Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2155 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 53
Thấy vậy mà không phải vậy
Đám người trộm mộ nhìn thấy chúng tôi thì có ý đề phòng. Một chân đặt về trước, một chân co về sau, sẵn sàng bỏ chạy. Ông già mập ưỡn cái bụng phệ, xua tay nói: “Tôi đến mua đồ cổ, để tôi xem có những gì nào?”
Trong đám trộm mộ cũng có một ông già. Ông ta mặc đồ vải thô màu đen, trạc tuổi ông già béo nhưng không tráng kiện bằng. Ông già mập mặt mũi hồng hào, xem chừng có cuộc sống sung túc, còn ông già mặc đồ vải thì mặt đầy vết thâm do phải dầm mưa dãi nắng lâu ngày”
Ông già mặc đồ vải thô hỏi ông già mập: “Mấy người là ai? Từ đâu đến đây?”
Ông già mập nói: “Chúng tôi đến từ Bắc Kinh, muốn mua ít đồ cổ về làm đồ gia bảo. Nghe bảo huyện thành toàn bán đồ giả nên xuống dưới quê mua”
Ông già mập vừa nói xong thì ông già ốm tiếp lời: “Chúng tôi tính đi Chu Gia Khẩu. Thằng bé này dẫn dường cho chúng tôi. Nó là người ở huyện thành. Nếu không tin anh cứ hỏi nó xem”
Một thanh niên bước từ trong đám trộm mộ ra. Người này mặc áo cộc tay, lưng còng, có vẻ già yếu trước tuổi. Chuyện này thường xảy ra với những người làm công việc nặng nhọc trong thời gian dài ở nông thôn. Hắn chỉ tay vào tôi và hỏi: “Thằng này, nhà mày ở đâu trong huyện thành?”
Tôi nói địa chỉ sạp khắc ấn.
Hắn lại hỏi: “Mày biết Thuận Oa không?”
Tôi nói: “Biết”
Hắn hỏi tiếp: “Thế biết Băng Lưu Tử không?”
Tôi nói: “Biết”
Thanh niên nói với ông già mặc đồ vải thô: “Đúng là người huyện thành rồi”
Ông già mập thở dài một tiếng, nói: “Thấy chưa. Tôi đã nói tôi là người mua đồ cổ thì không tin. Giờ có đứa nhỏ này làm chứng, mấy người tin chưa nào”
Ông già mặc đồ vải thô quan sát ba người chúng tôi giống như đang xác định lại thân phận, rồi nói: “Ông khách này. Không phải bọn này không muốn bán. Bán cho ai cũng là bán thôi nhưng số hàng này không thể bán cho ông được”
Ông già mập nói: “Anh đã nói rồi đó. Bán cho ai cũng là bán. Vì sao còn nói không bán cho tôi được?”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Ông không biết rồi. Cái mả này vừa được phát hiện là có đại gia mua luôn rồi. Chẳng hạn như đại gia nói tôi sẽ mua cái mả này với giá một nghìn đồng bạc, mọi thứ đào được đều thuộc về tôi. Nếu như giá trị đồ đào được vượt quá một nghìn đồng bạc thì ông ta sẽ có lời, còn không đào được gì thì ông ta sẽ lỗ vốn”
Ông già ốm nói: “Tôi có nghe đến cách thức này. Một số mộ cổ được đào theo cách này”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Cái mả này chỉ mới được phát hiện ngày hôm qua. Đại gia đã mua và trả ông chủ chúng tôi hai nghìn đồng bạc. Ông chủ kêu chúng tôi đến xử lý. Thế nên mới đào được đống này. Số hàng này chúng tôi không thể bán cho anh, phải giao hết cho đại gia kia”
Ông già mập nói: “Để tôi xem các anh đào được gì nào?”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Anh xem cũng vậy thôi. Không bán cho anh được. Anh khỏi xem đi”
Ông già mập nói: “Ngó tí thôi mà. Dù sao cũng không xem hết”
Ông già mập vẫy tay ra hiệu cho thanh niên lưng còng mở tấm khăn trải giường ra.
Tấm khăn vừa mở ra thì cả hai ông già mập ốm đều la lên. Bên trong bọc có đồ đồng xanh, đồ gốm sứ, có thư họa, có ngọc bích, chất đầy một đống. Ông già mập và ông già ốm mỗi người đứng một bên, nương theo ánh sáng mỗi lúc một yếu căng mắt nhìn đống bảo vật. Bọn họ định cầm lên kiểm tra nhưng thanh niên lưng còng đã giơ tay chặn lại. Tôi thấy lúc anh ta giơ tay đã tranh thủ nhón một cái ấn rồi bỏ vào trong túi. Ông già ốm đứng sát bên tôi cũng nhìn thấy.
Ông già mập cứ năn nỉ đòi mua nhưng ông già mặc đồ vải thô không chịu bán.
Sau đó, ông già mặc đồ vải thô cũng chịu hết nổi, ông ta nói: “Nếu mua thì phải mua hết. Chúng tôi nhiều người thế này phải chia tiền ra nữa. Khi nào về sẽ báo đại gia là không đào được gì”
Ông già mập hỏi: “Anh lấy bao nhiêu tiền?”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Hai nghìn đồng bạc, cộng thêm hai trăm đồng tiền công lao động vất vả nữa. Tổng cộng hai nghìn hai trăm đồng bạc”
Ông già mập nói: “Anh chờ chút”
Ông già mập và ông già ốm đứng qua một bên, thì thầm bàn bạc. Chúng tôi không thể nghe thấy họ nói gì. Lát sau, ông già mập quay lại nói: “Chúng tôi chỉ có hai trăm đồng bạc. Anh xem có thể chọn vài món bán cho chúng tôi không?”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Vậy không được. Chúng tôi nhiều người thế này, hai trăm đồng không đủ chia nhau. Nếu chuyện này lộ ra, ai dám thuê chúng tôi nữa?”
Ông già mặc đồ vải thô phẩy tay nói: “Gói hết lại, đem về nhà”.
Thanh niên kia gói đống đồ cổ kia lại. Tôi lại thấy anh ta lấy một món gì đó bỏ vào túi.
Trăng đã lên cao. Có hai người phi ngựa đến trước mặt. Họ chưa xuống ngựa đã hỏi ông già mặc đồ vải thô: “Đào được chưa?”
Ông ta đáp: “Đào được rồi”
Người cưỡi ngựa hỏi: “Mau về đi. Ông chủ sốt ruột lắm rồi. Người ở trên tỉnh về lấy hàng cũng đang ở huyện thành”
Người cưỡi ngựa nói xong thì quay ngựa chạy đi. Ông già mặc đồ vải thô không để ý đến chúng tôi nữa. Ông ta quát đám thủ hạ: “Về thôi”.
Ông già mặc đồ vải thô dẫn người mau chóng quay về, mới đi được vài chục mét, tôi nghe thanh niên lưng còng nói: “Mọi người cứ về trước đi. Tôi đi đồng cái, sẽ đuổi theo ngay thôi”
Có người cười mắng: “Giống lừa ngựa lười biếng đái ỉa nhiều nhỉ”
Dưới ánh trăng sáng, chúng tôi thấy thanh niên lưng còng tách khỏi đám người trộm mộ chạy vào khu rừng kế bên.
Ông già ốm nói: “Thằng này vừa thó hai món. Chắc là muốn bán cho chúng ta. Qua đó xem sao”
Chúng tôi bước về phía thanh niên lưng còng. Hắn ta cũng bước về phía chúng tôi.
Hắn ta vừa thấy chúng tôi thì vội lôi từ trong túi ra hai thứ, một cái ấn và một miếng ngọc bội.
Ông già mập cầm lấy cái ấn, kinh ngạc thốt lên: “Đây là ngọc huyết dê”
Ông già ốm cầm lấy miếng ngọc bội và kêu lên: “Đây là ngọc Tần Vương Lý Thế Dân ban tặng”.
Hai ông già toàn thân run rẩy vì hưng phấn. Bọn họ giơ ấn lên soi trước ánh trăng để xem cho rõ chữ khắc trên ấn nhưng vì cái ấn quá nhỏ nên không nhìn ra chữ gì. Thanh niên lưng còng liên tục giục họ phải nhanh lên. Hắn ta sợ sẽ bị đám người trộm mộ nghi ngờ nếu không đuổi kịp họ.
Chỉ cần nhìn miếng ngọc bội Tần Vương Lý Thế Dân ban tặng, hai ông già đã biết thân phận của chủ nhân ngôi mộ này không tầm thường. Thanh niên lưng còng vẫn giục họ trả tiền nếu không anh ta sẽ mang nó đi.
Ông già mập hỏi: “Cậu lấy giá nhiêu?”
Thanh niên lưng còng nói: “Năm trăm đồng bạc”
Ông già mập nói: “Sao nhiều thế”
Thanh niên lưng còng nói: “Các ông cũng thấy rồi đó. Nó là ngọc do Tần Vương Lý Thế Dân ban tặng. Chỉ một miếng này thôi nếu đem ra thành phố lớn bán sẽ thu về không dưới một nghìn đồng bạc”
Hai ông già lại chụm đầu bàn bạc. Bọn họ có móc hết tiền cũng chỉ còn hai trăm đồng bạc. Sau khi đã mặc cả xong xuôi, bọn họ và thanh niên lưng còng thống nhất giá bán là hai trăm đồng bạc.
Sau khi thanh niên lưng còng đã khuất dạng, hai ông già vui mừng ra mặt. Bọn họ thấy mình đã kiếm được món hời rồi. Chỉ riêng miếng ngọc này, giá trị đã gấp nhiều lần hai trăm đồng bạc. Cái ấn này khắc chữ gì trên đó? Bọn họ không biết. Dù sao nó cũng là ngọc dương chi, giá trị không phải nhỏ.
Bọn họ không nén được tò mò, liền đánh diêm, nhóm một đống lửa. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy diêm. Một cái hộp vuông vuông bé xíu lại có thể chứa lửa bên trong. Thật là kỳ diệu.
Sau khi nhóm lửa, họ đưa cái ấn lại gần quan sát và phát hiện trên ấn khắc bốn chữ Ngu Thế Nam Ấn. Họ tái mặt nhìn nhau rồi lăn lộn trên đất, gào khóc rên rỉ.
Cái ấn này có gì đặc biệt mà khiến họ phát điên như thế? Sau này tôi mới biết, Ngu Thế Nam là vị quan nổi tiếng vào đầu nhà Đường. Lý Thế Dân cực kỳ sủng ái ông ấy. Quê hương của ông ấy nằm ở vùng này.
Nếu cái ấn đào được ở ngôi mộ cổ này là của Ngu Thế Nam. Điều đó cho thấy chủ nhân của ngôi mộ này chính là Ngu Thế Nam. Chưa nói đến đống đồ đồng, đồ sứ, chỉ riêng số tranh thư pháp kia thôi đã là báu vật vô giá rồi.
Hai ông già bàn tính và quyết định phải chặn đường đám trộm mộ. Một người sẽ ở lại giữ chân bọn chúng, còn một người về Bắc Kinh bán nhà gom tiền.
Tôi hỏi: “Còn đi Chu Gia Khẩu nữa không?”
Bọn họ nói: “Không đi nữa?”
Chúng tôi chạy một mạch không ngừng nghỉ. Hai già thở hồng hộc, giống như đang kéo bễ lò rèn. Nhưng bọn họ động viên nhau, khích lệ nhau, quyết tâm không ngại hy sinh, vượt qua gian khó để giành thắng lợi sau cùng.
Chúng tôi cứ tưởng phải đuổi rất lâu mới đuổi kịp đám người trộm mộ, thậm chí có đuổi tới tận huyện thành cũng không theo kịp. Nào ngờ mới chạy được hai ba dặm đã thấy họ đang ngồi nghỉ ngơi bên đường. Có người cởi giày nằm trên mặt đất, có người ngậm tẩu thuốc. Chúng tôi không thấy ông già mặc đồ vải thô trong đám người này.
Ông già mập hỏi: “Sao mấy anh không đi nữa?”
Một người đàn ông trung niên đứng lên nói: “Tôi chạy nhanh quá nên bị trẹo chân không cử động được. Mọi người ngồi đây nghỉ ngơi một lát”
ng già mập hỏi: “Ông già vừa nói chuyện với chúng tôi đi đâu rồi. Cái người mặc áo đen đó”
Người đàn ông trung niên nói: “Ông chủ giục gấp quá, bắt chuyển hàng cả đêm. Ông ấy mang đồ cổ về trước rồi”
Ông già mập không nhiều lời nữa, quáng quàng đuổi theo. Tôi và ông già ốm bám sát theo sau.
Chúng tôi lại chạy hai ba dặm nữa, cuối cùng nhìn thấy dưới ánh trăng có hai bóng người đang đi đàng trước. Một người vác theo cái gì đó, còn một người thì đi tay không. Thân hình của họ được ánh trăng chiếu sáng giữa nơi hoang vu trông càng nổi bật.
Ông già mập kêu to: “Đợi đã”
Hai người kia không dừng lại mà còn rảo bước nhanh hơn.
Ông già mập không chạy nổi nữa, ngồi bệt xuống đất thở hổn hển. Tôi và ông già ốm chạy lên trước, chặn họ lại. Tôi thấy ông già mặc đồ vải thô đi tay không, còn người đang vác cái bọc vải hoa trên vai là một thanh niên.
Ông già mặc đồ vải thô thấy chúng tôi thì hoảng cả lên. Ông ta đứng chắn trước mặt thanh niên, quát lớn: “Mấy người định làm gì, tính cướp hàng à?”