Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2120 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 51
Hàng giả đổ sỉ

Tôi trở về sạp khắc ấn chưa được bao lâu thì Thuận Oa cũng quay về. Mặt mũi anh ấy tươi tỉnh, khen tôi đã làm rất tốt.
Tôi không biết mình tốt ở chỗ nào, cũng không hiểu vì sao anh ấy vui mừng đến thế.
Thuận Oa nói, sau khi mấy người đó bắt tôi đi thì anh ấy vào trong ngõ. Lúc đó đôi nam nữ kia đang ôm cái hộp giấy chuẩn bị chuồn đi. Anh ấy đuổi theo, nói: “Để tôi xem các người đang ôm cái gì? Có phải là bức tranh lão gia thích nhất không? Người nữ liền trả lại bức tranh và nói: “Không liên quan đến chúng tôi, không liên quan đến chúng tôi”
Thuận Oa đón lấy bức tranh và mở nó ra. Anh thấy nó là một bức tranh hoa điểu thì nói: “Cuối cùng cũng tìm được rồi. Một ngày không được ngắm nó, lão gia không ngủ nổi”
Khi Thuận Oa xách hộp giấy chuẩn bị rời đi thì người nam kia kêu anh đứng lại. Anh ta nói muốn mua bức tranh này, trả thêm tiền cũng được.
Thuận Oa giả vờ do dự, nói: “Nếu tôi không tìm được bức tranh này, về nhà không biết phải ăn nói với lão gia thế nào”
Người nam nói: “Thì cậu cứ nói là không tìm thấy, lão gia cũng đâu làm gì được”
Thuận Oa nói: “Nếu bán cho anh thì rất có lỗi với lão gia. Đây là bảo vật gia truyền nhà ông ấy”
Vừa nghe là bảo vật gia truyền thì người nam càng muốn mua.
Thuận Oa nói: “Nếu tôi không tìm được tranh, lão gia sẽ nổi giận, nói không chừng sẽ đuổi tôi đi. Nửa đời sau không còn chỗ dựa nữa… Thôi cứ để tôi đem về cho lão gia”
Người nam làm bộ kẻ cả: “Cậu nói xem cần bao nhiêu tiền. Tôi sẽ cho cậu số tiền đủ sống hết đời”
Thuận Oa ngập ngừng nói: “Một trăm đồng bạc”
Người nam nói: “Một trăm đồng bạc. Tôi không mang đủ tiền, chỉ có ba mươi đồng thôi”
Thuận Oa kiên quyết nói: “Vậy tôi không bán”
Người nam nói: “Hay thế này đi. Tôi đưa trước ba mươi đồng, cậu giao tranh cho tôi. Cậu đứng ở đây, đừng đi đâu hết. Tôi quay về nhà trọ lấy nốt bảy mươi đồng cho cậu”
Thuận Oa nói: “Lỡ anh không quay lại thì sao?”
Người nam nói: “Quân tử nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”
Thuận Oa nói: “Được, tôi tin anh. Tôi sẽ đợi ở đây, anh phải nhanh lên đấy”
Đôi nam nữ nhìn nhau đầy ẩn ý, sau đó kéo tay nhau rời đi. Hai người vừa ra khỏi ngõ liền chạy như điên ra ngoài huyện thành, hành lý ở nhà trọ cũng bỏ luôn.
Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy rất lạ. Làm sao Thuận Oa biết đôi nam nữ kia sẽ mua tranh. Những người cùng diễn kịch với tôi kia là ai? 
Thuận Oa nói, đôi nam nữ này đã bị để ý mấy ngày nay. Hầu như ai đến huyện Bảo Hưng mua tranh, bọn họ đều nắm rõ như lòng bàn tay. Chỉ cần ai đó bước qua bức tường thành đất vàng và cánh cổng thành gắn lá thép kia là sẽ rơi vào tầm ngắm của vô số cặp mắt. Mỗi bước đi ở huyện thành Bảo Hưng này đều là đang đi vào cái bẫy người khác đã giăng sẵn.
Tôi hỏi: “Huyện Bảo Hưng ghê gớm vậy à?”
Thuận Oa nói: “Mày không biết lịch sử của huyện Bảo Hưng rồi.  Từ thời nhà Minh đến nay, Huyện Bảo Hưng đã làm đồ giả cổ. Đây cũng là cái nôi của nghề làm đồ giả cổ. Tất cả các tranh thư họa, đồ gốm sứ hay đồ đồng giả mạo đều bắt nguồn từ đây. Muốn giàu có phát tài thì phải dựa vào lừa gạt. Huyện Bảo Hưng chính là nơi đặt tổng bộ”
Tôi cười thích thú. Thật không ngờ nơi này lại có nhiều chuyện như thế.
Tôi hỏi: “Vì sao những người mua văn vật lại đến huyện Bảo Hưng? Chẳng phải bọn họ không đến huyện Bảo Hưng thì sẽ không bị lừa hay sao?”
Thuận Oa nói: “Không đến mà được à? Huyện Bảo Hưng ở rất gần Lạc Dương, cũng gần Khai Phong nữa. Mày biết Khai Phong và Lạc Dương là nơi nào không?”
Tôi nói: “Không biết”
Thuận Oa nói: “Mày đúng là ngu hết chỗ nói. Ngay Lạc Dương với Khai Phong cũng không biết. Lạc Dương là cố đô của mười ba triều đại, là đất kinh thành xưa, người nơi đó rất giàu có. Phía ngoài thành Lạc Dương có một ngọn núi tên là núi Mang, phong thủy cực tốt. Những người giàu có các triều đại sau khi chết đều được chôn ở đây, mục đích là để mang lại may mắn cho con cháu. Mày thử nghĩ xem, cả nghìn năm nay đã có bao người được chôn cất trên núi Mang. Sau khi chết đám nhà giàu đều có vật bồi táng. Mày thử nghĩ xem, cả nghìn năm nay đã có bao nhiêu văn vật quý giá được chôn trên núi Mang?”
Tôi nói: “Chắc là nhiều lắm. Lớp này chồng lên lớp kia, mấy đồ giá trị chắc đếm không hết”
Thuận Oa nói: “Giờ nói về Khai Phong. Khai Phong là cố đô của bảy triều đại, là nơi phát tích của nhà Tống, là đô thành của Bắc Tống cũng là thành thị phồn vinh và lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Tranh thư họa và đồ thủ công mỹ nghệ của Khai Phong vẫn là thành tựu cao nhất thời Trung Quốc cổ đại, vang danh khắp thiên hạ. Biết nhà Tống không? Đây là triều đại giàu có nhất Trung Quốc mấy nghìn năm qua. Mày cứ xem bức Thanh Minh Thượng Hà Đồ là biết ngay”
Tôi hỏi: “Là tranh gì thế?”
Thuận Oa nói: “Mày ngu quá thể. Đến lịch sử cũng không biết thì làm sao làm đồ giả được? Thanh Minh Thượng Hà Đồ là bức tranh vẽ cảnh Khai Phong thời Bắc Tống. Bên trong tranh có quan lại, nông phu, đại phu, thương nhân, hòa thượng, đạo sĩ, cai ngục, thầy bói, người chèo thuyền, phụ nữ… Nó là bức tranh đắt giá nhất của Trung Quốc”
Tôi chợt có cái nhìn khác về Thuận Oa. Thật không ngờ anh ấy lại nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc đến mức như vậy” 
Thuận Oa nói tiếp: “Phía Đông huyện Bảo Hưng là Khai Phong, phía Bắc là Lạc Dương. Dù là người giàu có ở miền Nam hay là người ở Thiên Tân, Bắc Kinh muốn mua văn vật thì điểm dừng chân đầu tiên chính là huyện Bảo Hưng này. Lâu dần, văn vật của Lạc Dương và Khai Phong đều tập trung ở huyện Bảo Hưng. Huyện Bảo Hưng đã trở thành thị trường văn vật lớn nhất toàn quốc”
Tôi hỏi: “Có nhiều văn vật như thế, ai thèm mua đồ giả nữa”
Thuận Oa nói: “Mày không hiểu rồi. Mày không thể nhìn thấy văn vật thật trên thị trường đâu. Một khi nó xuất hiện nó sẽ đi đường ngầm đến Bắc Kinh, Thiên Tân và các khu vực giàu có ở miền Nam.  Bọn họ có cả một đường dây vận chuyển. Có người đào, người mua, người chuyên chở, dịch vụ trọn gói. Không có văn vật thật thì hàng giả văn vật của chúng ta vẫn có thị trường. Hàng ngày có không biết bao nhiêu người từ khắp nơi trong nước đến huyện Bảo Hưng mua văn vật. Chúng ta sẽ bán đồ giả cho bọn họ. Bọn họ mua văn vật giả mạo nhưng lại trả tiền cho văn vật thật bởi vì họ không biết nó là đồ giả”
Thì ra giới giang hồ kinh doanh văn vật lại thú vị như thế. Lần đầu tiên tôi được nghe đến chuyện này.
Thuận Oa nói tiếp: “Nội cái huyện Bảo Hưng nhỏ xíu này, mày biết có bao nhiêu người làm nghề giả cổ không?”
Tôi nói: “Khoảng một trăm tám chục người”
Thuận Oa cười chế nhạo: “Một trăm tám chục người. Mày còn chưa nói được con số lẻ. Cho mày biết nhé, là năm, sáu nghìn người”  
Tôi giật mình. Thật không ngờ cái nơi bé xíu thế này lại có nhiều người làm cái nghề giả cổ đến thế.
Thuận Oa nói: “Gần núi nhờ núi, gần sông nhờ sông. Huyện Bảo Hưng chúng ta núi thì thấp, sông thì cạn. Vì thế chúng ta phải sống nhờ văn vật”
Tôi hỏi: “Vậy những người em thấy hôm nay sao chỉ có vài người?”
Thuận Oa nói: “Huyện Bảo Hưng có gần một nghìn nhà làm nghề giả cổ. Nhà chúng ta đây thuộc về hạng trung thôi. Có nhà rất lớn, tới cả trăm người. Có nhà rất nhỏ, chỉ có vài người. Nhưng cơ cấu tổ chức mỗi nhà đều giống nhau. Mỗi người trong tổ chức đều có một cái tên chuyên biệt, dựa trên tuổi nghề lần lượt sẽ là: Vạn Tự, Yêu Kê, Điều Tử, Đồng Tử, Bạch Bản, Lão Khương.
Những người đến huyện Bảo Hưng mua văn vật, chúng ta thống nhất gọi là Vạn Tự. Người theo dõi Vạn Tự, xem sức mua của họ đến đâu, cần mua loại văn vật nào thì gọi là Yêu Kê. Người tiếp cận Vạn Tự, lôi kéo, lấy lòng, xây dựng mối quan hệ để tạo niềm tin, sau đó môi giới thị trường văn vật được gọi là Điều Tử. Người dàn cảnh, dẫn dụ Vạn Tự vào lọt vào bẫy được gọi là Đồng Tử. Người giao dịch mua bán văn vật với Vạn Tự được gọi là Bạch Bản. Ông chủ đứng đằng sau lên kế hoạch cho toàn bộ hành động như là khi nào thì cử ai đi, liên hệ với Vạn Tự ra sao được gọi là Lão Khương”
Tôi nghe mà hai mắt trợn tròn, miệng há hốc.
Hôm nay, đôi nam nữ đến từ thành thị kia là Vạn Tự. Tôi đóng vai trò Điều Tử. Đám người mặt mũi băm trợn bắt cóc tôi kia là Đồng Tử. Thuận Oa là Bạch Bản. Yêu Kê và Lão Khương thì không thấy đâu.
Lão Khương là người như thế nào? Cái người đứng đằng sau chỉ huy này nhất định là vô cùng bí ẩn, giống y như tổng đà chủ.
Tôi vẫn còn một thắc mắc. Những bức tranh đó, nửa tháng trước vẫn còn mới tinh, vì sao nửa tháng sau đã trở thành cũ kỹ rồi?
Thuận Oa nói: “Cái này có gì khó đâu?”
Tôi nói: “Đem phơi ngoài nắng gió, phải không nhỉ?”
Thuận Oa nói: “Không phải. Dù mày có phơi thế nào cũng không đạt được hiệu quả cũ kỹ như thế. Có một cách, chỉ cần nửa tháng là có thể đạt được hiệu quả lưu trữ hàng trăm năm”
Tôi hỏi: “Cách gì thế?”
Thuận Oa nói: “Hai ngày nữa cho mày đi giao một chuyến hàng. Mày sẽ thấy tận mắt thôi”
Hai ngày sau, tôi tới cửa hành bán tranh thư họa và lại thấy người trung niên và thiếu niên kia. Lần này, tôi mới biết người trung niên tên là Sở Nhuận Hiên, còn thiếu niên tên là Băng Lưu Tử. Tôi không biết Băng Lưu Tử là tên thật của thiếu niên hay chỉ là biệt hiệu. Mọi người đều gọi anh ấy như vậy nên tôi cũng gọi theo.
Lần này, tôi không thấy ông già gầy ốm kia nữa. Tôi không có ấn tượng tốt với ông ta bởi ngay lần đầu gặp mặt lão ta đã dùng cái móng chó hung dữ chỉ vào tôi.
Băng Lưu Tử thấy tôi đến thì cười rất tươi, lộ hàm răng trắng nhởn giống như là dã thú. Năm nay tôi đã thấy mình lớn hơn nhiều. Tôi cần có bạn bè, cần có mối quan hệ riêng. Tôi cảm thấy Băng Lưu Tử là người có thể chơi được.
Sở Nhuận Hiên nói với Băng Lưu Tử: “Xuống hầm lấy thư họa đã xông lên đây”
Tôi thử thăm dò: “Con đi giúp Băng Lưu Tử một tay”
Sở Nhuận Hiên nói: “Được”


 

(Tổng: 2120 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận