Hàng Xóm Tôi Là Yêu Quái
- Trương Mục Dã
- 2879 chữ
- 0
- 2024-10-12 15:46
Địa cung Dương Châu
Khi đến Dương Châu, tôi nghe nói có một ngôi mộ nhà Hán nằm cạnh Sấu Tây Hồ. Theo lời bạn bè địa phương, đó là ngôi mộ cổ của Quảng Lăng vương. Đây là ngôi mộ có quách bằng gỗ lớn nhất Trung Quốc. Bên cạnh còn có một ngôi mộ của Vương hậu.
Tôi mua vé vào trong tham quan. Mộ Quảng Lăng vương thì không có gì để nói nhưng vừa bước vào địa cung của mộ Vương hậu, tôi liền có cảm giác kỳ quái. Loại cảm giác này đến từ bố cục của địa cung. Nhìn từ trên xuống, toàn bộ ngôi cổ mộ nhìn rất vuông vắn, là một huyệt đá thẳng đứng, phía trước có một mộ đạo dốc xuống dưới. Ngay chính giữa là một cái quách gỗ cực lớn bố trí theo kiểu Hoàng Trường Đề Tấu. Dù mộ Vương hậu nằm kề bên mộ Quảng Lăng vương nhưng bên trong không có mộ đạo thông qua nhau. Đây là kiểu mộ Đồng Doanh Dị Huyệt, kết cấu cực kỳ chặt chẽ.
* Đồng Doanh Dị Huyệt: vợ chồng chôn cùng một nơi nhưng không nằm chung một mộ
Sau khi địa cung được xây thành nơi triển lãm, cửa chính nằm bên hông mộ đạo. Khi bạn bước vào trong mộ đạo dẫn đến địa cung, cảm giác tối tăm u ám, sâu hun hút liền ập tới. Một tấm gương vừa cao vừa lớn đặt ở chỗ khuất trong mộ đạo, đối diện với nơi sâu nhất của mộ đạo. Quay đầu lại có thể nhìn thấy hình bóng của mình trong gương. Cách bố trí quỷ dị này quả là mới gặp lần đầu.
Gương dùng để xua đuổi tà ma, đặt một tấm gương lớn như vậy ở lối đi trong lăng mộ, tôi nghĩ chuyện này nhất định phải có duyên cớ. Hai vợ chồng Quảng Lăng vương đời Hán không phải là nhân vật tầm thường. Một số người có thể không biết đến Quảng Lăng vương nhưng nhắc đến cha ông ta thì không ai không biết. Quảng Lăng vương là con trai của Hán Vũ đế, một nhân vật có danh tiếng lẫy lừng như Tần Thủy Hoàng, từng chinh phục Hung Nô ở Tây Vực, mở mang bờ cõi, uy chấn tứ di. Nghe nói Hán Vũ đế từng ăn đào tiên của Tây Vương Mẫu, dù sau này vẫn không tránh khỏi cái chết nhưng trong số những vị đế vương cổ đại cũng xem như là khá thọ rồi.
Do Hán Vũ đế tại vị quá lâu, con trai Quảng Lăng vương không trở thành hoàng đế được, không khỏi nảy sinh tà niệm. Ông ta dùng vu thuật làm một bức tượng nhỏ bằng gỗ, trên đề tên sinh thần bát tự của Hán Vũ đế, hàng đêm lấy kim đâm vào người gỗ, hy vọng lão già mãi không chịu chết này sớm thăng thiên, để mình còn lên làm hoàng đế. Dưới gầm trời này làm gì có bức tường nào kín gió. Chuyện này cuối cùng cũng đến tai Hán Vũ đế. Quảng Lăng vương biết mình gặp rắc rối lớn rồi, ngay đêm hoàng đế tổ chức yến tiệc cho quần thần ở điện Hiển Dương đã treo cổ tự vẫn, trở thành một con ma thắt cổ.
Quảng Lăng vương phu nhân cũng treo cổ tự vẫn. Nói mê tín một chút thì cả hai người đều thành lệ quỷ. Cánh cửa mở bên hông phía trước địa cung có đặt một tấm gương lớn, liệu có liên quan gì đến chuyện này không? Chúng ta không biết nội tình nên không thể nói lung tung, có điều chỉ lăng mộ vương hậu mới có cách bố trí như thế. Đối diện cửa chính của lăng mộ Quảng Lăng vương là một lối đi giữa hai vách tường. Hai bên có cửa nhỏ, đi vào cửa nhỏ này theo đường dốc xuống dưới là có thể trông thấy quách gỗ ngay gần đó. Xương cốt bên trong đã mất nhưng kim lõa ngọc y vẫn còn.
*Kim lõa ngọc y: Quần áo liệm của người chết, được may bằng cách ghép các miếng ngọc lại với nhau và liên kết bởi dây chỉ vàng.
Từ xưa Dương Châu đã là một nơi phồn hoa. Người dân địa phương rất coi trọng da bọc nước sáng sớm và nước bọc da vào buổi tối. Da bọc nước là buổi sáng uống trà, ăn điểm tâm, còn nước bọc da là ngâm mình trong nước nóng.
Khi đến Dương Châu chúng tôi phải nhập gia tùy tục, cho nên sáng hôm sau đã tới quán trà Phúc Xuân. Quán trà Phúc Xuân là một địa điểm nổi tiếng ở Dương Châu, có từ thời nhà Thanh, được mệnh danh là “Trà một sông ba tỉnh”. Trà Khôi Long Châm của An Huy, Trà Long Tỉnh của Chiết Giang và trà Phúc Xuân của bản địa dùng kèm với bánh bao, sủi cảo, bánh rán, bánh quy bơ, mì sợi và các món điểm tâm khác. Chúng tôi ngồi đó uống trà sáng, trò chuyện với bạn bè về địa cung Quảng Lăng vương. Mỗi khi nói đến chủ đề này, mọi người đều thấy hứng thú. Lúc đó anh bạn có kể vài chuyện đã nghe lỏm được.
Trước hết là “Hoàng Trường Đề Tấu”.
Ma Thổi Đèn tôi viết, tổng cộng có tám quyển, nội dung đều nói về chuyện trộm mộ. Chuyện dài như thế, có biết bao nhiêu cái đấu nhưng không một ngôi mộ cổ nào có Hoàng Trường Đề Tấu đúng nghĩa. Bởi vì hình thức mộ táng này thuộc về cấp bậc của đế vương, bắt đầu từ thời Chiến Quốc và kết thúc vào thời Đông Hán, thời gian tồn tại không tính là nhiều. Cho đến nay, toàn quốc chỉ phát hiện được khoảng mười ngôi mộ kiểu này.
Tên gọi “Hoàng Trường Đề Tấu” nghe có vẻ quái lạ, rất khó lý giải trực tiếp ý nghĩa từ mặt chữ của nó, cần phải chia làm hai phần. “Hoàng Trường” tức là cây bách lõi vàng. Đây là loài cây gỗ quý chỉ có ở Trung Quốc, chịu được nước, chôn dưới đất lâu ngày cũng không mục nát, lại có mùi thơm thoang thoảng, vô cùng quý giá, thích hợp đặt trong lăng mộ. Chữ “Đề” trong “Đề Tấu”, chỉ phần trán, “Tấu” có nghĩa là tập hợp, quây quần. Gỗ Hoàng Trường được ghép lại với nhau, lấy gỗ thay cho gạch, làm thành một bức tường bên ngoài mộ thất địa cung, quan tài được đặt ở chính giữa. đây gọi là “Hoàng Trường Đề Tấu”
Lúc xây dựng hai lăng mộ này, người ta đã đục đá sâu xuống hai mươi bốn mét, tiêu tốn hàng chục triệu mét khối nam mộc, đủ thấy quy mô to lớn đến thế nào. Nhìn bề ngoài quan quách trông khá lộn xộn nhưng thực ra các khối gỗ được đan cài rất kín kẽ. Chỉ cần xếp sai một cây gỗ là không thể khôi phục lại được, giống như một khối rubik.
Lăng mộ của các Sở Vương thời Hán cũng giống như lăng mộ bằng gỗ của Quảng Lăng vương hầu hết đều được khoét ở lưng chừng núi nhưng nếu bạn đi tham quan địa cung, sẽ thấy bên trên địa cung không có ngọn núi nào mà là một vùng đất bằng. Thực ra ban đầu hai ngôi mộ của Quảng Lăng vương và Vương hậu nằm ở núi Thiên Sơn, Cao Bưu, còn được gọi là mộ Hán Thiên Sơn. Để giữ gìn lăng mộ nên mới được di dời toàn bộ đến Tương Biệt Kiều nằm trong thành phố.
Các nhà khảo cổ phát hiện ra lăng mộ Quảng Lăng vương cũng khá tình cờ. Năm đó, nhân viên trong đội khảo cổ nghe nói trong núi có tượng binh mã thời Hán, liền lập đội đi điều tra thì phát hiện trên núi có rất nhiều nhà cửa và dân chúng sinh sống. Những tượng binh mã đất nung này được người dân đào được từ cánh đồng bên dưới chân núi. Tượng binh mã thời Hán này không thể so với tượng binh mã thời Tần, kích thước, hình dáng đều nhỏ hơn rất nhiều. Thế nhưng chỉ có lăng mộ đế vương mới có vật bồi táng này, người trong nghề liếc mắt là nhận ra ngay. Tượng binh mã được tìm thấy ở ruộng, cho thấy quanh đó nhất định phải có một ngôi mộ lớn. Mặc dù biết nó nằm trong núi nhưng ngọn núi này quá lớn, cứ tìm từng chút một thì có tìm cả đời cũng không thấy. Mặc dù cư dân trong vùng đông đúc nhưng chưa từng có ai phát hiện trong núi có mộ cổ.
Đội khảo cổ không bỏ cuộc, đi khắp nơi điều tra, dò hỏi dân làng mấy ngày liền mà vẫn không tìm được manh mối hữu ích nào. Hồi đó, trong đội khảo cổ có một chuyên gia tên là lão Lưu. Ngay khi mọi người đã mất hết hy vọng, lão Lưu chợt nghe ông bác ở bên cạnh nói với người khác là nhà mình đã đào một cái hầm sâu hơn ba mét ở trên núi để chứa khoai lang.
Lời này nói ra không có gì lạ, cũng chỉ là chuyện nhà chuyện cửa bình thường nhưng lọt vào tai của lão Lưu rồi thì chẳng khác gì sấm nổ giữa trời quang. Núi ở đây toàn là núi đá, đất cày cấy, trồng trọt đều nằm dưới chân núi. Rất ít người đào hầm trong làng, đục hầm trên núi toàn đá cứng thì càng hiếm. Vì sao ông bác này lại dùng từ “đào”?
Lão Lưu nghĩ đến một khả năng, có thể là ông bác này đã đào trúng vào lớp đất bên ngoài mộ đạo. Nghĩ kỹ lại, ngọn núi này không có chỗ nào có thể đào được hầm, chỉ có phần đất che lấp bên ngoài mộ đạo thôi. Ông liền nói rõ sự tình cho ông bác kia nghe, thái độ cực kỳ thành khẩn và nhờ bác ấy dẫn đi xem cái hầm. Khi đến nơi nhìn vào lớp đất thì quả nhiên là đất lấp mộ. Đúng là cơ duyên xảo hợp đã giúp lão Lưu lần theo manh mối tìm ra lăng mộ Quảng Lăng vương đời Hán.
Đây là một phát hiện to lớn của đội khảo cổ. Mọi người dọn sạch đất đá, tiến dần từng bước đến địa cung. Ai cũng hồi hộp, thấp thỏm, chỉ sợ lăng mộ bên dưới đã bị bọn trộm mộ đổ đấu, không còn gì nữa rồi. Ngôi mộ này được lấp đất rất kỹ, mấy trăm năm nay, trên núi đã có đến mấy ngôi làng có người sinh sống, nên chắc chưa bị tên trộm nào tìm ra. Thế nhưng khi vào đến bên trong thì mọi người đều thất vọng, chán nản. Ngay phía trên đầu của quách gỗ có lưu lại vết tích hố đào của bọn trộm mộ. Thật không ngờ cách đây mấy trăm, thậm chí cả nghìn năm trước, bọn trộm mộ đã có thể đào thẳng xuống dưới một cách chính xác như vậy. Sau giây phút sửng sốt, mọi người lại có một phát hiện chấn động.
Mặc dù lăng mộ của Quảng Lăng Vương đã bị bọn trộm mộ viếng thăm nhưng chúng chỉ lấy đi những sợi chỉ vàng trên Kim Lũ Ngọc Y, những thứ còn lại bọn chúng không động tới. Xương cốt của Quảng Lăng vương đã mục nát nhưng những miếng ngọc trên ngọc y vẫn còn nguyên vẹn. Văn vật bên trong lăng mộ rất nhiều. Thông qua mộ chí thì biết được đây là lăng mộ của Quảng Lăng vương. Điều kỳ lạ nhất chính là gian hậu thất phía sau quách gỗ có một cái đồng giám chứa đầy nước, nước trong đến mức có thể nhìn thấy tận đáy, dưới đáy còn có một cái gáo múc nước bằng gỗ.
*Đồng giám: Đồ đựng nước bằng đồng thời cổ đại, miệng rộng, lòng sâu, to cỡ cái bồn, không có hoặc có chân đứng, có hai hoặc bốn tai, thường dùng để đựng nước soi mình, rất thịnh hành vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc.
Năm đó đội khảo cổ đã tìm thấy một khúc củ sen trong ngôi mộ đời Hán ở Mã Vương Đôi. Củ sen từ hai nghìn năm trước này vẫn còn nguyên hình dạng. Sau giây phút kích động, đội khảo cổ đã vớt lên để bảo quản, chẳng ngờ mới chạm vào củ sen thì nó đã rữa nát hoàn toàn.
Lần này họ đã rút được kinh nghiệm, định tháo nước ra từ từ. Nào ngờ lúc đổ nước đã làm mặt nước khẽ lay động, cái gáo gỗ liền biến mất trước mắt nhân viên đội khảo cổ, đến cặn bã cũng chẳng còn tí nào, dường như nó đã hóa thành không khí. Cho đến nay vẫn chưa có người nào có thể giải thích rõ ràng chuyện này.
Đoàn khảo cổ đã dọn sạch hai ngôi mộ này. Họ thấy quanh đây có nhiều người dân sinh sống, sợ sẽ làm tổn hại đến lăng mộ nên viết báo cáo xin chỉ thị di dời mộ đến nơi khác. Sau khi mộ của Quảng Lăng vương được chuyển đi hết, có một thanh niên người địa phương, nổi tính hiếu kỳ, mang đèn pin đi vào khu lăng mộ thám hiểm, tình cờ nhặt được một khối sắt nằm lẫn trong lớp bùn đất đen sì. Khối sắt nhỏ này nhìn vuông vức, có vẻ như là một vật quý hiếm nào đấy.
Thanh niên nắm chặt khối sắt, leo ra ngoài hầm mộ, mang xuống ruộng dưới chân núi lấy nước rửa sạch thì thấy khối sắt là một cái ấn có khắc hình con rùa ở mặt trên và hai chữ triện ở mặt dưới.
Thanh niên này ngay cả chữ giản thể cũng không biết quá hai trăm chữ, đương nhiên là không đọc được chữ cổ nhưng biết đây là cái ấn của chủ nhân ngôi mộ. Hắn cầm về cho bạn gái xem, bạn gái hắn rất thích, bảo hắn xóa hàng chữ trên ấn đi, thay tên của cô ta vào. Thanh niên tiếc của, chửi bạn gái một trận, sau đó tìm dây nylon xỏ vào ấn làm thành móc chìa khóa đeo ở thắt lưng. Mỗi khi đi lại thì chìa khóa và ấn va chạm vào nhau phát ra tiếng kêu leng keng.
Hắn ta lấy làm oách lắm, bèn hỏi một bí thư chi bộ có học vấn nhất làng hai chữ viết trên ấn nghĩa là gì. Bí thư chi bộ cũng không đọc được nên mới bảo hắn là để ông ta hỏi lão Lưu ở đội khảo cổ xem sao. Nhưng đội khảo cổ đã rút đi từ lâu rồi. Thanh niên này cũng biết là nhặt được cổ vật, không thể giữ làm của riêng, chỉ muốn nghịch chơi vài ngày sẽ nộp cho đội khảo cổ nên đã gọi điện tới cục văn hóa để tìm đồng chí Lưu, hy vọng đồng chí ấy sẽ ghé qua làng xem hắn ta đã nhặt được gì. Nhưng người trả lời điện thoại không phải lão Lưu vì lúc đó lão Lưu đang công tác bên ngoài. Người đó đồng ý sẽ chuyển lời lại, chẳng ngờ sự việc như đá chìm xuống bể, đến tận nửa năm sau cũng không thấy hồi âm. Có lẽ cái vị trả lời điện thoại kia đã quên mất chuyện này rồi.
Thanh niên dùng cái ấn trong mộ cổ làm thành móc chìa khóa và đeo bên mình hơn nửa năm cho đến khi có người của cục công an tìm đến nhà. Đó là vì có kẻ ganh ghét với thanh niên, trình báo công an là thanh niên đã trộm đồ từ mộ cổ Quảng Lăng vương. Lúc này thanh niên mới biết việc lớn không xong, nên vội tìm tới cục công an để giải thích, chuyện vốn là như thế này, như thế nọ. May còn có bí thư chi bộ làm chứng, xác nhận hắn ta đã gọi điện cho đội khảo cổ nhưng không thấy họ tới, không thể trách thanh niên này được.
Cái ấn sắt này được các nhân viên khảo cổ gọi là Quy Nữu Nha Ấn, là một văn vật vô cùng quan trọng. Kết quả thanh niên này không những vô tội mà còn có công, trong rủi có may, gặp họa được phúc. Đội khảo cổ còn phát cờ khen thưởng và hai trăm tệ cho thanh niên này. Thanh niên chỉ nhận lá cờ và năm mươi tệ, số tiền còn lại để bí thư chi bộ tùy ý chi dùng, mời tất cả dân làng đến liên hoan ăn mừng.