Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2537 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 46
Kỹ năng sinh tồn
Khi hoàng hôn buông xuống, từng con nhộng ve sầu chậm rãi mà ngoan cường bò ra từ những cái hang sâu dưới gốc cây. Bọn chúng đã sống ở dưới đó bốn năm rồi. Bốn năm chờ đợi cũng là vì thời khắc hóa thành bướm này. Có điều bọn chúng không phải là bướm bọn chúng là ve.
Nhộng ve sầu bò lên gốc cây rồi bám vào thân cây leo lên. Đến khi cách mặt đất hai ba thước thì nó dừng lại. Sau lưng nó có một kẽ nứt chạy dọc theo thân, nó sẽ chui ra từ kẽ nứt này.
Nhộng ve sầu sau khi lột xác không còn gọi là nhộng nữa mà gọi là ve sầu.
Hồi còn ở quê, chúng tôi đã biết rất rõ đặc tính của ve sầu.
Chỉ cần thấy trên mặt đất có những cái hang to cỡ đầu ngón tay là tôi sẽ tìm kiếm quanh gốc cây, thế nào cũng có những con nhộng đang chậm chạp bò lên. Nhộng ve sầu ăn ngon hơn ve rất nhiều. Trong thời khắc sương chiều đang dần bao phủ này nhộng ve sầu đã trở thành bữa ăn tối của tôi.
Tuy thế, đêm tối cũng mang đến cho tôi cảm giác bất an. Tôi nhìn dải ngân hà vắt ngang qua đầu mình, vô số ngôi sao đang lấp lánh tựa như chỉ cần đưa tay ra là có thể ngắt xuống được. Tiếng gầm rú của con thú hoang nào đó vang lên từ nơi xa làm cho tôi vô cùng lo lắng.
Sau đó tôi tìm thấy một cái hang nằm cách mặt đất ba, bốn mét, tôi liền chui vào luôn.
Trong hang gió thổi mát rượi. Kinh nghiệm sống ở nông thôn nhiều năm cho tôi biết nếu hang nào nóng nực thì chỉ có một cửa vào, nếu hang nào có gió thổi từ sâu bên trong ra thì có hai cửa ra vào.
Cửa hang bên này cách mặt đất đến ba, bốn mét, chắc là mấy con thú lớn cũng không trèo tới được nhưng còn cửa hang bên kia thì sao. Liệu đây có phải là hang ổ của con thú dữ nào không? Tôi bỗng thấy lo sợ, vậy là tôi rời khỏi cái hang này.
Trời mỗi lúc một tối, trong lòng tôi càng thêm khẩn trương. Sau đó tôi nhìn thấy một cái hang nằm giữa mỏm đá. Tôi chẳng quan tâm cái hang này có hai cửa hay không nữa liền chui ngay vào.
Sau khi vào bên trong hang, tôi chợt nghe thấy tiếng chim kêu. Nếu có tiếng chim thì tôi yên tâm được rồi bởi vì hang nào có tổ chim thì chắc chắn không có thú dữ.
Tôi xếp những cục đá thành một bức tường trước cửa hang để ngăn thú dữ xông vào bên trong.
Nửa đêm, quả nhiên có một con dã thú tìm đến.
Ban đầu tôi ngửi thấy một mùi tanh hôi nồng nặc, tiếp đó là một bóng đen to lớn chắn ngay trước cửa hang. Ban đêm không có trăng nên tôi không nhận ra nó là con gì, có thể là hổ cũng có thể là gấu đen hay heo rừng.
Có lẽ con vật này đã ngửi được mùi của cơ thể tôi. Nó cứ quanh quẩn ở cửa hang rất lâu. Tiếng chim kêu trong hang ban đầu rất hỗn loạn sau đó thì im bặt. Có lẽ chúng nó cũng như tôi, sợ đến mức không dám kêu nữa.
Con thú vẫn không chịu bỏ đi, sau đó còn lấy thân mình đẩy đống đá ngoài cửa hang. Tôi sợ hãi tột độ. Cái hang này chẳng còn lối ra nào khác, nếu nó đẩy được đống đá ra thì tôi chết chắc.
Tôi cầm hai viên đá gõ mạnh vào nhau đến tóe lửa. Hai viên đá va chạm phát ra âm thanh cực lớn. Sau đó cổ họng tôi phát ra tiếng gầm gừ, hai tay vung ra để làm cho mình trông lớn hơn.
Con thú kia ngừng đẩy đống đá, nó cũng bỏ luôn ý định chui vào hang, có lẽ âm thanh va chạm của hai cục đá hoặc tia lửa bắn ra đã làm nó sợ hãi. Sau đó nó chập chạp xoay người lại, đánh rắm vào cửa hang rồi bỏ đi. Mùi hôi thối nồng nặc khiến tôi suýt ngất.
Sau này tôi nghĩ có thể đó là một con khỉ đột.
Cả đêm đó tôi không dám ngủ, mãi cho đến tảng sáng mới chợp mắt được chút.
Tôi tỉnh dậy khi trời đã sáng hẳn. Nghe tiếng chim kêu ầm ĩ không dứt trong hang thì mới nhận ra chúng nó là chim bố cốc. Hồi nhỏ tôi thường bắt gặp loài chim này. Tiếng kêu của nó thay đổi theo thời gian. Khi lúa chín vàng, nó sẽ kêu: “đã vàng, cắt được, đã vàng, cắt được”. Người làm công trong nhà nói là nó đang giục chúng tôi đi gặt lúa. Chỗ nào lúa chín phải gặt ngay nếu không gió lớn sẽ thổi bông lúa rụng hết xuống đất. Sau khi thu hoạch lúa còn phải trồng kê nữa. Lúc này tiếng kêu của nó sẽ chuyển thành: “Bố cốc, bố cốc”. Ấy là nó đang giục chúng ta đi trồng kê đó.
Ở quê tôi chỉ mùa hè mới thấy có chim bố cốc, mùa đông thì không thấy chúng nó đâu nữa. Người làm công nói chúng nó đã đi về phương nam trú đông rồi.
Người làm công cũng nói chim bố cốc là kẻ gian manh. Nó đẻ trứng vào tổ người khác để người khác ấp trứng thay cho mình. Nó sẽ đứng một bên quan sát. Nó nhìn thấy con mình nở ra, nhìn thấy con mình được người ta mớm mồi, nhìn thấy con mình mỗi ngày một lớn, thậm chí lớn hơn cả cha mẹ nuôi còn cha mẹ nuôi vẫn ngu ngơ không biết gì, tiếp tục đi kiếm thức ăn về nuôi bố cốc con, cuối cùng con mình thì chết đói còn mình cũng chết vì kiệt sức. Lúc này, chim bố cốc mới ra mặt đón con mình về.
Hồi nhỏ tôi được người làm công kể cho nghe những chuyện này nên tôi vừa thích lại vừa ghét giống chim này. Tôi thích chim bố cốc vì chúng nó nhắc nhở người nông dân trồng trọt còn ghét chúng nó ở cái thói gian xảo, lưu manh, không làm mà đòi ăn.
Bầy chim bố cốc đứng ở trong tổ của mình nhìn tôi cảnh giác. Chúng nó há mỏ kêu lên những tiếng hù dọa con người.
Đã thế thì tao đi khỏi cái hang này. Tao không có cái nhìn hạn hẹp như chúng mày. Trong mắt chúng mày cái hang này là nơi đẹp đẽ nhưng trong mắt tao nó chỉ là một cái chuồng tồi tàn.
Khi mặt trời mọc tôi xác định lại phương hướng. Lẽ ra phải đi tiếp về hướng Đông nhưng ngọn núi đã ngả về hướng khác nên tôi đành phải đi dọc theo khe núi về hướng Bắc.
Đến giữa trưa thì tôi gặp một lùm cây thấp. Bụng tôi đã đói meo nhưng ở đây không có ve sầu. Tôi nghĩ chắc là chúng nó đã báo cho nhau biết tôi thích ăn thịt ve sầu nên đã trốn hết lên trên ngọn cây cao rồi. Tôi phải ăn gì bây giờ?
Khi con người đói khát đến cực điểm thì họ có thể ăn bất cứ thứ gì. Tất cả các loài động vật đều có thể trở thành thức ăn. Ngày hôm nay tôi sẽ ăn bọ cạp.
Bọ cạp không dễ kiếm nhưng tôi biết rõ tập tính của chúng. Hồi còn ở quê, người dân chỗ tôi có thói quen đi bắt bò cạp và đào cây thuốc. Mùa hè bắt bò cạp, mùa đông đào cây thuốc. Bò cạp hoạt động mạnh vào mùa hè còn mùa đông thì rễ cây thảo dược to chắc. Bò cạp và dược liệu đều có thể bán cho tiệm thuốc đổi lấy tiền lẻ.
Tôi và con người làm công từng bắt được rất nhiều bọ cạp. Ba tôi Vương Tế Quỷ vô cùng keo kiệt, đồng tiền gắn liền với khúc ruột của ông ấy. Lấy của ông ấy một đồng chẳng khác gì lấy đi một khúc ruột. Thế nên tôi cũng chẳng khác gì đứa con người làm công, phải đi bắt bò cạp để đổi lấy tiền tiêu vặt.
Bọ cạp thích ẩn mình ở những nơi râm mát như là kẽ đất. Nghe bảo bọ cạp ăn đất nhưng tôi không tin, đất làm sao mà ăn được? Khi bắt bò cạp, chúng tôi sẽ tìm đến nơi có đất. Chỗ nào có khe kẽ thì thường có bò cạp. Khi lật đất lên sẽ thấy nó đang cuộn mình ngủ bên dưới. Chúng tôi lấy đũa gắp nó bỏ vào trong lọ sứ. Bọ cạp không có cách nào bò ra được, bị chúng tôi bán cho tiệm thuốc.
Các tiệm thuốc dùng bò cạp làm thuốc dẫn. Bò cạp có thể làm thuốc dẫn vậy thì có thể ăn được. Tôi lật mấy cục đất ở một chỗ đất trũng và tìm được một ổ bọ cạp. Có thể chúng nó đang nghỉ trưa. Chúng nó cũng chẳng thấy phiền khi bị ánh nắng mặt trời bất ngờ chiếu thẳng vào đầu, vẫn cứ nằm ườn trên nền đất ẩm ướt. Tôi tóm lấy con to nhất. Có thể đây là một con bò cạp mẹ.
Khi bắt bò cạp không được túm vào đầu, cũng không được túm vào thân mà phải túm vào phần đuôi. Gai độc của bò cạp nằm ở cuối đuôi, chỉ cần giữ chặt đuôi nó thì nó mới không thể chích bạn được.
Lần đầu tiên ăn bọ cạp tôi có cảm giác cực kì ghê tởm
Tôi túm chặt đuôi con bọ cạp, trong khi đầu và chân nó vẫn còn đang ngọ nguậy. Tôi bỏ nó vào trong miệng, cảm nhận được cơ thể lạnh lẽo của nó đang ra sức giãy giụa khi nó chạm vào môi, răng của mình. Tôi hét lên một tiếng, nghiến răng cắn đứt cái đầu nó, nhai vài cái rồi nuốt xuống bụng.
Con bọ cạp còn lại nửa thân mình, chân của nó vẫn còn ngo ngoe giữa ngón tay của tôi. Tôi nhét nốt phần còn lại của con bọ cạp vào miệng, đột nhiên thấy nhói đau, cái đuôi vẫn còn cử động được của nó đã chích vào môi tôi.
Vết chích nhức nhối trên môi đã khơi dậy lòng thù hận trong tôi. Tôi bắt từng con bò cạp con, ngắt đuôi rồi đút tọt vào miệng. Tôi có thể cảm nhận được chúng nó đang cọ quậy, bò qua lại và cọ xát vào cổ họng. Tôi há to miệng ra nhai. Chúng nó bị hai hàm răng nghiến nát kêu rau ráu rồi trở thành thức ăn của tôi.
Nhưng một ổ bò cạp không thỏa mãn cơn thèm của tôi. Tôi tiếp tục đi kiếm bò cạp trong những lùm cây nhưng không còn con nào.
Con bọ cạp đã chích tôi một nhát nhưng vết thương không nghiêm trọng như tôi nghĩ. Nó chích tôi khi đang giãy chết nên không cần quá lo lắng.
Tôi tìm thấy một con tắc kè và một con nhện.
Con tắc kè ẩn dưới cục đất. Nó thấy tôi lật cục đất lên liền vội vàng bỏ chạy. Bốn cái chân vừa ngắn vừa nhỏ của nó chạy như bay trên cỏ. Tôi vội lao theo, giẫm nó bẹp dí.
Bọ cạp nhìn đã gớm, tắc kè trông còn gớm hơn nữa. Hai mắt nó lồi ra, da dẻ sần sùi, xấu xí, cái đuôi dài không cân xứng với cơ thể làm cho người ta phải e dè. Nhưng bây giờ tôi cần nhất là thức ăn, không cần biết nó xấu đẹp thế nào miễn sao là ăn được.
Con tắc kè bị tôi giẫm cho lòi cả nội tạng đen xì. Tôi lấy cây làm sạch nội tạng và tìm nước suối rửa cho sạch rồi ăn từng chút một. Cơ thể của tắc kè rất đàn hồi và rất dai, chẳng khác gì ăn gân bò.
Ăn nhện đòi hỏi ý chí phải kiên định hơn ăn tắc kè.
Tôi không muốn ăn nhện. Hồi nhỏ tôi rất sợ nhện. Bề ngoài chúng nó đen đúa, mình đầy lông lá, chân cứ ngọ nguậy liên tục, mắt chúng lồi lên khiến cho người ta không rét mà run. Nhưng tôi không tìm thấy ve sầu trong lùm cây này, chỉ tìm được một ổ bò cạp, một con tắc kè còn lại chính là con nhện khổng lồ này.
Con nhện dệt một cái lưới cực lớn trước cửa hang. Lúc đầu tôi không thấy nó, tôi chỉ muốn vào hang nghỉ ngơi một lát nhưng không ngờ đụng phải cái lưới. Con nhện hí hửng chạy ra xem, không ngờ lại trở thành thức ăn của tôi.
Con nhện này còn to hơn con bọ cạp mẹ nhiều lắm. Nó không nhỏ hơn nắm tay của tôi bao nhiêu. Tôi sợ lúc ăn nó sẽ cắn mình nó nên ném nó vào đá cho chết hẳn sau đó dùng mảnh gỗ rạch bụng nó. Tôi nặn hết dịch thể màu đen ra khỏi người nó, có thể đó là chất độc.
Tôi đem con nhện to lớn này ra suối rửa cho sạch, sau đó ăn từng miếng một. Nhện không giòn như bọ cạp hay dài như tắc kè. Đút vào trong miệng có cảm giác như ăn bánh bao nướng cháy.
Tôi không còn thấy đói nữa.
Đừng nói không thể ăn cái này, không thể ăn cái nọ, khi bạn chết đói đến nơi rồi thì cái gì bạn cũng xơi tuốt.
Sau khi chui qua một lùm cây, tôi đến một khu rừng nhỏ. Trong rừng có biết bao nhiêu thứ để ăn. Trên cao có chim chóc bay lượn, dưới đất có dã thú đi lại, tệ nhất thì cũng có thể leo lên cây bắt tổ chim. Nếu to gan thì ăn chim non còn nhát gan thì ăn trứng chim.
Rừng còn có quả dại nữa.
Rừng cung cấp môi trường sống và nguồn thức ăn cho tất cả các loài động vật, kể cả con người.
Tôi đi về phía một lùm cỏ rậm rạp. Một con chim lớn màu sắc rực rỡ từ trong đám cỏ đột nhiên bay lên. Tiếng kêu của nó nghe rất chói tai, như mảnh sứ cọ xát vào nhau. Tôi tưởng nó sẽ bay đi, nhưng không ngờ nó cứ bay lòng vòng trên đầu tôi. Tôi thấy nó làm vậy thì bật cười khanh khách.