Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2611 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 80
Khảo nghiệm nhập hàng

Khảo nghiệm thu nhận đồ đệ của Hổ Trảo quả đúng như truyền thuyết của giang hồ. 
Trong vòng ba ngày, chỉ cần trộm được bất kỳ món đồ nào trong nhà ông ấy là có thể bái sư học nghệ rồi.
Nhà Hổ Trảo có thể vào tự do nhưng lúc ra sẽ bị lục soát. Để trộm một món đồ từ nhà ông ấy hoàn toàn không phải việc dễ dàng.
Đêm ngày đầu tiên, chúng tôi vác theo một cây sào, gác lên tường nhà Hổ Trảo, rồi leo dọc thân sào lên trên nóc nhà, chờ cơ hội lẻn vào bên trong trộm đồ.
Cần phải nói rõ rằng cái nghề trộm cắp này có rất nhiều công cụ với những công dụng mà người ngoài chưa từng thấy, cũng  chưa từng biết đến.
Tỷ như để vượt tường sẽ có ba loại công cụ. Ngôn ngữ trong nghề gọi là ngạnh can (sào cứng), nhuyễn can (sào mềm) và súc can (sào rút).
Ngạnh can là một cây sào tre. Gác sào lên tường rồi leo dọc thân sào lên trên tường, sau đó đặt sào vào bên trong sân rồi trượt xuống dưới.
Nhuyễn can chính là dây thừng gắn móc câu. Tung móc câu ra để móc vào cành cây bên trong sân nhà hoặc mái hiên, sau đó sẽ leo lên tường vào trong nhà.
Súc can là một công cụ đặc chế, trông giống quải trượng. Thực ra nó gồm nhiều đoạn, có thể kéo dài cả trượng (khoảng 3m3), giống như râu ăngten của vô tuyến sau này. Lúc vượt tường chỉ cần móc phần đầu uốn cong vào gờ tường là có thể leo lên, rồi làm y như cũ là vào được trong nhà.
Chúng tôi núp trên mái nhà đến tận nửa đêm, đột nhiên nhìn thấy nóc nhà bên cạnh có một người. Người này mặc bộ đồ bó sát, thân hình yểu điệu. Dưới ánh trăng, tôi nhận ra đó là Yến Tử.
Yến Tử nói: “Xuống hết đi, còn trốn ở đó làm gì nữa? Hai người vừa đu sào lên tường đã bị người ta nhìn thấy rồi”
Chúng tôi chán nản tụt theo thân sào ra bên ngoài nhà. Trong lòng trào dâng một nỗi thất vọng khó nói.
Đêm ngày thứ hai, chúng tôi lén chui vào bếp nhà Hổ Trảo. Chúng tôi sợ bị hốt gọn cả mẻ nên tôi trốn ở đống than ngay dưới cái thớt còn Băng Lưu Tử trốn trong lu nước. Thời đó, những nhà khá giả miền Bắc dùng than đá, còn nhà nghèo dùng than củi. Than thường được chất thành đống bên dưới thớt. Khi đó chưa có nước máy, nhà nào cũng có lu đựng nước. Nước giếng sẽ được đổ từng thùng vào trong lu, dùng cho cả người và động vật. Miệng lu được đậy bằng tấm gỗ,
Đến nửa đêm, hai người bộc nhân xách đèn lồng, kiểm tra từng ngóc ngách trong nhà. Khi họ bước vào bếp, chúng tôi liền im thin thít. Họ nói: “Đừng trốn nữa, mau ra đi. Một đứa núp dưới thớt, một đứa trốn trong lu”
Tôi bò ra ngoài, cả người bám đầy than. Băng Lưu Tử cũng bò ra khỏi lu, toàn thân sũng nước. Người bộc nhân nói: “Cả lu nước sạch bị hai đứa làm bẩn mất rồi. Sáng mai đổ hết đi, gánh đầy một lu trả lại”
Chúng tôi vội gật đầu, rồi ủ rũ rời đi.
Hai ngày liên tiếp không thu hoạch được gì, chúng tôi đều vô cùng chán nản. Băng Lưu Tử muốn bái Hổ Trảo làm sư phụ, tôi cũng muốn bái ông ấy làm sư phụ. Hổ Trảo là một cây đại thụ có cành lá sum sê nhất ở Tấn Bắc, cây cao bóng mới cả, chỗ dựa mới vững chắc.
Chỉ còn lại một ngày cuối cùng. Chúng tôi vẫn chưa có bất kỳ biện pháp nào để thông qua khảo nghiệm. Mỗi giây mỗi phút trôi qua, chúng tôi càng đến gần hạn chót. Nếu đến hạn chót mà chúng tôi vẫn không thành công thì sẽ không còn mặt mũi nào lăn lộn ở Tấn Bắc, thậm chí hành tẩu giang hồ. Chúng tôi lại phải tiếp tục cuộc sống lang bạt đầy bấp bênh.
Sau khi trời sáng, chúng tôi đến nhà Hổ Trảo, kéo xe chở nước của nhà ông ấy lên ngọn núi phía Bắc Đại Đồng đi kín nước. Khi đó Đại Đồng có hai nguồn nước uống. Một là nước ngầm hay cũng là nước giếng, nước được múc lên từ dưới những miệng giếng sâu ở trong huyện thành. Hai là nước lấy từ một miệng suối ở ngọn núi nằm phía Bắc Đại Đồng.
Nước nhà Hổ Trảo dùng là nước suối.
Một cái lu cỡ lớn của nhà Hổ Trảo phải chứa được ít nhất ba xe nước. Hay nói cách khác, từ nhà đến núi chúng tôi phải đi đi về về mất ba chuyến mới có thể đổ đầy lu. Nhưng đợi đến khi chúng tôi đi được ba chuyến thì trời cũng tối rồi. Đến lúc đó cũng mệt đến rã rời chân tay, không bò dậy nổi nữa, sức đâu mà trộm đồ nhà ông ấy. Huống chi, để đề phòng chúng tôi, nhà họ đã tăng cường giới bị, một cây kim cũng khó lọt.
Đến chuyến xe thứ hai, do chúng tôi kéo xe không tốt, đã để xe lao xuống sườn núi rồi lật nghiêng. Băng Lưu Tử cũng bị té theo.
Băng Lưu Tử nằm trên mặt đất, bảo tôi: “Chân anh gãy rồi”
Tôi cuống quýt gọi một xe nước đang đi lên núi và chở Băng Lưu Tử đến một tiệm thuốc ở huyện thành Đại Đồng. Dọc đường đi, Băng Lưu Tử cứ kêu oai oái vì đau.
Sau khi đến tiệm thuốc, lang trung hỏi Băng Lưu Tử thấy trong người thế nào. Băng Lưu Tử nói xương cổ tay rất đau, tám thành là bị gãy rồi. Ngón tay của lang trung mới chạm vào cổ tay Băng Lưu Tử, anh ấy đã la toáng lên.
Tôi nói với lang trung: “Chúng tôi không mang theo tiền. Ông cứ chữa cho anh ấy trước đi, tôi về lấy tiền”
Lang trung lấy ra một đống thảo dược, dùng nẹp cố định lại xương cổ tay cho Băng Lưu Tử rồi để anh ấy nằm nghỉ ở giường bệnh hậu viện. Tôi chạy như bay về tìm Hổ Trảo.
Chúng tôi không có nhiều tiền. Muốn chữa trị cho Băng Lưu Tử chúng tôi phải vay mượn Hổ Trảo. Ở Đại Đồng này, chúng tôi chỉ biết mỗi Hổ Trảo.
Tôi chạy đến nhà Hổ Trảo, miệng thở hổn hển, báo cho ông ấy chuyện Băng Lưu Tử bị gãy xương cổ tay. Kỳ quái là Hổ Trảo không hề ngạc nhiên, chỉ bình thản nói: “Ta đã biết rồi”. Sau đó dặn bộc nhân đưa cho chúng tôi một trăm đồng Đại Dương.
Tôi cầm tiền trở lại tiệm thuốc mà trong lòng đầy nghi hoặc. Làm sao Hổ Trảo biết Băng Lưu Tử đã bị thương. Chà, nhất định là trong ba ngày qua, Hổ Trảo đã cho người theo dõi chúng tôi. Người đó đã thấy chúng tôi trèo tường nấp trên mái nhà và trốn trong bếp, sau đó báo lại Hổ Trảo, người này cũng theo dõi chúng tôi kéo xe nước và cũng báo lại Hổ Trảo.
Hổ Trảo đúng là một tay giang hồ lão luyện. Một mặt yêu cầu chúng tôi phải trộm đồ trong nhà ông ấy, mặt khác lại phái người theo dõi chúng tôi. Mọi hành tung của chúng tôi, ông ấy đều nắm rõ như bàn tay.
Gặp phải người tinh minh như Hổ Trảo, chúng tôi phải làm sao mới trộm được đồ nhà ông ấy?
Từ nhà Hổ Trảo đến tiệm thuốc, tôi phải đi qua nhiều khúc quanh. Mỗi khi tới một khúc quanh, tôi cứ rẽ vào trước rồi bất ngờ quay ngoắt người lại. Nếu phía sau có người theo dõi thì sẽ chạm mặt nhau nhưng tôi chẳng thấy một ai. Tôi lại đi thêm một quãng dài rồi bất ngờ từ phía sau một gốc cây đại thụ trèo lên trên ngọn cây. Leo trèo chỉ là chuyện vặt với tôi. Tôi đứng trên cây, nhìn về hướng ngược lại nhưng chẳng thấy ai bám theo.
Vậy thì, nhất định là như thế này. Trước khi xe bị đổ, Hổ Trảo đã cho người theo dõi chúng tôi. Sau khi xe bị đổ, Hổ Trảo đã gọi người đó trở về.
Một người biết trộm cắp nhưng xương cổ tay đã bị gãy. Một người không biết trộm cắp nhưng phải bận bịu chăm sóc người bị thương, vậy sẽ không còn ai tới căn nhà kín cổng cao tường của ông ấy trộm đồ nữa. Với lại, chỉ còn một đêm cuối cùng. Qua đêm nay khảo nghiệm cũng kết thúc rồi.
Tôi quay lại tiệm thuốc, trả tiền cho lang trung. Băng Lưu Tử nằm ở trên giường, tôi ngồi bên cạnh giường. Trong bóng tối, chúng tôi lặng lẽ chờ đêm xuống.
Bây giờ đã là nửa đêm, đường phố vắng lặng, không một ánh đèn. Băng Lưu Tử tháo thanh nẹp cổ tay, nhảy xuống giường,  âm thầm rời khỏi tiệm thuốc. Tôi bám theo sau anh ấy.
Chúng tôi đến trước cổng nhà Hổ Trảo, thấy bên trong tối đen, cổng cũng đã đóng chặt. Chúng tôi vác theo cây sào đã giấu kĩ từ trước, gác lên tường rồi trèo lên đầu tường. Vểnh tai nghe ngóng thấy trong sân không có động tĩnh gì mới nhẹ nhàng tụt xuống dưới.
Mọi cánh cửa trong nhà Hổ Trảo đều đóng kín, chúng tôi không cách nào vào được bên trong. Nhưng trên vòng cửa một gian phòng, chúng tôi thấy có treo một cái sủy tử.
Sủy tử hiện vẫn còn được sử dụng ở một số vùng nông thôn xa xôi miền Bắc. Người ta cắt một miếng da bò hoặc da cừu mỏng thành những sợi dài như sợi mì, buộc túm một đầu vào thanh gỗ tròn, đầu kia để xòe ra. Bình thường treo ở vòng cửa, lúc nào dùng sẽ tháo xuống. Nó chỉ có một công dụng duy nhất đó là đập sạch bụi trên người. Vì Tấn Bắc nằm ở khu vực cao nguyên hoàng thổ nên trên cửa mỗi nhà không thể thiếu cái sủy tử này.
Chúng tôi tháo sủy tử xuống, giắt vào thắt lưng rồi leo sào ra bên ngoài.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến nhà Hổ Trảo, đặt sủy tử trước mặt ông ấy. Gương mặt Hổ Trảo lộ vẻ tán thưởng. Ông nói: “Chiêu che mắt này của hai đứa hay lắm. Ai nghĩ ra thế?”
Tôi nói: “Là con nghĩ ra”
Hổ Trảo khen: “Hậu sinh khả úy, hậu sinh khả úy”
Cuối cùng Hổ Trảo cũng bằng lòng thu nạp chúng tôi làm đồ đệ.
Hổ Trảo đã không nhận đồ đệ trong nhiều năm rồi. Những đồ đệ trước đây của ông ấy đã thành danh trên giang hồ, nảy cành sinh nhánh, tạo dựng tên tuổi riêng. Có người mở hương đường ở mạn bắc Nhiệt Hà, có người làm đàn chủ phía nam Lưỡng Hồ. Giống như một đại gia tộc khi sinh sôi phát triển đến mức độ nào đó sẽ tách riêng ra. Những đồ đệ thành danh của Hổ Trảo cũng đã tách ra rồi.
Nhà của Hổ Trảo là kiểu tam tiến tam xuất. Thời đó những nhà đại hộ đều có kiến trúc như vậy. Kiểu nhà tam tiến tam xuất chia thành tiền viện, trung viện và hậu viện. Mỗi tòa viện tử đều có sương phòng. Sương phòng lại chia làm lầu trên và lầu dưới. Các công tử, thiếu gia sẽ ở lầu dưới, còn lầu trên dành cho các thiên kim tiểu thư.
Hổ Trảo dẫn chúng tôi đến hậu viện. Gian phòng nằm chính giữa hậu viện thờ một người có thân hình loắt choắt. Người này má khỉ miệng nhọn, tướng mạo hèn hạ nhưng Hổ Trảo nói đây là tổ sư gia của chúng tôi. Tên ông ấy là Thời Thiên, chính là vị Thời Thiên có ngoại hiệu Cổ Thượng Tảo của Lương Sơn.
* Cổ Thượng Tảo: Con bọ trên mặt trống. Có ý khoe khoang kỹ năng trộm cắp của mình cao siêu, lúc ăn trộm rất nhẹ nhàng, không phát ra tiếng động như con bọ nằm trên mặt trống.
Chúng tôi quỳ xuống bái lạy sư tổ Thời Thiên. Tôi biết đây là nghi thức nhập môn, sau này tôi sẽ trở thành đệ tử của môn phái. Cuộc đời của tôi cũng sẽ thay đổi kể từ đây.
Lúc bái lạy cũng có khẩu quyết. Hổ Trảo dạy chúng tôi đọc từng câu một. Bài khẩu quyết này có cả thảy tám câu, nói về sư tổ Thời Thiên cũng là nói về mình. Bài khẩu quyết này như sau:
Táp lục nhân trung duy thiện thâu,
Thời Thiên miếu thực thành đông lâu;
Hậu thế thâu giả tôn vi tổ,
Nguyệt hắc thâm tiêu cụ tửu phủ.
Đãn nguyện nhân gia bất bế môn,
Hoàng kim thủ tận thanh chiên tồn;
Tuế tuế báo tế quan bất tróc,
Thiên thượng truy tông Đông Phương Sóc.
Nghĩa là:
Trong những kẻ trộm mộ ai là giỏi nhất?
Cứ đến miếu Thời Thiên ở thành đông lâu là sẽ biết
Đạo tặc đời sau tôn ông là tổ nghề
Đêm khuya trăng mờ bày rượu thịt hiếu kính
Chỉ mong lúc ăn trộm cửa nhà không khóa 
Chúng ta chỉ lấy vàng bạc chừa lại những vật dụng cần thiết
Hàng năm cúng lễ cầu tổ sư phù trợ chúng ta không bị bắt
Có thể lên trời phân cao thấp cùng Đông Phương Sóc.
Nghề đạo tặc có một quy củ bất thành văn, đó là chỉ trộm tài vật, không hại mạng người, tuyệt đối không được dồn người khác đến đường cùng. Bài khẩu quyết này cũng là lời giải thích cho quy củ trên.
Sau khi tham bái tổ sư gia Thời Thiên, Hổ Trảo dẫn chúng tôi đến một gian phòng khác. Gian phòng này có một cái bàn vuông kê sát tường. Trên bàn đặt ba bức chân dung của ba người. Một người là Hổ Trảo, hai người còn lại tôi không biết là ai.
Băng Lưu Tử chỉ vào hai bức chân dung và hỏi: “Đây là ai thế?”
Hổ Trảo nói: Bang Tấn Bắc chúng ta có ba vị đương gia, địa vị ngang bằng nhau, chỉ phân biệt dựa trên tuổi tác. Ta lớn nhất, người giang hồ gọi là Hổ Trảo, người ở giữa là Báo Tử, cũng ở Đại Đồng, còn người cuối cùng….Thôi bỏ đi, không nói thì hay hơn.
Tôi thấy thần sắc của Hổ Trảo không được tốt lắm. Không hiểu sao lúc ông giới thiệu tới tam đương gia thì lại bỏ qua, không nói thêm nữa. Tôi và Băng Lưu Tử đưa mắt nhìn nhau, muốn hỏi Hổ Trảo nhưng lại cảm thấy ông ấy có ẩn tình khó nói. Mà dù cho chúng tôi có hỏi đi nữa, ông ấy cũng sẽ không nói.

 

(Tổng: 2611 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận