Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2551 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 101
Người bạn tù thần bí
Nhưng Yến Tử lại có quan hệ thân thuộc với Hổ Trảo, nên đến giờ tôi vẫn một mực giữ im lặng.
Bọn chúng dùng roi da đánh lên người tôi hết lần này đến lần khác. Để giữ bí mật cho Hổ Trảo và Yến Tử tôi cắn răng chịu đựng quyết không khai báo. Bọn chúng đánh tôi đến rách da tóe máu, làm tôi vài lần suýt ngất.
Về sau, bọn chúng đánh cũng mệt rồi, tức giận nói: “Thằng nhà quê này cũng lì đòn đấy. Được rồi. Đi ăn trước đã”
Bọn chúng đi ăn cơm, còn tôi vẫn bị treo trên xà nhà. Toàn thân tôi ướt sũng mồ hôi vì đau đớn. Mồ hôi chảy xuống vết thương, xót không chịu nổi.
Nhưng nỗi đau thể xác cũng chưa là gì, tôi có thể chịu được. Nỗi đau tinh thần mới làm tôi khổ sở. Tôi nghĩ đến Yến Tử, lo sợ cô ấy sẽ phải chịu cực hình như mình.
Yến Tử đang ở đâu? Tôi cũng không biết nữa.
Đến tối, bọn chúng thấy không hỏi được gì từ tôi nên quẳng tôi vào trong buồng giam.
Bên trong buồng giam tối om. Tôi nằm trên sàn nhà lạnh ngắt, có thể cảm giác được lũ chuột chạy trên chân mình. Chân tôi khẽ động đậy, chúng nó liền phát ra tiếng kêu chin chít nơi góc tường.
Đến nửa đêm, ngoài trời bỗng đổ trận mưa. Nước mưa chảy vào trong buồng giam như suối. Vết thương của tôi gặp phải nước mưa, lại đau xót dữ dội.
Tôi tưởng mình là người duy nhất ở đây nhưng tôi chợt nghe thấy một giọng nói vang lên từ nơi góc tường: “Cậu xích người về đây chút, sẽ không bị ướt”
Người này nói giọng địa phương, âm mũi đặc biệt nặng. Tôi rất tò mò. Sao trong này vẫn còn một người nữa. Tại sao ông ấy bị giam ở đây?
Bên ngoài truyền đến tiếng bước chân của cai ngục, nước bắn lên tung tóe. Khi hắn ta đi đến trước song cửa buồng giam thì tiếng bước chân dừng lại, dường như đang nghiêng tai nghe ngóng. Tôi và người kia đều im lặng. Tên cai ngục không thấy động tĩnh gì, lại kéo gót chân sũng nước rời đi.
Bên ngoài cửa, trời đã tạnh mưa, tiếng ếch nhái kêu oàm oạp đến não nùng, còn có tiếng dế râm ran tựa dòng suối chảy róc rách.
Người trong góc tối cất tiếng hỏi: “Vì sao cậu em bị giam ở đây?”
Tôi không dám kể về đại toản thạch và Yến Tử, chỉ nói: “Bọn chúng muốn điều tra đặc vụ Nhật Bản mới nhốt tôi vào đây?”
Người kia nói: “Tối ngày điều với chẳng tra. Lấy đâu ra đặc vụ Nhật Bản chứ?”
Tôi tò mò hỏi: “Đặc vụ Nhật Bản là gì thế?”
Người kia nói: “Ồ, cậu không biết à? Cậu người đâu thế?”
Tôi nói: “Tôi là người quan nội”
Người kia nói: “Chẳng trách cậu không biết. Nhật Bản là quốc gia có cùng ngôn ngữ, chủng tộc với chúng ta, là láng giềng hữu hảo bao đời nay. Quan hệ giống như anh em tốt. Nhật Bản rất phát triển còn Trung Quốc rất lạc hậu. Nhật Bản muốn Trung Quốc có cuộc sống tốt đẹp, cùng nhau vui hưởng hạnh phúc, mới tìm đến giúp người dân Trung Quốc”
Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến Nhật Bản, tôi hỏi: “Nhật Bản ở đâu?”
Người kia nói: “Nhật Bản ở xa, xa lắm. Từ đây đi về phía đông mấy nghìn dặm, vượt qua biển cả, lại đi thêm mấy nghìn dặm nữa sẽ đến Nhật Bản”
Tôi nói: “Nhật Bản muốn giúp người Trung Quốc có cuộc sống tốt đẹp, sao còn gửi đặc vụ tới?”
Người kia nói: “Làm gì có đặc vụ Nhật Bản nào? Toàn do chúng nó ăn nói bậy bạ. Chúng nó muốn lợi dụng cơ hội để dọa nạt người dân, vu cho họ là đặc vụ Nhật Bản. Nếu cậu cho chúng nó ít tiền, chúng nó sẽ thả cậu ra”
Tôi không đoán ra lai lịch của người này nhưng nghe cách ông ấy nói chuyện, có thể thấy cũng là người hiểu nhiều biết rộng. Ngay đến một đất nước xa xôi như Nhật Bản mà ông ấy còn biết thì kiến thức và tầm nhìn của ông ấy cao hơn thầy giáo của trường tư thục chúng tôi nhiều lắm. Thế nhưng, vì sao ông ấy cũng bị bắt vào đây?
Tôi hỏi: “Nhà ông ở đâu?’”
Ông ấy nói: “Nhà tôi ở Phụng Thiên”
Phụng Thiên thì tôi biết, nó nằm ở quan ngoại. Nhưng giọng của ông ấy không giống người nơi đó mà mang giọng mũi nặng của người vùng này.
Tôi hỏi: “Phụng Thiên cách xa như thế, vì sao ông đến huyện Xích Phong này?”
Ông ấy nói: “Sau khi người Nhật vào Phụng Thiên. Tôi đã rời khỏi nơi đó và tìm đến đây”
Tôi hỏi: “Ông nói người Nhật tốt bụng. Tại sao họ vừa xuất hiện đã bỏ đi?”
Ông ấy nhỏ giọng nói: “Tôi là trộm mà”
Tôi giật mình kinh ngạc. Không ngờ giữa cái buồng giam tối tăm của huyện thành Xích Phong này, tôi có thể gặp được người trong nghề. Tôi dùng ám ngữ giang hồ dò hỏi: “Thì ra là ngật cách niệm, ông là thượng thủ bả tử phải không?”
Ý của tôi là: Thì ra đều là người giang hồ cả, ông là cao thủ trong nghề trộm cắp phải không?
Người giang hồ gọi cao thủ là thượng thủ bả tử, gọi tay mơ là hạ thủ bả tử.
Ông ấy không có phản ứng gì. Trong bóng đêm, tôi không nghe thấy ông ấy trả lời, chỉ có tiếng hô hấp nhẹ nhàng, tựa như một cơn gió thoảng qua kẽ lá.
Tôi nói: “Ông không phải người đồng đạo, ông đang gạt tôi”
Ông ấy nói: “Thì ra là người trong nghề. Thất kính, thất kính”
Tôi nói: “Đã là người trong nghề, Vì sao không dùng ám ngữ? Vì sao không hiểu lời tôi nói. Chắc chắn ông không phải trộm”
Ông ấy nói: “Tôi đã tung hoàng giang hồ nửa đời người, trước nay chưa hề thất thủ. Thật không ngờ lại chết đuối ở vũng trâu đằm, bị sảy chân ở cái huyện thành Xích Phong nhỏ xíu này”
Tôi nói: “Đến ám ngữ ông còn không biết, dựa vào đâu để tôi tin ông là người trong nghề?”
Ông ấy nói: “Cậu đỡ tôi lên đi”
Tôi bò dậy, lần mò theo vách tường, đến bên cạnh ông ấy. Tôi hỏi: “Ông bị sao vậy?”
Ông ấy nói: “Tôi bị ngã gãy cả hai chân, nếu không, cái buồng giam nhỏ này dễ gì làm khó tôi được”
Tôi đỡ ông ấy đứng dậy. Ông ấy run rẩy bước đến trước buồng giam, rút từ đế giày ra một cây đinh, nhét vào lỗ khóa và ấn mạnh, cái khóa liền được mở ra.
Tôi há hốc mồm vì kinh ngạc.
Ông ấy khóa lại ổ khóa, nhét đinh vào đế giày, nhờ tôi dìu trở lại góc tường.
Ông ấy hỏi: “Bây giờ đã tin tôi chưa?”
Tôi chắp tay thi lễ: “Tiền bối tại thượng, xin nhận vãn bối một lạy”
Tôi nghĩ, có người này giúp mở khóa, lo gì không thoát khỏi cái buồng giam tối tăm này.
Sau khi trời sáng, cửa buồng giam mở toang, phát ra tiếng lạch cạch. Mọi người chậm chạp bước ra ngoài, đứng hóng gió trong sân. Người kia không thể đứng dậy nên tôi đỡ ông ấy ra ngoài sân.
Nhà lao này giam giữ cả trăm người. Mọi người đứng dựa vào tường, nghiêng nghiêng ngả ngả, cúi đầu ủ rũ, giống như một hàng cọc gỗ cháy đen. Cảnh tượng như thế này cũng chỉ có ở chốn địa ngục.
Những người này đều là đặc vụ Nhật Bản sao? Rõ ràng không phải. Những người này đều là trộm sao? Rõ ràng cũng không phải. Trong đám người này có cụ già lụ khụ, có trẻ em ngây thơ, những người này hành động bất tiện, không thể nào là đặc vụ Nhật Bản hay kẻ trộm cắp. Tại sao họ cũng bị giam giữ? Tôi bắt đầu tin lời ông ấy nói. Chỉ cần đút tiền sẽ được thả ra.
Sau cơn mưa, một tia nắng ló dạng giữa đám mây. Người kia ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy khao khát, giống như một chiếc lá sắp khô héo, tham lam hút lấy những giọt mưa.
Thời gian hóng mát chỉ có vài phút ngắn ngủi. Mấy phút sau, mọi người lại lê bước trở về buồng giam của mình. Một vài người còn lừng khừng chưa chịu rời khỏi sân, liền bị cai ngục đá vào mông mấy cái.
Tôi và ông ấy trở lại buồng giam. Tiếng cửa sắt kêu loảng xoảng, sau đó bị khóa lại.
Tôi hỏi ông ấy: “Tôi phải xưng hô với ông thế nào? Đã ở đây lâu rồi mà vẫn chưa biết tên của ông”
Ông ấy nói: “Cứ gọi tôi là lão Đồng”
Tôi nghĩ ông ấy để tôi gọi là lão Đồng, có thể là vì ông ấy họ Đồng. Nghe nói người họ Đồng và người họ Phùng đều là hậu duệ của sử gia Tư Mã Thiên. Khi xưa, Tư Mã Thiên viết Sử Ký đã đắc tội với Hán Vũ Đế, bị bắt giam và chịu cung hình. Hai người con trai của ông đã chạy thoát. Họ tách chữ Tư Mã làm đôi, một là chữ Tư và một là chữ Mã. Chữ Tư thêm một nét sổ là chữ Đồng. Chữ Mã thêm chấm thủy là chữ Phùng. Hai người con trai lần lượt đổi họ thành họ Đồng và họ Phùng vì thế những người đời sau mang họ Đồng và họ Phùng đều là con cháu của Tư Mã Thiên. Ông ấy là hậu duệ của Tư Mã Thiên, tôi rất kính trọng ông ấy. Ở trường tư thục, thầy giáo đã nhiều lần nhắc đến Tư Mã Thiên.
Bên ngoài không có tiếng chân người, qua song sắt tôi nhìn thấy hai tên cai ngục đang trò chuyện dưới một cái cây cách đó mấy chục mét, súng gác vào thân cây. Tôi và lão Đồng dựa lưng vào vách tường phía cuối buồng giam. Nền buồng giam phủ đầy rơm rạ lộn xộn, tối qua lão Đồng đã ngủ trên đó.
Lão Đồng hỏi tôi: “Sao cậu làm cái nghề này?”
Tôi hỏi: “Nghề gì?”
Lão Đồng đưa hai ngón tay lên không trung, làm động tác gắp tiền từ trong ví ra.
Tôi nghĩ lão Đồng là hậu duệ của Tư Mã Thiên nên rất tin tưởng, mới kể cho ông ấy nghe về Băng Lưu Tử, Hổ Trảo và Yến Tử, về đại toản thạch và lão ăn mày.
Lão Đồng hỏi: “Đại toản thạch hiện đang ở đâu?”
Tôi nói: “Không biết nữa. Bị đám tuần tra ban đêm lấy mất rồi?”
Lão Đồng nói: “Cậu biết sẽ bị lục soát, sao không giấu toản thạch đi?”
Tôi nói: “Tối hôm đó, bọn chúng vừa bước vào quán trọ đã quát tháo bắt mọi người ở yên trong phòng, nói là chỉ kiểm tra đặc vụ Nhật Bản. Tôi nghĩ tôi không phải đặc vụ Nhật Bản, không cần phải sợ bọn chúng, vì thế không có phòng bị. Sau khi vào trong phòng, bọn chúng khám xét người tôi, kết quả tìm được đại toản thạch, còn vu cho tôi trộm đồ người khác”
Lão Đồng nói: “Uổng cho cậu vẫn nói giang hồ hiểm ác, trong người có bảo vật, vậy mà không biết đề phòng”
Tôi nói: “Tôi chỉ đề phòng lão hải, đâu biết đám ưng trảo tôn này cũng phải đề phòng”. Lão hải là người giang hồ, ưng trảo tôn là người của quan phủ.
Lão Đồng nói: “Đất nước này thối nát quá rồi. Đám người công môn còn tham lam, vô pháp vô thiên hơn cả người giang hồ. Tên cậu là Ngai Cẩu, quả đúng là một con chó ngốc nghếch. Cậu chỉ biết giang hồ hiểm ác, nhưng không biết thế đạo cũng hiểm ác, quan trường còn hiểm ác hơn thế đạo nhiều. À, vợ cậu khôn lanh như thế, sao không nhắc cậu phòng bị?”
Tôi nói: “Khi bọn chúng đến khám xét, Yến Tử không có mặt ở đó”
Lão Đồng nói: “Cô ta đi đâu thế?”
Tôi nói: “Cô ấy ra ngoài dò xét tình hình chung quanh. Cô ấy sợ có người giang hồ theo dõi chúng tôi. Khi đám người tuần đêm vào phòng chúng tôi, cô ấy mới trở về”
Lão Đồng nói: “Ra là vậy. Có cô vợ như thế ở bên cạnh, làm sao để bọn chúng lấy mất toản thạch được?”
Tôi nói: “Điều làm tôi lo nhất lúc này là bọn chúng sẽ tra khảo, giày vò cô ấy”
Lão Đồng nói: “Vợ cậu thông minh gấp mười lần cậu. Cô ấy sẽ không hành động dại dột như cậu. Không có nguy hiểm gì đâu. Cứ yên tâm đi”
Tôi hỏi: “Vậy còn đại toản thạch. Bây giờ nó đang ở đâu?”
Lão Đồng nói: “Còn ở đâu được nữa? Kẻ nào khám xét người cậu thì nó nằm trong tay kẻ đó. Ở đất nước thối nát thế này, cậu còn tưởng chúng nó sẽ nộp toản thạch lên trên hay sao? Chúng nó tham lam vô độ, có cái gì mà không dám lấy”
Chỉ cần Yến Tử không phải chịu giày vò và đại toản thạch có tung tích, vậy là tôi yên tâm rồi.
Tôi hỏi: “Người khám xét tôi là một người, người thẩm vấn tôi là một người khác. Vậy toản thạch sẽ rơi vào tay ai?
Lão Đồng nói: “Ai cầm đầu thì nằm trong tay người đó. Trung Quốc là một xã hội quan lại. Cấp trên ăn hết mọi thứ, nô dịch mọi thứ, còn cấp dưới cam tâm làm nô dịch cho cấp trên, sẵn lòng để cấp trên nuốt chửng, tìm mọi cách để bợ đỡ cấp trên. Nhìn khắp thế giới động vật, cũng không tìm ra loài động vật lạ lùng như thế. Trung Quốc là một quốc gia cực kỳ quái đản, mọi thói hư tật xấu của động vật đều có thể tìm thấy ở người Trung Quốc, thậm chí ngay cả những thói hư tật xấu không có trên động vật cũng có thể tìm thấy ở người Trung Quốc”
Tôi nghĩ đến Cao Thụ Lâm, Băng Lưu Tử và những người tôi đã gặp trước đây. Họ đều là người giang hồ, đa số đều tuân theo quy củ của giang hồ nhưng những người chốn công môn còn không bằng người giang hồ. Lão Đồng nói rất có lý.