm trụ cầu đều không thành công nên người Nhật đã trói quặt tay những lao công bị bắt đi xây cầu, nhét vào trụ cầu rồi đổ xi măng lên. Bọn quỷ Nhật cho là bên trong trụ cầu có người bị chôn sống có thể xua đuổi tà ma và máy bay không thể ném bom trúng cây cầu này.
Người lao công này được bọc trong lớp xi măng của trụ cầu nên xác không bị phân hủy dù đã nằm dưới đáy sông nhiều năm. Thời kỳ chiến tranh giải phóng, sông Tử Nha là đột phá khẩu của tập đoàn quân 38. Nơi đây đã diễn ra các trận đánh ác liệt trong suốt chiến dịch Bình Tân. Phía nam sông Tử Nha có đường Liệt Sĩ. Chúng ta có thể hình dung được thương vong và mức độ khốc liệt của trận chiến từ tên đường có từ sau giải phóng này. Hiện nay trên đường này vẫn có một nghĩa trang liệt sĩ. Khi đó cây cầu bị pháo kích, hư hại nghiêm trọng nên được phá bỏ, không dùng đến nữa. Nếu Nhị Tử không bị thanh thép dưới nước đâm chết, e là đến giờ cũng không phát hiện được cương thi trong trụ cầu.
Tất nhiên đây chỉ là lời đồn thổi. Tôi không biết phải đi đâu để xác minh liệu cây cầu cũ có phải do bọn quỷ Nhật xây dựng không. Có điều kiểu nói ác miệng này chủ yếu đến từ nguyên nhân trong lúc thi công có nhân viên đã vô tình rơi xuống trụ cầu khi đang đổ bê tông. Họ bị chôn sống và chết ngạt trong đó. Vì không ai thấy nên họ trở thành người mất tích. Nghe kể nơi nào đó ở Tây Tạng hoặc Tân Cương cũng có một cây cầu đường sắt như vậy, bên trong có chôn một số kỹ sư quân đội đã hy sinh.
Đó là do trong lúc đổ xi măng đã xảy ra sự cố, làm di hài bị kẹt bên trong trụ cầu, đến nay vẫn chưa có cách nào lấy ra được. Cây cầu đường sắt bắc qua dòng sông sừng sững uy nghiêm, linh hồn các anh hùng vẫn ở mãi nằm đó. Tôi tự hỏi liệu cương thi tôi nhìn thấy năm 1989 có giống với trường hợp này không?
Sách xưa có nói: “Những người chết sau khi được chôn cất mà xác không rữa nát, tức là cương thi”. Xác chết được tìm thấy trong trụ cầu dưới sông Tử Nha chắc là đã bị kẹt lại trong lúc đổ bê tông trụ cầu cũ. Sau khi được moi lên từ đáy sông, ít nhất cũng đã qua 50, 60 năm rồi. Thời gian lâu vậy mà vẫn giữ được nguyên dạng, đương nhiên cũng thuộc về cương thi rồi. Mấy năm đó, ngày nào chúng tôi cũng bơi chung quanh nó, có thể nói là ngay sát bên cạnh. Nhiều năm sau nhớ lại vẫn còn thấy hãi.