Hàng Xóm Tôi Là Yêu Quái

  • Trương Mục Dã
  • 3340 chữ
  • 0
  • 2024-10-12 15:46

Đưa quỷ về nhà

Đây là một câu chuyện có thật, xảy ra ở Thiên Tân Vệ, kể về Hà Thần Quách Đắc Hữu.
Nhắc đến Hà thần, đây không phải là một vị thần linh sống ở dưới sông mà là một biệt danh mang đầy màu sắc truyền kỳ. Hai vị Hà thần khá tiếng tăm ở Thiên Tân chính là Phùng Diệu Tiên và Quách Đắc Hữu. Những người lớn tuổi hơn tôi có lẽ đều biết hai vị này là công an đường thủy, phụ trách công việc mò xác và tang vật dưới đáy sông, đồng thời cũng cứu giúp những người nhảy sông tự tử. Vị Phùng gia này đến nay có thể vẫn còn sống. Năm ngoái tôi đọc báo còn thấy đăng tin lão gia bơi trên sông Hải Hà vào mùa đông.
Quách gia Quách Đắc Hữu đã qua đời vào cuối những năm tám mươi, lưu truyền lại không ít sự tích. Câu chuyện tôi kể dưới đây là được nghe từ con cháu ông.
Thiên Tân Vệ nằm ở đoạn cuối của chín khúc sông. Nơi đây có mạng lưới kênh rạch chằng chịt, ao chuôm, hõm nước đặc biệt nhiều. Cứ đến mùa hè là người dân có thói quen ra sông bơi lội. Thi thoảng lại có người nhảy sông tự tử hoặc bị té nước chết. Ngoài ra còn có rất nhiều xác chết trôi lai lịch bất minh, không biết là đến từ nơi nào ở thượng du, thậm chí còn liên quan đến án mạng. Cũng có kẻ gây án xong vứt bỏ công cụ phạm tội xuống sông. Tất cả đều cần công an đường thủy đến mò tìm. Vì thế trước giải phóng đã cho thành lập công an đường thủy. Công an đường thủy không tham gia phá án, chỉ phụ trách mấy việc như tìm kiếm, trục vớt, cứu nạn. Người nào cũng là kiện tướng bơi lội. Nghe nói Quách gia đã ngoài sáu mươi tuổi mà vẫn chưa nghỉ hưu. Mùa đông có thể đào một cái hố băng rồi lặn xuống dưới nước, hai mắt sáng quắc, cơ thể tráng kiện, thoạt trông cứ như người trong tranh vẽ. Vì ông giỏi thủy tính lại cứu biết bao nhiêu mạng người dưới sông Hải Hà nên được đặt cho cái biệt danh mang đầy màu sắc truyền kỳ là Hà Thần. Câu chuyện chúng ta nói đến đây xảy ra vào đầu thời kỳ Cách mạng văn hóa.
Khi đó đang là mùa hè, lại ngay vào thời điểm nóng nhất trong năm. Có một nam giáo viên vật lý trung học, tuổi chừng bốn mươi. Thầy bị đám hồng vệ binh đấu tố và quy cho là phần tử cánh hữu, không tránh khỏi bị bắt đeo tấm biển “quyết phún khí thức”, đầu bị cạo thành kiểu đầu âm dương.  Những người có học trước kia không giống bây giờ, rất coi trọng thể diện, đặc biệt là danh dự của mình. Trong hội nghị phê bình có hàng vạn người tham gia, thầy giáo bị đám tiểu tướng hồng vệ binh đè chặt tay chân, bắt cúi đầu. Cái gọi là đầu âm dương tức là lấy tông đơ hớt tóc cho trọc nửa bên đầu. Trong lúc bị phê đấu, mông phải chổng lên cao quá đầu người. Người làm nghề giáo sao có thể chịu được chuyện này? Thầy giáo cảm thấy mình không còn mặt mũi nào để sống nữa, đợi đến trưa khi đại hội kết thúc liền về nhà thay một bộ quần áo sạch sẽ, đi một mình ra sông Hải Hà rồi nhảy từ trên cầu xuống sông tự tử. Bấy giờ đang giữa buổi trưa, một quần chúng qua đường bắt gặp cảnh này mới vội vàng gọi người đếncứu, thế nhưng mọi người đã tìm kiếm ở nơi giáo viên nhảy cầu cả nửa ngày mà vẫn không thấy cả người sống lẫn người chết. 
*Quyết phún khí thức: Còn gọi là ngồi máy bay đất, tức tư thế vểnh đuôi phun khí giống như máy bay phản lực. Trong lúc phê bình đấu tố, đầu, gáy và lưng của người bị đấu tố sẽ bị ghì chặt, khiến chân và tay tạo thành một góc 90 độ với nhau, thậm chí còn hơn thế nữa. Hai cánh tay bị kéo thẳng ra sau hoặc dang qua hai bên giống như máy bay cất cánh. Đầu chúc xuống đất, mông chổng lên cao, trước ngực đeo tấm biển đen. Qua thời gian dài cổ sẽ hằn vết máu, bên hông đau nhức, tứ chi cứng lại. Đây là một hình phạt nhằm sỉ nhục nhân phẩm và tôn nghiêm của người bị đấu tố.
Chuyện thầy giáo nhảy cầu tự tử, rồi mất tích làm cho quần chúng cách mạng bàn tán sôi nổi. Có người nói xác đã bị cá dưới sông ăn thịt, cũng có người nói xác đã bị dòng chảy ngầm cuốn xuống hạ du rồi. Khi đó đã có người báo cho đội mò xác của công an đường thủy, lại nhằm ngay lúc Quách gia đang trực ban. 
Lại nói vị công an già này, kinh nghiệm phong phú, ra đến bờ sông vừa nhìn địa hình là biết sau khi người này nhảy cầu, xác vẫn còn nằm lại dưới đáy sông.
Quách gia thay đồ lặn, đích thân xuống sông mò tìm. Đoạn sông này dưới đáy toàn là bùn đất lắng đọng, rong rêu dày đặc. Thầy giáo vừa nhảy xuống liền bị lún chặt vào lớp bùn. Tất nhiên thầy giáo đã tắt thở từ lâu, thi thể cũng bị quấn trong đám rong rêu. Quách gia dẫn theo hai trợ thủ, tất bật đến hơn chín giờ đêm mới buộc được dây vào thi thể kéo lên trên bờ. Ngay cả cơm tối vẫn còn chưa ăn. Đương vào tiết Phục Thiên, ngày dài hơn đêm nhưng làm xong chuyện này thì trời cũng tối mịt rồi.
Quách gia kéo xác người nhảy sông tự tử lên bờ, chỉnh trang lại thi thể rồi đắp một miếng vải bố lên mặt người chết. Tuy nói giải phóng đã nhiều năm rồi, những thứ mê tín không còn được nhắc đến từ lâu nhưng Quách gia vẫn châm một điếu thuốc đặt ở mũi thuyền, dùng vải che thi thể lại. Ấy là vì các bậc cao niên vẫn nói người chết không thể nhìn thấy ba loại ánh sáng, đặc biệt là ánh trăng vào ban đêm. Chưa cần biết đó có phải mê tín hay không, chủ yếu là làm người ta thấy yên tâm cái đã.
Công an đường thủy chỉ phụ trách công tác tìm kiếm, cứu nạn, việc khám nghiệm, lập hồ sơ vụ án đều do các bộ phận khác đảm nhiệm. Quách gia đợi xe đến chở xác đi thì coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Cả ngày vất vả tất nhiên là vừa mệt vừa đuối sức. Ông tìm nơi có nước máy tắm rửa cơ thể, thay quần áo rồi đạp xe về nhà.
Xem đồng hồ thì đã mười một giờ đêm. Trên đường tịnh không một bóng người. Đêm đó là ngày mười sáu âm lịch, mặt trăng vừa to vừa tròn. Con đường về nhà chạy dọc theo bờ sông. Khi đạp xe ngang qua cầu Giải Phóng, ông thấy có một người phụ nữ. Nhìn từ xa, người phụ nữ này mặc áo trắng, quần sẫm màu, đang đứng dưới chân cầu gần phía bờ sông nhất, mắt nhìn đăm đăm xuống dòng nước, cả người bất động.
Trụ cầu đầu tiên của cây cầu này quá nửa chìm dưới mặt nước, chỉ một phần nhỏ nằm ở trên. Quách gia đã làm công an đường thủy mấy chục năm rồi, thấy người phụ nữ kia đứng ở bờ sông cả đêm là biết cô ta muốn tìm cái chết. Ông vội dừng xe, chạy bổ tới gọi người phụ nữ kia: “Nửa đêm nửa hôm cô làm gì ở đây? Có tâm sự gì à? Dù gặp chuyện to bằng trời cũng nên nghĩ đến người nhà trước đã”
Ông vừa nói vừa bước đến gần, vươn tay định giữ vai cô ta. Đối phương nghe thấy động tĩnh liền quay đầu lại, suýt nữa thì làm Quách gia chết khiếp.
Dưới ánh trăng vằng vặc, hai người mặt đối nhau. Quách gia thấy người phụ nữ này mũi to mắt to, giống như đã ngâm mình dưới sông trong thời gian dài. Ông cũng không biết phải khuyên bảo thế nào, trong lòng thầm nhủ: “Tôi mà có nhan sắc như cô thì cũng nhảy sông chết quách cho rồi”
Bụng thì nghĩ vậy nhưng miệng không thể nói ra. Trước tiên cho biết danh tính của mình, sau đó ân cần hỏi han: “Nữ đồng chí này, đã khuya rồi sao còn đứng bên sông không về nhà? Cô là người của đơn vị nào? Nhà cô ở đâu?”
Sắc mặt người phụ nữ âm trầm, cứ cúi đầu không nói gì. Quách gia phải gặng hỏi mới chịu nói ra địa chỉ nhà mình. Quách gia nghe xong, thấy cũng tiện đường, thế là lấy xe lai cô ta về nhà.
Lúc ấy khoảng hơn mười một giờ, còn chưa tới mười hai giờ đêm. Thời trước được tính là canh ba. Những người đi hóng mát đêm hè đã về nhà ngủ hết rồi. Ngoại trừ Quách gia đang đạp xe chở người phụ nữ kia, trên đường không có xe cộ và người đi lại. Những năm đó vắng người, đèn đường cũng ít. Phía tây cầu Giải Phóng là tòa nhà khuyến nghiệp trường, phía đông là ga xe lửa. Hướng về nhà Quách gia là con đường chạy dọc theo mé bờ đông con sông. Ông cứ cắm cúi đạp xe, không xa trước mặt là quảng trường lớn, có khán đài duyệt binh. Quảng trường này đã bị phá bỏ vào những năm chín mươi, hiện không còn nhìn thấy nữa. Chung quanh quảng trường rất trống trải, mang bầu không khí trang nghiêm. Lại thêm quanh đó không có cư dân sinh sống nên đêm về làm người ta có cảm giác rờn rợn. Người nào nhát gan sẽ không dám qua đây một mình.
Quách gia đã làm việc trong ngành công an cả đời, cũng chưa từng nói với ai là mình tin hay không tin có ma quỷ. Nhà ông ở quận Hà Đông, hàng ngày đều đi qua đây nên cũng thấy bình thường. Dẫu sau ông cũng thấy người phụ nữ này đáng thương, không cần phải hỏi duyên cớ, mấy năm nay những người nhảy sông tự tử không mấy ai là không bị oan ức. Ông nhìn người phụ nữ này tầm ba mươi tuổi. Tuy bề ngoài không ưa nhìn nhưng lời nói, cử chỉ lại giống như người có ăn học. Ông vừa đạp xe vừa khuyên lơn nhưng người phụ nữ không nói tiếng nào. Đêm khuya thanh vắng chỉ nghe thấy đằng sau có tiếng nước chảy tí tách.
Quách gia cảm thấy có gì đó không đúng: “Trên người cô ta lấy đâu ra nhiều nước như thế? Nhìn mặt mũi cũng không giống người thường, không lẽ mới bò từ dưới sông lên?”
Nghĩ đến cái thứ bò từ sông lên, Quách gia cũng thầm giật mình kinh hãi. Bản thân đã làm công an không mặc cảnh phục nhiều năm, tuy sợ đấy nhưng lại không quá tin vào những thứ tà quái kia. Nhưng chuyện này không hề bình thường. Ông nhớ đến lời dặn của một đàn anh từng là công an đường thủy trước giải phóng: “Bất kể ngồi sau xe đạp là thứ gì, chỉ cần không quay đầu nhìn lại là được”
Thế là ông chỉ lo đạp xe, không nói gì nữa. Lúc này chợt nghe người phụ nữ kia lên tiếng: “Sư phụ, đến rồi”
Nơi này vừa khéo lại là ngã tư đầu tiên nằm ven sông sau khi băng qua quảng trường và cách cầu Giải Phóng mười mấy phút đi xe đạp. Nói xa thì cũng không xa lắm. Ngã tư cũng đối diện với một cây cầu, mặc dù cây cầu này không lớn bằng cầu Giải Phóng. Quách gia càng thấy lạ. Ông nhớ người phụ nữ đã nói địa chỉ nhà mình nhưng vẫn còn cách đây rất xa, sao mà đã tới nơi rồi? Hơn nữa, quanh đây làm gì có nhà dân nào?
Ánh trăng sáng như ban ngày, đường phố vắng lặng, không một bóng người. Quách gia tuy làm công an lâu năm nhưng lúc này trong lòng không khỏi nghi ngờ, không dám trả lời, chỉ dừng lại để người phụ nữ xuống xe.
Quách gia chống một chân xuống đất giữ thăng bằng, đợi người phụ nữ kia xuống xe. Ông không dám quay đầu, cũng không dám mở miệng hỏi nhưng phía sau lại không thấy động tĩnh gì, tựa như không có người nào. Ông muốn đạp xe đi về trước nhưng xích xe giống như đã bị gỉ sét, kẹt cứng rồi. Bàn đạp cũng không nhúc nhích nữa. Cái xác ông vớt dưới sông Hải Hà chiều nay là một thầy giáo trung niên. Đừng thấy một cơ thể chỉ hơn năm mươi cân mà nghĩ là nó không nặng. Thi thể vớt từ dưới nước lên hoàn toàn không chỉ có ngần ấy. Trong xác chết toàn là nước, vậy mới gọi là chết chìm. Quần quật mò xác từ giữa trưa đến tận nửa đêm, lại chưa được miếng cơm, ngụm nước nào, cả tinh thần và thể chất của ông đều kiệt quệ rồi. Lúc này trên trán cũng đổ mồ hôi lạnh. 
Quách gia là người của xã hội cũ, trước kia được sư phụ dìu dắt làm công an đường thủy. Sư phụ là người cực kỳ mê tín, đã xin một câu chú của đạo môn. Ngoài người của công an đường thủy ra, không ai biết câu chú này là gì. Trên không cho cha mẹ biết, dưới không cho con cái hay. Khi gặp nguy cấp, thầm niệm chú này ba lần, tự nhiên sẽ được cứu giúp. Sau giải phóng, tư tưởng mê tín đã bị bài trừ nhiều năm rồi, Quách gia đã quên mất câu chú này từ lâu, đành lấy hết can đảm, hỏi về phía sau: “Rốt cuộc cô là ai?”
Người phụ nữ vẫn không nói một lời. Giữa đêm khuya chỉ nghe tiếng nước chảy tong tỏng. Trong lòng Quách gia biết rõ, tuyệt đối không thể quay đầu, chỉ cần nhìn lại là có thể bị thứ đó kéo xuống sông.
Ông hỏi thêm mấy câu nữa nhưng trước sau vẫn không có ai đáp lời. Phía sau gáy lành lạnh, hoàn toàn không cảm giác được hơi người. Người sống thì thân thể nóng ấm, còn phải hô hấp hít thở nhưng phía sau xe đạp âm khí rất nặng lại có mùi tanh hôi của rong rêu. Lúc này, kêu trời, trời không thấu, kêu đất, đất chẳng hay. Đang không biết tính sao, đột nhiên một bàn tay đặt lên vai ông.
Cả đời thần sông Quách Đắc Hữu đã cứu mạng hàng trăm người bị đuối nước, xác chết vớt được nhiều không đếm xuể. Kể ra cũng người gan dạ, vậy mà lúc này lông tóc cũng dựng ngược, không còn cách nào khác đành quay đầu lại xem sao.
Nhưng phía sau không phải người phụ nữ mà là đồ đệ của mình. Đồ đệ này mới hai mươi tuổi, sinh trưởng ở Thiên Tân vệ, tính tình ngay thẳng, mồm miệng nhanh nhảu. Đồ đệ thấy sư phụ bận rộn từ trưa đến tối, bỏ bê cơm nước, cũng thấy xót xa. Cậu ta biết rõ sư mẫu ốm bệnh không nấu nướng được. Sau khi làm xong việc đã tới nhà ăn mua một phần cơm, định đến chở sư phụ về nhà. Cậu ta đi một mạch dọc theo bờ sông Hải Hà, khi đến chỗ này thì thấy sư phụ đang cố gắng đạp xe, đầu vã mồ hôi, giống như đang giằng co với ai đó bèn lại gần vỗ vai sư phụ. Lúc này mặt Quách gia tái mét, quay đầu ngó nghiêng hai bên trái phải, thấy mặt đất in đầy dấu chân dính bùn thẳng một đường từ phía sau xe đạp xuống dưới bờ sông.
Đồ đệ còn ngây ngô hỏi: “Sư phụ luyện công phu gì một mình ở bờ sông đấy?”
Quách gia liền kể lại chuyện vừa rồi. Đồ đệ cũng phát hãi, lạc giọng nói: “Có ma”. 
Quách gia không để đồ đệ nói hết câu đã bịt ngay miệng hắn lại. Thời đó không được ăn nói lung tung. Có chuyện gì đi nữa cũng phải giữ kín trong lòng. Ngày hôm sau, Quách gia tìm đến địa chỉ người phụ nữ đã nói thì thấy cửa nhà khóa chặt, bên trong không có người nào.
Thời điểm ông đi tìm người là vào buổi sáng, trong nhà vắng hoe. Ông hỏi hàng xóm thì họ đều nói không biết cô ta đã đi đâu nhưng mô tả lại thì đúng là người phụ nữ ông đã chở trên xe đạp tối qua. 
Vì đang vội đi làm nên ông cũng không tìm hiểu thêm, đành tự trấn an mình, nghĩ chắc là người phụ nữ này đầu óc có vấn đề. Đến trưa thì nghe tin dưới chân cầu Giải Phóng có xác chết trôi. Quách sư phụ liền dẫn hai trợ thủ đến vớt xác người chết. Cái xác này ngâm trong nước đã lâu, mặt mũi không còn ra hình người nữa nhưng Quách gia nhìn vào quần áo và mái tóc thì thấy khá quen mắt.
Xác chết trôi được vớt từ dưới sông lên lần này chính là người phụ nữ mà Quách gia đã chở trên xe đạp tối qua. Cô ta nhảy sông tự tử ít nhất đã hai ngày rồi. Lúc đó không có người nào trông thấy nên không có báo án. Xác chết cũng bị mắc vào đám rong rêu dưới đáy sông, hai ngày sau nước dâng cao mới nổi lên trên. Điều này cho thấy cái người Quách gia đã gặp tối qua chẳng phải là người sống nhưng rốt cuộc là chuyện gì e rằng chẳng ai biết rõ được. Cũng may cái tên đồ đệ ngốc này vẫn nhớ sư phụ chưa ăn gì, nửa đêm tới đưa cơm nếu không thì chắc chắn đã xảy ra chuyện rồi. Nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Sau này hai thầy trò lén gói ghém ít giấy tiền, ban đêm đến dưới chân cầu đốt cúng cho vong hồn người phụ nữ đó.
Thực ra câu chuyện đưa ma về nhà này vẫn chưa phải đã hết. Chuyện về thần sông Quách Đắc Hữu còn rất nhiều. Nhiều câu chuyện có liên quan với nhau, một số có nhân quả rất sâu, nếu kết nối lại thì rất đặc sắc. Một người bạn của tôi là con cháu của Quách gia. Anh ấy hy vọng tôi sẽ biên tập những câu chuyện về thần sông Quách sư phụ lại thành một cuốn sách, để chúng được lưu truyền lại. Nếu không qua vài năm nữa sẽ không còn ai biết đến. Nhất định tôi sẽ bỏ thời gian để viết một cuốn tiểu thuyết về Hà Thần. Đến lúc đó sẽ đem sự tích của Quách sự phụ phơi bày ra hết cho các bạn xem. Hôm nay tạm làm phần mở đầu, phần còn lại chúng ta sẽ để dành cho cuốn sách Hà Thần.

 

(Tổng: 3340 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận