Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2178 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 73
Gia nhập quân đội
Một tối nọ, ông chủ thu xếp cho các tiêu sư vào ở một quán trọ nhưng cố tình không đăng ký phòng cho chúng tôi, coi như chúng tôi không hề tồn tại. Chúng tôi cảm thấy cực kỳ nhục nhã, vì vậy đã ra ngoài thành, tìm nơi ở tạm. Chờ đến khi trời sáng sẽ về tụ họp với họ.
Bên ngoài thành có một con đường bằng sắt sáng loáng, kéo dài về phía xa. Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy đường sắt. Chúng tôi sờ vào đường ray và tà vẹt gỗ, không biết chúng dùng để làm gì nhưng đã đặt ở đây thì nhất định là có chỗ dùng đến. Chúng tôi đi về phía trước dọc theo con đường sắt để tìm hiểu bí mật của nó. Sau khi đi được hai, ba dặm thì con đường sắt chia nhánh. Bên cạnh đường nhánh có mấy gian phòng bằng sắt đen thui, bên dưới mấy gian phòng còn mang theo bánh xe sắt. Chúng tôi leo lên, chui vào trong phòng sắt và nằm trong đó.
Tôi hỏi Băng Lưu Tử: “Cái này dùng để làm gì?”
Băng Lưu Tử nói: “Không biết nữa”
Tôi nói: “Mình ngủ ở đây một đêm. Hửng sáng quay về tìm tiêu sư”
Băng Lưu Tử nói: “Được”
Chúng tôi đã đi cùng các tiêu sư ròng rã cả ngày nên vừa đặt lưng đã ngủ thiếp đi. Đến nửa đêm, đột nhiên chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng động ầm ầm. Mở mắt ra nhìn, thấy gian phòng sắt đang rung lắc. Chúng tôi tưởng là động đất nên hoảng sợ co rúm người lại, ép sát thân mình xuống. Chúng tôi định nhảy ra ngoài, lại phát hiện gian phòng sắt đang lao đi vùn vụt. Phía trước có một cái hộp sắt khổng lồ đang kéo nó. Cái hộp sắt phun khói đen sì, phát ra một tiếng kêu dài, vang vọng, còn to hơn tiếng bò rống nữa.
Chúng tôi không dám nhảy xuống, cứ ngồi trong gian phòng sắt, phó mặc số mệnh cho ông trời.
Sáng ra, cái hộp sắt dừng trước một dãy nhà. Một người đàn ông mặc đồng phục, tay cầm lá cờ nhỏ xanh đỏ đứng một bên. Chúng tôi không biết đây là đâu nên nhảy ra bên ngoài. Người đàn ông cầm cờ trông thấy chúng tôi liền thổi còi toe toe, chỉ trỏ, quát mắng. Một vài người chạy ra khỏi nhà, lao về phía chúng tôi. Họ vừa chạy vừa hét: “Có người nhảy tàu, có người nhảy tàu”
Chúng tôi hoảng hốt bỏ chạy tháo thân.
Chạy được vài trăm mét, chúng tôi ngoái đầu lại thấy họ không đuổi theo nữa. Chúng tôi nhìn vào gã người sắt khổng lồ này mới biết nó có tên là xe lửa.
Đoàn tàu dừng lại một lúc, sau đó gào lên một tiếng, phun khói trắng mù mịt cứ như đang giận dữ với chúng tôi.
Đoàn tàu từ từ rời khỏi dãy nhà đó, chạy mỗi lúc một nhanh rồi biến mất khỏi tầm mắt.
Băng Lưu Tử tròn mắt ngạc nhiên, anh ấy nói: “Cái xe lửa này thần kỳ thật đấy, nó bò ra để chạy mà đã nhanh như thế, nếu đứng dậy chạy chắc còn nhanh hơn nữa.
Chúng tôi đi men theo một con đường lớn đến một khu chợ.
Bây giờ đã là giữa trưa, chợ đông nghịt người. Người nào trông cũng thoải mái, chỉ có chúng tôi là bụng đói cồn cào.
Chúng tôi thấy trong đám đông có một đôi nam nữ. Nam thì dung mạo tuấn tú, nữ thì hấp dẫn mê người. Họ nhìn nhau cười, đầu mày cuối mắt đưa tình. Hai người ăn vận giống như là tiểu thư công tử con nhà giàu có. Mặc dù tuổi tôi còn nhỏ nhưng cũng biết là chuyện gì. Người ở quê tôi gọi tình huống này là vừa mắt. Chỉ cần thấy vừa mắt thì sau này chuyện gì cũng xuôi.
Băng Lưu Tử nói: “Mày đi theo con kia, tìm cơ hội đụng chạm vào người nó”
Tôi hỏi: “Để làm gì?”
Băng Lưu Tử nói: “Cứ làm theo lời anh là được”
Tôi bám theo cô gái, thấy Băng Lưu Tử cũng theo sau thanh niên. Cô gái này mặc đồ bằng tơ lụa, láng mịn. Tôi lén sờ vào eo cô ta nhưng cô ta không để ý. Tôi lại sờ mông cô ta, cái mông tròn lẳn trắng mịn. Lần này cô ta biết rồi, thẹn đỏ cả mặt nhưng cũng không tiện phát tác. Người thanh niên quắc mắt nhìn tôi nhưng cũng không tiện phát tác. Thời đó, nam nữ xa lạ gặp nhau chốn công cộng không thể nói năng tùy tiện. Bên nào nói trước cũng đều bị xem là khiếm nhã.
Tôi sợ thanh niên đó sẽ đánh mình nhưng hắn ta chỉ trừng mắt nhìn giận dữ. Tôi không dám động vào người cô gái đó nữa.
Băng Lưu Tử vẫy tay gọi tôi. Tôi theo anh ấy đến bên lề đường. Băng Lưu Tử lấy trong túi áo ra một cái túi vải nhỏ và mở cái túi ra. Bên trong chỉ có vài tờ tiền giấy.
Băng Lưu Tử thất vọng ném cái túi xuống đất, cất tiền vào trong người. Chúng tôi tìm thấy một gian hàng bán món mì cắt. Mỗi người ăn một bát lớn.
*Mì cắt: Một món mì tiêu biểu của Sơn Tây. Khi chế biến sẽ dùng dao cắt gọt bột mì đã nhào kĩ để sợi mì rơi vào nồi nước đang sôi.
Tôi hỏi: “Đây là tiền của ai?”
Băng Lưu Tử nói: “Của thằng đó”
Tôi nói: “Anh ra tay nhanh quá. Em còn không thấy anh làm thế nào?”
Băng Lưu Tử nói: “Anh để mày đánh lạc hướng thằng đó rồi thò tay lấy túi vải trong túi nó mà nó vẫn không biết gì. Thằng này quần áo nhìn cũng bảnh bao thế mà trong túi chẳng có mấy đồng”
Tôi biết cách này gọi là di hoa tiếp mộc. Lúc chúng tôi trộm ví da của người mặc âu phục ở huyện thành Bảo Hưng cũng dùng đến cách này.
Ăn xong mì, Băng Lưu Tử đề nghị tối nay làm một mẻ nữa, kiếm con cá nào to, sau đó chúng tôi sẽ rời đi. Chúng tôi cũng không biết phải đi đâu. Dù sao cũng là lang bạt giang hồ, cứ tìm đến thành phố lớn. Dân ở đó giàu, càng dễ bề ra tay.
Đây là một huyện thành nhỏ. Trong huyện thành có một đại hộ, nhà rộng tường cao, có tới mấy chục gian phòng. Hộ này hẳn là loại lắm tiền nhiều của. Tối nay chúng tôi sẽ trộm nhà này.
Chúng tôi bàn nhau trước hết sẽ núp trong sương phòng, đợi đến đêm khuya thanh vắng xem có thứ nào giá trị thì lấy vài món. Chờ khi trời sáng sẽ đem bán lấy tiền.
Sẩm tối, chúng tôi lẻn vào nhà này và trốn trong một gian sương phòng. Gian phòng này không lớn lắm, bày trí đơn giản, chỉ có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế. Chúng tôi trốn dưới gầm giường vì chỉ gầm giường mới có chỗ ẩn núp.
Khi đến giờ thắp đèn, một thiếu niên bước vào trong phòng. Thiếu niên có đôi mắt sáng, mặt đẹp như ngọc, chắc là công tử thiếu gia của nhà này. Cậu ta đặt ngọn đèn dầu lên bàn, mở sách ra đọc.
Chúng tôi mừng thầm. Thiếu niên thường hay ngủ gật, không thích đọc sách. Cậu ta đọc một lát rồi sẽ đi ngủ thôi. Đợi cậu ta ngủ rồi chúng tôi có thể bò ra ngoài khoắng đồ.
Tối hôm đó, thiếu niên đọc bài Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch. Bài thơ này chỉ có bốn câu:
“Đầu giường ánh trăng tỏ,
Ngỡ mặt đất phủ sương,
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương”
Thế nhưng thiếu niên kia đọc đi đọc lại từ chập tối đến tận nửa đêm, càng đọc càng hăng hái vậy mà vẫn không thể thuộc trọn vẹn cả bốn câu thơ.
Tôi thực sự chịu hết nổi, bò ra khỏi gầm giường, giáng cho thiếu niên một bạt tai và chửi: “Sao mày ngu thế hả, có bốn câu thơ mà đọc đến nửa đêm vẫn không thuộc”. Chửi xong tôi mở cửa bước ra ngoài.
Băng Lưu Tử cũng chui ra khỏi gầm giường. Anh ấy giáo huấn thiếu niên vẫn còn đang sững sờ kia: “Thầy giáo bảo chúng tao trốn trong phòng mày xem ban đêm mày có học hành đàng hoàng không. Mày cứ ở trong phòng tiếp tục đọc cho thuộc đi. Không được phép ra ngoài. Chúng tao về đây”
Thiếu niên tiếp tục ngồi trong sương phòng học thuộc bài Tĩnh Dạ Tứ. Xem chừng trời chưa sáng thì hắn ta vẫn chưa đi ngủ.
Chúng tôi mở cổng nhà này, nghênh ngang bỏ đi.
Kế hoạch trộm cắp chúng tôi dày công sắp đặt đã phá sản như thế đó.
Nửa đêm về sáng, đường phố vô cùng vắng lặng. Thỉnh thoảng một con chó hoang chạy ngang qua, cũng có người báo canh đi tuần, tay gõ mõ, miệng kêu: “Trời hanh vật khô, cẩn thận củi lửa”. Trong không gian thanh vắng, cái giọng già nua của hắn vang đi rất xa.
Chúng tôi không thể đi trộm một lần nữa vì chưa tìm hiểu đường lối trước. Nhà đại hộ đã tìm hiểu kỹ càng kia, vốn có thể hốt được một mẻ rồi, nhưng ai ngờ được nhà đó lại có thiếu niên ngu độn đến vậy. Một bài thơ đơn giản, dễ hiểu như Tĩnh Dạ Tứ, tôi chỉ đọc ba lần là thuộc làu làu, thế mà hắn ta mất cả đêm cũng không thuộc nổi. Thiếu niên ngốc nghếch này có mã ngoài đẹp đẽ như một cái gối thêu hoa, như một cục cứt lừa bóng bẩy.
Chúng tôi không thể ra tay trong huyện thành vì vậy quyết định về vùng thôn quê xem sao. Nhà ở quê có tường thấp, cửa nẻo đơn giản, biết đâu chúng tôi sẽ vớ được món nào giá trị.
Chúng tôi nhìn thấy một sợi dây thừng treo trước nhà một hộ dân. Dây thừng rất cứng, ở giữa còn dính lông gà. Loại dây này cực kỳ bền chắc, thường dùng để kéo xe. Chúng tôi tháo lấy sợi dây, cuộn lại, xách trên tay rồi trèo qua tường.
Cổng thành vẫn chưa mở, bốn bề yên lặng như tờ. Chúng tôi trèo lên tường thành bằng đất, buộc một đầu dây vào cây cột gỗ của thành lâu, ném đầu còn lại xuống dưới tường thành, sau đó bám vào dây thừng trượt xuống dưới chân thành. Chúng tôi còn chưa kịp đứng thẳng người, đột nhiên nhìn thấy hai họng súng đen ngòm đang chĩa vào mình.
Chúng tôi kinh ngạc nhìn quanh, thấy một đám người đang nằm hoặc ngồi dưới tường thành giống như là một đống đá lộn xộn bị một trận mưa lớn cuốn trôi. Họ là một nhóm binh lính. Tối qua khi chúng tôi lẻn vào hộ giàu có kia thì đội quân này đã tiến vào huyện thành.
Một tên cầm khẩu súng trường hẩy nòng súng vào người tôi và hỏi: “Mày làm nghề gì?”. Hắn ta nói với cái giọng mũi đặc sệt của người vùng Sơn Tây này.
Tôi không biết phải trả lời thế nào nên im lặng.
Một tên khác chọc nòng súng vào người Băng Lưu Tử và hỏi anh ấy làm nghề gì. Băng Lưu Tử cũng không chịu nói. Mỗi lần hắn ta chọc một cái, Băng Lưu Tử lại lùi về sau một bước, đến khi lưng của Băng Lưu Tử áp vào tường thành, không lùi thêm được nữa, hắn ta mới ngừng tay.
Bọn chúng lục quần áo của chúng tôi nhưng không tìm thấy gì, bèn hỏi: “Chúng mày là trộm phỏng?”
Tôi nói: “Không phải”
Băng Lưu Tử nói: “Trộm phải có tiền trên người chứ?”
Một tên hỏi: “Thế chúng mày làm gì?”
Băng Lưu Tử nói: “Chúng tôi chăn bò cho một ông chủ giàu có. Ông chủ quịt tiền công của chúng tôi, chúng tôi liền trốn đi”
Tên kia hỏi: “Sao hai đứa mày nói giọng vùng khác?”
Tôi nói: “Tôi bị bọn buôn người bán đến đây”
Băng Lưu Tử nói: “Nhà tôi bị lụt, chạy nạn đến đây”
Tên kia nói: “Được rồi, sau này theo ông ăn cơm nhà nước. Tối nay gặp được ông, xem như chúng mày cũng may mắn lắm đó.