Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 1972 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 54
Kế chồng kế

Ông già mập vội bước lên nói: “Anh chớ hiểu lầm, chúng tôi muốn mua hết số hàng này”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Nãy ở mộ bảo các ông mua thì các ông không mua. Giờ lại đuổi theo đòi mua. Ai làm ăn thế chứ?”
Ông già mập cứ luôn miệng dỗ ngọt ông già mặc đồ vải thô. Ông già mặc đồ vải thô nói: “Bây giờ nhiều người đã biết tôi và thằng con trai mang đồ cổ về huyện thành trước. Nếu tôi bán cho ông, bọn họ về đến huyện thành không thấy đồ cổ đâu thì biết ngay cha con tôi đã nuốt mất rồi. Loại chuyện này tôi không làm” 
Ông già mập nói: “Không nhiều lời nữa, cứ theo giá anh vừa nói, hai nghìn hai trăm đồng bạc. Hàng tôi lấy hết”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Không được. Bán cho anh rồi tôi ăn nói với họ thế nào. Tôi nói bán giá hai nghìn hai trăm thì họ sẽ cho là tôi bán giá năm nghìn. Tôi không có cách gì biện bạch được.
Ông già mập nói: “Anh xem thế này có được không? Hàng thì tôi chắc chắn sẽ lấy. Hai người đều là cha con. Tôi giao tiền cho hai người, rồi hai người cầm tiền trốn đi thật xa. Hai nghìn hai trăm đồng bạc có thể mua được hai cái nhà ở Bắc Kinh, còn hơn làm lụng cả đời ở huyện thành. Có số tiền này rồi, nửa đời sau hai cha con không cần lo lắng gì nữa”
Ông già mặc đồ vải thô bàn với con trai một lúc, sau đó nói: “Vậy thì liều một phen, bán cho mấy người đấy. Nhưng phải một tay giao hàng, một tay giao tiền”
Ông già mập nói: “Chúng tôi không mang nhiều tiền theo người. Thế này đi”. Ông già mập trỏ tay vào ông già ốm và nói: “Ông ấy ở lại với hai người. Hàng hai người cũng giữ luôn. Tôi trở về Bắc Kinh bán nhà. Bán xong sẽ đem tiền đến nhận hàng. Anh thấy sao?”
Ông già mặc đồ vải thô nói với giọng khó chịu: “Nói cả nửa ngày, ông vẫn không có tiền. Không có tiền mà đòi mua hàng. Thôi bỏ đi. Tôi sẽ giao cho đại gia kia”
Ông già mập vội níu áo ông già mặc đồ vải thô, nói: “Đừng vậy mà anh. Bảy ngày. Anh cho tôi thời gian bảy ngày, tôi nhất định sẽ mang đủ hai nghìn hai trăm đồng bạc giao tận tay anh”. Ông già mập lại trỏ tay vào ông già ốm: “Có ông ấy trong tay, anh còn ngại gì nữa”
Ông già mặc đồ vải thô có vẻ suy nghĩ rất lung. Ông ta nói: “Thôi cũng được. Chúng ta không về huyện thành được nữa. Vậy bỏ đường lớn, đi đường vòng tới Chu Gia Khẩu”
Thuận Oa bảo tôi dẫn hai ông già đi Chu Gia Khẩu. Ông già mặc đồ vải thô cũng đi Chu Gia Khẩu. Chu Gia Khẩu là ngôi làng thế nào? Đó hẳn là một nơi rất thần bí.
Ông già mặc đồ vải thô và thanh niên kia đi trước dẫn đường. Tôi và hai ông già mập ốm đi phía sau. Đêm đó ánh trăng vằng vặc soi sáng khắp nơi như ban ngày. Những khu rừng, dãy núi chập trùng phía xa giống như đang được nhúng trong sữa lại giống như bức tranh được vẽ chấm phá bằng cách vẩy mực. Tiếng côn trùng rả rích hai bên đường, lúc thì im bặt lúc lại rộ lên từng chặp, lúc thì khoan thai lúc thì gấp gáp.
Thuận Oa đã nói với tôi muốn đi Chu Gia Khẩu thì ra ngoài cửa Bắc huyện thành rồi rẽ trái liên tục là tới. Thế nhưng con đường ông già mặc đồ vải thô đưa chúng tôi đi không giống như thế. Có lúc ông ta rẽ trái, có lúc ông ta quẹo phải, có lúc lên dốc, có lúc lại xuống dốc. Rốt cuộc con đường nào mới đúng đây?
Đi được đâu nửa tiếng thì một ngôi làng hiện ra trước mặt. Trong màn đêm ngôi làng giống như một con thú khổng lồ đen kịt đang ngồi rình mồi, khiến người ta có cảm giác sợ hãi khó nói. Ngôi làng có khoảng mười mấy hộ dân, lác đác vài ba ánh đèn sáng le lói.
Khi chúng tôi đến đầu làng, tôi thấy có người đang đứng dưới một gốc cây đại thụ ở cổng làng. Người này thấy chúng tôi liền bước ra đón. Nhưng khi còn cách chúng tôi vài bước chân thì quay người bỏ đi. Hành động của người này rất đáng ngờ. Dưới ánh trăng, tôi chỉ thấy người này không còn trẻ nữa, ông ta có chòm râu dê nhưng ông ta là ai thì tôi không biết.
Tôi nhớ Thuận Oa nói sẽ có người đón chúng tôi ở Chu Gia Khẩu. Nếu ngôi làng này là Chu Gia Khẩu, vậy thì người có chòm râu dê này có thể là người đang đợi chúng tôi. Nhưng nếu đúng là ông ta đang đợi chúng tôi, tại sao lại vội vã bỏ đi.
Ông già mặc đồ vải thô dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà. Ngôi nhà này có sân nằm phía trước nhà nằm phía sau, hai bên là sương phòng, có vẻ cũng là một nhà khá giả. Ông già mặc đồ vải thô nói: “Đây là nhà của tôi. Tối nay mọi người nghỉ ở đây”
Tôi cảm thấy hơi khó hiểu. Nếu đây đúng là nhà của ông ấy thì họ đâu có thiếu tiền. Vì sao phải đi đào mộ cho người ta? Dù vậy suy nghĩ này cũng chỉ thoáng qua trong đầu. Tôi nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ. 
Không biết đã qua bao lâu, tôi tỉnh giấc vì mắc tiểu. Tôi ngồi dậy, thấy hai ông già đang ngủ rất say. Sau khi trời sáng ông già mập sẽ về Bắc Kinh gom tiền, còn ông già ốm sẽ bị giữ ở đây. Tôi nghĩ, vì một đống chén bát mà phải bán cả nhà cửa, sao phải khổ thế chứ?
Tôi không biết nhà xí nằm ở đâu. Muốn đi cầu mà không tìm thấy nhà xí nên tôi mở cổng kiếm nơi nào vắng vẻ. Tôi đang đi trên đường làng, đột nhiên nghe thấy tiếng lừa kêu. Tôi biết bây giờ đã là nửa đêm. Nông thôn miền Bắc có câu nói: “Lư bán, lư bán” nghĩa là khi lừa kêu là đã qua nửa đêm.
Khi tôi đi ngang qua nhà một hộ dân thì nghe có người gọi tên mình: “Ngai Cẩu, Ngai Cẩu”
Tôi giật nảy mình. Thật không ngờ cái làng hẻo lánh này lại có người biết tên mình. Tôi nhìn về hướng phát ra âm thanh đó thì thấy dưới mái hiên nhà một hộ dân có người đang hút thuốc, đốm lửa đầu tẩu thuốc sáng lập lòe. Mỗi khi người này rít một hơi thì đốm lửa đỏ lên, khi nhả khói thì đốm lửa nhỏ lại.
Lúc này tôi cũng quên mất phải đi cầu. Tôi hỏi: “Ông là ai, sao lại biết tên tôi?”
Người này đứng dậy, đi ra chỗ có ánh trăng sáng. Lúc này tôi mới nhận ra đây chính là cái ông già đã đứng dưới gốc cây cổ thụ đầu làng.
Tôi hỏi: “Ông gọi tôi có chuyện gì?”
Ông già râu dê nói: “Mày cứ làm xong việc của mình đi đã rồi chúng ta kiếm chỗ nào yên tĩnh nói chuyện”
Tôi thấy lạ lắm. Vội vàng ra bãi đất hoang trước cổng làng giải quyết nỗi buồn, sau đó đi đến nhà của ông già râu dê. Nhà của ông già râu dê cũng rất khá. Nhà cửa cao ráo, phòng ốc rộng rãi, tường gạch ngói xanh. Tôi ngồi trong nhà ông ta mà lòng thấp thỏm chẳng yên, không biết ông ta tìm tôi có chuyện gì.
Ông già râu dê nói: “Thuận Oa nói mày sẽ đến đây nhưng không ngờ mày lại đến muộn như thế”
Ồ! Thì ra Thuận Oa đã giới thiệu tôi cho ông ta. Tôi thấy yên tâm hẳn.
Ông già râu dê nói: “Hai lão già lạ mặt đi cùng mày đến đây có phải là được Thuận Oa bàn giao cho không?”
Tôi nói: “Dạ phải”
Ông già râu dê nói: “Sao lại có thêm hai người khác?”
Tôi nói: “Ông già kia nói nhà họ ở Chu Gia Khẩu. Chỗ này có phải Chu Gia Khẩu không?”
Ông già râu dê nói: “Đúng rồi. Nhưng làng này không có lão già mặt đen đó, cũng không có thằng thanh niên đó. Tao biết lão già mặt đen đó, trước kia có từng qua lại. Tại sao lão ta đến đây, lại còn đi cùng bọn mày nữa”
Tôi kể lại chuyện gặp đám đào trộm mộ trên đường đi và chuyện hai ông già muốn mua đồ cổ. Ông già râu dê nói: “Hai Vạn Tự này là của chúng ta. Sau có thể giao cho bọn chúng chứ?”
Bây giờ thì tôi đã hiểu. Hai ông già mập ốm này là Vạn Tự mà Thuận Oa đã tìm được. Anh ấy để tôi dẫn họ đến Chu Gia Khẩu giao cho ông già râu dê. Không ngờ hai ông già vô tình gặp bọn trộm mộ giữa đường và đang chuẩn bị bán hết gia sản để mua đứt số đồ quý báu có trong mộ Chử Toại Lương. 
Ông già râu dê nói: “Sau khi trời sáng, lão già mập sẽ trở về Bắc Kinh, tới lúc đó chúng ta có muốn đuổi theo cũng không kịp nữa. Giờ thế này đi. Mày về đánh thức bọn họ rồi nói mày biết ở đây có một cao thủ giám định văn vật, để bọn họ mang ấn của Chử Toại Lương và ngọc bội Tần Vương Lý Thế Dân đến cho tao xem”
Tôi nói: “Được”
Tôi trở lại nhà ông già mặc đồ vải thô. Mọi người trong nhà đều ngủ cả rồi, không có dấu hiệu gì khả nghi. Tôi bước vào trong phòng, thấy hai ông già vẫn đang ngáy khò khò. Tôi đánh thức ông già mập và nói lại những lời ông già râu dê đã dặn. Ông già mập nói: “Người giám định giỏi gì chứ. Bọn ta tận mắt nhìn thấy nó được đào lên từ mộ cổ. Cái này còn giả được sao?”
Ông già ốm cũng đã tỉnh dậy, ông ấy nói: “Cẩn tắc vô ưu. Hay cứ để người ta xem thử”
Chúng tôi đến nhà ông già râu dê. Trong nhà tối om không đèn đóm gì, cửa cũng đóng rồi. Tôi thử gọi cửa. Bên trong nhà có tiếng người đáp lời. Sau đó thấy ông già râu dê vừa mặc áo vừa đi ra ngoài.
Ông già mập lấy cái ấn từ trong người ra đưa cho ông già râu dê. Ông già râu dê vừa nhìn đã nói: “Hàng giả rồi”
Ông già mập nói: “Sao mà là giả được? Ngọc huyết dê chính tông đấy”
Ông già râu dê lấy một cây kéo rồi cắt cái ấn. Ông già mập đau xót kêu lên. Thế nhưng tiếng kêu còn chưa dứt thì màu đỏ đã chuyển qua màu trắng.
Sắc mặt hai ông già lập tức tái nhợt. Bọn họ hỏi: “Sao lại thế này. Sao lại thế này?”

 

(Tổng: 1972 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận