Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2063 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 57
Nghề đổ cổ nước rất sâu
Khi chúng tôi về đến huyện thành thì thấy quân lính đang ở đó. Rất nhiều người mặc áo đen, đội mũ rộng vành đang đi lại trên đường phố. Xe ngựa ở quán trọ đều bị trưng dụng hết rồi. Ông già mập không thể đi lên tỉnh được nữa.
Một cái nồi lớn được bắc giữa sân của quán trọ cho thuê xe ngựa. Bên dưới nồi là đống củi cháy rừng rực. Đám binh lính đang vây quanh cái nồi, đợi đến giờ ăn. Cả quán trọ ồn ào giống như cái tổ ong vò vẽ bị người ta chọc gậy vào.
Có hai loại lính, một loại là lính cũ dày dạn kinh nghiệm, hai là lính mới tò te. Lính cũ có tư thế đi đứng và giọng điệu cũng khác. Lúc ăn cơm họ cũng được ăn trước. Bữa ăn hôm đó là một nồi cháo loãng.
Lúc ăn cơm, lính cũ chỉ lấy nửa bát cháo, sau đó đứng ngay gần nồi, húp cháo thật nhanh. Còn đám lính mới thì lấy đầy một bát, bưng tới chân tường phía xa để ăn. Khi lính mới bắt đầu ăn thì lính cũ đã xơi hết nửa bát cháo rồi. Bọn họ bắt đầu ăn đến bát thứ hai. Lần này mỗi người lính cũ lấy đầy một bát. Khi lính mới ăn xong bát thứ nhất, muốn ăn bát nữa thì nồi đã trơ đáy. Kết quả là lính cũ ăn được bát rưỡi, đủ no cái bụng còn lính mới chỉ ăn một bát, bụng vẫn còn đói.
Tôi chứng kiến cảnh này, cảm thấy lính cũ vẫn luôn là lính cũ, lúc nào cũng khôn ngoan hơn đám lính mới.
Không có xe ngựa thì không thể lên tỉnh. Tôi đành phải đưa ông già mập đến sạp khắc ấn của Thuận Oa để báo tin. Chỉ cần đưa ông ấy về chỗ Thuận Oa là nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành một nửa.
Chúng tôi đi ngang qua một nhà không có tường bao. Thấy bên trong nhà cũng đang phát cơm. Quân lính chen nhau lên trước giống như một đàn lợn. Một anh lính mới đang đứng ngơ ngác. Trên tay người nào cũng có thố hoặc bát, hai tay anh ấy lại trống trơn.
Tôi nghĩ có thể anh ấy không có đồ đựng thức ăn. Nhìn thấy bồn tiểu của nhà này đang úp ngược dưới chân tường thì tôi nổi tính trẻ con, liền bước tới trước chỉ vào bồn tiểu và hỏi anh ấy: “Cái gì đây?”
Anh ấy nhìn thấy cái bồn tiểu thì mừng ra mặt, vội chạy đến cầm nó lên, còn gật đầu cảm ơn tôi lia lịa. Anh ấy nói giọng miền Nam, nghe cứ như chim hót.
Khi ấy cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn. Người miền Bắc dùng bồn tiểu để đi vệ sinh vào ban đêm. Người miền Nam thì dùng bô. Bồn tiểu là cái chậu sành bằng đất nung, màu đen sẫm. Cái bô là một cái thùng gỗ nặng, sau này phát triển thành thùng nhựa nhẹ. Người miền Nam chưa từng nhìn thấy cái bồn tiểu ở miền Bắc, người miền Bắc cũng chưa từng nhìn thấy cái bô của miền Nam.
Anh lính bưng cái bồn tiểu đi tới chỗ lấy cơm. Một bà cô bó chân đi từ trong phòng ra, la lớn: “Cái đó không đựng cơm được”
Anh lính nhìn cái bồn tiểu trong tay, nói: “Sao không đựng cơm được. Tôi thấy nó rất tốt mà”
Bà cô bó chân hét lên: “Đó là cái bồn tiểu”
Anh lính nói: “Tôi biết chị cần cái bồn này, tôi không lấy nó đâu. Dùng xong sẽ trả lại chị”
Thế rồi anh ấy dùng bồn tiểu đựng nửa phần cháo loãng, ngồi ở góc tường ăn ngon lành.
Tôi phải cố nhịn cười. Anh lính này ngộ quá. Người ta nói đó là thành môn lâu thì anh nói chân mình mọc mụn. Người ta nói thành môn lâu sụp rồi thì anh nói mụn trên chân mình khỏi rồi.
Chú thích: Thành môn lâu là kiến trúc có dạng dưới là cổng thành trên là lầu gác.
Bà cô lê đôi chân ngắn chàng hảng như cái dấu ngoặc của mình về hướng anh lính đang say sưa ăn cháo bằng cái bồn tiểu kia. Tôi sợ bà ta nói ra chân tướng, vậy thì khó tránh khỏi bị anh lính kia đánh đòn nên vội lỉnh đi thật xa. Ông già mập cũng bám theo sau tôi.
Binh lính có mặt khắp nơi trong huyện thành, còn đàn ông trưởng thành địa phương thì không thấy đâu. Có lẽ họ sợ bị bắt lính nên đã trốn sạch rồi.
Tôi và ông già mập, một người già cả, một người nhỏ yếu, bọn họ không để vào mắt nên không cần lo lắng.
Tôi dẫn ông già mập đi xuyên qua huyện thành và tìm thấy cửa hàng tranh thư họa nằm dưới tường thành. Cửa hàng đã đóng cửa rồi. Tất cả hàng quán đều đã đóng cửa. Đám binh lính này giống như bầy châu chấu, nơi nào chúng đi qua, những gì có thể dùng được đều sẽ bị cướp sạch.
Hết cách rồi, chúng tôi đành quay về phố, bụng đói sôi ùng ục, không biết phải đi đâu. Sau đó chúng tôi mệt mỏi ngồi bệt xuống góc đường. Ông già mập hỏi tôi: “Cậu biết Đào Hoa Am Chủ là ai không?”
Câu hỏi của ông già mập làm tôi nhớ đến bức tranh thị nữ ở nhà ông già râu dê tối qua. Tôi mù tịt về đồ cổ, càng không hiểu gì về tranh cổ nên lắc đầu.
Ông già mập lẩm nhẩm như đang nói với chính mình: “Đã gọi là Đào Hoa Am Chủ, chắc phải là một ni cô nhưng ngày xưa ni cô nào vẽ được tranh nhỉ? Không hề có”
Thì ra dọc đường đi ông già mập vẫn cứ nghĩ đến bức tranh cổ cất dưới đáy rương của ông già râu dê.
Sau giờ ăn trưa, binh lính bắt đầu rút đi. Người trên phố đông dần lên. Hàng quán cũng lần lượt mở cửa. Tôi dẫn ông già mập đi được mấy bước thì bắt gặp Thuận Oa đang đi từ hướng đối diện.
Thuận Oa hỏi: “Mày đi đâu đây?”
Tôi nói: “Em đến cửa hàng tranh thư họa tìm anh”
Mặt Thuận Oa sầm lại. Anh ấy trợn mắt nhìn tôi hỏi: “Ai bảo mày đến cửa hàng? Ai cho phép đến cửa hàng?”. Sau đó đánh mắt qua phía ông già mập dò xét. Ông ấy đang đứng trước một tiệm tạp hóa, tay cầm cái vá vớt canh, miệng trò chuyện với chủ tiệm.
Tôi hiểu rồi, anh ấy sợ tôi đưa ông già mập đến cửa hàng tranh thư họa. Cửa hàng tranh có thể là cứ điểm hoạt động của bọn họ nên họ không muốn người lạ đến đó.
Khi binh lính rời đi, xe ngựa của quán trọ cũng bị trưng dụng. Ông già mập vẫn không thể lên tỉnh. Thuận Oa hỏi tôi tình hình hai ngày qua. Tôi liền kể sơ qua một lượt. Sau đó Thuận Oa dẫn chúng tôi đi ăn.
Có một quầy hàng nhỏ bán bánh bao chiên nằm kế bên cửa Bắc. Sau khi bính lính rời đi, quầy bánh bao cũng được mở bán. Chúng tôi ngồi ăn ở đó.
Cả quầy hàng chỉ có ba người khách chúng tôi. Thuận Oa nhìn quanh rồi hỏi ông già mập: “Ông chuẩn bị đi đâu thế?”
Ông già mập hào hứng kể lại kỳ ngộ của mình dọc đường đi. Nghe xong Thuận Oa nói với ông già mập: “Đây chỉ là một trò lừa đảo được dàn dựng công phu. Ông không nhìn ra sao?”
Ông già mập nghểnh cổ nói: “Lừa đảo? Sao mà là lừa đảo được? Nếu là lừa đảo thì tôi đã nhìn ra từ lâu rồi. Tôi cũng là người lăn lộn giang hồ nhiều năm”
Thuận Oa cười nói: “Vị lão giang hồ này. Lần này thì ông nhìn lầm mất rồi. Để tôi nói ông hay. Cái ông già mặc áo vải thô ấy là một tên bịp rất nổi tiếng thời nay đó. Ông ta có ngoại hiệu là Thấu Cốt Lương, ý là những người từng bị ông ta lừa gạt khi nhắc đến tên ông ta đều thấy lạnh thấu xương. Nói vậy để ông biết lòng dạ và thủ đoạn của ông ta đen tối đến mức nào.
Ông già mập nói: “Không thể nào. Trên đời làm gì có chuyện trùng hợp như thế? Tôi tới Chu Gia Khẩu thì vừa hay gặp phải bọn đào trộm mộ. Tôi đang thương lượng với lão già mặc đồ vải thô thì vừa hay có người đến làng mua đồ cổ…”
Thuận Oa ngắt lời ông ấy: “Nếu chưa tin tôi sẽ dẫn ông đến một nơi”
Ông già mập hỏi: "Nơi nào?"
Thuận Oa: “Tôi không dám hứa tối nay ông có thể nhìn thấy nhưng tôi đảm bảo trong vòng ba ngày là có thể nhìn thấy”
Ông già mập vẫn chưa hiểu, hỏi: “Thấy gì vậy?”
Thuận Oa nói: “Ông có thể đợi ở đây ba ngày không?”
Ông già mập nói: “Xe ngựa của quán trọ bị trưng dụng hết rồi. Tôi không muốn cũng phải đợi thôi”
Ăn xong bánh bao chiên, ông già mập lại hỏi Thuận Oa: “Cậu có biết Đào Hoa Am Chủ là ai không?”
Thuận Oa cúi đầu trầm tư rồi nói: “Hình như có biết. Là một họa sĩ cực kỳ nổi tiếng. Ông hỏi có gì không?”
Ông già mập nói: “Tôi nhìn thấy một bức tranh, phần lạc khoản đề tên Đào Hoa Am Chủ. Tôi không biết đó là ai nên mới hỏi thử”
Thuận Oa nói: “Thế này đi, để tôi dẫn ông đi tìm vài người hỏi xem”
Hôm đó, Thuận Oa đã đưa ông già mập tới gặp ba người. Hai người là họa sĩ già để râu dài, một người là hòa thượng ở chùa. Họ đều nói Đào Hoa Am Chủ chính là Đường Bá Hổ.
Mỗi lần nghe đến cái tên Đường Bá Hổ thì lông mày ông già mập lại giật giật.
Ông già mập hỏi hòa thượng: “Vì sao Đường Bá Hổ lấy tên này?”
Hòa thượng nói: “Những năm cuối đời, Đường Bá Hổ sống ẩn dật trong núi rừng, dốc hết tâm sức vào việc vẽ tranh. Ông ấy dựng một ngôi nhà cỏ, chung quanh trồng rất nhiều cây đào. Mùa xuân hoa đào nở rộ, ong bướm bay lượn rập rờn, vô cùng đẹp mắt. Đường Bá Hổ liền lấy tên hiệu là Đào Hoa Am Chủ. Tên hiệu này rất ít người biết, trong khi tên hiệu khác của ông như Lục Như Cư Sĩ hay Lỗ Quốc Đường Sinh thì nhiều người biết đến hơn.
Ông già mập vẫn thường nghĩ đến bức tranh thị nữ của ông già râu dê. Bây giờ ông đã xác định được nó chính là tác phẩm gốc của Đường Bá Hổ.
Lần này đến huyện thành, ông già mập đã quyết chí mua bằng được đồ cổ. Nếu không mua được đồ bồi táng của Chử Toại Lương ở chỗ ông già mặc đồ vải thô thì cũng phải mua được bức tranh thị nữ ở chỗ ông già râu dê. Xem ra ông già này có rất nhiều tiền ở Bắc Kinh, nếu không thì đâu có cao ngạo như vậy.
Sẩm tối, Thuận Oa dẫn chúng tôi ra ngoài cửa Bắc. Ông già mập nói: “Đi đâu thế?”
Thuận Oa nói: “Ông cứ đi theo tôi. Đến nơi là hiểu ngay”
Ra khỏi cửa Bắc, chúng tôi rẽ trái, rồi lại rẽ trái. Ông già mập nhìn đông ngó tây rồi nói: “Đây chẳng phải nơi lần trước tôi đã từng đến hay sao?”
Thuận Oa nói: “Đúng thế. Chính là đang tới cái mả đó. Ông thấy rồi sẽ hiểu ngay thôi”