Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2156 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 99
Giành được toản thạch
Tôi nhét toản thạch vào tay Yến Tử, sẵn tiện nhấc cái xẻng xúc than để trước lò, nói với cô ấy: “Hai người đi trước, tôi ở lại chặn hậu”
Cái xẻng chỉ dài hai thước, dùng để xúc than vào lò nhưng nó được làm từ gang, nếu đánh nhau cũng xem như một loại vũ khí tốt.
Băng Lưu Tử thấy Yến Tử cầm toản thạch, bèn kéo tay cô ấy, nói: “Đi mau”
Yến Tử hất tay Băng Lưu Tử ra: “Muốn đi thì đi một mình. Tôi ở lại với Ngai Cẩu”
Ba người kia trông thấy viên toản thạch trong tay Yến Tử, lại thấy tôi cầm xẻng thì lấy cuốc treo dưới mái hiên xuống. Lưỡi cuốc có mặt trước cong lại và cũng được làm bằng gang. Mặt sau gắn vào một cái cán dài tới mét rưỡi. Thời đó, các hộ nông dân thích treo cuốc dưới hiên nhà.
Đối đầu với cái cuốc dài mét rưỡi, cái xẻng dài sáu chục phân lập tức rơi vào thế hạ phong.
Tôi ném cái xẻng vào một gã đàn ông. Hắn ta né qua một bên, cái xẻng cắm vào bồn hoa trong sân. Yến Tử phóng phi tiêu, một gã khác lăn liên tiếp mấy vòng tránh né. Con hát Kinh Vân Đại Cổ thấy chúng tôi không có vũ khí, liền rút một cây roi dài từ thắt lưng ra, cười hi hi lao lên tấn công.
Trong tay không có vũ khí, tôi không biết phải làm sao. Bỗng nhiên trong túi ngọ nguậy. Tôi nhớ vẫn còn con rắn, bèn lôi nó ra và ném về phía ả. Con hát Kinh Vân Đại Cổ thấy một vật màu xanh lục bay tới liền giơ tay chặn lại. Mặc dù thành công nhưng ả ta không ngờ đây lại là một con rắn nhỏ. Con rắn thừa cơ quấn chặt cánh tay ả và cắn một nhát thật đau.
Con hát Kinh Vân Đại Cổ quẳng cây roi xuống đất, miệng hét lên thất thanh: “Á! rắn, rắn”
Hai gã đàn ông nhìn con rắn màu xanh lục đang bò dọc theo cánh tay đồng bọn rồi chui vào trong cổ áo. Bọn chúng đứng một bên nhìn, không biết phải làm sao. Có muốn giúp cũng không biết phải giúp thế nào. Còn không giúp thì thấy bất nhẫn.
Chúng tôi thừa dịp chui vào trong địa đạo trốn thoát.
Khi chúng tôi về đến núi Võ Châu đã là nửa đêm rồi.
Đêm nay, trời nổi trận gió lớn. Tiếng gió gào thét bên ngoài cửa sổ như thiên quân vạn mã, lay động cành cây, giống như tiếng xung trận. Không ai trong chúng tôi có thể ngủ được. Bên trong Thường gia đại viện dưới núi, cung giương kiếm bạt, đao kiếm loang loáng, người của bang Tấn Bắc đang chiến đấu kịch liệt ở đó, không chỉ với gia đinh nhà họ Thường mà còn với bang Thảo Nguyên và bang Kinh Tân. Đại toản thạch rơi vào tay ai, người đó sẽ trở thành kẻ thù của tất cả mọi người.
Rạng sáng, bên ngoài tiểu viện có tiếng bước chân hỗn loạn. Yến Tử ra mở cửa. Tôi thấy nhóm người Báo Tử đã quay về rồi.
Trên lưng Báo Tử có một vết thương do ai đó chém một đao. Miệng vết thương lòi cả ra ngoài qua lớp áo bông. Chung lão đầu vội vàng chạy vào trong phòng lấy kim sang dược ra. Báo Tử ngồi ở trên ghế, Chung lão đầu đổ bột kim sang dược màu đen lên miệng vết thương. Báo Tử thần thái vẫn ung dung như thường, nói cười vui vẻ. Thực ra tôi biết là kim sang dược rơi vào vết thương sẽ đau như dao cắt.
Mọi người kiểm lại nhân số, phát hiện thiếu mất hai người.
Ngày hôm sau, trước cổng Thường gia đại viện có treo mấy tử thi. Hai trong số đó là người của bang Tấn Bắc. Hổ Trảo bỏ ra một nghìn đồng Đại Dương, gửi đến nhà người xấu số.
Hành tẩu giang hồ, sống chết là chuyện thường tình. Chỉ cần bạn bước vào giang hồ thì mạng sống không còn do mình quyết định nữa.
Nhà họ Thường bắt đầu điều tra tung tích của đại toản thạch và báo án lên quan phủ. Người của quan phủ đến Thường gia đại viện tra xét và trông thấy những tiêu ký với hình dạng khác nhau trên tường. Bọn họ không biết ý nghĩa của chúng, đành xếp án này vào dạng án treo.
Sau khi mọi chuyện qua đi, Hổ Trảo càng xem trọng tôi hơn. Tôi có thể cảm nhận được ánh mắt trìu mến và thương yêu của ông mỗi khi nhìn tôi.
Một ngày nọ, Hổ Trảo muốn tôi lên núi chơi cùng ông ấy. Tôi nhận lời ông.
Chúng tôi trèo lên đỉnh núi, ngồi dưới một gốc cây đại thụ, ngắm mây trôi lững lờ phía xa và nghe tiếng chim hót ríu rít chung quanh. Hổ Trảo kể cho tôi nghe về thân thế của Yến Tử.
Yến Tử mồ côi cha mẹ từ khi còn rất nhỏ. Yến Tử xuất thân trong một gia đình thương nhân. Cha cô ấy buôn bán tơ lụa ở Đại Đồng, là thương gia giàu có nhất nhì ở đây. Hồi nhỏ Yến Tử được sống trong nhung lụa, là viên minh châu của gia đình. Nhưng vào một ngày nọ, cha bỗng mắc bạo bệnh và qua đời khi đang ở hoang mạc Tái Ngoại. Quản gia đã câu kết với người ngoài lấy hết tài sản gia đình. Mẹ Yến Tử phải đem theo con gái vất vả mưu sinh sống cho qua ngày đoạn tháng.
Mấy năm sau, mẹ Yến Tử cũng mắc bệnh qua đời. Trước lúc lâm chung, bà đã giao phó Yến Tử cho Hổ Trảo. Hổ Trảo là một tiêu sư của tiêu cục Đại Đồng, thường đi vận tiêu cho cha Yến Tử, cũng có tình nghĩa sâu nặng với ông ấy. Yến Tử đã nhận Hổ Trảo làm cha nuôi.
Sau này, Hổ Trảo không làm tiêu sư nữa mà gia nhập bang Tấn Bắc. Ông mau chóng bộc lộ tài năng của mình và trở thành biều bả tử.
Yến Tử cũng lớn dần, mắt nhìn tay nghe lâu ngày cũng nhiễm phải lối sống giang hồ và trở thành một thành viên của bang Tấn Bắc. Thế nhưng, chuyện hôn nhân của Yến Tử lại khiến Hổ Trảo phải đau đầu. Phụ nữ thời đó hầu hết đều bó chân nhưng Yến Tử được nuông chiều từ bé, không chịu bó chân, hơn nữa tính cách lại ngổ ngáo, thích gì làm đó, mạnh bạo chẳng khác gì đàn ông con trai.
Nhiều gia đình có máu mặt đã tìm đến xin kết thông gia nhưng thấy Yến Tử ăn nói bỗ bã thì đều rút lui. Vì vậy mà chuyện hôn nhân đại sự của Yến Tử cứ lần lựa mãi đến giờ.
Tôi biết Hổ Trảo nói vậy là có ý gì, mặt cũng đỏ cả lên.
Tôi rất thích Yến Tử. Tôi thích em ấy như con cóc ghẻ ở dưới vũng bùn thích thiên nga trắng bay trên trời cao. Rồi đến một ngày, con thiên nga bay ngay cạnh mình, mở mắt là trông thấy, đưa tay là chạm vào, niềm vui to lớn bất ngờ như thế làm con cóc cơ hồ muốn ngất lịm vì sung sướng.
Tôi chính là con cóc ấy.
Trong thế giới tinh thần của tôi, Yến Tử là người con gái hoàn hảo nhất trên đời này. Cô ấy xinh đẹp. Cô ấy yểu điệu. Cô ấy sôi nổi nhưng không kém phần dịu dàng. Cô ấy nóng nảy nhưng không mất lý trí. Tôi thích tất cả bộ phận trên cơ thể cô ấy, tôi thích tất cả đặc điểm tính cách của cô ấy. Tôi thích phụ nữ không bó chân, thích tư thế băng tường vượt nóc mạnh mẽ của cô ấy. Tôi thích cái vẻ hung hăng, thích cái kiểu ăn to nói lớn của cô ấy.
Yến Tử thông minh, còn tôi khờ khạo. Yến Tử xinh xắn còn tôi cục mịch. Yến Tử là đóa hoa đẹp nhất trên ngọn đồi, còn tôi là bông hoa bách hợp, hoang dại và vô danh trong sơn cốc. Thật không ngờ, bông hoa dại này cũng có mùa xuân.
Hổ Trảo nói: “Giao Yến Tử cho con, ta cũng thấy yên tâm bởi ta biết, con sẽ đối xử tốt với nó”
Tôi nói: “Thế giới này có thể không có con nhưng không thể không có Yến Tử. Con sẽ bảo vệ Yến Tử bằng cả tính mạng của mình”
Một tháng sau, tôi và Yến Tử đính hôn.
Lễ đính hôn được tổ chức tại một trong những nhà hàng sang trọng nhất của Đại Đồng. Hàng trăm người đã đến dự, có lẽ đều là người của bang Tấn Bắc. Lão ăn mày cũng có mặt.
Lão ăn mày nhìn thấy tôi, chỉ nháy nháy mắt xem như đã chào hỏi, sau đó ngồi vào phòng trong. Tôi thấy Hổ Trảo cực kỳ kính trọng ông ấy. Khi nói chuyện với lão ăn mày thì nhã nhặn, lễ phép, người khom về trước, còn lão ăn mày lại tỏ ra khiêm cung, chăm chú lắng nghe.
Lão ăn mày này là ai?
Hôm đó, Băng Lưu Tử uống đến say mèm. Khi tôi đến mời rượu, anh ấy hắt ly rượu vào mặt tôi. Ai cũng tưởng chúng tôi sẽ đánh nhau nhưng tôi không làm vậy. Tôi không biết anh ấy say thật hay say giả nhưng tôi biết anh ấy là người bạn tốt nhất của mình. Đúng ra anh ấy và Yến Tử đã là một cặp nhưng tôi đã cướp mất Yến Tử của anh ấy.
Băng Lưu Tử thấy tôi không phản ứng, bèn đấm tôi một quyền. Tôi vẫn không đánh trả. Mỗi lần Băng Lưu Tử tung ra một cú đấm, tôi lùi lại một bước, cứ thế lùi dần đến sát tường. Lúc này tôi không thể lùi thêm được nữa, Băng Lưu Tử cũng hết sức rồi.
Mọi người đều nhìn vào chúng tôi.
Băng Lưu Tử quay đầu bỏ đi. Nước mắt tôi lăn dài trên mặt.
Tôi biết mình đã mất đi một người bạn tốt nhất.
Tôi giành được tình yêu nhưng đánh mất tình bạn.
Vì Yến Tử là vợ chưa cưới nên chúng tôi cũng gần gũi nhau hơn. Tôi biết thêm rất nhiều bí mật mà trước đây chưa từng biết. Yến Tử nói khi chúng tôi tiếp nhận khảo nghiệm trong ba ngày phải trộm được một món đồ trong nhà Hổ Trảo. Theo đề nghị của tôi, Băng Lưu Tử giả vờ bị thương, sau đó chúng tôi đã trộm đồ thành công. Thực ra, tất cả đều nằm trong tính toán của Hổ Trảo.
Hổ Trảo yêu quý tài năng của chúng tôi. Ông ấy cố tình buông lỏng cảnh giác để chúng tôi có thể dễ dàng vượt qua khảo nghiệm.
Trước giờ tôi vẫn xem việc mình vượt qua khảo nghiệm là một điều đáng tự hào, không ngờ đó là do Hổ Trảo thả cho chúng tôi tùy ý hành động.
Tôi nhắc đến lão ăn mày, kể về chuyện ông ấy đã chỉ điểm và giúp đỡ mình. Yến Tử nói lão ăn mày là sư phụ của Hổ Trảo và là thủ lĩnh của bang Tấn Bắc trước đây. Lão ăn mày là tay bợm rượu, lúc nào cũng say bí tỉ. Một lần nọ, ông uống rượu một mình ở nơi hoang vắng và gặp phải kẻ thù của mình. Kẻ thù đã đánh gãy chân của ông, ném ông xuống hang sâu cho sói ăn thịt. Sau đó thừa cơ đoạt lấy vị trí thủ lĩnh của bang Tấn Bắc.
Khi Hổ Trảo vận tiêu qua nơi đây, ông đã cứu được lão ăn mày. Lão ăn mày đã truyền lại sở học cả đời cho Hổ Trảo. Sau khi Hổ Trảo giành lại vị trí bang chủ của bang Tấn Bắc thì lão ăn mày cũng nản lòng thoái chí, đã tìm đến vùng thảo nguyên Tái Bắc cũng hiếm khi quay về lại Tấn Bắc.
Tôi hỏi: “Lão ăn mày làm gì ở thảo nguyên Tấn Bắc?’
Yến Tử nói: “Làm ăn mày”
Hóa ra ông ấy thực sự là một lão ăn mày. Thế nhưng với thân thủ và tên tuổi của ông ấy trên giang hồ, tại sao lại muốn làm ăn mày?