Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 1905 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 52
Cạm bẫy trùng trùng

Tôi mừng rỡ theo chân Băng Lưu Tử đi ra hậu viện, rồi đến cuối góc tường. Ở đây có bậc thang kéo dài xuống dưới đất. Bước xuống bậc thang này chừng mười mấy mét là lạc vào một thế giới khác.
Bốn phía của tầng hầm được thắp sáng bởi những ngọn đèn dầu. Chính giữa tầng hầm đặt một cái nồi lớn đựng đầy nước. Dưới nồi là một đống củi đang cháy. Nước trong nồi bốc khói nghi ngút. Có ba thanh tre kẹp vào cạnh nồi, trên ba thanh tre phủ một tờ giấy.
Tôi chỉ tay vào cái nồi hỏi Băng Lưu Tử: “Sao lại đun nước ở đây? Đun nhiều nước thế để làm gì?”
Băng Lưu Tử nói: “Không phải nước thường đâu là nước trà đó”
Tôi lại hỏi: “Đun nhiều nước trà thế để làm gì?”
Băng Lưu Tử nói: “Nước trà sẽ xông lên bề mặt tranh thư họa, tranh thư họa sẽ chuyển thành màu vàng”
Tôi nói: “A, thì ra là tranh thư họa, em cứ tưởng là giấy”
Băng Lưu Tử nói: “Dùng nước trà xông từ phía dưới sẽ làm giòn giấy ngay cả dấu mực cũng cũ đi”
Tôi hỏi: “Phải xông mất bao lâu?”
Băng Lưu Tử nói: “Tính theo thời gian. Thông thường xông một ngày sẽ tương đương với mười năm cho đến hai mươi năm. Nếu muốn được như chữ của Vương Hy Chi đời Đông Tấn thì phải mất hai đến ba tháng”
Tôi hỏi: “Vương Hi Chi là ai”
Băng Lưu Tử lật chồng tranh thư pháp cũ kỹ nơi góc tường, lấy ra một tờ đưa tôi xem: “Đây chính là chữ của Vương Hi Chi. Nếu là hàng thật, ít nhất cũng bằng một xe tiền Đại Dương đấy”
Một xe tiền Đại Dương, vậy là nhiều tiền lắm. Tôi xuýt xoa khen ngợi chữ của Vương Hi Chi nhưng tôi lại phát hiện chữ ông ta không đẹp chút nào, nguệch ngòa nguệch ngoạc, chẳng biết viết cái gì. Tôi nghĩ, chẳng phải chỉ có mấy cái chữ thôi sao? Ai viết mà chẳng được? Dựa vào đâu mà ông được gọi là Vương Hi Chi. Chữ viết bằng bút lông lại đáng tiền như thế. Tôi tên là Vương Ngai Cẩu. Sao chữ tôi viết chả ai ngó đến? Mấy cái chữ tôi không đọc được này, ăn chẳng được, uống cũng chẳng được. Có cho tôi, tôi cũng chả thèm. Lại còn bán nhiều tiền thế. Bịp người à!
Tôi không thích thư pháp của Vương Hi Chi nên chuyển qua xem tranh. Tôi nhận ra bức trạnh này. Nó giống như bức tranh hoa điểu do Bát Đại Tiên Nhân vẽ. Mới nhìn tôi đã thích rồi.
Có mấy bức tranh vẽ ngựa. Những con ngựa đó béo khỏe mạnh mẽ. Có con đang ăn cỏ, có con đang chạy nhảy, có con đang chơi đùa. Những con ngựa này vẽ rất đẹp. Chí ít tôi còn nhìn ra con ngựa, hơn nữa còn vẽ rất giống. So với cái ông Vương Hi Chi kia thì hơn nhiều lắm. Vương Hi Chi á, đơn giản chỉ là tên gạt tiền. Chữ thì xấu hoắc nhưng lại đòi rất nhiều tiền. Thực ra mấy người bán chữ thư pháp đều là kẻ lừa đảo. Chữ là cho người ta đọc. Các người cố ý giả thần giả quỷ, viết thành lằng ngoằng, xiên xẹo để người ta không hiểu, không đọc được, rồi nói là nghệ thuật này nọ. Cơm là cho người ăn. Các người cố ý nấu thành dở tệ. Khi người ta đưa ra nhận xét thì các người lại gật gù đắc ý cho nó là nghệ thuật. Ta khinh!
Tôi rất thích những con ngựa này bèn hỏi Băng Lưu Tử: “Ai vẽ thế”
Băng Lưu Tử nói: “Hàn Can thời nhà Đường”
Tôi hỏi: “Bức này bán giá nhiêu?”
Băng Lưu Tử nói: “Nếu là hàng thật thì bằng một xe tiền Đại Dương”
Tôi mà có mấy xe tiền thì sẽ mua hết tranh Hàn Can. Còn thư pháp của Vương Hi Chi một bức tôi cũng chả thèm, để chùi đít sợ là còn quá cứng ấy.
Băng Lưu Tử ôm đống thư pháp của Vương Hi Chi còn tôi ôm tranh của Hàn Can bước ra khỏi tầng hầm. Tôi tưởng những bức tranh thư pháp này sẽ được bày bán ở  cửa hàng nhưng Băng Lưu Tử nói: “Vẫn chưa xong”
Tôi hỏi: “Còn cần gì nữa?”
Băng Lưu Tử nói: “Còn phải cho côn trùng cắn nữa”
Tôi nói: “Côn trùng cắn rồi, ai còn muốn mua nữa”
Băng Lưu Tử nói: “Mấy thư này càng cũ, càng rách nát, càng đáng tiền. Nếu bị côn trùng gặm, Vạn Tự sẽ càng tin nó là thứ giá trị”
Băng Lưu Tử lấy một bức thư pháp Vương Hi Chi, nhỏ vài giọt mật ong vào góc bức tranh, rồi đặt xuống sân. Chẳng bao lâu sau, mấy con kiến đã hăm hở kéo đến. Chúng nó bò lên chỗ có mật ong gặm lấy gặm để. Chúng nó khoan khoái lúc lắc cái đầu, xúc giác cũng run rẩy theo. 
Chỉ trong thời gian uống hết chén trà, trên góc bức thư pháp của Vương Hi Chi đã xuất hiện vài cái lỗ nhỏ, giống như vết côn trùng gặm.
Dù đã xông qua nước trà và cho kiến gặm nhưng thế vẫn chưa đủ. Băng Lưu Tử gỡ mấy sợi tơ nhện ở góc tường, quấn quanh bức thư pháp rồi mới cuộn lại.
Bây giờ thì một bức thư pháp giá trị liên thành của Vương Hi Chi đã được hoàn thành.
Tôi hỏi: “Bức này có thể bán được nhiêu tiền?”
Băng Lưu Tử nói: “Không dưới một trăm đồng Đại Dương”
Một trăm đồng Đại Dương? Mấy chục bức thư pháp Vương Hi Chi mà Băng Lưu Tử vừa mang về lại bán được nhiều tiền thế ư!
Hôm đó, tôi thấy bên trong cửa hàng tranh thư họa có một ông già với khuôn mặt nhăn nheo, nước da thô ráp, giống như một người nông dân đã vất vả cả đời. Ông ta rất kiệm lời nhưng Sở Nhuận Hiên rất kính trọng ông ấy. Tôi hỏi Băng Lưu Tử đó là ai. Băng Lưu Tử cho biết người đàn ông này cứ cách vài ngày lại đến đây nhưng hầu như không nói gì. Anh ta cũng không biết đó là ai.
Mấy bữa sau, Thuận Oa lại dẫn hai người đến và bảo tôi đưa họ tới một nơi có tên là Chu Gia Khẩu. Lần này là hai ông già, tóc họ đã bạc trắng nhưng tinh thần rất sung mãn. Một người hơi mập, một người hơi ốm.
Tôi nói nhỏ với Thuận Oa: “Em không biết Chu Gia Khẩu”
Thuận Oa nói: “Hai lão này muốn đi Chu Gia Khẩu mua đồ cổ. Tao nói mình bận rồi để mày dẫn đi. Ra ngoài cửa Bắc rồi đi thẳng, khi nào đến một cái ngã ba thì rẽ trái. Cứ rẽ trái vài lần là đến Chu Gia Khẩu”
Tôi hỏi: “Thế tổng cộng rẽ trái mấy lần?”
Thuận Oa nói: “Mày cứ rẽ trái cho tao. Sẽ có người tiếp ứng cho mày”
Tôi nghĩ thầm tại sao Thuận Oa muốn tôi dẫn đường. Có lẽ là khi tôi đi cùng Vạn Tự, họ sẽ không đề phòng trẻ em.
Tôi dẫn họ ra phía ngoài cửa Bắc, rẽ trái hai lần, càng đi đường càng hẹp. Tôi đang lo không biết phía trước có đi được nữa không thì đột nhiên nhìn thấy trong ánh chiều chập choạng có người đang lén lút đào trộm mộ. Thấy có người đào trộm mộ, mắt hai ông già cũng sáng lên.
Tôi thì lại rất sợ, liền trốn vào trong bụi cây. Hai ông già định đi qua xem. Tôi nói: “Khoan đã, đợi chúng nó đi rồi hãy qua. Nghe nói đám trộm mộ này rất độc ác, thấy người là giết”
Ông già mập cười chế giễu: “Không phải chúng nó muốn kiếm thêm vài đồng sao? Mình đem tiền đến cho thì chúng nó giết mình làm gì?”
Tôi nói: “Bọn trộm mộ không muốn ai bắt gặp. Nếu chúng nó phát hiện ra thì chúng ta sống nổi không?”
Ông già mập nói với giọng lõi đời: “Ta tiếp xúc với bọn trộm mộ đâu phải một hai lần. Bọn chúng chỉ là nông dân địa phương, không đáng sợ như mày nghĩ”
Ông già ốm cũng đế theo: “Người bọn ta muốn tìm nhất chính là đám trộm mộ. Thứ chúng nó đào được tuyệt đối là hàng thật. Nếu để chúng nó bán mất, qua tay vài lần rồi không những giá cao thêm mà còn dễ gặp phải hàng giả”
Ông già mập nói: “Đây chính là cơ hội hiếm có”
Hai ông già bỏ qua lời khuyên của tôi và bước ra khỏi bụi cây. Tôi không biết làm sao, đành run rẩy theo sau họ. Tôi dè dặt nói: “Lỡ xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn, đừng có trách tôi đấy” 
Ông già mập nói: “Sao có chuyện gì được? Đây là cơ hội ngàn năm có một của bọn ta. Tí nữa cho mày thêm ít tiền”
Chúng tôi bước vào giữa đám trộm mộ. Bọn chúng hoảng cả lên, vội lấy  một cái khăn trải giường bằng vải hoa gói số đồ cổ còn dính đất ẩm mới đào được, rồi chuẩn bị bỏ chạy.
Ông già mập kêu lớn: “Đừng chạy, đừng chạy. Bọn ta là người mua hàng” 
Đám trộm mộ đã chạy được mười mấy mét rồi. Có tên còn tiếp tục chạy, có tên thì đứng lại nhìn với ánh mắt nghi hoặc. Đám chạy phía trước thấy đồng bọn phía sau dừng lại thì cũng không chạy nữa.
Chúng tôi đến bên ngôi mộ vừa mới được đào lên. Bên cạnh ngôi mộ là một cây bách nghiêng nghiêng ngả ngả với phần thân cong queo như cái bánh quẩy. Theo phong tục phương Bắc, sau khi chôn cất người chết nhất định phải trồng  một cây bách bên cạnh mộ. Cây bách này già như thế chứng tỏ ngôi mộ này đã có từ rất lâu rồi.
Chúng tôi thấy ngôi mộ đã bị xới tung, đất sét, cỏ dại, dấu chân lẫn lộn với nhau. Phía trên ngôi mộ có một cái hố sâu, đứng bên trên không thể nhìn thấy phần đáy nhưng có thể thấy là nó rất sâu. Bên cạnh miệng hố còn có một ít vải vụn quần áo, đó là loại vải tơ tằm đã rất xưa cũ rồi.
Cây bách bên cạnh mộ người quá cố và những mảnh quần áo tơ tằm trên thi thể cho thấy ngôi mộ này không chỉ là mộ cổ mà còn là mộ của một gia đình giàu có.
Người giàu mới có đồ bồi táng, còn người nghèo khi chết đi chỉ biết cuộn vào chiếu đem chôn.
Những vết tích trên chứng minh ngôi mộ này không chỉ có hàng mà  là loại hàng hóa rất có giá trị.

(Tổng: 1905 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận