Hàng Xóm Tôi Là Yêu Quái

  • Trương Mục Dã
  • 4324 chữ
  • 0
  • 2024-10-12 15:46

Miếu Vi Đà

 1


Hồi học cấp hai, mỗi lần nghỉ hè tôi đều đến ở nhà họ hàng. Hôm nay tôi muốn kể cho các bạn nghe về những trải nghiệm của mình. Mặc dù đã qua nhiều năm nhưng để tránh phiền phức cho những người có liên quan, tôi sẽ không dùng địa danh cụ thể. Địa điểm tôi nói đến là một đại tạp viện nằm ở khu dân cư cũ của thành phố Thiên Tân.
Một đặc điểm của Thiên Tân xưa đó là có rất nhiều chùa miếu. Ngoài ra do có nhiều đất cho nước ngoài thuê nên cũng có nhiều nhà thờ, bao gồm cả nhà thờ Cơ đốc giáo và Thiên chúa giáo. Nhiều nhà thờ vẫn được bảo tồn đến ngày nay. Có điều am, miếu, đạo quan chỉ còn lại chưa đến một, hai phần mười, chỉ có thể tìm thấy dấu tích từ các địa danh, chẳng hạn như Đạt Ma Am, Như Ý Am, Từ Huệ Tự, Qua Giáp Tự, Vi Đà Miếu… vân vân, nhiều không đếm xuể. Đại tạp viện nơi tôi ở được gọi là Bạch gia đại viện, trước kia là nơi thờ cúng Vi Đà.
Có thể có bạn biết Thiên Tân có một con hẻm được gọi là Vi Đà Miếu. Thực ra tôi đã nói rồi, lần này kể về địa danh đều là thêm thắt vào, không phải là con hẻm Vi Đà Miếu này. Trước giải phóng, những nơi thờ cúng Vi Đà ở thành Thiên Tân không chỉ có một. Do dân số ngày càng tăng, bên trong bạch gia đại viện đã xây thêm một dãy nhà và cũng có người đến ở hết rồi. Nếu bạn từng xem bộ phim “Tự dưng thấy vui” do Phùng Củng đóng sẽ biết được điều kiện sinh hoạt lúc đó như thế nào.
Đại tạp viện cũng chật chội y như thế. Nhà nào giường ngủ cũng chiếm hết nửa gian phòng, nửa còn lại dùng cho đủ mọi chức năng, có thể là nhà bếp, nhà vệ sinh, nơi tiếp khách. Trước cửa mỗi nhà còn xây một phòng nhỏ để chứa than tổ ong hoặc bắp cải, đồ đạc chất đống khắp nơi. Hơn chục hộ ở cùng một chỗ bằng cái lòng bàn tay. Ưu điểm là quan hệ láng giềng rất thân thiết, có việc cần người giúp đỡ cũng không phải lo nghĩ, nhược điểm là nhà nào ăn gì, uống gì cũng không thoát khỏi cặp mắt của nhà khác, không có gì là riêng tư, bí mật cả.
Hồi đó chưa có máy lạnh, buổi tối mùa hè, nam nữ già trẻ trong đại tạp viện đều có thói quen ra ngoài nhà hóng mát. Họ mang bàn, ghế và chiếu ra ngồi ở hẻm hoặc trước sân nhà. Có người chơi cờ, có người đánh bài hay tụ tập tán dóc. Nhà nào có chuyện to chuyện nhỏ gì, bất kể là thật hay giả đều dễ dàng trở thành đề tài buôn chuyện sau bữa cơm tối. Lúc đó tôi cũng nghe được một vài chuyện quái lạ đã từng xảy ra trong bạch gia đại viện.
Tôi đã nghe được mấy câu chuyện khá là ấn tượng. Một là trước khi quân giải phóng tiến vào thành phố một ngày, ngay từ lúc tờ mờ sáng, có người đã thấy chuột trong tạp viện dọn nhà, con to con nhỏ băng qua đường bịt kín cả con hẻm. Cư dân không ngờ ở đây lại có nhiều chuột như vậy. Những người lớn tuổi nói đây là điềm thay đổi triều đại, các tiên gia đều ra ngoài lánh nạn. Tôi nghĩ có thể là chúng nó sợ tiếng pháo. Những năm xảy ra lũ lụt cũng có  những chuyện tương tự.
Hộ lâu đời nhất của Bạch gia đại viện là một hộ nằm sâu nhất trong đại viện. Nhà này không phải họ Bạch. Hai vợ chồng đều trên ba mươi, chưa tới bốn mươi tuổi, đều là người hiền lành thật thà. Đơn vị làm ăn không hiệu quả, không có việc làm cũng không được trả lương. Ngày thường vẫn ở nhà, cũng chẳng thấy làm gì khác. Mọi người gọi ông chồng là nhị đại gia. Đại tạp viện nào cũng có kiểu xưng hô này, để tỏ ra hàng xóm cũng giống như là người thân. Còn bà vợ cũng được gọi là nhị đại nương. Người phụ nữ này không phải là người thường.
Lúc đó tôi còn nhỏ, chưa hiểu chuyện. Dù sao tôi cũng không thích nhị đại nương lắm bởi vì bà ta là người nhàn rỗi nhất viện tử. Bà ta trông như một ngôi sao nhạc pop hát giọng kim nào đó. Thân cao khoảng mét rưỡi, đầu và cổ đều to, tóc ngắn bù xù, mũi nhỏ, mắt nhỏ, mang cặp kính cận thị gọng đen dày cộp. Hễ mở cửa là thấy bà ta đang đi lòng vòng quanh viện tử, đến nhà ai đặt mông ngồi xuống là không rời đi nữa vì thế đám trẻ con trong đại viện chúng tôi đã đặt cho bà ta cái biệt danh là “đại tọa chung” (Quả chuông ngồi lớn )
Nghe nói toàn bộ Bạch gia đại viện trước kia đều là tài sản của tổ tiên di nãi nãi nhà nhị đại nương. Hồi còn sống, lão thái thái rất mê tín, thờ cúng trạch tiên, biết coi bói, xem tướng, nói nhà nào xui xẻo ắt nhà đó sẽ xảy ra chuyện. Sau khi bà chết còn chưa đem chôn cất, xác được quàn ở gian nhà nào đó trong đại viện này. Ban đêm chồn lũ lượt đến quỳ lạy trước quan tài. Chuyện này nhiều người kể cứ như là thật mặc dù chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến.
Những chuyện thế này hầu hết đều là tin đồn ngoài đường ngoài chợ và đều được nghe từ những người lớn tuổi kể lại trong lúc hóng mát mùa hè. Bao nhiêu phần trong đó là thật khó mà biết được. Nhưng chuyện bà cụ nhà này cực kỳ mê tín thì chắc không phải là giả. 
Ngày nào Đại Tọa Chung cũng lê la đến nhà mọi người. Có lẽ bà ta ngồi nhà rảnh rỗi quá nên đi khắp nơi nói chuyện con cà con kê. Cái miệng bà ta còn nhanh hơn dao, cái gì nên nói hay không nên nói cũng đều phun hết ra. Theo chỗ tôi biết thì bà ta cũng nói đúng mấy lần rồi.
Có thể vì bà con chòm xóm thấy cái miệng của Đại Tọa Chung ăn mắm ăn muối quá. Chuyện tốt thì không nói, cứ nói chuyện xấu là đúng y chóc. Lại thêm lời đồn tổ tiên nhà này cực kỳ mê tín nên không ai muốn mời vào nhà chơi. Một đêm nọ tôi đến nhà chiếu phim xem video. Lúc trở về đi lối tắt băng qua hậu viện thì thấy bà ta đang đứng dựa vào tường, miệng lẩm bẩm nói gì đó không rõ, thỉnh thoảng còn người hề hề mấy tiếng, sợ chết đi được. Tôi vội vàng bỏ chạy mà không kịp chào bà ta.
Liên tiếp mấy ngày sau đó không thấy Đại Tọa Chung ra khỏi nhà, nghe hàng xóm bảo bà ta và một chị nào đó vì một chuyện nhỏ nhặt mà xích mích với nhau. Chị kia mồm miệng chẳng vừa, cũng nói vài câu quá đáng nên làm Đại Tọa Chung giận. Nghe nói bức tường ở hậu viện, hồi xưa từng là nơi đặt vị trí thờ cúng các thần của miếu Vi Đà. Ngày thường tôi đến đó chơi cũng hay để ý quan sát. Tôi có cảm giác là nhị đại nương đang nói chuyện với Vi Đà vào lúc nửa đêm, có lẽ chỗ đó thực sự có gì đấy đặc biệt.
Sau chuyện này, tôi nghe nói đầu óc Đại Tọa Chung quả thật không được bình thường nữa, cứ phải ở trong nhà uống thuốc để kiểm soát. Lúc tỉnh táo thì như người thường, khi bị kích thích thì im lặng không nói một lời. Đêm về bà ta cứ đứng đối mặt với bức tường ở hậu viện mà lảm nhảm một mình. Khi về đến nhà liền đặt búp bê của con gái lên trên bàn, thắp mấy nén nhang xông vòng quanh con búp bê rồi liên tục bái lạy. Không biết bà ta đang làm cái gì nhưng chắc chắn ai đó quanh đây sắp có chuyện rồi.
Trước kia, đạo giáo có một loại tà pháp. Mỗi ngày quỳ lạy khấu đầu có thể làm tiêu tán nguyên thần của người sống. 
Đại Tọa Chung biết điều này không thì tôi không rõ nhưng bất kể có phải tác dụng tâm lý hay không, người nào biết mình bị bà ta cúng bái hàng ngày cũng không thể nào chịu được. Cái người đã cãi lộn với Đại Tọa Chung không tránh khỏi lo lắng, mình mẩy đau nhức, bệnh liệt giường một thời gian dài mới dần hồi phục. Mùa hè năm sau khi tôi đến đại viện thì nghe kể người này bị mắc ban đỏ và đã qua đời.


2


Nhị đại nương thường hay lẩm bẩm một mình với bức tường sau hậu viện, còn đóng cửa nhà vái lạy búp bê. Những hành vi bất thường này của bà ta, đa số hàng xóm chung quanh đều biết nhưng nếu nói bạn ghét ai đó mà cứ ở trong nhà quỳ lạy là có thể lấy mạng họ thì không phải ai cũng biết. Thậm chí không ai nghĩ bà thím chết vì bệnh ban đỏ lại có liên quan đến Đại Tọa Chung. Chỉ có tôi là ngẫu nhiên nảy ra ý nghĩ này bởi vì trưa nào tôi cũng nghe kể chuyện.
Hồi đó, bắt đầu từ một giờ trưa hàng ngày, bạn có thể nghe tiết mục kể chuyện dài kỳ của đài phát thanh nhân dân Lang Phường. Kỳ nghỉ hè đó đang phát sóng truyện Phong Thần do Viên Khoát Thành tiên sinh diễn đọc. Khi lên trung học tôi nghe truyện này mà đâm ghiền. Ngoài Bạch Mi Đại Hiệp của Đơn Điền Phương tiên sinh, tôi khoái nghe nhất là Thần Sách Tử và Toản Thiên Nhi. Chính nhờ nghe Phong Thần Truyện mà tôi mới biết hóa ra ở trong nhà quỳ lạy có thể lấy mạng người khác.
Tôi nghe Phong Thần Truyện có nhắc tới một lão đạo cực kỳ lợi hại tên là Lục Áp. Người này là một tán tiên không rõ lai lịch. Ông ta có một pháp bảo là Trảm Tiên Hồ Lô, có thể bắn ra một tia hào quang. Bên trong hồ lô chứa một vật, dài chừng bảy thốn, có lông mày và mắt. Không cần biết là thần tiên hay yêu quái gì, chỉ cần Lục Áp niệm “Xin bảo bối quay mình”. Khi thấy hào quang quay trở lại thì đầu thân của đối phương đã mỗi nơi một nẻo.
Lục Áp còn có một phép thuật truyền lại cho Khương Tử Nha. Phép thuật này có tên là Đinh Đầu Thất Tiễn. Dựng một người rơm trong doanh trại, viết tên và sinh thần bát tự của chủ tướng quân địch lên trên người rơm, trên đầu và dưới chân mỗi nơi thắp một ngọn đèn. Hàng ngày làm phép, sáng, trưa và tối vái lạy một lần, liên tục trong hai mươi mấy ngày là có thể tiêu tán ba hồn bảy vía của người đó. Sau đó bắn tên vào người rơm thì người sống sẽ chảy máu.
Tôi rất thích cái Trảm Tiên Hồ Lô đấy, muốn biết cái thứ có mắt và lông mày ở trong đó là gì, vì vậy mỗi lần Lục Áp xuất hiện là tôi chăm chú lắng nghe. 
Có lần nghe đến đoạn Đinh Đầu Thất Tiễn, tôi không khỏi lạnh người khi nghĩ đến Đại Tọa Chung ở đại tạp viện. Giữa ngày Tam Phục Thiên mà đột nhiên thấy sống lưng rờn rợn. Còn đối với những ghi chép về phép thuật tà ác này trong ngũ hành đạo thuật, mãi nhiều năm sau này tôi mới biết đến.
Ngoài ra dân gian còn có câu nói người bình thường không được nhận bái lạy, nếu bị bái lạy nhiều chắc chắn sẽ tổn thọ nhưng đây là chuyện vô căn cứ. Không người nào có thể chứng mình cái chết của bà hàng xóm có liên quan với nhị đại nương, có lẽ chỉ là trùng hợp thôi.
Dù sao mạng người là quan trọng nên trước giờ tôi chưa từng đề cập với ai. Bây giờ nói ra chỉ để làm thành câu chuyện. Tiếp theo, tôi sẽ kể về những gì mình đã trải qua trong kỳ nghỉ hè năm thứ hai ở Bạch gia đại viện. Đến giờ nghĩ lại vẫn còn thấy hãi hùng.
Mùa hè năm đó, ban ngày người lớn đi làm, trong đại tạp viện chỉ còn lại mấy ông bà già. Buổi trưa mọi người đều ngủ trong nhà. Tôi đến cái cây ở hậu viện lấy que dính ve sầu. Ngoài sân có hai chị em gái, Đại Quyên Tử và Tiểu Quyên Tử, một người học trung học cơ sở, một người học tiểu học. Vì hậu viện có bóng cây nên hai chị em mang ghế đến ngồi làm bài tập.
Tôi chẳng bao giờ làm bài tập về nhà dành cho kỳ nghỉ đông và hè. Tôi nhặt xác mấy con ve chết hù dọa chị em họ, không để ý Nhị đại nương đang ở ngay sau lưng.
Khi đó là hơn một giờ trưa, trong hẻm không có người nào. Đại Tọa Chung mò xuống hậu viện, tìm cách bắt chuyện với chúng tôi. Lúc thì bà ta kể về cái cây đâm thẳng vào tường này, lúc thì lại nói bức tường này trước kia là một gian nhà, chính là Bạch gia đại viện trước đây. Sau đó còn kể những chuyện hồi nhỏ của bà ta ở đại viện. Bà ta nói Di nãi nãi hay Di lão lão gì đó tôi không nhớ rõ nữa, dù sao cũng là lão thái thái cực kỳ mê tín trước kia, nói lão thái thái này đã chết như thế nào.
Đại Tọa Chung cho biết Bạch gia đại viện được cải tạo từ Vi Đà Miếu trước kia.  Miếu này rất linh cho nên những người già cả rất tin sùng, mỗi năm đều lập đạo tràng, lần nào cũng có nhiều người đến nghe giảng pháp. Lão thái thái rất cưng chiều Đại Tọa Chung, cho rằng bà ta chính là trạch tiên thác sinh, thường hay mua đồ ăn ngon cho cháu. Hồi đó, ai dám dám nói nửa lời đứa trẻ này không ngoan, lão thái thái sẽ tìm đến tận cửa, đập nát nồi niêu nhà người đó.
Trước kia, một số người không nuôi mèo vì sợ làm hại chuột trong nhà. Nhà nào có các con vật như chồn, nhím, chuột… sẽ xem chúng như là trạch tiên, chẳng những không xua đuổi mà vào các dịp lễ Tết còn để đồ ăn ở góc tường hay trên xà nhà cúng bọn chúng. 
Phạm vi hoạt động của Đại Tọa Chung không quá một hai con hẻm, chuyện đại sự quốc gia thì không biết tí gì nhưng nhắc đến mấy chuyện mê tín thì lại nói đâu ra đấy. Khi chúng tôi nghe đến mê say rồi thì đều muốn biết bà ta là tiên gia nào đầu thai.
Lúc nghe Đại Tọa Chung kể những chuyện này ở hậu viện, tôi chả thấy sợ gì, cũng không để ý lắm. Tối về Đại Quyên Tử bị bà nội đánh cho một trận. Tôi hỏi có chuyện gì thế? Thì ra Đại Quyên Tử về nhà đã kể lại cho bà nội nghe. Bà nội nói lão thái thái đó đã chết từ trước giải phóng, Đại Tọa Chung cũng chưa từng thấy mặt lão thái thái, làm sao có thể đưa bà ta đi chơi khắp nơi cả ngày, rồi còn mua đồ ăn cho nữa? Những lời của Đại Quyên Tử đã làm tôi mơ thấy ác mộng cả đêm.
Chuyện này có hai, ba khả năng. Một là lão thái đã hiện hồn về tìm Đại Tọa Chung. Khả năng khác là bà ta bị hoang tưởng. Lúc đó tôi chưa có khái niệm gì về hoang tưởng, cũng chưa từng nghe đến thuật ngữ này. 
Ngay đến giờ tôi cũng chưa dám kết luận gì bởi vì chuyện này chưa kết thúc, vẫn còn phần sau nữa.


3


Tôi vẫn nhớ khi đang dính ve sầu ở hậu viện, Đại Tọa Chung đã cho tôi và chị em Quyên Tử biết ngày xưa đây là Vi Đà Miếu, tuổi của cái cây này lớn hơn Vi Đà Miếu và còn lâu đời hơn Bạch Gia đại viện rất nhiều. Nhà của các tiên gia ở trong cái cây này. Tôi hiểu đó là một động vật có linh tính nào đó, nhưng bà ta không nói đó là con gì. Người trong miếu muốn đuổi chúng đi, kết quả dẫn đến một trận hỏa hoạn lớn, thiêu rụi mất miếu Vi Đà, sau này mới xây thành nơi ở, cũng chính là Bạch Gia đại viện. Sau giải phóng mới dần trở thành một đại tạp viện với nhiều cư dân sinh sống.
Trong ấn tượng của tôi, mặc dù chung quanh có rất nhiều người lớn tuổi nhưng họ không biết rõ tình hình của đại tạp viện bằng Đại Tọa Chung.
Sau khi nghe những lời của bà nội Đại Quyên Tử, tôi nghĩ chắc là hồn ma của lão thái thái đã cho Đại Tọa Chung biết. Dù sao cũng làm chúng tôi thấy hãi, cho rằng Đại Tọa Chung chính là cái thứ đã sống ở cây cổ thụ Vi Đà Miếu nhiều năm sau đó thì thác sinh thành người.
Đến giờ tôi cũng không hoàn toàn cho rằng đầu óc của Đại Tọa Chung có vấn đề. Lý do vì sao, kể đến sau cùng các bạn sẽ hiểu thôi. Có điều khi đó tôi cũng như hầu hết mọi người trong đại tạp viện đều cho là đầu óc của Đại Tọa Chung bất thường bởi vì chúng tôi thấy Nhị đại gia mua thuốc cho bà ta uống. Vậy nên ngoài việc chúng tôi thấy bà ta đáng sợ thì vẫn có chút thương cảm. Thỉnh thoảng tôi chạm mặt Đại Tọa Chung ở hậu viện, cũng nghe bà ta lảm nhảm những thứ khó hiểu.
Tôi dần nhận ra Đại Tọa Chung rất thích ăn thịt gà. Hễ nhà nào hầm gà là bà ấy có mặt ở trước cửa, kiễng chân lên hít hà mùi thơm. Đều là hàng xóm làng giềng với nhau cả, ai  lại chẳng hỏi một câu Nhị đại nương đã ăn cơm chưa.  Chỉ cần mở lời là bà ta sẽ vào trong nhà, ăn ké thịt gà. Mỗi lần đều liếm xương gà sạch sẽ. Bà ta cũng hay bắt Nhị đại gia ra chợ mua loại xương gà rẻ nhất về ăn. Ngoài ra nhà ai mà bị mất đồ, quá nửa là bà ta có thể giúp tìm lại được.
Khu nhà đó đã bị phá bỏ hoàn toàn vào giữa những năm 90 vì thế tôi chỉ ở đó trong ba kỳ nghỉ hè. Tôi đã chứng kiến một chuyện không thể lý giải vào kỳ nghỉ hè cuối cùng. 
Nhị đại gia là người Đông Bắc. Lúc đó chú đưa con về quê thăm họ hàng, trong nhà chỉ còn mỗi mình Đại Tọa Chung. Hôm đó tôi đang ở ngoài cổng đại viện thì thấy Đại Tọa Chung đi từ ngoài về, miệng hát ngêu ngao, tay xách túi lớn túi nhỏ toàn là quần áo, giày dép mới mua. Ai đã từng sống ở đại tạp viện chắc cũng biết trong hẻm này lắm người rỗi việc, đặc biệt là mấy bà mấy mẹ. Hàng ngày chỉ biết cắn hạt dưa, soi mói người ra kẻ vào. Ai mua gì cũng không qua được mắt họ. Mặc dù đa số là nhiệt tình nhưng cũng có vài người có tính đố kỵ với người khác. Ai nghèo hơn mình thì khinh, ai giàu hơn mình thì ghét. Mấy bà phụ nữ nhìn thấy Đại Tọa Chung sắm quần áo mới thì đều thấy lạ và nổi máu ghen tức.
Điều kiện kinh tế của gia đình Đại Tọa Chung không được tốt lắm. Ngày thường phải thắt lưng buộc bụng, tiêu pha dè sẻn. Mỗi năm Tết đến nhiều nhất là sắm thêm bộ quần áo mới cho con. Hai vợ chồng nhiều năm nay chỉ mặc quần áo cũ, ngay đến đôi tất thủng cũng chẳng có. Mấy bà phụ nữ ganh tị liền hỏi Đại Tọa Chung sao lại mua quần áo, giày dép mới, có phải là đã phát tài hay bất chợt nổi hứng lên mua? Lúc đó Đại Tọa Chung rất vui, nói hai ngày nữa lão thái thái sẽ đến đón bà ta, sắp phải đi rồi.
Mọi người cũng không dám hỏi nhiều, chủ yếu là đều biết đầu óc Đại Tọa Chung không bình thường, lỡ vạ miệng chọc giận bà ta thì không biết sẽ xảy ra chuyện gì, ai cũng không gánh nổi trách nhiệm này. Đám người rỗi việc bèn đứng ngoài xem nhà hàng xóm cháy. Nhưng Đại Tọa Chung có nói hồn ma lão thái thái nhắn bà ta qua hai ngày nữa sẽ phải lên đường. Khi đó chẳng ai tin cả, đi thế nào đây? Là chết hay là bay thẳng lên giời?
Như thường lệ, tối đó mọi người lại ngồi ở hẻm hóng mát và ăn cơm tối. Đại Tọa Chung ăn mì một mình trong nhà. Theo lệ cũ trước khi đi xa đều phải ăn mì để được thuận lợi. Bà ta mặc quần áo mới, mang giày mới nhưng không đi ra ngoài mà khóa trái cửa chính, kéo rèm che kỹ cửa sổ, trong nhà im ắng, không một tiếng động. Mấy người hàng xóm có tuổi tốt bụng, sợ bà ta ốm đau gì nên bảo nhau qua nhà gọi cửa hỏi xem thế nào.
Đêm mùa hè tiết trời nóng nực, ai lại đi nhốt mình vào trong căn nhà tối thui không đèn đuốc, không chết ngạt thì cũng bị cảm. Thế nhưng hầu hết mọi người đều không muốn chuốc lấy rắc rối, chỉ sợ Đại Tọa Chung có bệnh gì thì không biết xử trí thế nào. Qua mười giờ mọi người lần lượt đi ngủ. Đến tầm mười hai giờ, bà nội Đại Quyên Tử không yên tâm, bèn qua nhà Đại Tọa Chung gọi cửa một lúc nhưng trong nhà tối om, không có động tĩnh gì.
Lúc đó mọi người trong đại viện đều hoảng hốt, cho là Đại Tọa Chung lại bị cái gì làm cho kích động, nhất thời nghĩ quẩn, treo cổ tự vẫn trong nhà rồi, mọi người không báo cảnh sát mà vội vàng phá cửa. Khi vào đến trong nhà, thắp đèn lên thấy đồ đạc gọn gàng, chăn bông trên giường đã được gấp lại nhưng không thấy người đâu hết, quần áo, giày mới cũng không còn, chỉ thấy trên bàn có một bức tranh lớn, là một bức di ảnh đen trắng của người chết.
Bức di ảnh đó chính là chân dung của Đại Tọa Chung, không biết là chụp từ lúc nào, bà ta đã tự mình cúng bái mình. Khi đó bà nội của Đại Quyên Tử cũng vào trong nhà, sợ điếng cả hồn. Có người dạn dĩ thấy cửa sau không đóng, ra ngoài hậu viện thì thấy Đại Tọa Chung đang mặc đồ mới, ngồi bất động dưới bức tường cũ Vi Đà Miếu. Khi đó tất cả hàng xóm trong đại tạp viện đều nhận ra cái người đang trốn ở hậu viện căn bản không còn là Đại Tọa Chung nữa.
Kể từ lúc Đại Tọa Chung hồi tỉnh cũng không hề mắc bệnh thần kinh gì, cứ hiền như khúc gỗ, ánh nhìn tà ác trong mắt đã biến mất, cũng không nói những câu kỳ quái khó hiểu, hoàn toàn khác với còn người trước kia. Mọi người hỏi bà ta đã xảy ra chuyện gì thì nói không biết, chỉ cảm thấy hình như hồn phách của mình mất đi một phần. Chẳng bao lâu sau khu nhà này bắt đầu được tháo dỡ và xây dựng lại, cây cổ thụ và bức tường cũ của miếu Vi Đà cũng không còn nữa.
Đại tạp viện đó nay đã biến thành nhà cao tầng, không mấy người về lại nơi ở cũ, những người hàng xóm trước đây đều đã chuyển đi hết, ít có dịp gặp lại nhau. Tết năm 2000, tôi qua nhà họ hàng chúc Tết. Nghe nói vợ chồng Đại Tọa Chung đã dùng tiền đền bù và vay mượn thêm ít  tiền mua một căn nhà và dọn đến ở khu dân cư gần đường vành đai ngoài. Mới ở chưa được hai năm thì nơi này lại bị phá dỡ, phải chuyển nhà lần thứ hai. Từ đó không có tin tức gì nữa, cũng không biết sau này họ sinh sống thế nào.

(Tổng: 4324 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận