Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2346 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 110
Yến Tử được cứu rồi

Con ngựa này là do Bì Tử trộm được. Thảo nguyên không có gì ngoài ngựa. Ngựa ở thảo nguyên giống như gà ở quan nội, chỗ nào cũng có, không những vậy còn đông hơn gà rất nhiều. Trộm một con ngựa ở thảo nguyên còn dễ hơn trộm một con gà ở quan nội.
Nhà nào ở quan nội cũng nuôi vài con gà, nhà nào ở thảo nguyên cũng nuôi một đàn ngựa.
Ba chúng tôi cưỡi chung con ngựa này. Bì Tử ngồi đằng trước, Nguyên Mộc ngồi đằng sau, còn người không biết cưỡi ngựa là tôi thì bị kẹp chặt ở giữa. Con ngựa chở chúng tôi chạy trên thảo nguyên như một thuyền lướt đi trên mặt biển, nhẹ nhàng mà nhanh chóng.
Trời đã sáng rồi. Chân trời đằng đông dần dần được ánh sáng ban mai nhuộm đỏ. Một đàn chim xếp hàng bay về phương xa. Vầng dương đã mọc, bầu trời trong vắt như mới được gột rửa. Nhìn từ xa, đàn chim như đang bay từ trong mặt trời. Vầng dương mỗi lúc một cao, giống như bánh xe lăn từ chân trời phía đông. Những áng mây trên đầu và những ngọn núi nhấp nhô phía xa đều được dát một lớp vàng óng ánh.
Tôi biết lúc này đã đến giờ hóng gió của nhà lao. Lão Đồng không thấy tôi trở về sẽ sốt ruột vô cùng, đám cai ngục không tìm thấy tôi nhất định sẽ tức điên nhưng tôi không nghĩ được nhiều như thế, tôi chỉ muốn tìm được Yến Tử càng nhanh càng tốt.
Khi mặt trời lên đến con sào đầu tiên, chúng tôi cũng đến trước miệng thung lũng. Hai bên là vách đá cao sừng sững, chỉ có con đường nhỏ này dẫn vào trong núi. Bì Tử nói: “Đi vào sơn khẩu, quẹo trái sẽ đến thung lũng, rồi đi qua một cái miếu thổ địa, xuyên qua một khu rừng là đến cái hang đó rồi. Hai con đậu hoa tử đang trốn bên trong hang”
Chúng tôi tiếp tục phi ngựa về phía trước, quả nhiên trông thấy một cái miếu thổ địa, rồi lại đến một khu rừng. Đi xuyên quan khu rừng này thì tới một sườn dốc. Tôi thấy có hai người đang nằm sau một tảng đá bên dưới sườn dốc, lưng quay về phía chúng tôi, mũi súng đang nhắm vào một cái hang cách đó mấy chục mét.
Tôi nói: “Xuống ngựa, chúng ta đi bộ qua đó”
Bì Tử sốt sắng xuống ngựa, chuẩn bị dẫn đường cho chúng tôi. Tôi vươn tay ra kẹp lấy cổ Bì Tử. Hắn ta tròn mắt khó hiểu nhìn tôi, ánh mắt lộ vẻ sợ hãi. Tôi bảo Nguyên Mộc xé một miếng vải trên áo Bì Tử, nhét vào miệng hắn. 
Tôi trói Bì Tử vào một cái cây nhỏ.
Sau đó tôi và Nguyên Mộc quay trở lại miếu thổ địa, khiêng hết tượng trong miếu ra ngoài và mang đến đặt sau những tảng đá, chỉ để lộ phần đầu phía trên. Tôi bẻ cành cây, buộc vào đuôi ngựa, bảo Nguyên Mộc cưỡi ngựa chạy tới chạy lui trong rừng.
Nguyên Mộc hỏi: “Làm vậy để làm gì?”
Tôi nói: “Đây là kế nghi binh. Cậu cứ làm theo lời tôi là được”. Lúc đó, tôi chợt nhớ đến những năm tháng ở gánh xiếc. Cũng vì mải nghe người mù kể chuyện mà lỡ mất dịp bỏ trốn cùng Thúy Nhi. Hôm đó, ông ta kể về trận chiến tại dốc Trường Bản. Trương Phi dẫn theo hai mươi người chặn đánh mười vạn đại quân Tào Tháo. Kế Trương Phi dùng cũng là kế nghi binh này.
Nguyên Mộc nhảy lên ngựa, phi vào bên trong rừng, cành cây sau đuôi ngựa quét trên mặt đất, làm bụi tung mù trời. Tôi nói với Bì Tử: “Nếu mày có thể thoát khỏi dây trói, tao sẽ thả mày đi, còn không thoát được, tao sẽ cho một phát súng kết liễu tính mạng”. Bì Tử cố sức giãy giụa, làm lá cây rụng ào ào.
Tôi đến một nơi cách Bì Tử khoảng trăm mét, nhắm súng vào mông một người đàn ông dưới triền dốc. Súng tôi chỉ còn một viên đạn. Tôi nghĩ phát này mà giết được một tên thì tên còn lại sẽ dễ dàng giải quyết. Nhưng sau tiếng súng nổ, viên đạn réo lên rồi bay vọt đi đâu không biết. Hai người kia vẫn bình an vô sự. Kỹ thuật bắn súng của tôi đúng là dở tệ.
Hai người này nghe thấy tiếng súng sau lưng, cùng quay đầu lại nhìn, bỗng thấy trên dốc bụi cuốn lên cao, cây cối rung rinh, mấy chục cái đầu lấp ló sau những tảng đá thì kinh hãi, đưa mắt nhìn nhau, tự hỏi không biết có bao nhiêu người đang chuẩn bị tấn công mình. Tôi chớp lấy cơ hội, nhổm người dậy, giương khẩu súng đã hết đạn nhắm vào bọn chúng, quát lớn: “Bỏ súng xuống, bỏ súng xuống”
Quả nhiên hai tên thổ phỉ sợ quá phải buông súng. Tôi lại hư trương thanh thế, hô to: “Đại đội một, tạm dừng tấn công; đại đội hai, tiến lên đánh vu hồi. Nguyên Mộc, đưa ngựa đến đây. Hai đứa bây đi về bên trái, không được phép quay đầu. Đứa nào quay đầu, lão tử bắn toác sọ”
Quả nhiên hai tên thổ phỉ đi về bên trái. Nguyên Mộc cưỡi ngựa chạy đến, thấy hai tên thổ phỉ đã rời khỏi thung lũng, bèn phi ngựa xuống dưới, nhặt lấy hai khẩu súng”
Tôi cũng chạy tới, nhận một khẩu súng từ Nguyên Mộc, nhắm chuẩn vào bóng lưng hai tên thổ phỉ. Mặc dù bọn chúng chỉ cách tôi khoảng trăm mét nhưng tôi bắn liền mấy phát mà vẫn không trúng. Bọn chúng nghe tiếng súng nổ sau lưng thì hoảng hốt bỏ chạy một mạch ra ngoài thung lũng”
Nguyên Mộc nhìn tôi với vẻ ngưỡng mộ, cậu ta nói: “Anh quả thật không phải người tầm thường”
Tôi nói: “Con người anh vốn ù lì chậm chạp. Được thế này đều là nhờ giang hồ dạy cho hết đó”
Giang hồ đúng là một trường học tốt.
Thung lũng đã hết nguy hiểm, tôi bước đến trước cửa hang, hét vào bên trong: “Yến Tử, Yến Tử. Anh là Ngai Cẩu đây, là Ngai Cẩu đây”
Bên trong không có tiếng người hồi đáp.
Tôi hốt hoảng, vội xách súng chạy vào trong hang. Nguyên Mộc bám theo sau tôi. Sau khi chạy được hai, ba chục mét, tôi thấy Yến Tử đang ngồi trên mặt đất, dựa lưng vào vách hang. Một người phụ nữ chân quấn vải trắng, bên ngoài lớp vải có vết máu thấm qua, tay cô ấy đang cầm một khẩu súng nhỏ, trông khá tinh xảo.
Tôi lao tới, quỳ trước mặt Yến Tử, hai tay giữ vai cô ấy, nói: “Yến Tử, anh đến rồi. Em trả lời anh đi”
Một dòng lệ chảy xuống từ khóe mắt Yến Tử.
Họ đã kiệt sức vì đói, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Phi tiêu của Yến Tử cũng dùng hết rồi, khẩu súng ngắn của người phụ nữ kia không còn viên đạn nào nhưng đám thổ phỉ không hay biết.
Chiều hôm đó, sau khi Yến Tử và người phụ nữ kia ăn xong, thể lực cũng hồi phục lại. Họ đã có thể đứng dậy, nhúc nhắc đi lại.
Tôi hỏi Yến Tử: “Cô gái kia là ai?”
Yến Tử nói: “Cô ấy là nhân viên tình báo được Nam Kinh phái đến”
Chẳng trách thân thủ của cô ấy lợi hại như thế, lại còn bắn được súng, hóa ra là đến từ một thành phố lớn ở miền nam.
Yến Tử nói, cái đêm ở quán trọ Xích Phong, sau khi tôi đi ngủ, cô ấy ra ngoài kiểm tra tình hình chung quanh. Những người sống lâu trong giang hồ đều biết rằng, khi đến một nơi xa lạ, mắt phải quan sát sáu đường, tai phải nghe ngóng tám hướng, để xem có kẻ thù nào theo dõi hoặc định gài bẫy đưa mình vào tròng không. Nhưng lúc đó tôi quá bất cẩn, dọc đường đi cứ ỷ có người vợ thân thủ bất phàm bên cạnh, không cần lo lắng gì nữa. Từ nhỏ Yến Tử đã theo Hổ Trảo xuôi ngược giang hồ, chuyên nghề trộm cắp, kinh nghiệm của cô ấy phong phú hơn tôi rất nhiều.
Cô ấy ra ngoài không bao lâu thì đám mặc sắc phục kéo đến khám xét quán trọ. Bọn chúng luôn mồm nói muốn tìm kiếm đặc vụ Nhật Bản. Tôi nghĩ mình không phải đặc vụ hay gián điệp, chuyện này không liên quan đến tôi, cũng không cất giấu toản thạch. Ai ngờ hai tên mặc sắc phục vào trong phòng lục soát, tìm được toản thạch, lại thấy Yến Tử trở về bèn vu cho tôi tội ăn cắp toản thạch và lừa gạt tiểu thư nhà đại hộ, rồi bắt tôi giam vào nhà lao.
Yến Tử cũng bị nhốt vào nhà lao nữ.
Trong nhà lao, tôi bị đánh đập tàn nhẫn nhưng Yến Tử không phải chịu cảnh như vậy. Bọn chúng bắt tôi khai ra nguồn gốc của đại toản thạch, Yến Tử cũng bị tra hỏi. Yến Tử nói đại toản thạch là bảo vật của nhà mình. Một người ngoại quốc đã tặng nó cho gia đình, còn nói tôi là chồng của cô ấy, chúng tôi ở cùng một làng.
Mặc dù tôi bị tra tấn tàn bạo nhưng không hé răng nửa lời vì biết nhất định Yến Tử sẽ tìm được lý do. Tôi sợ mình nói dối sẽ không khớp với lời khai của Yến Tử, ngược lại còn làm mọi chuyện tồi tệ hơn.
Nhưng tôi không ngờ để chiếm đoạt đại toản thạch, bọn chúng không có ý định thả tôi và Yến Tử.
Khi tôi gặp lão Đồng trong nhà lao thì Yến Tử đang lên kế hoạch vượt ngục.
Ngày thứ hai sau khi bị bắt vào tù, lợi dụng thời điểm hóng gió, Yến Tử đã nhảy lên bức tường cao một trượng của nhà tiêu, sau đó dùng vải bện thành một sợi dây, mắc lên cành cây và đu ra bên ngoài.
Sau khi trốn khỏi nhà lao nữ, Yến Tử tìm đến khu vực chung quanh quán trọ, đào lấy phi tiêu mình đã chôn giấu, quyết tâm đoạt lại toản thạch và cứu tôi ra khỏi nhà lao chỉ bằng sức của mình cô ấy.
Thời đó huyện thành Xích Phong không lớn, những người được mặc sắc phục cũng chỉ có mấy tên đó. Đám này ngoài phụ trách công việc tuần tra, truy bắt còn phụ trách canh giữ tù nhân, muốn tìm ra kẻ đã lấy đại toản thạch cũng không phải việc khó.
Khi Yến Tử bám theo hai kẻ này vào ban đêm. Cô ấy nghe bọn chúng phàn nàn về nhau trong quán rượu. Một tên trách tên kia đã giao nộp đại toản thạch cho đội trưởng. Tên kia liền biện bạch nếu không giao cho đội trưởng, bọn chúng sẽ không giữ được chén cơm của mình. Cuối cùng Yến Tử cũng biết đại toản thạch đang nằm trong tay đội trưởng.
Đội trưởng là một tay chơi đồ cổ lão luyện. Hắn ta đã nắm giữ địa bàn này mấy chục năm rồi. Hắn thường lục soát hành lý của thương nhân dưới danh nghĩa kiểm tra đạo tặc, thấy thứ nào có giá trị sẽ chiếm làm của riêng và tống họ vào nhà lao. Hai năm trước, người Nhật đã chiếm đóng vùng đông bắc, hắn liền lấy danh nghĩa điều tra đặc vụ Nhật Bản để khám xét khách đi đường.
Yến Tử đã theo dõi đội trưởng suốt hai ngày, cuối cùng biết được chỗ giấu bảo vật của nhà hắn. Trong nhà đội trưởng có một địa thất, bên trong cất giấu đồ vật giá trị mà hắn vơ vét được. Yến Tử nhân lúc trời tối đột nhập vào nhà đội trưởng nhưng địa thất được khóa bằng ổ khóa đồng cực lớn, Yến Tử không cách nào mở được.
Khi Yến Tử rời khỏi nhà đội trưởng, cô cảm thấy có điều khác lạ. Cành cây trước cổng nhà đội trưởng đang lay động mặc dù không có gió. Yến Tử nấp trên nóc nhà, thấy một bóng đen leo lên tường nhà đội trưởng, rồi lật người nhảy vào bên trong. Yến Tử hành tẩu giang hồ đã lâu, ánh mắt sắc bén, thoạt nhìn đã biết đó là một phụ nữ.
Người phụ nữ này lẻn đến trước phòng ngủ của đội trưởng, kéo then cài và lách người vào bên trong. Đột nhiên, tiếng chuông reo vang. Trong màn đêm tĩnh mịch, âm thanh nghe thật đáng sợ. Mọi gian phòng trong viện tử đều sáng đèn. Có hai người lao từ sương phòng ra. Một người cầm đao, một người cầm súng. Người phụ nữ kia phi thân ra ngoài phòng ngủ, chạy về phía cổng. Người cầm súng giơ súng lên ngắm bắn. Yến Tử phóng một ngọn phi tiêu từ trên nóc nhà xuống, người cầm súng hét lên một tiếng rồi ngã vật xuống đất, viên đạn bay vọt lên trời.
Người phụ nữ kia ra đến ngoài cổng liền chạy về bên trái. Yến Tử nhảy từ mái nhà xuống, hét lên từ phía sau: “Bên này, chạy qua bên này”
Phía bên trái cổng nhà đội trưởng là một con ngõ cụt, còn bên phải mới dẫn ra ngoại thành.

(Tổng: 2346 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận