Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 1900 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 75
Biều bả tử thần bí
Tôi lấy lại bình tĩnh và nói: “Em ra ngoài đưa thư, khi về đến doanh trại thì lạc đường, không biết phải đi lối nào”
Tên vệ binh cao hơn tôi cả cái đầu, rộng hơn cả cái vai. Hắn chẳng coi tôi ra gì, cũng chẳng thể nào ngờ được tôi chính là người đã phóng hỏa đêm nay và cũng là một trong những tên đạo tặc chuẩn bị trộm ấn của Bộ tư lệnh lữ đoàn cảnh vệ. Hắn dựng thẳng cây súng, đeo vào vai trái sau đó khám người tôi bằng tay phải nhưng không tìm thấy gì.
Tên vệ binh hỏi tôi: “Mày ra ngoài đưa thư, sao lại chạy đến Bộ tư lệnh? Có ý đồ gì?
Tôi khóc thút thít, làm như mình oan ức lắm: “Em mới nhập ngũ, chưa quen với môi trường. Đêm nay trời tối, không có trăng nên mới chạy bừa đến đây. Trưởng quan tốt bụng, anh thả em đi đi. Nếu không về đúng giờ quy định, tiểu đội trưởng sẽ đánh vỡ mồm em mất”
Tên vệ binh hỏi: “Mày thuộc bộ phận nào?”
Tôi nói phiên hiệu của mình. Tên vệ binh mở cổ áo của tôi định kiểm tra xem tôi có nói dối không.
Khi đó, phiên hiệu đều được may trên quân phục, có cái còn kèm theo họ tên. Tuy nhiên, đội quân này chỉ may phiên hiệu vào quân phục chứ không có tên quân nhân.
Bầu trời tối thui, tên vệ binh hỏi tôi: “Mày đi đưa thư thật à?”
Tôi đáp: “Đúng mà”
Tên vệ binh kiểm tra phiên hiệu của tôi nhưng hắn không thấy rõ. Lúc này đã qua nửa đêm, dù đã có trăng nhưng ánh sáng chỉ nhờ nhờ, không thể phân biệt nét chữ bé như chân con muỗi này. Tên vệ binh lôi tôi ra sau chùa, dựa vào ánh lửa ở lưng chừng núi để nhìn cho rõ nhưng cũng chẳng thấy gì.
Lòng tôi nóng như lửa đốt, không biết Băng Lưu Tử có thành công không, không biết khi nào tên vệ binh chết tiệt này mới buông tha mình. Lửa dưới lưng núi đã yếu dần, rơm sắp cháy hết rồi. Nếu đám vệ binh đi chữa cháy kia trở về chùa, chúng tôi càng khó thoát thân.
Tôi lại mếu máo. Tên vệ binh đá tôi một cái và chửi: “Loại thỏ đế như mày mà cũng đi lính hả? Khóc cái gì, khóc nữa ông bắn chết mẹ”
Tôi lập tức im bặt, tính toán tìm cách thoát thân.
Đột nhiên, một ngọn lửa lớn bùng cháy sau lưng tên vệ binh. Ngọn lửa bừng bừng soi sáng cả cái cây đại thụ bên cạnh chùa. Tên vệ binh không dây dưa với tôi nữa. Hắn chạy đến trước cổng chùa, mồm liên tục kêu gào: “Cứu hỏa, cứu hỏa”. Cánh cổng gỗ của ngôi chùa đang cháy, ngọn lửa phát ra tiếng lép bép. Ngay cả môn lâu bằng gỗ cũng bắt lửa rồi.
Tôi thừa dịp chuồn êm.
Đám vệ binh ở lưng chừng núi thấy chùa bốc cháy thì la hét chạy về chùa. Người trong Bộ tư lệnh không thể bị thiêu chết, nơi làm việc của Bộ tư lệnh cũng không thể bị cháy. Ở đó có rất nhiều thư tín, tài liệu mật. Nếu chùa bị thiêu rụi, lữ đoàn cảnh vệ sẽ bị tê liệt.
Tê liệt hay không tê liệt cũng chẳng liên quan gì đến chúng tôi. Chúng tôi không muốn đánh nhau, chỉ muốn thoát thân. Cuộc chiến liên miên này chẳng liên quan gì đến đám dân đen nghèo khổ chúng tôi. Tôi chẳng phải là người mới rửa sạch đất phèn ở chân như Quan Vân Vũ. Tôi là Ngai Cẩu, người đã bôn tẩu giang hồ nhiều năm.
Tôi chạy men theo một con đường mòn khác xuống dưới núi. Khi đến chân núi, tôi lại nghe có tiếng ếch kêu. Băng Lưu Tử đã chạy theo đường đó xuống dưới núi trước rồi.
Tôi hỏi: “Anh phóng hỏa đấy à?”
Băng Lưu Tử nói: “Ngoài anh mày ra thì còn ai nữa?”
Tôi hỏi: “Anh làm thế nào đốt được cánh cửa gỗ dày như thế?”
Băng Lưu Tử nói: “Anh ở trong chùa, nghe bên ngoài có thằng vệ binh nó chặn mày. Bốn góc tường quanh chùa đều có đèn. Anh đổ dầu trong đèn lên trên quần áo và chất thành đống dưới ngạch cửa. Khi anh trèo ra ngoài, thấy mày và thằng vệ binh ra sau chùa thì châm lửa vào quần áo để đốt cổng chùa.
Tôi cười sung sướng và hỏi: “Anh lấy được ấn chưa?”
Băng Lưu Tử nói: “Không thấy đâu cả nhưng có cái này”, rồi lấy từ trong túi ra hai mảnh giấy rất cứng.
Tôi hỏi: “Cái gì thế?”
Băng Lưu Tử nói: “Giấy thông hành”
Khi trời hửng sáng, nhờ có giấy thông hành, chúng tôi đã rời khỏi nơi đóng quân của lữ đoàn cảnh vệ một cách thuận lợi. Sau khi trời sáng rõ, chúng tôi đến một ngôi làng. Một ông lão dậy sớm mót phân đang đi trên con đường quê. Một tay xách sọt, một tay cầm xẻng, nhìn thấy phân súc vật trên đường thì xúc phân bỏ vào trong sọt. Thời đó, mót phân là một nghề ở nông thôn. Nghề này thường do những người đàn ông lớn tuổi đảm nhiệm.
Chúng tôi hỏi ông lão: “Đây là địa phương nào?”
Ông lão nói: “Đây là nơi giao nhau giữa Sóc Châu và Đại Đồng, vượt qua ngọn núi trước mặt là vào địa giới Đại Đồng”
Tôi nói: “Qua núi, đi Đại Đồng”
Băng Lưu Tử nói: “Được”
Đại Đồng cũng có lịch sử lâu đời giống như Khai Phong và Lạc Dương. Thời kỳ thịnh vượng nhất của Đại Đồng là thời nhà Liêu. Lúc đó Đại Đồng là kinh đô thứ hai của nước Liêu, một thời phồn hoa sầm uất. Sau khi nước Liêu diệt vong, Đại Đồng không còn là vùng đất trung tâm để các vương triều tranh giành nhau nữa.
Đại Đồng văn vật cực nhiều, di tích cổ dày đặc nhưng vì nằm ở vị trí xa xôi nên từ lâu đã nằm ngoài con mắt của mọi người. Trong thời đại văn minh nông nghiệp lấy đôi chân làm phương tiện đi lại, người dân ít tới khu vực lạnh giá này, còn những nơi như Khai Phong, Lạc Dương ở trung nguyên, Nam Kinh ở Giang Nam, Tây An ở Quan Trung thì mọi người thường xuyên ghé thăm.
Chùa Huyền Không và hang đá Vân Cương là những nơi nổi tiếng nhất ở Đại Đồng. Đây là những gì tôi nghe được từ thầy giáo khi còn học trường tư thục.
Bước vào Đại Đồng, nhìn những kiến trúc cổ kính hai bên đường và những tháp tượng Phật sừng sững tôi lại có cảm giác thân thương vô cùng.
Khi chúng tôi đến Đại Đồng thì đã là buổi chiều. Chúng tôi nhìn thấy một cửa tiệm bán bánh màn thầu, trước cửa có vài người đang xếp hàng mua bánh. Băng Lưu Tử cũng xếp hàng ở phía sau. Trước mặt anh ấy là một phụ nữ trung niên, dáng người cao lớn, khỏe mạnh.
Khi người phụ nữ lên tới hàng đầu, định lấy tiền trong túi ra thì phát hiện trong túi rỗng không, bà ta la lên: “Tiền của tôi, tiền của tôi đâu rồi?”
Băng Lưu Tử chỉ về hướng cổng thành, nói: “Hồi nãy có người đụng vào cô. Giờ chạy đi xa mất rồi”
Người phụ nữ trung niên hớt hải đuổi về hướng cổng thành. Băng Lưu Tử lấy ví tiền của bà ta ra, mua cho chúng tôi mấy cái bánh màn thầu.
Băng Lưu Tử đắc ý nói với tôi: “Người có tay nghề đi đâu cũng không bị đói”
Trong ví chỉ có vài tờ tiền lẻ, chúng tôi không ở quán trọ được chỉ có thể đi lang thang ngoài đường.
Chúng tôi đi ngang qua một tiệm đồ cổ, thấy trước cửa có bày bán vài món đồ giả cổ làm giống như thật. Băng Lưu Tử vào trong tiệm ngó nghiêng một hồi, sau đó rời đi.
Đi được mười mấy mét, anh ấy xòe lòng bàn tay ra, giữa ống tay áo và kẽ ngón tay giấu một mũi dùi bằng đồng. Mũi dùi này được người dân thời đó dùng để gẩy thuốc khi hút thuốc lào.
Tôi hỏi: “Anh lấy cái này làm gì?”
Băng Lưu Tử nói: “Tìm người trong nghề. Làm cái nghề này đi đến địa bàn nào cũng phải báo trước rồi mới được phép làm ăn ”
Tôi hỏi: “Mình cứ làm việc của mình. Họ làm sao biết được?”
Băng Lưu Tử nói: “Nghề này có chế độ quản lý chặt chẽ. Nếu mất bất kỳ thứ gì chỉ cần báo cho biều bả tử là sẽ tìm thấy ngay. Vì thế những người hiểu chuyện đều biết, nếu bị mất món đồ giá trị chẳng thà tìm đến biểu bả tử còn hơn tìm đến đồn cảnh sát. Mình tới chỗ này làm ăn lâu dài, nếu không chào hỏi biều bả tử, một khi họ phát giác sẽ cắt gân chân chúng mình ”
Tôi hỏi: “Mình cũng làm chuyện đó ở huyện Bảo Hưng, vì sao anh không báo cho biều bả tử?”
Băng Lưu Tử nói: “Chúng mình làm xong việc là đi luôn. Biều bả tử không tìm được chúng mình. Nhưng nếu lúc đó chúng mình báo cho biều bả tử một tiếng thì sẽ không phải mạo hiểm đi trộm kim ấn giả”
Tôi hỏi: “Làm sao biều bả tử biết kim ấn là giả?”
Băng Lưu Tử nói: “Chắc chắn là hắn ta biết. Huyện trưởng ngày nào cũng cầm kim ấn nhưng không biết là giả nhưng biều bả tử chắc chắn biết”
Tôi không biết anh ấy tìm biều bả tử bằng cách nào nên cứ bám theo từng bước không rời. Tôi thấy anh ấy uốn cong mũi dùi thành hình một cái muỗng, sau đó cài trước ngực, đứng bên vệ đường, ngó nghiêng chung quanh giống như đang đợi ai đó.
Chúng tôi đợi trên con phố cả nửa tiếng nhưng không thấy người nào khác thường. Trái lại, có một người phụ nữ bước đến gần, nhìn mũi dùi trên ngực Băng Lưu Tử định nói gì đó rồi lại thôi, sau đó sải bước rời đi. Người phụ nữ đó có thân hình thon thả, với một bím tóc vừa dài vừa to phía sau đầu.
Tôi hỏi nhỏ Băng Lưu Tử: “Đó là người mình phải không?”
Băng Lưu Tử nói: “Không phải. Nếu có nữ tặc thật thì vận đào hoa của anh mày đến rồi”
Chúng tôi đợi bên đường đến tận khuya. Nhìn dòng người mỗi lúc một thưa dần chúng tôi mới chán nản rời đi. Không tìm thấy đồng bọn, trên người lại không có tiền, xem ra đêm nay khó sống rồi, phải ngủ ngoài đường mất.