Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2099 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 118
Ban đêm ở ngao bao
Chúng tôi nấp bên dưới con rạch, nghe thấy tiếng gió ù ù lướt qua bờ rạch, nghe thấy âm thanh phát ra từ ngọn cỏ như sợi dây thép mỏng manh và những âm thanh làm người ta phải kinh sợ truyền đến từ bên trong rừng du. Có tiếng súng nổ như đậu rang, có tiếng kêu la thảm thiết đến xé gan xé ruột. Bên trong rừng du, đang xảy ra một chuyện khủng khiếp.
Bên trên bờ rạch, có tiếng chân bước hỗn loạn, có người đốt đuốc, ánh đuốc soi rõ mũ vải trên đầu và đôi giầy da dưới chân. Đó là lính Nhật đang tới tiếp viện. Tôi không biết bên trong rừng du đang đang xảy ra chuyện gì, cũng không biết tình trạng của hai người ăn mày thế nào. Lính Nhật đông như thế, lại được vũ trang đầy đủ, dù võ công của hai người ăn mày có cao đến đâu cũng rơi vào cảnh dữ nhiều lành ít.
Sau khi lính Nhật chạy vào rừng du, bên trong khu rừng lại truyền ra vài tiếng kêu thảm thiết. Số lính Nhật còn lại hoảng hốt tháo chạy, dọc đường cứ la hét xì xa xí xố, không hiểu là bọn chúng đang nói gì.
Tiếp đó, đạn pháo bay vọt qua đầu. Uỳnh oàng. Tiếng nổ vang vọng khắp con rạch, kèm theo đó là ánh lửa bốc cao tận trời. Khói bụi mù mịt khắp nơi, cây cỏ bốc cháy dữ dội.
Sau khi tiếng pháo chấm dứt, mãi một lúc lâu sau, ngọn lửa mới tắt dần. Trên bờ rạch có tiếng lính Nhật nói chuyện. Một toán lính hò hét, tiến vào rừng du.
Không còn tiếng la hét nào trong rừng nữa.
Chắc là hai người ăn mày đã chết rồi, nước mắt tôi liền trào ra.
Đến nửa đêm, sa địa Hỗn Thiện Đạt Khắc chìm sâu vào giấc ngủ, bên trên bờ rạch không còn nghe thấy tiếng lính Nhật, thậm chí cả một đốm lửa. Trên cao, ánh trăng cũng mờ dần, những ngôi sao lẩn khuất trong tầng mây dày. Vầng trăng nhàn nhạt, tỏa ánh sáng yếu ớt như một chiếc đèn lồng bằng giấy, tựa hồ một trận gió cũng có thể thổi đi mất.
Sau đó, mặt trăng bị đám mây nuốt chửng, một âm tranh trầm thấp vang lên từ phía xa, giống như một bánh xe khổng lồ lăn trên mặt đất, lại giống như tiếng sấm sét trước trận mưa lớn. Trong màn đêm tối đen, âm thanh ngày càng áp sát, như thiên quân vạn mã dồn dập kéo đến, như sóng biển cuồn cuộn dâng trào, như ngàn vạn con chim bồ câu sải cánh bay lên trời cao. Tôi vừa mở miệng định hỏi Yến Tử đó là âm thanh gì, đột nhiên một cơn gió cát thốc vào miệng tôi. Cả người tôi giống như một chiếc lá rơi cơ hồ sắp bị nhấc bổng lên. Thân hình Yến Tử cũng bị gió thổi nghiêng nghiêng ngả ngả. Tôi vội đẩy cô ấy nằm xuống và đè lên người cô ấy.
Chúng tôi nằm rạp dưới con rạch sâu, cảm giác có vô số bước chân đang chạy giữa trời đất mịt mùng, giẫm đạp lên lưng, lên cổ, lên chân chúng tôi. Tôi muốn vùng vẫy thoát khỏi nó nhưng đành bất lực.
Trong trời đất chỉ có tiếng gió ù ù, tiếng bước chân rầm rập, tiếng gào thét giận dữ. Mới đầu bên tai tôi còn nghe được tiếng xào xạc nhưng sau đó thì không còn biết gì nữa.
Không biết thời gian đã trôi qua bao lâu, có lẽ cũng chỉ trong chốc lát hoặc cũng có thể kéo dài đến một giờ, trận gió điên cuồng như một con rắn nước biến vào trong bóng tối, mặt trăng lại rụt rè lộ nửa khuôn mặt từ sau những đám mây.
Chúng tôi bò ra khỏi rạch, rũ hết cát trên người và trên đầu tóc, khạc nhổ cát ra khỏi miệng. Tôi nhỏ giọng hỏi Yến Tử: “Vừa rồi là cái gì vậy?”
Yến Tử nói: “Bão cát”
Tôi hỏi: “Bão cát? Chưa nghe thấy bao giờ, sao nó mạnh thế nhỉ?”
Yến Tử nói: “Bão cát chỉ có ở sa mạc. Vào lúc mạnh nhất, nó có thể thổi người và xe bay lên cao”
Trong lòng tôi vui mừng khôn xiết, không biết có phải đám lính Nhật đó đã bị thổi bay rồi không?
Chúng tôi bám vào cỏ trên bờ rạch và bò lên bờ rạch. Lá cỏ và thân cỏ cũng toàn là cát, vừa chạm vào cát liền rơi xuống. Chúng tôi đã trải qua quá trình huấn luyện lâu dài nên mới có thể leo lên trên, đổi lại là người khác khẳng định không cách nào leo lên được.
Sau khi lên được bờ rạch, chúng tôi nấp sau một đụn cát, nhìn qua phía bên kia thấy có rất nhiều người. Một số đang bò dậy khỏi mặt đất, một số đang kéo lều bạt, một số chạy tới chạy lui. Tôi thấy lính Nhật vẫn còn ở đó thì rất thất vọng.
Tranh thủ lúc hỗn loạn, chúng tôi lặng lẽ đi men theo bờ rạch về nơi thật xa.
Chúng tôi cứ tiếp tục bước đi, không biết mình còn cách Đa Luân bao xa, không biết hai người ăn mày đang ở đâu, cũng không biết ai là người đã bố trí cạm bẫy trong rừng du.
Sáng ra, chúng tôi đến một ngôi làng có tên là Lạc Cốc Cáp Đạt. Ngôi làng này được xây dựng bằng đất và đá. Trước sau làng đều trồng cây, có thể đoán đây là một ngôi làng của người Hán bởi người Mông Cổ không làm nhà mà sống trong lều. Khi người Mông Cổ chuyển mục trường, sẽ tháo dỡ lều, chất lên xe lặc lặc. Còn nhà của người Hán đã nhiều đời sinh sống, không dễ phá bỏ. Vì vậy mới nói người Mông Cổ là một dân tộc du cư, người Hán là dân tộc định cư. Người Mông Cổ có câu tục ngữ: “Trên đường du cư có vàng”. Người Hán có câu tục ngữ: “Một lần chuyển nhà bằng ba năm nghèo, thà tĩnh còn hơn động”
Người Nhật đã kéo đến thảo nguyên rồi nhưng vì nhân số có hạn nên chỉ đánh chiếm các thành trấn lớn, còn những ngôi làng như Lạc Cốc Cáp Đạt này trước mắt vẫn chưa chú ý đến. Cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Bên trong làng, chúng tôi gặp hai người ăn mày đi chung với nhau. Sau vài câu trò chuyện ngắn ngủi, chúng tôi đã trở nên thân thiết. Tôi hỏi: “Hai người có biết một lão ăn mày tên là Thư Bằng Phi không” Thư Bằng Phi là tên của sư tổ.
Họ nhìn nhau rồi lắc đầu.
Tôi lại hỏi: “Người này đến từ Đại Đồng, chân bước tập tễnh”
Bọn họ mắt to nhìn mắt nhỏ, vẫn lắc đầu.
Tôi chưa chịu bỏ cuộc, tiếp tục hỏi: “Bang chủ của hai người là gậy vàng hay gậy xanh?”
Họ nói: “Là gậy xanh”
Tôi hỏi: “Gậy xanh đó tên gì?”
Họ nói: “Mọi người đều gọi là Mạch bang chủ, không biết tên là gì”
Tôi và Yến Tử đều rất thất vọng. Ở khu vực thảo nguyên tái ngoại, phạm vi quản hạt của một bang chủ Cái Bang chí ít cũng vài trăm dặm. Vị bang chủ họ Mạch này khẳng định không phải sư tổ rồi. Chúng tôi muốn tìm được sư tổ cần phải đi ít nhất mấy trăm dặm.
Chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước, cảm giác thời tiết ngày càng nóng bức, lá cây xanh hơn, cỏ dại cao hơn, bầu trời cũng sáng hơn. Ban ngày, có nhiều loại côn trùng khác nhau nhảy tanh tách trong bụi cỏ như châu chấu, cào cào, còn có nhiều loài chim bay liệng, còn ban đêm là tiếng côn trùng rả rích, có tiếng mãnh liệt, có tiếng êm ái, có tiếng tạp loạn, có tiếng nhịp nhàng trầm bổng theo vần điệu.
Đọc đường đi, chúng tôi đã ghé qua hàng chục ngôi làng và khu lều Mông Cổ. Đến đâu cũng dò hỏi tin tức của Thư Bằng Phi. Nhưng dù là ăn mày hay dân du mục, cũng không có ai từng nghe đến cái tên này.
Chúng tôi đã ăn hết lương khô từ lâu nhưng người dân thảo nguyên rất phóng khoáng và chất phác. Dù là người Mông Cổ hay người Hán, chỉ cần bước chân vào nhà họ, họ sẽ đem ra những thứ tốt nhất và sẽ đối đãi như những vị khách tôn quý nhất.
Sư tổ đang ở đâu? Chúng tôi đã đi qua muôn núi ngàn khe, vất vả tìm kiếm hơn nửa năm rồi và vẫn chưa có tin tức gì.
Một đêm nọ, chúng tôi đến một ngôi làng có tên là Phác Ân Tế Hà, mặc dù trong tên làng có chữ Hà nhưng quanh đó không có con sông nào.
Bên cạnh làng có một ngao bao. Ngao bao là tiếng Mông Cổ, dịch sang tiếng Hán là gò đống. Ngao bao được tạo thành bằng cách dùng gỗ, đá hoặc đất cục xếp lại thành đống, là nơi thờ cúng thần núi hoặc thần đi đường, cực kỳ thiêng liêng trong tâm thức của người thảo nguyên. Những người bình thường không được phép bước vào, nếu không sẽ bị coi là báng bổ thần linh.
Sắc trời đã tối, chúng tôi không tìm được nơi trú chân nên tìm đến ngao bao. Thảo nguyên có rất nhiều sói, thường hay xuất hiện vào ban đêm. Tôi sợ sói đến tấn công mới tìm một cây gậy gỗ rắn chắc, để bên cạnh mình. Yến Tử ngủ trên ngao bao, còn tôi nằm gác đầu lên đùi cô ấy. Vì đã đi đường cả ngày nên chúng tôi nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ.
Trong lúc mơ màng, tôi bỗng nghe thấy phía xa truyền đến tiếng vó ngựa. Tiếng vó ngựa dội vào màng nhĩ làm tôi tỉnh giấc. Tôi mở to mắt nhìn thì thấy có năm con ngựa đang phi tới, trên lưng ngựa có năm người. Dưới nền trời xa xôi, thân hình của họ trở nên nội bật và cao lớn dị thường, mỗi lúc một gần hơn.
Tôi định đánh thức Yến Tử nhưng phát hiện hai mắt Yến Tử đang mở rất to trong màn đêm, thì ra cô ấy cũng đã phát hiện có người đang tới. Yến Tử nhẹ nhàng nhảy xuống dưới ngao bao.
Sau khi năm người này đến phía sau ngao bao thì đồng loạt xuống ngựa và ngồi ăn uống ngay cạnh ngao bao. Chúng tôi ở bên này ngao bao nhưng bọn họ hoàn toàn không hay biết.
Bọn họ ăn thịt bò, uống sữa chua. Sữa chua được lên men từ sữa bò tươi, là thức uống hằng ngày của người thảo nguyên. Âm thanh lúc uống sữa của họ rất lớn, giống như là đánh rắm ấy.
Ăn uống xong xuôi, bọn họ bắt đầu trò chuyện và nói về việc bắt cóc trẻ em trai trong mấy ngày gần đây. Một người nói: “Mấy chuyện thế này, đừng bao giờ để Mạch bang chủ biết”
Một người khác nói: “Ông ta biết thì làm được gì? Tôi chưa bao giờ sợ ông ta”
Giọng nói của người này nghe như tiếng kim loại, làm người ta cảm thấy rất khó chịu.
Người trước đó nói: “Mạch bang chủ ghét nhất người trong bang làm mấy chuyện này. Ông ta mà dùng đến bang quy để trừng phạt thì mày sẽ bị chặt tay”
Giọng kim loại nói: “Tôi chưa bao giờ sợ ông ta. Mấy người không biết bí mật của ông ta nhưng tôi biết”
Nghe bọn họ trò chuyện, tôi vô cùng tôn kính Mạch bang chủ. Vị Mạch bang chủ này hẳn là vị Mạch bang chủ chúng tôi đã hỏi thăm ở làng Lạc Cốc Cáp Đạt. Tôi nghĩ, nếu có cơ hội, tôi phải đến bái phỏng ông ấy, sẵn tiện nghe ngóng tung tích của sư tổ.