Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2686 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 38
Tổng Đà Chủ
Thần Hành Thái Bảo hiển nhiên là cực kỳ thông thuộc đường lối ở huyện thành này. Anh ấy đưa chúng tôi đi vòng vèo một hồi rồi quẹo vào một con ngõ nhỏ vắng vẻ, đi hết con ngõ này thì đến trước một cây ngô đồng cành lá um tùm. Dưới gốc cây ngô đồng là một cái cổng loại cửa đơn, được sơn đỏ, màu sắc loang lổ. Chúng tôi đẩy cửa bước vào thì thấy trong sân nhà có một cái bàn đá, bên cạnh bàn là vài cái ghế đẩu cũng bằng đá. Ghế nào cũng có người ngồi. Có người gầy như que củi khô, có người béo ú như cái vại, có người thân hình ngũ đoản, có người tay chân dài lêu nghêu. Chỉ cần nhìn lướt qua cũng biết họ là một đám dị nhân giang hồ.
Thần Hành Thái Bảo dẫn chúng tôi đi ngang qua cái bàn đá nhưng không dừng lại mà tiếp tục đi dọc theo một hành lang lát gạch vuông đến thẳng căn phòng cuối cùng. Chúng tôi vén rèm, đẩy cửa bước vào. Dưới ánh sáng mặt trời chiếu từ cửa sổ áp mái tôi thấy một ông già râu tóc bạc phơ đang ngồi rít thuốc lào sòng sọc trên cái ghế thái sư ở chính giữa bức tường phía sau của căn phòng. Ông già tựa hồ đang đắm chìm trong cái khoái cảm lâng lâng của khói thuốc, nghe tiếng bước chân của chúng tôi cũng chẳng buồn mở mắt nhìn.
Nhị sư thúc, người giả mù, Thần Hành Thái Bảo đều cúi đầu khom mình, tôi cũng vội vàng làm theo.
Ba người họ cùng đồng thanh nói: “Bái kiến tổng đà chủ”. Tôi cũng vội nói theo nhưng tiếc là chỉ nói được mỗi từ “Chủ”.
Ông già hỏi: “Đến cả rồi à?”
Nhị sư thúc cung kính đáp: “Đều đến cả rồi”
Ông già nói: “Tất cả người ở đây đều cho ngươi tùy ý sai phái. cần gì nữa thì cứ nói”
Nhị sư thúc vội nói: “Tạ ơn Tổng đà chủ”
Ông giànói: “Sau khi rời khỏi Đại Biệt Sơn đến vùng Giang Hoài nếu gặp khó khăn gì thì có thể dùng danh nghĩa của Tổng đà chủ.
Nhị sư thúc vô cùng cảm kích, quỳ xuống nói: “Tạ ơn Tổng đà chủ”
Nhìn thấy nhị sư thúc quỳ tôi cũng quỳ ngay xuống. Nghe nhị sư thúc nói tôi cũng nói theo, tiếc là chỉ nói kịp chữ “Chủ” cuối cùng.
Khi chúng tôi bước khỏi gian phòng đó, Thần Hành Thái Bảo không đi theo. Người giả mù mời chúng tôi đến quán ăn thưởng thức món thịt cừu xào nức tiếng vùng này.
Người giả mù nói: “Lưới đã giăng hết cả rồi, không đến hai ngày nữa là sẽ có tin tức. Mọi người cứ kiên trì đợi ở huyện thành
Tôi nhớ đến ông già tóc bạc thần thái uy nghiêm đó liền hỏi nhị sư thúc đó là ai.
Nhị sư thúc cung kính nói: “Đó là Tổng đà chủ của khu vực phía Nam sông Hoàng Hà và phía Bắc sông Trường Giang. Ông từng là đại sư tướng thuật trong cung cũng là thượng khách của Lão Phật Gia. Sau khi nhà Thanh sụp đổ, ông sống ẩn dật ở Đại Biệt Sơn đã hơn hai mươi năm. Trên giang hồ chỉ cần nhắc đến danh hiệu của Tổng đà chủ thì không ai không nghe theo, không việc gì mà không thành.
Tôi thầm nghĩ, sư phụ thật là lợi hại, ngay đến Tổng đà chủ cũng ra mặt giúp đỡ ông ấy. Tôi là đồ đệ duy nhất của sư phụ, sau này chắc chắn có thể dương danh trên giang hồ.
Chiều hôm sau người giả mù đến báo tin. Ông nói các lộ nhân mã đi thám thính đã về cả rồi. Phía Thần Hành Thái Bảo đã tìm tung tích của người phụ nữ. Hiện giờ Thần Hành Thái Bảo đang bám theo. Ông phái người về báo tin là cô ta đang chạy về hướng Nam.
Người giả mù cũng cho biết Thần Hành Thái Bảo sẽ để lại ấn ký ở mỗi ngã rẽ. Ấn ký đó là hình một con dao.
Nhị sư thúc nghe vậy thì phấn chấn lạ thường. Ông đưa tôi lên xe ngựa, cho xe chạy thật nhanh theo con đường hướng về phía Đông Nam.
Xe ngựa chạy như bay suốt nửa tiếng. Khi mặt trời ngả về tây thì đến một ngã ba. Nhị sư thúc nói người đánh xe dừng lại. Người đánh xe liền kéo dây cương, sau tiếng ken két chói tai, cỗ xe liền dừng lại. Con ngựa vẫn không ngừng đạp chân lên mặt đất. Nhị sư thúc nói với tôi: “Xuống xem đảo điếm hay thiết điếm có thanh tử?”
Nhị sư thúc nói bằng ám ngữ để người đánh xe ngựa không nghe được. Chúng tôi đi về phía nam, gặp một ngã ba, một đường đi về phía đông, một đường đi về phía tây. Trong ám ngữ giang hồ, phía đông gọi là đảo điếm, phía tây gọi là thiết điếm. Ý của nhị sư thúc là để tôi xuống xe xem con đường về phía đông hay con đường đi về phía tây có để lại ấn ký hình con dao.
Tôi xuống xe tìm kiếm thì thấy trên cành một cái cây cao lớn nằm cạnh con đường đi về hướng đông có khắc hình một con dao dài chừng bốn thốn. Con dao rất tinh xảo, cán cong, phần lưỡi dao sắc bén chỉ về hướng đông.
Tôi leo lên xe và chỉ về hướng đông. Nhị sư thúc nói: “Chạy về hướng đông”. Người đánh xe lại cho xe chạy về hướng đông.
Xế chiều chúng tôi đến một ngôi làng. Bầy chó trong làng đột nhiên thấy một cỗ xe chạy đến vội đuổi theo sau sủa váng cả lên. Mấy đứa trẻ con nhìn thấy xe ngựa cũng chạy theo sau. Sau khi chúng tôi đi qua làng thì thấy con đường ngoặt về bên trái. Tôi nhảy xuống xe tìm kiếm thì lại thấy ấn ký hình con dao nhỏ Thần Hành Thái Bảo để lại trên bức tường gạch của một gia đình cuối làng. Con dao được khắc rất là tinh xảo.
Cách làng không xa lắm có một thị trấn. Đường sá trong thị trấn chật hẹp, vắng người qua lại. Một đám người đang đứng giữa đường, cúi đầu nhìn cái gì đó trên mặt đất.
Đám người này đã chặn mất đường đi nên chúng tôi phải xuống xe ngựa.
Khi chúng tôi đến gần thì nghe một người nói: “Lợi hại quá, nhìn thằng cu này xem. Mới chơi một tí đã ăn được bảy tám đồng Đại Dương rồi”
Tôi nhìn vào giữa đám đông thì thấy một thanh niên đang ngồi xếp bằng trên mặt đất. Trước mặt có hai cái bát sứ để úp xuống. Người thanh niên cầm cái bát lên để mọi người nhìn thấy đáy bát bên tay trái có một quả cầu bằng lông nhỏ, màu đỏ, còn đáy bát bên tay phải thì trống trơn. Sau đó hai tay anh ta đan vào nhau, đổi hai cái bát qua lại để mọi người đoán xem quả cầu nằm ở cái bát nào?
Một thiếu niên đưa cho người thanh niên đang ngồi dưới đất một đồng Đại Dương. Người thanh niên bắt đầu xoay bát rồi dừng lại. Thiếu niên chỉ tay vào một cái bát và nói: “Bát này có”. Người thanh niên mở bát ra thì quả nhiên bên dưới là quả cầu màu đỏ. Người thanh niên đành phải đưa cho thiếu niên kia hai đồng Đại Dương. Thiếu niên lại chơi tiếp, chẳng mấy chốc đã ăn được mười mấy đồng Đại Dương.
Tôi xem mà thấy trong người ngứa ngáy, bèn chen vào bên trong. Thiếu niên kia lập tức ngừng chơi và nói với tôi: “Tớ thắng cũng khá nhiều rồi, phải về thôi, đằng ấy chơi đi”
Tôi hứng chí ngồi xổm xuống, mắt nhìn thấy thanh niên đặt quả cầu vào cái bát bên tay trái nhưng khi hai cái bát đổi qua lại thì tôi lại rối cả não, vậy là bị thua mất một đồng Đại Dương.
Tôi không tin mình đã nhìn nhầm thế là bỏ một đồng nữa ra chơi tiếp. Lần này, quả cầu vẫn ở cái bát bên trái. Tôi dán chặt mắt vào cái bát này, không tin quả cầu có thể di chuyển đi chỗ khác. Thanh niên vừa xoay bát, vừa đọc khẩu quyết: “Mắt bạn tinh, tay tôi nhanh, thắng thua trong chớp mắt, chỉ một đồng Đại Dương”. Tôi thấy quả cầu rõ ràng nằm ở cái bát bên trái, vậy mà khi lật cái bát lên thì không thấy nó đâu cả.
Thế là mất toi hai đồng Đại Dương rồi. Tôi hơi cuống. Mỗi tháng sư phụ chỉ cho tôi hai đồng Đại Dương. Tôi lần mò trong túi thấy còn một đồng nữa tính đưa cho thanh niên kia.
Đột nhiên có người đi tới sau lưng vỗ vào vai, nói: “Ngai Cẩu, mau đi nào”
Lập tức chúng tôi bị mười mấy người vây lại, bọn họ nhăn nhở nói: “Đừng có gấp thế, trước thua sau thắng là chuyện thường”
Nhị sư thúc và tôi định chen ra thì bọn họ đã xếp thành một bức tường người kín đặc, không chen ra được. Bàn tay của người nào đó đã bắt đầu lần mò lên người chúng tôi.
Nhị sư thúc nói: “Đều là chỉ lão hải, làm vậy là có ý gì?”
Đám người này giật mình, bỏ tay khỏi người chúng tôi.
Thanh niên đang ngồi dưới đất đứng dậy hỏi: “Bài cầm ở đường nào?”
Nhị sư thúc nói: “Tướng thuật”
Những người này vội nhường đường, họ nói: “Sao không nói sớm, mời đi, mời đi”. Người thanh niên trả lại tôi hai đồng bạc, nói: “Vị huynh đệ này mới xuất đạo nhỉ”
Nhị sư thúc nói: “Còn chưa vào giang hồ nữa. Tôi đưa nó ra ngoài cho mở mang tầm mắt”
Người thanh niên nói: “Nếu hai người gặp khó khăn gì, cứ bảo anh em chúng tôi một tiếng”
Nhị sư đệ cảm ơn bọn họ, kéo tôi lên xe ngựa rời khỏi thị trấn.
Vừa rồi nhị sư thúc dùng ám ngữ nói chuyện với bọn họ để họ không làm khó chúng tôi. Bọn họ hỏi chúng tôi là huynh đệ đường nào. Nhị sư thúc nói chúng tôi là thầy bói. Bọn họ thấy đều là người trong giang hồ thì bỏ qua cho chúng tôi đi.
Ngồi trong xe tôi nhớ lại cảnh tượng vừa rồi mà mãi không hiểu. Rõ ràng là tôi thấy quả cầu được bỏ vào trong cái bát bên trái thế nào mà mới xoay một vòng đã biến đâu mất.
Tôi hỏi nhị sư thúc thì ông ấy nói: “Đây là yến vĩ tử. Mặc dù con đã nhìn thấy quả cầu được bỏ vào trong bát nhưng thực ra ngay lúc cái bát được úp xuống là tầm mắt con bị che khuất, hai ngón tay hắn liền kẹp lấy quả cầu. Dù con có lật cái bát nào cũng không thấy quả cầu đâu.
À, thì ra là như vậy. Yến vĩ tử là ám ngữ, chỉ một đám lừa đảo.
Trong lòng tôi chấn động. Thì ra giang hồ có những chuyện vừa thú vị vừa đáng sợ, lại còn có đủ mọi hạng người. Nếu bạn không phải người của giang hồ thì tất cả những gì bạn thấy chỉ là nhà cửa, đường đi, đàn ông, phụ nữ. Còn nếu bạn là người của giang hồ thì thế giới bạn thấy sẽ hoàn toàn khác biệt.
Đám yến vĩ tử hồi nãy đã làm tôi kinh ngạc rồi nhưng không ngờ chẳng bao lâu sau chúng tôi lại gặp một đám khác.
Nhị sư thúc quá lo cho Thần Hành Thái Bảo nên yêu cầu chúng tôi tiếp tục chạy lên phía trước. Nghe nói cách đây ba mươi dặm có một huyện thành. Chúng tôi quyết định tối nay sẽ nghỉ trọ ở đó.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến được huyện thành ngay trước nửa đêm. Nhưng kỳ quái là cổng thành vẫn chưa đóng. Chúng tôi đến bên tường thành thì phát hiện tường thành đã sụp đổ, trên tường còn có những lỗ thủng to bằng cái thùng đựng nước. Bên trong huyện thành tối đen, chỉ vài nơi có ánh đèn lập lòe giống như ngọn lửa ma trơi, trong gió truyền đến những tiếng than khóc mơ hồ nghe mà rợn cả người. Chúng tôi cứ như đang bước vào một bãi tha ma, trong lòng đột nhiên thấy run sợ.
Nhưng chúng tôi không còn nơi nào khác để nghỉ chân ngoài nơi này.
Nhị sư thúc nói: “Cứ vào trong rồi tính tiếp”
Người đánh xe cho ngựa chạy trên con đường lát đá xanh. Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng lục lạc và tiếng bánh xe nghe vang vọng lạ thường. Có hai người bước ra từ bóng đêm, bọn họ châm đuốc trên tay và hỏi chúng tôi đang làm gì?
Nhị sư thúc nhảy xuống xe, nói chúng tôi là dân buôn bán. Bởi vì phải chạy xe suốt đêm nên đã lỡ mất chỗ trọ.
Hai người kia cầm đuốc đi đến trước xe, soi lên mình ba người chúng tôi trên dưới một lượt sau đó mới nói: “Huyện thành không có quán trọ”
Nhị sư thúc biết họ đang nói dối liền nói: “Chúng tôi ở quán trọ nào cũng được, kể cả gian chứa củi”
Một người nói: “Thời buổi chiến tranh loạn lạc, ban đêm không ai ra khỏi nhà. Quán trọ không có khách, đóng cửa rồi”
Người khác nói: “Chủ quán trọ đã chạy đâu mất rồi. Mấy hôm trước chỗ này mới đánh nhau một trận, dân chúng sợ hãi trốn hết lên núi. Tường thành bị phá, nhà cửa trong thành cũng bị thiêu hủy rất nhiều. Sau khi quân lính rút đi, một số người mới về lại nhà”
Nhị sư thúc nói: “Bên nào đánh với bên nào thế?”
Một người cầm đuốc nói: “Có quỷ mới biết. Bên đồ đen, bên đồ trắng, bên đồ lục, bên đồ lam, đủ mọi giọng nói, ai mà biết bên nào đánh với bên nào. Đánh qua đánh lại cuối cùng cũng chỉ khổ lão bách tính. Mắt thấy ngô ngoài ruộng đã chín vàng mà không dám thu hái, giờ để rụng thối dưới đất rồi.
Nhị sư thúc nói: “Đúng thế, đánh tới đánh lui không biết để làm cái gì nữa, sao có thể yên ổn mà sống đây?”
Hai người này thấy chúng tôi là người thành thật thì để chúng tôi trú trong một gian nhà gần cổng thành. Nói là gần cổng thành nhưng thực ra là cổng thành đã không còn nữa, nó đã bị pháo bắn nát vụn rồi.
Sư phụ chỉ có thời hạn năm ngày, bây giờ đã qua ba ngày rồi.
Nếu hết năm ngày vẫn không tìm ra người phụ nữ kia, liệu tên thủ lĩnh có giết sư phụ không?
Tôi nghĩ là hắn sẽ làm. Tên thủ lĩnh đã giết ba ông thầy tướng số nếu phải giết thêm một ông nữa thì hắn cũng không quan tâm. Sư phụ là một nhân vật nổi tiếng của phái tướng thuật chúng tôi nhưng trong đám thổ phỉ trên giang hồ thì không ai biết đến ông.
Không phải giang hồ nào cũng giống nhau, nó cũng như các ngành các nghề đều có phân biệt.