Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2824 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 36
Thổ phỉ tìm đến nhà
Bên ngoài núi đang đánh nhau trối chết. Phía Bắc dãy Đại Biệt Sơn có một vùng đất gọi là trung nguyên. Ở đây có những binh lính với đủ loại sắc phục đang đánh nhau lộn bậy. Đạn pháo nổ rung trời, thi thể họ cứ ngã xuống hết lớp này đến lớp khác, biến thành phân bón. Máu của họ chảy tràn khắp nơi, tưới tắm cho đất đai thêm màu mỡ. Trong những năm đó, cỏ dại ở vùng đất này đặc biệt tươi tốt.
Hàng ngàn hàng vạn binh sĩ đã ngã xuống. Không một ai nhớ đến tên tuổi của họ. Họ sống như bò, như ngựa và chết như kiến, như dế.
Bên ngoài thì quân đội đánh lẫn nhau còn bên trong dãy Đại Biệt Sơn thì thổ phỉ hoành hành ngang ngược. Nhiều người dân đã phải lên núi đào hang đào hốc, tích trữ lương thực, nước uống, thậm chí còn mang theo cả guồng xe sợi, khung cửi. Hễ thấy bọn cướp từ xa là họ trèo lên thang, trốn vào các hang động nằm giữa vách núi, sau đó rút thang lên. Bọn thổ phỉ vào làng không cướp được tài sản cũng không có cách nào leo lên hang động phía trên vách núi thế là phải bỏ đi.
Ở trong dãy Đại Biệt Sơn, đảng cướp lớn nhất có tới cả mấy trăm tên. Chúng nó tụ tập trên một ngọn núi có tên là Thiên Vương Trại. Cầm đầu đám thổ phỉ này là Hắc Cốt Đầu.
Thiên Vương Trại cách chỗ chúng tôi hàng trăm dặm. Bọn chúng là thổ phỉ còn chúng tôi là hòa thượng. Hai bên nước sông không phạm nước giếng. Nào có ai ngờ bọn chúng lại tìm đến chúng tôi.
Buổi trưa hôm đó, một đám người ngựa xuất hiện ở lối vào thung lũng. Bọn họ lưng đeo súng dài, vừa đi vừa huýt sáo, vừa ca hát. Tiếng huýt sáo và ca hát đã làm kinh động đến bầy chim. Bọn chúng nháo nhác bay đi chẳng khác gì cái máy báo động khiến người dân ở làng bản hai bên đường tranh nhau chạy về những hang động trên sườn núi.
Thế nhưng đoàn người ngựa này không dừng lại ở bất cứ hang động nào, bọn họ vẫn lao về phía chùa Hương Dũng như một con thuyền máy.
Hôm đó chùa Hương Dũng vẫn có nhiều khách đến dâng hương. Họ nghe thấy tiếng vó ngựa rầm rập, tiếng ca hát ồm ồm trong gió thì chạy khắp nơi tìm chỗ trốn. Có người chui vào hang núi, có người trốn vào bụi mận gai, có người trèo lên ngọn cây. Mới rồi chùa còn ồn ào như thế, vậy mà loáng cái đã trở nên tĩnh lặng.
Ở những nơi xa xôi trong dãy Đại Biệt Sơn, người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một người cưỡi ngựa, nhưng cả một đoàn người ngựa như thế này thì rất hiếm gặp, nhất là khi đoàn người ngựa này mang theo súng.
Những người vừa cưỡi ngựa vừa mang súng là loại người nào? Nếu không phải là binh lính thì cũng là thổ phỉ. Quyền lực bắt đầu từ nòng súng. Bất kể là quân đội hay thổ phỉ thì dân thường sẽ phải nhượng bộ. Quân đội thì bắt lính còn thổ phỉ thì cướp tài sản.
Tôi thấy người phụ nữ đó rất hoảng sợ, giống y như con gà mái nằm dưới móng vuốt chim ưng. Chị ta vừa mới chạy ra khỏi chùa đã vội quay người chạy trở lại, nhìn thấy tôi thì nói: “Đừng nói chị đang ở đây”. Chị ta chạy lên bậc thềm của chính điện thì đâm sầm vào Lăng Quang Tổ. Chị ta kéo tay áo Lăng Quang Tổ nói: “Sư phụ, sư phụ. Đừng nói tôi đang ở đây”. Sau đó, chị ta chạy ra phía sau chùa.
Vì sao thổ phỉ tới mà chị ta lại hốt hoảng đến mức như thế? Tại sao lại dặn không được nói chị ta đang ở đây, lẽ nào chị ta biết bọn chúng? Chị ta có quan hệ gì với đám thổ phỉ này?
Tôi nhớ đến những hành vi kỳ lạ của người phụ nữ này, về những bộ quần áo đẹp đẽ và trang sức quý giá dùng mãi không hết thì chợt hiểu ra. Chắc là chị ta này đã lấy trộm đồ của bọn chúng và chúng nó đã tìm đến tận cửa rồi.
Đám người này đã đến trước cổng chùa. Bọn chúng đồng loạt nhảy xuống ngựa, tiến vào trong chùa. Một người đàn ông có thân hình cao lớn, mặc một cái áo đối khâm bước tới ôm quyền chào Lăng Quang Tổ, cao giọng nói: “Xin hỏi vị nào là trụ trì chùa này?”
Lăng Quang Tổ không đoán được ý định của đối phương nên cũng ôm quyền đáp lễ, nói: “Chính là bần tăng”
Người mặc áo đối khâm nói: “Xin phương trượng đi cùng tôi một chuyến, đại đương gia có lời mời”
Lăng Quang Tổ nói: “Xin hỏi, các vị là…?”
Người mặc áo đối khâm nói: “Chúng tôi là những hảo hán lục lâm ở Thiên Vương Trại, hẳn là sư phụ đã biết tiếng?”
Lăng Quang Tổ nói: “Vẫn thường nghe như sấm dậy bên tai, các hảo hán thế thiên hành đạo, trừ bạo an dân, bần tăng vô cùng ngưỡng mộ. Chỉ là chúng ta trước nay chưa từng lai vãng, các vị đại giá quang lâm, không biết có chuyện chi?”
Người mặc áo đối khâm nói: “Đây là chuyện gia đình của đại đương gia. Sư phụ đi thì sẽ biết”
Vừa nghe nói đó là việc nhà của đầu lĩnh đám thổ phỉ, Lăng Quang Tổ cũng thấy nhẹ người. Ông nói với tôi: “Các vị hảo hán lục lâm đã có lời mời. Đây là vinh dự to lớn. Mau mau sắp xếp hành trang. Chuẩn bị mang theo Kinh A Hàm, Kinh Ban Nhược Ba La Mật Đa Tâm, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh A Di Đà, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Thừa, Kinh Lục Tổ Đàn. Ta phải thảo luận phật pháp cùng các vị hảo hán.
Những kinh sách này có thể là Sư phụ Thượng Minh tặng cho nhưng kể từ khi anh mập gánh về chùa Hương Dũng Lăng Quang Tổ vẫn chưa hề ngó qua.
Tôi không hiểu vì sao Lăng Quang Tổ lại mang theo những cuốn kinh Phật này, đã thế còn đọc lần lượt tên của từng cuốn nữa. Chẳng phải người mặc áo đối khâm đã nói chuyến đi này có liên quan đến chuyện nhà của đầu lĩnh đám thổ phỉ hay sao?
Sau này tôi mới hiểu, Lăng Quang Tổ làm thế chẳng qua là muốn cho đám thổ phỉ thấy: Tôi là cao tăng Phật giáo. Hãy nhìn xem tôi biết rất nhiều tên kinh sách nổi tiếng và tôi có biết bao nhiêu là kinh sách Phật Giáo ở đây.
Hôm đó nhị sư thúc không có ở chùa. Nhị sư thúc thường xuyên vắng mặt. Ban đêm có khi về, có khi không. Tôi không biết là nhị sư thúc đang làm gì nữa.
Lăng Quang Tổ dặn dò anh mập đang đứng cắt tỉa cành lá bên cạnh bồn hoa. Anh mập sắp sửa mở miệng nói nhảm thì Lăng Quang Tổ đã chặn họng, ông nói: “Chùa tạm đóng cửa vài bữa. Không được cho bất kỳ ai vào”
Anh mập tỏ ra lo lắng, run rẩy chỉ tay về phía Lăng Quang Tổ nói: “Sư, sư, sư…” Anh ta cứ lắp ba lắp bắp, mãi không ngừng được.
Đám thổ phỉ đang ngồi trên ghế đá đứng cả dậy. Bọn chúng đồng thanh hỏi: “Chuyện gì thế?”
Anh mập cuối cùng cũng nói ra được: “Sư phụ dẫn Ngai Cẩu đi cùng”
Lăng Quang Tổ nói: “Ta sẽ dẫn theo Ngai Cẩu. Ngai Cẩu là thư đồng của ta”
Đám thổ phỉ thấy anh mập không phải nói chuyện với mình thì lại ngồi cả xuống.
Chúng tôi ra khỏi chùa Hương Dũng đi dọc theo con đường núi dẫn đến Thiên Vương Trại. Tôi ngồi trên lưng ngựa bọn thổ phỉ, nghĩ thầm: “Vì sao đám thổ phỉ này lại mời chúng tôi đến nhà chúng nó?”
Thiên Vương Trại là một nơi có địa thế cực kỳ hiểm yếu, chỉ có một con đường độc đạo dẫn lên trại, hơn nữa con đường này lại uốn lượn ngoằn ngoèo như một con rắn nằm giữa khe hở của hai ngọn núi. Có những lúc bạn phải đi xuyên qua hang động. Thiên Vương Trại dễ thủ khó công, chỉ cần một người chặn cổng là có thể ngăn được vạn người. Đám thổ phỉ này thật là biết chọn chỗ ở.
Một mặt của Thiên Vương Trại là con đường ruột dê nhỏ hẹp dẫn ra thế giới bên ngoài, một mặt là vách núi dựng đứng. Đứng ở trên vách núi có thể nhìn thấy chim ưng bay lượn ở lưng chừng núi. Ném cục đá xuống dưới cũng không nghe thấy âm thanh vọng lại.
Tôi và Lăng Quang Tổ càng đi thì tim càng đập mạnh hơn. Ở cái nơi hiểm yếu như thế này dù có là hồ ly cũng khó thoát được nói gì đến hai người to xác như chúng tôi.
Thủ lĩnh của Thiên Vương Trại tên là Hắc Cốt Đầu, đây là một cái tên khét tiếng ở dãy Đại Biệt Sơn.
Hắc Cốt đầu ngồi ở sảnh chính của Thiên Vương Trại. Ông ta để đầu trọc, mình trần trùng trục, da đen trũi, cả người cơ bắp cuồn cuộn, trên mặt có vết dao chém kéo dài từ mi tâm tới gò má bên phải. Kiểu người này sinh ra chỉ để làm trộm cướp bởi vì nếu ở dưới núi thì sẽ không ai dám lấy, cũng không ai dám đem con gái gả cho một người có tướng mạo dữ dằn như vậy.
Sảnh chính của Thiên Vương Trại nằm trong một cái hang rất sâu. Đi thẳng vào hang hơn mười trượng thì hang sẽ mở rộng ra, trên đầu có một khe hở hình tròn, ánh nắng chiếu xuống trông như thác nước chảy khiến cho mọi ngóc ngách trong hang đều hiện lên rõ ràng. Nói theo kiểu ngày nay loại địa hình này gọi là thiên khanh.
Địa điểm của Thiên Vương Trại được lựa chọn rất tốt, sảnh chính của trại cũng được lựa chọn rất tốt.
Lăng Quang Tổ vừa nhìn thấy Hắc Cốc Đầu liền chắp tay, khom lưng chào hỏi. Miệng ông ấy lầm rầm, tôi đứng ngay cạnh mà cũng không nghe được ông ấy đang nói cái gì. Có thể đó là một đoạn kinh văn được lặp đi lặp lại.
Tôi đặt hành lý xuống dưới chân. Lăng Quang Tổ bảo tôi lấy tất cả kinh sách ra, bày thành một hàng trên mặt đất. Ông ấy khúm núm nói với Hắc Cốt Đầu: “Kinh A Hàm giảng về thiện ác luân hồi. Kinh Bát Nhã giảng về siêu độ Niết Bàn. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng về cách cứu thế, Kinh A Di Đà giảng về Tây Phương Tịnh Thổ, Kinh Duy Ca Mật giảng về Phật Pháp vô biên, Kinh Lăng Nghiêm giảng về cảnh giới thiền định, Kinh Hoa Nghiêm giảng về nguồn gốc nhân quả, Kinh Đại Thừa Khởi Tín giảng về tứ tín ngũ hành, Kinh Đại Thừa Ngũ Uẩn giảng về du già, Kinh Lục Tổ Vân giảng về cách tự tu hành. Không biết thí chủ mời bần tăng lên núi để nghe thuyết giảng bộ nào?
Hắc Cốt Đầu nổi giận nói: “Ta không muốn nghe kinh kệ gì hết, ta chỉ muốn ông nghe ta nói”.
Lăng Quang Tổ nói: “Xin thí chủ cứ nói”
Hắc Cốt Đầu nói: “Ta gọi ông đến không phải là để giảng ba cái Phật pháp rắm chó gì, chỉ cần bói cho ta một quẻ thôi”
Hắc Cốt Đầu nhìn chằm chằm vào Lăng Quang Tổ, Lăng Quang Tổ vẫn cúi đầu, mặt bình thản.
Ông ấy hỏi: “Quẻ thí chủ muốn xem phải chăng có liên quan đến phụ nữ?”
Hắc Cốt Đầu sửng sốt, hắn đáp: “Đúng thế, có liên quan đến một phụ nữ. Vậy ông biết người phụ nữ này là gì của ta không?
Lăng Quang Tổ vẫn giữ vẻ mặt bình thản, đáp: "Là thê thiếp."
Hắc Cốt Đầu càng sửng sốt hơn. Hắn nói: “Hay lắm. Người này vốn là áp trại phu nhân, đã sống cùng ta năm năm nhưng đã bỏ trốn cách đây ít lâu. Ta đã sai người đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy tung tích của cô ta. Có người nói đại sư tướng thuật có thể tính ra nơi cô ta lẩn trốn. Ta đã cho mời ba vị đại sư tướng thuật nhưng chúng đều tính sai cả. Ta liền giết sạch, đem chôn ở sau núi. Nếu ông tính bậy tính bạ, không tìm được cô ta thì ông sẽ là người thứ bốn được chôn ở sau núi đó”
Tôi nghe mà sợ chết khiếp, cúi đầu không dám nhìn vào khuôn mặt hung ác của Hắc Cốt Đầu.
Lăng Quang Tổ nói: “Tuy bần tăng kiến thức nông cạn nhưng cũng nguyện làm hết sức mình”
Hắc Cốt Đầu nói: “Ta sẽ cho ông kỳ hạn ba ngày. Nếu không tìm được thê thiếp của ta thì sẽ chôn ông sau núi”
Lăng Quang Tổ cúi đầu trầm tư, miệng niệm A Di Đà Phật, giống như đang bước vào cảnh giới vô ngã. Qua một lúc, ông mới nói: “Bần tăng vừa mới hỏi Quan Thế Âm, việc này muốn có kết quả thì phải mất năm ngày. Thiếu một ngày cũng không được”
Hắc Cốt Đầu nói: “Chỉ cho ba ngày”
Lăng Quang Tổ nói: “Người này rời khỏi sơn trại vào buổi sáng, đi về hướng chính Nam”.
Hắc Cốt Đầu lấy làm kinh ngạc, hắn nói: “Đúng thế”
Lăng Quang Tổ vẫn không nhìn Hắc Cốt Đầu, thủng thẳng nói: “Người này chiều cao trung bình, nước da trắng trẻo, ăn vận đẹp đẽ, tính cách thông minh”
Hắc Cốt Đầu mặt biến sắc, hắn nói: “Đúng thế, đúng thế”
Lăng Quang Tổ vẫn giữ vẻ mặt tĩnh lặng như nước, nói: “Người này quê ở vùng Giang Hoài, năm năm trước gặp được thí chủ rồi nên duyên chồng vợ”
Hắc Cốt Đầu đột nhiên đứng dậy, trầm ngâm giây lát rồi nói: “Xin nhờ cả vào đại sư, đại sư sẽ có năm ngày”
Lăng Quang Tổ nói: “Bần tăng phải trai giới, bế quan suy niệm trong năm ngày. Xin hãy cung cấp một gian nhà cho bần tăng, không cho ai đến quấy rầy. Năm ngày sau, bần tăng có thể cho biết người này đang ở đâu”
Hắc Cốt Đầu: “Xin theo ý đại sư”
Lăng Quang Tổ lại chỉ tôi và nói: “Trong năm ngày này, đứa tiểu đồng này cũng không được quấy rầy. Bần tăng ra đi vội vã, chưa sắp xếp ổn thỏa mọi chuyện trong chùa. Xin để đứa nhỏ này về lo việc trong chùa”
Hắc Cốt Đầu nói: “Xin theo lời đại sư”
Lăng Quang Tổ và tôi bước ra khỏi sảnh, đi đến một cái hang nhỏ cách đó một trăm mét. Đây là nơi Hắc Cốt Đầu dành cho Lăng Quang Tổ bế quan. Tôi mang hành lý vào trong hang. Lăng Quang Tổ nhìn chung quanh không thấy ai thì nói nhỏ với tôi: “Mau về chùa nói nhị sư thúc đưa cô gái đó đến Hồi Hương Các ở Kinh Châu, không để ả nói lộ một câu ”
Tôi gật đầu, nhưng vẫn chưa nghĩ ra người phụ nữ mà Lăng Quang Tổ nói đó là ai.
Lăng Quang Tổ nói: “Mày lặp lại lời tao vừa nói xem nào”
Tôi nói: “Mau về chùa nói nhị sư thúc đưa cô gái đó đến Hồi Hương Các ở Kinh Châu, không để ả nói lộ một câu ”.
Lăng Quang Tổ nói: “Sớm chừng nào hay chừng đó. Xuất phát luôn đi”
Tôi đi men theo con đường ruột dê rời khỏi Thiên Vương Trại. Mỗi lần đến trạm gác thì lại bị thổ phỉ chặn hỏi. Tôi không hiểu làm cách nào mà người phụ nữ đó có thể trốn khỏi một nơi được canh gác cẩn mật như thế này?