Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2226 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 77
Gặp lại Tam sư thúc
Kể từ đó, tên tuổi của biều bả tử vang danh khắp chốn. Giang hồ có nhiều cao thủ nhưng không người nào dám ngang nhiên làm huyện trưởng, cai quản một huyện thành suốt hơn một năm. Ông tận tụy với công việc, công bằng liêm khiết, được bách tính yêu mến. Những người viết huyện chí sau này đều không bỏ qua tên ông.
Các cao thủ hai vùng Kinh Tân nghe nói Ký Bắc có một nhân vật lợi hại như thế thì không phục. Bọn họ tụ tập thành một nhóm mười người và kéo nhau đến Nhạn Bắc định tranh tài cao thấp với biều bả tử.
Biều bả tử thết đãi bọn họ tại một nhà hàng sang trọng nhất của Đại Đồng. Trong túi ông chỉ giấu một đồng Khang Hy Hoàng.
Sau khi đã uống hết ba tuần rượu, thưởng thức đủ năm món nhắm, mười đại cao thủ của Kinh Tân đua nhau nói: “Từ lâu đã nghe đại danh như sấm động bên tai, xin ngài hãy trổ ít tài nghệ cho chúng tôi xem”
Biều bả tử nói: “Tôi nào có tài nghệ gì, chẳng qua chỉ là mấy trò kiếm chén cơm ăn thôi”
Mười cao thủ kia không chịu buông tha, cứ nài ép Biều Bà Tử phải biểu diễn, thậm chí có kẻ còn nói năng thô lỗ, chê biều bả tử chỉ được cái danh hão. Biều bả tử vẫn nói cười vui vẻ, bưng chén rượu lên mời: “Uống rượu, uống rượu nào”
Mười vị cao thủ kia miễn cưỡng nâng chén. Ngay vào lúc bọn họ cụng chén thì chén rượu trong tay biều bả tử bỗng bay vọt lên cao, rượu cũng văng ngoài. Mười vị cao thủ cùng ngửa cổ nhìn chén rượu đang bay giữa không trung.
Khi chén rượu rơi xuống, lại rơi đúng giữa lòng bàn tay miều bả tử, rượu cũng không mất giọt nào, đều trở lại hết trong chén.
Biều bả tử cầm chén rượu trong tay, cười không nói gì, vẫn giữ nguyên vẻ bình thản. Mười vị cao thủ liền khịt mũi coi thường: “Xì, cái này cũng là bản lãnh sao? Chỉ với chút đạo hạnh cỏn con này mà dám xưng hùng xưng bá trong giang hồ?”; “Ha ha, thì ra là một tên diễn xiếc”
biều bả tử mặt không đổi sắc, chỉ nói với họ: “Mời các vị uống rượu, thưởng thức món ăn”
Tiệc tan, mười vị cao thủ nghênh ngang bước ra khỏi nhà hàng. Bọn họ rất đắc ý vì đã làm nhục biều bả tử. Biều bả tử khom mình cúi đầu tiễn họ ra ngoài cửa, rồi trở lại bàn ăn. Ông lấy từ trong túi ra từng lọn tóc và để lên bàn.
Chẳng bao lâu sau, mười vị cao thủ kia nhất tề xông vào trong nhà hàng, nhìn thấy số tóc biều bả tử để trên bàn thì đồng thanh kêu: “Tiểu tử có mắt không thấy Thái Sơn, xin tiền bối chớ trách tội”
Thì ra, tranh thủ lúc cụng chén, ngón cái và ngón trỏ tay phải của biều bả tử đã kẹp vào đáy chén và vận lực cho cái chén bay thẳng lên cao. Ánh mắt của mười vị cao thủ đều bị cái chén thu hút. Biều bả tử liền móc ra đồng tiền Khang Hy, kẹp vào giữa ngón tay, đảo một vòng sau lưng bọn họ, cắt hết phần đuôi sam rồi bỏ vào trong túi, trở về chỗ ngồi. Đến lúc này chén rượu mới rơi vào tay ông ấy.
Vậy mà không một ai trong số mười vị cao thủ phát giác ra chuyện này.
Sau khi chế giễu biều bả tử và lên xe ngồi, những người phía sau mới phát hiện bím tóc của người phía trước có điểm khác lạ. Khi quay người lại, người phía trước cũng thấy bím tóc người phía sau khác lạ. Mười vị cao thủ liền bàn luận và khẳng định đã trúng chiêu của biều bả tử rồi. Bọn họ bèn quay trở lại nhà hàng để dò hỏi, khi thấy trên bàn ăn có để những lọn tóc liền hiểu ra mọi chuyện.
Đồng tiền Khang Hy Hoàng là công cụ trộm cắp đơn giản và phổ biến nhất, giống như một cây gậy trong võ thuật.
Biều bả tử chỉ dùng gậy đã đánh bại mười vị cao thủ đất Kinh Tân cầm đao, cầm thương rồi.
Tiếng tăm của biều bả tử chói lọi như mặt trời giữa buổi trưa.
Biết bao người muốn bái biều bả tử làm sư phụ nhưng ông chọn đồ đệ rất nghiêm ngặt. Giang hồ đồn đãi, người nào muốn làm đệ tử của ông trước tiên phải vượt qua được một khảo nghiệm. Đó là nội trong ba ngày phải trộm được một món đồ trong nhà ông.
Biều bả tử là nhân vật đã thành danh trên chốn giang hồ. Muốn trộm một món đồ theo đúng thời gian và địa điểm quy định và dưới con mắt giám sát của ông ấy, tuy không dám nói là khó như lên trời nhưng chí ít cũng khó hơn đi vào đất Thục.
Ngày hôm sau, nữ tặc đưa chúng tôi đến gặp biều bả tử. Sau này tôi mới biết, nữ tặc tên là Yến Tử, là cháu họ của biều bả tử. Ông ta không có con cái, nên xem cô cháu gái này như ruột thịt của mình, nhận làm cô ta nghĩa nữ.
Trên đường đến gặp biều bả tử, Băng Lưu Tử hỏi Yến Tử: “Trên giang hồ biều bả tử xưng hô thế nào?”
Yến Tử nói: “Hổ Trảo”
Băng Lưu Tử ra chiều tôn kính, hai mắt sáng ngời: “Có phải tiền bối Hổ Trảo, người từng làm huyện trưởng và đánh bại mười vị cao thủ Kinh Tân đó không?”
Yến Tử nói: “Đúng thế”
Băng Lưu Tử nói: “Thật không ngờ tiền bối Hổ Trảo lại ẩn cư nơi này. Được thấy mặt lão nhân gia chính là phúc phận của chúng tôi”
Tôi biết biều bả tử là ám ngữ giang hồ, chỉ chức vị thủ lĩnh. Bất cứ ai làm thủ lĩnh đều được gọi là biều bả tử. Nhưng danh xưng thật sự của ông là Hổ Trảo, đây chính là tên người giang hồ gọi ông.
Hổ Trảo đã nổi danh trên giang hồ từ lâu, chỉ có người ngoài như tôi là không biết. Trước kia tôi đã từng nói, giang hồ là một thế giới khác, nếu bạn không bước vào giang hồ sẽ không hiểu được thế giới này.
Nhà của Hổ Trảo là một tòa tứ hợp viện nằm trong khu thành nội Đại Đồng. Tòa nhà này trông rất bình thường, giống y hệt những tòa tứ hợp viện quanh đó, đều là tường gạch, xà gỗ, cột trụ, mái cong. Cho dù có đi ngang qua cổng cũng không thể biết tòa tứ hợp viện này là nơi ngọa hổ tàng long.
Hổ Trảo ngồi chính giữa đại sảnh, eo lưng thẳng tắp, tay cầm ấm trà tử sa, nhãn nhã thưởng thức. Ông ta có thân hình cao lớn, khuôn mặt gầy ốm, tóc để húi cua, không giận mà có uy. Hai bên có hai người đứng, giống như là bộc nhân.
Băng Lưu Tử vừa trông thấy Hổ Trảo liền quỳ xuống đánh bịch một tiếng, cao giọng nói : “Sư phụ tại thượng, xin nhận đồ nhi một lạy”
Tôi không hiểu nội tình, vẫn đứng ngây ra. Băng Lưu Tử đưa mắt ra hiệu cho tôi, tôi cũng vội vàng quỳ xuống.
Hổ Trảo nhấp một ngụm trà, từ tốn hỏi: “Sao lại đến đây?”
Băng Lưu Tử mồm mép nhanh nhảu liền kể lại chuyện chúng tôi bán hàng giả, trộm kim ấn ở Trung Nguyên rồi bị người ta truy sát, bị bắt đi lính và lưu lạc đến Đại Đồng. Hổ Trảo nghe anh ấy kể mà vẻ mặt vẫn bình thản, không có bất kỳ biểu cảm nào.
Hai người bộc nhân của Hổ Trảo bước ngang qua chúng tôi. Khi chúng tôi không để ý thì họ quay phắt người lại, thọc ngón tay vào túi áo chúng tôi. Băng Lưu Tử phản ứng cực nhanh, dùng hai ngón tay của bàn tay phải kẹp chặt lấy ngón tay đang thọc vào túi mình. Tôi thì vô thức chụp lấy cổ tay đối phương.
Hai người bộc nhân mỉm cười, thu tay lại, quay về đứng bên cạnh Hổ Trảo.
Hổ Trảo hỏi Băng Lưu Tử: “Học nghệ từ ai vậy?”
Băng Lưu Tử đáp: “Sơn Đông Lương Sơn, Võ Nhị Lang”
Hổ Trảo hỏi: “Rời Võ Nhị Lang năm nào?”
Băng Lưu Tử đáp: “Đã được bốn năm, năm tháng rồi”
Hổ Trảo bấm ngón tay tính toán, ông hỏi: “Năm đó, phái Lương Sơn và phái Lao Sơn quyết đấu với nhau. Mi đang ở đâu?”
Băng Lưu Tử đáp: “Con ra ngoài đưa thư, đến khi quay về chỉ thấy xác chết nằm la liệt”
Hổ Trảo hỏi: “Võ Nhị Lang là người thế nào?”
Băng Lưu Tử đáp: “Mặt đỏ, hai hàng ria mép dài, tính tình trầm ổn”
Hổ Trảo gật đầu.
Băng Lưu Tử chưa bao giờ kể cho tôi nghe về quá khứ của anh ấy, không ngờ anh ấy cũng có sư môn, là truyền nhân của phái Lương Sơn đất Sơn Đông. Có thể sau khi phái Lương Sơn bị diệt vong, anh ấy đã lưu lạc đến huyện Bảo Hưng và trở thành một người học việc ở cửa hàng tranh thư họa.
Hổ Trảo phất tay ra hiệu cho chúng tôi đứng lên, sau đó hỏi tôi: “Mi chưa từng học nghệ à?”
Tôi không biết ông ấy muốn hỏi gì, cứ thành thật trả lời: “Con từng học đi thăng bằng trên dây, còn theo học phái Giang Tướng, cũng học làm đồ giả cổ, khắc ấn chương, con học nhiều lắm”
Hổ Trảo cười, lại hỏi: “Vì sao rời phái Giang Tướng?”
Tôi nói: “Sư phụ chết rồi, nhị sư thúc cũng chết rồi, tam sư thúc không rõ tung tích. Con không muốn ở lại phái Giang Tướng nữa”
Hổ Trảo hỏi: “Tố A Bảo, cữu bất tại tướng, nhi tại nhất”. Câu này có nghĩa là gì?
Tôi nói: “Khi xem quẻ đoán mệnh cho người, lỗi không nằm ở chúng ta mà nằm ở người đến xem tướng”
Tôi thắc mắc không biết làm sao mà Hổ Trảo biết ám ngữ của phái Giang Tướng chúng tôi. Trên giang hồ, cách nghề như cách núi, đặc biệt một số môn phái lớn không có qua lại với nhau. Tôi là đại đệ tử của trạng nguyên phái Giang Tướng, xếp vào hàng cử nhân. Sư phụ của tôi chính là một bảng hiệu chữ vàng, chỉ cần tôi nói ra tên của ông thì người nào trên giang hồ cũng đều tôn kính. Huống chi, tôi còn biết tổng đà chủ, một người từng là khách quý của lão Phật gia, thống lĩnh giang hồ một dải phía nam sông Hoàng Hà và mạn Bắc sông Trường Giang. Có thể trong tình thế nguy cấp, ông sẽ cho phép tôi được lấy danh nghĩa tổng đà chủ. Thế nhưng, tôi đã tự nguyện rời bỏ phái Giang Tướng, sau này tôi sẽ không nhắc đến danh hiệu của sư phụ và của tổng đà chủ nữa. Đó là vì phái Giang Tướng có quy định, sau khi rời phái không được dùng danh hiệu của sư môn.
Tôi nhìn Hổ Trảo với ánh mắt hồ nghi, không rõ tại sao ông ấy biết ám ngữ của phái Giang Tướng.
Hổ Trảo nói: “Ngày trước ta cũng ở phái Giang Tướng. Ta là tiến sĩ”
Tôi chợt có một cảm giác thân thiết khôn tả với Hổ Trảo. Nước mắt chực trào ra. Lúc đó tôi nhớ đến sư phụ, nhị sư thúc, tam sư thúc và cả những người như thần hành thái bảo, tổng đà chủ….
Hổ Trảo hỏi: “Vì sao không theo phái Giang Tướng nữa?”
Tôi nói: “Phái Giang Tướng toàn đi lừa bịp người khác, bất kể giàu sang hay nghèo khó, hễ gặp ai là lừa gạt người ấy, vì vậy con không muốn học nữa”
Hổ Trảo khẽ mỉm cười, gật gật đầu, sau đó hỏi: “Sư ba của con tên gì?”
Phái Giang Tướng không gọi sư phụ là sư phụ mà gọi là sư ba.
Tôi nói: “Lăng Quang Tổ”
Tôi vừa dứt lời, chợt nghe gian sương phòng bên cạnh truyền đến tiếng cười ha hả, một người đàn ông vận bộ đồ trắng lướt nhanh ra ngoài, sải bước đến trước mặt tôi. Tôi nhìn lại, hóa ra là tam sư thúc, người tôi vẫn hằng mong nhớ đêm ngày.
Tam sư thúc ôm chầm lấy tôi. Tôi nép người vào lòng ông mà bật khóc nức nở. Bao nhiêu tủi hờn phải chịu đựng trong mấy năm qua đều biến thành những giọt nước mắt lã chã tuôn rơi.