Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 1940 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 49
Đơn độc hành động

Tôi ở lại nhà Lưu Oa đến tận Tết năm ấy.
Cứ ở mãi nhà người ta cũng không phải chuyện gì hay. Dù tôi có là ân nhân cứu mạng Lưu Oa, dù anh em họ không nói ra nhưng tôi cũng phải tự hiểu. Ở vùng thôn quê, trong nhà có thêm người đàn ông cũng không dễ dàng gì. Phải cho anh ta ăn, phải cho anh ta mặc, mai mốt lại còn lấy vợ cho anh ta nữa. Hơn nữa, tôi không phải lao động chính yếu, có nhiều việc tôi không biết làm. Tôi ở lại chỉ thêm gánh nặng cho họ. Vì thế tôi vẫn luôn muốn rời khỏi đây.
Mùng hai Tết, có một người họ hàng đến nhà chúc Tết. Người này sống ở một huyện thành gần đây, có bày sạp khắc ấn chương. Tôi vừa nghe Lưu Oa giới thiệu thì hai mắt sáng lên. Tôi quyết định đi theo người này.
Tôi là một người có tay nghề, tôi muốn kiếm ăn bằng chính nghề của mình. 
Người họ hàng này tên là Thuận Oa. Anh ấy nghỉ lại nhà Lưu Oa một đêm, sáng sớm hôm sau đã về nhà rồi. Anh ấy dẫn tôi đi theo.
Nghệ nhân Ngai Cẩu sắp bắt đầu một cuộc sống mới rồi.
Chiều hôm đó, Thuận Oa dẫn tôi vào một huyện thành. Tôi thấy nơi này rất quen. Từ cổng thành, tường thành, miếu Thành Hoàng, quán ăn đến tiệm may… Tôi chợt nhớ ra, đây chính là huyện thành mà tôi và sư phụ Lăng Quang Tổ đã từng ở.Tôi lập tức nghĩ đến cụ Cao và cỗ xe ngựa được khắc trên xà nhà.
Ba năm đã trôi qua, sư phụ cũng không còn nữa nhưng đệ tử của ông vẫn còn đây. Tôi quyết định làm phi vụ cuối cùng, lấy tiền từ nhà có khắc cỗ xe, sau đó sẽ theo Thuận Oa đến huyện thành lân cận, toàn tâm toàn ý làm nghề khắc ấn. 
Chúng tôi chỉ đi ngang qua huyện thành này, nghỉ ở đây một đêm. Ngày hôm sau sẽ trở về huyện thành Thuận Oa sinh sống. 
Sẩm tối, chúng tôi trú ở một quán trọ. Tôi nói với Thuận Oa: “Em đi dạo một lát sẽ về”. Sau đó tôi đi đến hộ gia đình có cái xà nhà được khắc hình cỗ xe ngựa kia.
Huyện thành không lớn, chỉ có vài con phố. Mấy năm qua rồi mà vẫn không có thay đổi gì.
Tôi đi ngang qua nhà cụ Cao. Một thằng bé dáng người loắt choắt đang ngồi trên con sư tử đá trước cổng vào. Mặt mũi của nó rúm ró, trông rất nhỏ mọn. Khuôn mặt  đầy nếp nhăn giống hệt cái bánh bao, lại giống như bị rút vào một chỗ.
Một cụ già lạc đường bước đến hỏi thằng bé: “Ở đây có con ngõ tên là Trương Gia Phường phải không cháu?” 
Thằng bé nói: “Cái đó chắc rồi” 
Ông cụ mừng rỡ, hỏi tiếp: “Chắc là cháu biết nhà Trương Lão Đậu ở Trương Gia Phường chứ?”
Thằng bé nói: “Cái đó chắc rồi ”
Ông cụ càng mừng hơn, lại hỏi: “Nhà Trương Lão Đậu đi lối nào thế?”
Thằng bé vẫn nói: “Cái đó chắc rồi”
Ông cụ hơi ngờ ngợ, bèn hỏi: “Cháu có bị ngốc không?”
Thằng bé vẫn nói: “Cái đó chắc rồi ”
Ông cụ liền bỏ đi. Mất cả ngày trời thằng ngốc này chỉ nói được mỗi câu đó.
Thằng bé này có thể chính là đứa cháu bảo bối của cụ Cao.
Tôi sợ cụ Cao đột nhiên đi ra và nhận ra tôi. Thế thì lôi thôi lắm cho nên cố bước thật nhanh qua cổng nhà cụ.
Đi qua hai con ngõ, tôi tìm thấy ngôi nhà năm đó. Ngôi nhà này được xây dựng thật là xa hoa, toàn bộ tường đều là gạch xanh. Cổng môn lâu, mái hiên khắc hình rồng bay thú chạy. Tôi đứng ngoài cổng nhìn vào trong nhà thấy xà cột đều chạm trổ, có hồ nước thủy tạ. Tôi chưa thấy ngôi nhà nào đẹp đến vậy.
Tôi đứng ngoài cổng mà hai chân nhũn ra, chưa gì đã thấy sợ rồi. Liệu ông ta có tin lời tôi nói không? Nếu tôi vào nhà ông ta gạt tiền, ông ta sẽ đưa cho tôi chứ?
Tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh, thầm niệm sáu chữ khẩu quyết trong Anh Diệu Thiên: Thẩm, Xao, Đả, Thiên, Long, Mại. Sách đã nói chỉ cần vận dụng nhuần nhuyễn sáu chữ này thì sẽ bất khả chiến bại.
Tôi nghĩ mình chỉ làm cú chót. Tiền tới tay rồi sẽ không xem bói cho ai nữa. Cầu xin Phật Tổ phù hộ cho con thành công lần này.
Tôi bước vào trong nhà.
Nay là mùng ba Tết, trong sân nhà có cụ già mặc áo trường bào, có du học sinh mặc âu phục, còn có vài cô bé xinh đẹp để tóc ngắn. Tôi thấy nhiều người như vậy thì hoảng lên. Tôi tự nhủ, những lúc thế này sư phụ Lăng Quang Tổ tuyệt đối sẽ không hoảng sợ, tôi cũng phải giữ bình tĩnh.
Cụ già trông thấy tôi thì nói với người bên cạnh: “Thần tài đến rồi, gắp hai cái bánh bao mang tới đây”. Địa phương này có tục lệ, ngày tư ngày Tết người lạ đến nhà thì đều gọi là Thần tài. Dù có là ăn xin ăn mày đi nữa cũng vẫn gọi là Thần tài.
Quả nhiên người hầu mang đến cho tôi hai cái bánh màn thầu kẹp thịt. Đúng lúc tôi đang đói bụng, ba bảy hai mươi mốt gì, cứ ăn cái đã rồi nói sau.
Bởi vì tôi ăn quá nhanh nên cổ họng nấc nghẹn, thở không ra hơi. Cụ già lại nói: “Thêm bát cơm đậu đến đây”
Người làm lại bưng đến một bát cơm được nấu từ gạo và đậu đũa, mùi thơm phưng phức, nóng hôi hổi. Sau khi xơi hết bát cơm, tôi thấy khoan khoái cả người.
Ăn uống no say đâu đấy, tôi ngồi ở gian phòng đẹp đẽ chưa từng thấy trong đời này, giả làm một người lịch duyệt giang hồ. Tôi nói với ông cụ: “Nhà cụ đây mấy năm rồi không có chuyện gì chứ?”
Ông cụ nhìn tôi từ trên xuống dưới đánh giá một lượt. Ban đầu ông còn cho tôi là một tên khiếu hóa tử đến xin ăn, bây giờ lại thấy tôi ngông nghênh không giống một tên khiếu hóa tử lắm. Ông cụ ngờ vực hỏi: “Cậu nói chuyện gì cơ?”
Tôi lặp lại: “Nhà cụ mấy năm rồi vẫn yên ổn cả chứ?”
Ông cụ nói: “Không có chuyện gì. Cháu tôi du học từ Nhật về, còn dẫn theo cả cháu dâu người Nhật. Cháu gái học đại học sư phạm ở Bắc Kinh, năm nay là ra trường rồi. Cháu ngoại làm ăn ở Hán Khẩu, kinh doanh cũng tốt. Ý cậu là sao?
Tôi nghe xong thì lập tức thấy đau đầu. Gia đình người ta suôn sẻ thuận lợi như thế, tôi biết nói gì đây. Tôi chợt nhớ đến cụ Cao và bà già có con trai làm ăn ở trên tỉnh mà mình từng lừa gạt. Trước tiên sư phụ sẽ tìm hiểu sơ qua hoàn cảnh gia đình họ sau đó mới tìm cách đưa họ vào tròng, còn tôi lại hấp tấp nhảy ngay vào. Cứ tưởng mấy năm qua gia đình này sẽ gặp chuyện không may nhưng người ta chẳng bị sao cả. Tiếp theo nên làm thế nào?
Cả gia đình ông cụ đều nhìn tôi. Tôi cực kỳ lúng túng không biết phải nói gì. Cuối cùng, tôi mặc kệ đến đâu thì đến liền phán bừa một câu: “Nhà các người hiện tại thì tốt nhưng sau này nhất định không tốt. Khi xây ngôi nhà này, đám thợ mộc đã đụng tay đụng chân rồi”
Ông cụ hỏi: “Đụng tay chân thế nào?”
Tôi nói: “Trên xà nhà có khắc hình một cỗ xe ngựa. Nó sẽ chở đi hết của cải nhà các người”
Ông cụ còn chưa nói gì thì đứa cháu mặc âu phục đã nổi đóa. Nó nắm lấy cổ áo tôi và hét lên: “Lúc xây nhà bác thợ mộc đã hỏi ai khắc hình cỗ xe ngựa. Nhà tao không tìm ra thủ phạm, té ra là mày, lại còn vác xác đến đây”
Thằng này vung nắm đấm định đánh tôi. Cô vợ người Nhật lật đật kéo áo nó, miệng không ngừng kêu: “wa ta ji nao, gu lun ji wa…”
Thằng này cực kỳ phẫn nộ, nói: “Nếu không phải ngày Tết ông đã cho mày nhừ đòn rồi. Cút ngay”
Tôi ôm đầu chạy như chuột, suốt dọc đường không dám nhìn lại. Sao mà tôi xúi quẩy thế chứ. Lần đầu tiên đóng giả quỷ thần đã gặp phải kẻ không tin vào ma quỷ.
Ngày hôm sau tôi theo Thuận Oa đến một huyện thành có tên là Bảo Hưng. Thuận Oa bày một sạp hàng nhỏ ở góc tây nam huyện thành, chuyên khắc ấn cho người ta.
Khắc ấn là một nghề hiếm, chỉ những người biết chữ mới khắc được ấn. Thế nên muốn khắc ấn phải bày sạp trước cổng trường hoặc trước cửa nha môn vì chỉ người ở đó mới có học vấn. Giống như là bưu điện xuất hiện nhiều năm sau đó, thường hay có một vị tiên sinh mang kính lão, tay cầm bút lông ngồi trước cửa bưu điện viết thư giúp người ta. Nếu ông ta ngồi trước cửa hàng hoa giấy thì chắc chắn là ế khách vì có ai viết thư cho người chết bao giờ đâu?
Kinh doanh cũng cần có nghệ thuật, việc lựa chọn địa điểm rất quan trọng. Người mở quán ăn không thể gần nhà vệ sinh công cộng, người mở tiệm thuốc không thể gần tiệm bán quan tài. Người khắc ấn không thể bày sạp ở góc thành. Thời đó ít người biết chữ, bạn mở hàng quán tuốt trong góc thành thì ai để ý chứ?
Tuy thế, Thuận Oa không sống nhờ việc khắc ấn. Anh là một cái ốc vít vĩnh viễn không han gỉ trong cỗ máy làm đồ giả cổ. Dù anh ấy không đẹp nhưng lại rất hữu ích.
Thuận Oa vừa khắc ấn vừa làm chỉ điểm.
Cách gian hàng khắc ấn không xa có một cửa hàng tranh thư họa. Đây mới chính là chỗ kiếm ăn của Thuận Oa.
Ngày đầu tiên đến huyện Bảo Hưng, Thuận Oa đã quăng cho tôi một mảnh gỗ đỗ lê. Anh ấy nói: “Khắc tên mày xem nào”
Đỗ lê là loại gỗ chuyên dùng để khắc ấn. Chất gỗ rất cứng, không sợ mối mọt côn trùng.  Chỉ cần bọn chúng ngửi thấy mùi đặc biệt của loại gỗ này là sẽ tránh xa.
Tôi cầm lấy dao khắc, dễ dàng khắc hai chữ Ngai Cẩu lên trên mặt gỗ. Thuận Oa nói: “Khắc tốt lắm. Từng học qua rồi à?”
Tôi nói: “Chưa từng học. Hồi học trường tư thục khắc chơi cho vui”
Thuận Oa nói: “Tốt lắm. Sau này anh bảo mày khắc cái gì thì khắc cái đó”

(Tổng: 1940 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận