Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2156 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 47
Ăn trộm còn ngủ quên
Con chim to lớn này tên là chim ô tác.
Tôi biết nó không chịu bỏ đi bởi vì trong tổ của nó có trứng hoặc con non.
Chuyện này hồi nhỏ tôi thấy suốt, nhất là gà rừng. Gà rừng làm tổ trong những lùm cỏ. Vào mùa đông cả đám trẻ con chúng tôi xếp thành một hàng rồi đi sâu vào trong lùm cỏ. Gà rừng bị kinh động sẽ bay đi nhưng nếu không bay xa thì nhất định trong tổ nó có trứng hoặc con non.
Lúc đầu tôi không muốn đi vào trong lùm cỏ nhưng bây không đi không được vì con chim ô tác đã cho tôi biết trong tổ nó có trứng.
Tôi bước tới, quả nhiên tìm thấy hai quả trứng nằm trong lùm cỏ. Trứng của nó lớn hơn trứng gà rất nhiều, bằng cỡ quả bóng da.
Tôi vui mừng khôn xiết.
Con chim ô tác cực kỳ phẫn nộ, nó quay sang tấn công tôi. Tôi tiện tay nhặt một cục đá ném về phía nó. Cục đá trúng ngay vào cánh nó. Nó vọt người lên cao rồi miễn cưỡng bay đi.
Tôi nghĩ, trứng của mày có thể chui vào bụng lão nạp cũng là phúc phận đã tu thành ở kiếp trước rồi.
Hai quả trứng này to quá, mang đi thế nào đây? Tôi nghĩ ra một cách. Tôi cởi quần ra, buộc túm ống quần lại rồi nhét mỗi bên một quả trứng. Sau đó vác quần lên vai hăm hở bước về phía trước. Lúc đó tôi thấy mình như một vị tướng quân đang trở về nhà sau khi thắng trận.
Hai quả trứng này đủ cho tôi ăn trong một ngày, thậm chí cả hai ngày. Hai ngày nữa thôi, chắc chắn tôi đã ra khỏi ngọn núi này, đến được nơi có người ở. Chỉ cần có người là tôi có thể sống được.
Tôi đang đi vui vẻ, chợt thấy tình thế trước mặt không hay. Một con heo rừng với hai cái răng dài thò ra đang đi kiếm thức ăn cùng hai đứa con. Tôi đứng trên sườn núi, nó đứng dưới sườn núi. Hai bên chỉ cách nhau mười mấy thước.
Tôi chỉ mong con heo rừng nó không thấy mình. Tôi ngồi thụp xuống núp nhưng không kịp nữa rồi. Con heo rừng to lớn đã dựng cái bờm lên, kêu eng éc rồi xông thẳng về phía tôi. Cái mõm dài của nó húc trúng một cái cây có thân to bằng miệng bát, cái cây lập tức gãy rời. Hai con heo con chạy theo sau, kêu chói cả tai giống như đang trợ uy cho mẹ nó.
Lông tóc tôi dựng ngược, vội quay người bỏ chạy. Hai quả trứng chim cũng rơi xuống đất. Tôi bỏ luôn, quay đầu phi vào trong rừng. Bên tai nghe gió thổi ù ù, từng cây đại thụ lao vùn vụt sau lưng. Tôi nghĩ mình chạy nhanh thế này chắc là đã bỏ xa con heo rừng rồi nhưng vừa nhìn lại thì thấy nó đã ở cách tôi vài thước. Nó đang lao đi điên cuồng giống như cỗ xe ngựa không có người kìm giữ.
Tôi hét lên a a. Tôi thấy trước mặt mình có một cái cây đổ thì nhảy lên trên thân cây. Con heo rừng không biết leo cây, nó liền chạy chậm lại. Tôi chạy một đoạn nữa và trèo lên một cây đại thụ sát bên. Sau khi ngồi lên một cái chạc cây thật cao, cuối cùng tôi có thể thở phào được rồi. Con lợn rừng vẫn không chịu thua, nó dùng thân thể to lớn của mình húc vào cái cây kêu binh binh, sau đó cắn vào thân cây. Tôi vô cùng sợ hãi. Nếu cái cây này bị nó cắn đổ thì tôi sẽ té chết, còn không té chết thì cũng bị nó cắn chết.
Con lợn rừng mới cắn được một nửa thì đột nhiên dừng lại. Nó ngẩng đầu lên, vẫy đôi tai to như cái quạt rồi chạy ngược lại đường cũ. Tôi ngồi trên cao trông thấy một con vật nào đó ngoạm lấy con heo con, rồi chui vào bụi cây. Con heo con rống lên thảm thiết.
Tôi vui sướng vì thoát được một kiếp nạn. Con vật đã cứu đó tôi là con gì? Có thể là linh cẩu cũng có thể là mèo rừng.
Thực ra tôi cũng phải cảm ơn con heo rừng đó. Nếu không có nó thì tôi không biết mình sẽ còn đi lang thang trong dãy Đại Biệt Sơn bao lâu nữa trước trở thành người rừng.
Phía trước có heo rừng nên tôi không dám đi tiếp nữa. Tôi đổi hướng đi, bò dọc theo sườn núi lên trên đỉnh núi. Tôi biết mỗi con thú đều có lãnh địa riêng, nếu tôi bước vào phạm vi thế lực của nó, nó sẽ tấn công tôi. Nếu tôi thay đổi đường đi, tránh xa nó, nó sẽ không làm gì tôi.
Xế chiều hôm đó tôi cũng leo đến đỉnh núi. Quần tôi đã rách hở cả mông ra. Tôi đứng trên đỉnh núi, mệt mỏi nhìn xuống dưới, đột nhiên tôi bật khóc.Dưới chân núi là một thị trấn, ánh đèn rực rỡ, tựa như những vì sao lấp lánh trên bầu trời.
Cuối cùng tôi cũng ra đến ngoài dãy Đại Biệt Sơn.
Khi tôi đến thị trấn thì đã khuya lắm rồi. Người dân chốn thôn quê thường đi ngủ rất sớm. Cả thị trấn chìm trong màn đêm tĩnh lặng.
Có một nhà phơi quần áo ngoài cửa sổ. Cửa nhà được khóa bằng ổ khóa sắt. Tôi rút một cái quần từ rui nhà xuống. Gấu quần hơi dài nên tôi xắn nó cao hơn, lưng quần hơi rộng nên tôi cuộn ngang bụng. Bây giờ tôi không còn lo người ta nhìn thấy cái mông của mình nữa.
Tôi nấp sau bức tường của nhà đó rất lâu cho đến khi không thấy ai nữa. Tôi đoán chừng tối nay nhà này không còn ai về nữa thì bước đến trước cửa, nhấc hai cánh cửa lên cùng lúc rồi đẩy ra. Thời đó nhà nào cũng làm cửa gỗ hai cánh, chỉ cần nhấc cánh cửa ra khỏi bản lề là có thể mở được cửa.
Tôi lắp cánh cửa vào lại bản lề rồi duỗi thẳng tay chân, nằm thoải mái trên giường. Chiều nay tôi đã ăn bọ cạp, thằn lằn, nhện, tôi tưởng mình sẽ bị ói mửa nhưng lại không bị. Số thức ăn đó đã được tiêu hóa và hấp thụ hết rồi nhưng bây giờ cả người tôi nóng hừng hực. Tôi bật dậy, mò đến vại nước, uống một gáo nước nhưng vẫn không hết nóng.
Sau này tôi mới biết bọ cạp, thằn lằn, nhện đều có thể làm thuốc và cũng có thể ăn được. Chúng là loài bò sát có độc, được dùng làm thuốc phòng và trị bệnh phong thấp, đau xương khớp.
Đêm đó, tôi thực sự rất mệt. Tôi chỉ định chợp mắt trên cái khang của gia đình này một lát, đợi trời sáng sẽ trở dậy. Không ngờ vừa đặt mình xuống đã ngủ đến tận lúc sáng bạch.
Chủ nhà đã quay về rồi.
Tôi giật mình thức giấc khi nghe thấy tiếng mở khóa cửa. Tôi mở to mắt thì thấy một cặp nam nữ bước vào trong phòng. Tôi dáo dác nhìn quanh giống như một con chuột bị kẹt trong góc nhà.
Người phụ nữ hét toáng lên, người đàn ông vơ lấy cây chống cửa. Tiếng hét của người phụ nữ đã đánh động rất nhiều người bên ngoài. Họ xông vào trong nhà, hỏi: “Chuyện gì thế. Chuyện gì thế?”
Người đàn ông kia nói: “Ở đây có thằng ăn trộm”
Tôi hoảng hốt, sợ họ sẽ đánh mình một trận tơi tả, vội nói: “Con không phải trộm, con không phải trộm”
Người đàn ông nói: “Không phải trộm? Thế mày vào đây làm gì?”
Người phụ nữ la lớn: “Ối giời, còn mặc cả quần của tôi nữa. Xí”
Tôi nhìn xuống chân, đúng là tôi đang mặc một cái quần vải thô màu đỏ kẻ sọc caro. Từ nhỏ tôi đã biết là không được mặc đồ của phụ nữ, chỉ có lưu manh mới mặc quần của phụ nữ. Mặt tôi đỏ bừng, chỉ muốn độn thổ cho xong. Nhưng nếu tôi cởi quần ra thì sẽ không còn gì để mặc nữa.
Người đàn ông giơ cây chống cửa lên, quát lớn: “Đánh chết thằng tiểu dâm tặc này”. Lần này anh ta không gọi tôi là trộm mà gọi là tiểu dâm tặc, cái này còn khó nghe hơn.
Tôi quỳ xuống cái bịch, mếu máo nói: “Con không phải người xấu, con không phải người xấu”
Người đàn ông hạ cây chống cửa xuống.
Trong đám người đứng vây chung quanh có một ông lão, ông hỏi tôi: “Cháu không phải người xấu, sao lại vào nhà người khác, còn mặc quần của vợ người ta?”
Tôi mếu máo nói: “Con không trộm gì cả. Con mệt quá muốn tìm chỗ ngủ nên mới vào đây”
Cặp nam nữ quét mắt nhìn quanh nhà, thấy không mất gì thì im lặng. Ông lão lại hỏi: “Cháu đi xin ăn à?”
Tôi vội gật đầu.
Ông lão nói: “Chiến tranh loạn lạc, khắp nơi đều là ăn mày nhưng cháu cũng to gan quá đấy. Đã ngủ trên giường nhà người ta lại còn mặc quần áo nhà người ta. Sao không có nổi một cái quần thế cháu?”
Tôi nói: “Quần rách hết cả rồi. Không còn gì mặc nữa nên cháu mặc tạm cái quần này. Trời tối quá, vớ được cái nào là cháu mặc luôn”
Tôi không dám kể về những kỳ ngộ của mình ở dãy Đại Biệt Sơn. Tôi sợ họ sẽ tiếp tục đặt câu hỏi. Đến lúc đó tôi không thể lấp liếm được mãi, sẽ nói ra chuyện sư phụ Lăng Quang Tổ lừa bịp người ta mất.
Ông lão nói: “Cũng là một đứa bé đáng thương. Thôi. Tha cho nó đi”
Tôi tưởng mình sẽ ăn no đòn, chẳng ngờ ông lão mới nói vài câu là mọi chuyện đã êm xuôi. Tôi rập đầu lạy ông lão ba cái rõ kêu.
Ông lão nói: “Không cần làm vậy, không cần làm vậy”
Ông lão chỉ còn lại một mình. Ba người con trai của ông đều chết vì chiến tranh. Những năm đó người chết trận là chuyện thường tình như cơm bữa. Ông lão thất học con trai cũng thất học. Họ chỉ là những người nông dân hiền lành chân chất, thế nhưng họ đã bị cuốn theo những cuộc chiến tranh liên miên. Con trai cả chiến đấu cho quân đội áo đen, con trai thứ hai chiến đấu cho quân đội áo vàng. Hai bên đánh nhau túi bụi. Hai anh em ruột gặp nhau trên chiến trường. Cuối cùng cả hai người con đều chết. Con trai út của ông bị bắt đi lính cho Hàn Phúc Củ khi đang trên đường đến chỗ người họ hàng. Ngay trận đánh đầu tiên anh ấy đã bị đạn pháo bắn chết.
Ông lão chỉ còn lại một mình, vợ ông cũng mất lâu rồi. Ông không còn người nào phụng dưỡng lúc về già nữa.
Ông muốn nhận tôi làm con trai.
Tôi không muốn lang bạt mãi nữa. Tôi muốn gắn bó cùng ông lão. Tôi sẽ cất nhà, lấy vợ sinh con, giống như bao người đàn ông khác.
Nhà ông lão chỉ có một gian phòng. Cũng chẳng sao, nó còn tốt hơn nhiều so với ngôi miếu nát tôi đã ở. Nhà ông cũng chỉ có dưa cải muối, cũng chẳng hề gì, còn ngon chán so với nhện, bò cạp tôi đã ăn. Về ở cùng ông thì phải ra đồng làm việc, cũng chẳng vấn đề gì, còn tốt hơn là đi trên dây làm chỉ điểm cho bọn trộm cắp. Ít ra lương tâm tôi cũng được thanh thản.
Tôi nghĩ có thể mình sẽ sống như thế này suốt đời. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ, kiếm thật nhiều tiền, cưới một cô vợ như Ni Tử hay Diệp Tử. Cả ngày chăm sóc cho cô ấy, không bắt cô ấy phải làm lụng vất vả. Tôi sẽ lo hết việc nhà để mỗi ngày cô ấy ngồi trước cửa tắm nắng và cắn hạt dưa.
Vậy mà, chỉ mười mấy ngày sau, tai họa đã ập đến.