Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 3004 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
 THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ

Chương 4

Gánh xiếc đến rồi

Tối hôm đó, tất cả mọi người đều ngủ chung một gian nhà. Bọn chúng trói tôi vào chân bàn. Tôi giả bộ đã ngủ rồi, thế là bọn chúng cũng yên tâm ngủ trên cái phản gỗ.

Đã là nửa đêm rồi. Khả năng là như vậy, bởi tôi thấy mặt trăng đã ngả về tây, ánh trăng xuyên qua cửa sổ chiếu chênh chếch vào trong nhà khiến mọi thứ cứ mờ mờ ảo ảo, mang một vẻ ma mị khó tả. Tôi quyết định bỏ trốn khỏi nơi này. 
Hay tay tôi cựa quậy, định tháo sợi dây đang trói mình nhưng sợi dây thít chặt quá làm cánh tay tôi đau đớn, còn sợi dây buộc vào chân bàn cũng không hề suy chuyển. Sau đó tôi nghĩ ra một cách rất hay, đó là cố gắng gập đầu xuống đưa miệng đến sát sợi dây dưới nách, rồi dùng răng cắn đứt sợi dây. 
Vì dây thít rất chặt nên rất cứng. Tôi phải cắn rất lâu mới đứt được một sợi. Mắt tôi như hoa lên, cổ mỏi nhừ muốn gãy rời. Một sợi dây bị đứt, các sợi khác cũng bung ra và rơi trên mặt đất.
Tôi khẽ bò dậy, rút then cửa rồi bò tiếp ra khỏi phòng. Bọn chúng vẫn chưa biết gì. Xa xa truyền đến tiếng sói hú, tim tôi đập thình thịch. Sau đó tôi nghĩ thà để sói ăn thịt còn hơn bị bán đi, thế là tôi mạnh dạn bước về phía cổng hậu.
Có một cái xẻng để dựa vào đằng sau cánh cổng. Tôi cầm lấy cái xẻng, chuẩn bị lát nữa trốn đi sẽ mang theo người. Nếu gặp phải sói, có cái xẻng này cũng thấy vững dạ hơn.
Cánh cổng có hai cái then cài. Tôi rút hai cái then này ra, rồi mở cửa. Đột nhiên, cái chuông đồng treo trên cổng kêu lên những tiếng chói tai. Giữa đêm khuya, tiếng chuông vang vọng dị thường. Trong nhà truyền ra tiếng quát hỏi của một người đàn ông: “Ai, làm gì đó?” 
Tôi không dám trả lời, vác xẻng chạy thật nhanh.
Tôi mới chạy được mấy chục mét đã bị người phía sau đuổi kịp. Bọn chúng xách tôi lên rồi quẳng vào trong sân. Tôi biết một trận đòn đau đang chờ đón mình.
Tôi từ một cậu ấm con nhà hào phú mà nay đã biến thành một con cừu non, để cho người ta mặc sức chà đạp. 
Tôi sợ hãi, nằm bẹp trên mặt đất không dám cựa quậy. Cả người run cầm cập. Ai đó đá vào lưng tôi, gằn giọng: “Này thì chạy, này thì chạy này. Giờ sao không chạy nữa đi?” Tiếp theo là rất nhiều bàn chân giẫm đạp lên người, làm tôi đau muốn ngất đi.
Sau đó tôi nghe một người nói: “Đừng đánh nữa. Đánh hỏng người rồi không bán được đâu”
Tôi chưa bị ai đánh bao giờ. Vương Tế Quỷ keo kiệt, bủn xỉn là thế nhưng đối xử với mọi người cũng không đến nỗi nào, ông ấy cũng không nỡ đánh tôi. Còn những người trong nhà đều gọi tôi một tiếng tiểu thiếu gia kia thì càng không đánh tôi. Thế mà từ khi bị đám buôn người bắt cóc đến nay, tôi đã bị đánh mấy lần. Mắt tôi rưng rưng nhưng không dám khóc thành tiếng. Tôi sợ lại chọc giận bọn chúng nữa.
Ba ngày sau, bọn chúng đưa tôi đến một ngôi làng có tên là Lưu Gia Trang. Ngôi làng này nằm dưới một thung lũng, bốn bề là núi cao. Tôi không biết mình được bán với giá bao nhiêu, chỉ biết người mua mình là một cặp vợ chồng trung niên. Người đàn ông tên là Lưu Căn Hòa, người đàn bà tên là Lôi Thải Phượng. Bọn họ đã sống nửa đời người mà vẫn chưa có con.
Lưu Căn Hòa rất sợ vợ, sợ đến mức ở nhà đánh một phát rắm cũng không dám. Một đêm nọ, không biết giữa hai người xảy chuyện gì mà Lôi Thải Phượng nổi cơn tam bành đá Lưu Căn Hòa văng từ trên giường xuống đất. Lưu Căn Hòa cứ im thin thít không dám nói gì, ngồi thu lu dưới giường suốt cả đêm. 
Mỗi lần nói chuyện với Lôi Thải Phượng, Lưu Căn Hòa đều cúi đầu nói lí nhí. Hễ thấy sắc mặt của vợ hơi khang khác là không dám nói nữa. Ngược lại, Lôi Thải Phượng nói chuyện với Lưu Căn Hòa đều trợn mắt cau mày, miệng không ngớt chì chiết. Nghe nói Lôi Thải Phượng là người đàn bà đáo để nhất làng. Có một lần bà ta cãi nhau với một người đàn ông trong làng, bà ta xông tới bóp chặt hạ bộ của người kia cho đến khi ông ta ngất xỉu.
Tôi lọt vào cái gia đình này chắc chắn sẽ không có kết cục tốt đẹp.
Nông làng có một tục lệ. Nếu nhà ai hiếm muộn thì tìm nuôi một đứa bé, làm vậy sang năm có thể có con. Tôi chính là một đứa con nuôi. 
Tôi ở gia đình này một năm thì quả nhiên Lôi Thải Phượng cấn bầu. Trước đó bà ta đối xử với tôi rất tốt, có thai rồi là trở mặt liền. Giữa mùa đông lạnh giá, bà ta bắt tôi đi lấy củi. Đôi giày của tôi đã rách bươm, ông cụ hàng xóm thấy tội nghiệp mới cho tôi đôi giày bông còn thừa của đứa cháu. Tôi đi đôi giày đã lòi cả ngón chân ra này giữa trời mưa tuyết, cả người lạnh buốt như kim châm. Mùa đông ở làng quê là mùa nghỉ ngơi. Người trong làng thấy tôi như vậy đều nói: “Thải Phượng là đồ ăn thịt trẻ con, thời tiết thế này còn bắt con cái ra ngoài kiếm củi”.
Hai bàn chân của tôi đã tê cứng, nứt nẻ. Khi về đến nhà, tôi thấy Lôi Thải Phượng đang ngồi trong tấm chăn bông ấm áp. Tôi không dám than thở, chỉ đành tập tễnh đi làm việc nhà.
Sau khi sinh con, Lôi Thải Phượng đối xử với tôi càng tệ hơn. Hơi tí là động tay động chân với tôi. Chỉ cần bà ta không vui là trút hết tức giận lên người tôi. Có một lần, bà ta lấy cái xẻng đập vào đùi tôi làm máu chảy ròng ròng. Lưu Căn Hòa bốc một nắm đất cầm máu cho tôi. Hàng xóm thấy chướng mắt mới chạy đến nói: “Thải Phượng, bà đừng đánh thằng bé như thế. Đó cũng là một mạng người đấy”
Lôi Thải Phượng liền chửi người hàng xóm: “Liên quan gì đến mày. Con bà bà dạy. Có phải con mày đâu”
Vết sẹo do Lôi Thải Phương dùng xẻng đánh đến giờ vẫn còn trên đùi tôi.
Lúc đó, tôi còn chưa nghĩ đến việc bỏ trốn. Lưu Gia Trang không phải nơi tốt đẹp nhưng đây là chỗ tôi đã dừng chân. Nếu bỏ trốn tôi cũng không biết trốn đi đâu. Vương Tế Quỷ ba tôi đã làm tôi quá thất vọng, tôi không muốn gặp lại ông ấy. Hơn nữa, tôi muốn về nhà cũng không biết nhà mình ở đâu.
Năm tôi trốn khỏi Lưu Gia Trang là năm tôi tròn mười tuổi. Năm đó có một gánh xiếc đến biểu diễn ở làng
Gánh xiếc vừa đến làng, tiếng chiêng tiếng trống đã vang lên rộn rã. Ngày thường hiếm khi có người ngoài đến làng, vì vậy mà tiếng chiêng trống đã thu hút tất cả mọi người. Gánh xiếc bắc sân khấu ở sân phơi lúa. Hai cây cọc gỗ được dựng thẳng đứng, hai đầu được nối với nhau bằng một sợi dây thừng. Một con khỉ thoăn thoắt leo lên cây cọc gỗ, đu đưa trên sợi dây. Đám con nít ngồi dưới nhìn thấy con khỉ, vỗ tay cười ré lên.
Tôi cũng đến sân phơi lúa, định qua bên cây cọc nhìn ngó xem sao nhưng bị Lôi Thải Phượng đá cho một cái. Bà ta nói: “Xem cái gì mà xem? Về nhà giặt quần áo cho tao”.
Tôi không dám cãi lời, đành quay về nhà bỏ bộ quần áo vừa hôi vừa bẩn của bà ta vào chậu gỗ, rồi mang ra con sông nhỏ ngoài làng. Bên bờ sông có một cây bồ kết. Mỗi lần giặt quần áo, người trong làng đều hái trái bồ kết trên cây bỏ vào quần áo đã ngâm trong nước, dùng chày gỗ đập dập. Nhựa tiết ra từ trái bồ kết sẽ làm sạch quần áo. Thời đó chưa có xà phòng, bồ kết cũng có tác dụng giống như xà phòng.   
Con sông không xa sân phơi lúa. Tôi có thể nghe thấy tiếng chiêng trống, còn có tiếng cười nói của đám con nít. Tôi chưa từng xem xiếc nhưng nghe những âm thanh phấn khích đó, tôi nghĩ chắc là xiếc phải vui lắm.
Giặt xong quần áo, tôi bê cái chậu gỗ nặng nề về làng. Trong làng chẳng còn một ai, người ta ra sân phơi lúa xem xiếc hết rồi. Nhà nào cũng có một cái khóa bằng đồng trước cửa. Khi đi ngang qua nhà họ Lưu, tôi bỗng thấy một người nhảy từ cây ngô đồng trong sân nhà này lên trên đầu tường. Tôi biết là gặp phải trộm rồi. Tôi không dám hô hoán, vội vàng nấp vào một cái nhà tiêu lộ thiên bên đường.
Nhà tiêu của các hộ trong làng đều nằm bên ngoài nhà. Vách tường nhà tiêu được xây bằng gạch đất, giữa các hàng gạch có những khe nhỏ. Tôi nhìn qua khe thấy tên trộm đi men theo bức tường nhà ông Lưu đến cây hòe trước cổng thì tụt xuống dưới.
Đợi cho tên trộm đi thật xa tôi mới dám ra khỏi nhà tiêu. Tên trộm này rất thông minh, hắn biết gia đình ông Lưu rất giàu có. Nhà ông ấy giàu nhất làng này. Cả làng chỉ có hai con la thì đều của nhà ông ấy. Tên trộm này cũng rất biết chọn thời điểm. Nhân lúc cả làng đi xem xiếc, trong nhà vắng người nên hắn cứ thoải mái mà trộm cắp.
Tôi về đến nhà, phơi quần áo ướt lên cây sào sau đó cũng ra sân phơi lúa để xem xiếc. Nhưng tôi vừa đến nơi đã bị Lôi Thải Phượng trông thấy. Bà ta ẵm con chạy đến trước mặt tôi, nói: “Thằng ranh này mà xem xiếc gì chứ, mày xem có hiểu không? Mau đi kiếm rau cho heo ăn, không lấy đủ một sọt thì đừng vác mặt về nhà”
Nhà chúng tôi có nuôi một con heo mọi, nó cũng được vài tháng tuổi rồi. Hàng ngày tôi đều đi kiếm rau về cho nó ăn. Bình thường tôi hay đi chung với đám bạn trong làng nhưng hôm nay có gánh xiếc đến biểu diễn nên chúng nó đều đi xem xiếc hết, còn Lôi Thải Phượng lại bắt tôi đi kiếm rau.
Tôi không dám cãi lại, chỉ đành quay về nhà cầm theo liềm và sọt đựng phân đi lấy rau. Lúc gần ra đến cổng, tôi nhổ một bãi đàm vào chỗ quần áo mới giặt của Lôi Thải Phượng.
Nơi chúng tôi thường đến lấy rau cho heo được gọi là tổ quạ. Đó là một cái gò, bởi nơi đó có nhiều quạ đen nên mới có cái tên này.
Ở đây có rất nhiều cỏ, cắt bao nhiêu cũng không hết nên hôm nay tôi mới đến đây.
Đứng ở gò tổ quạ có thể trông thấy làng và sân phơi lúa ở phía xa. Tôi thấy tiết mục xiếc trên sân phơi lúa đã kết thúc, mọi người đang lục tục trở về nhà. Người của gánh xiếc cũng đã chuyển đồ lên hai cỗ xe ngựa, sau đó đánh xe rời đi.
Làng của chúng tôi chỉ có một con đường dẫn ra ngoài núi. Con đường đó rất hẹp, chỉ đủ cho một cỗ xe ngựa di chuyển. Tôi thấy xe ngựa của gánh xiếc mỗi lúc một xa tầm mắt. Bỗng dưng, tôi nảy ra ý nghĩ trốn theo gánh xiếc.    
Tôi ném sọt đựng phân xuống hố, tay cầm liềm, chạy xuống dưới gò, đuổi theo hướng con đường dẫn ra ngoài núi.
Xe ngựa của gánh xiếc chạy rất nhanh. Xe chạy trên đường quê nhỏ hẹp giống như một con thuyền lướt trên những ngọn sóng trong vắt. Tôi trông thấy rõ ràng bọn họ ở đàng trước nhưng đuổi được một đoạn thì bị họ bỏ lại rất xa. Tôi chạy muốn hụt cả hơi, nhiều lần nhen nhóm ý định quay trở lại. Nhưng tôi đã quẳng cái sọt đựng phân xuống hố rồi, nếu mà về tay không, Lôi Thải Phượng sẽ đánh gãy chân mất.
Hết đường lui rồi, chỉ đành đuổi theo thôi.
Xe ngựa chạy vào con đèo thì cũng chậm dần lại. Khi tôi đuổi đến chân núi thì họ đến lưng núi, khi tôi đuổi đến lưng núi thì họ đã đến đỉnh núi. Khi tôi lên đến đỉnh núi thì họ đã xuống chân núi. Cứ đuổi thế này, tôi không thể nào bắt kịp họ.
Tôi mới nghĩ ra một cách, đó là đi lối tắt.
Tôi không đi lên núi nữa mà đi men theo chân núi. Dưới này không có đường, tôi chạy len lỏi qua những lùm cây, cứ chạy mãi chạy mãi thì đụng phải bụi mận gai không cách nào vượt qua được. Cũng may tôi còn có cây liềm nên mở một con đường nhỏ. Tôi cầm theo liềm là để phòng bầy sói, chẳng ngờ lại có chỗ dùng đến.
Chung quanh chân núi có rất nhiều khe rãnh, không rộng nhưng rất sâu. Ném một hòn đá xuống dưới, hồi lâu sau mới nghe thấy âm thanh vọng lại. Có thể đây là những vách núi do trận động đất nào đó tạo ra. Tôi lùi về sau vài bước, rồi lấy hết sức nhảy qua, mấy lần suýt nữa thì rơi xuống dưới. Quay đầu nhìn lại vách đá sâu hun hút mà toát mồ hôi lạnh.
Dưới chân núi còn có một con sông. Nước sông chảy từ trên đỉnh núi xuống, rất trong và cũng rất lạnh. Tôi vừa bước xuống, cảm giác bắp chân co rút lại. Con sông này làm tôi mất rất nhiều thời gian để vượt qua. Do nước chảy khá xiết, tôi bị té ngã đến mấy lần. May còn có những nhánh cây mọc chìa ra bờ sông để bám vào nên mới không bị nước cuốn xuống dưới thác.
Cuối cùng tôi cũng đến được phía bên kia ngọn núi và đứng trên con đường đèo. Đột nhiên tôi trông thấy xe ngựa đang lao tới. Tôi dang tay ra, hét về phía cỗ xe để họ dừng lại. Tôi thấy một người thò đầu ra ngoài thùng xe nhưng thay vì dừng lại, người đánh xe lại quất roi cho ngựa chạy nhanh hơn.
Quái lạ thật. Xe ngựa đã nhìn thấy tôi nhưng tại sao không dừng lại mà còn chạy nhanh hơn?
Đường xuống núi vẫn là con đường đèo quanh co. Con đường bên này còn dài hơn bên kia rất nhiều. Tôi lại chạy dọc theo chân núi, cuối cùng chạy đến con đường nhỏ và chặn ngay trước đầu xe.
Xe ngựa chạy đến gần rồi dừng lại, hai người bước xuống xe. Tay họ cầm vật gì đó giống như cây gậy gỗ, tức giận xăm xăm đi về phía tôi. Tôi thấp thỏm lo sợ, không hiểu một đứa trẻ chặn xe thì có gì khiến họ phải giận dữ đến vậy?
Một người chỉ gậy vào mặt tôi, hỏi: “Mày làm gì thế hả? Sao lại chặn đường?”
Người còn lại thì quan sát hai bên. 
Khi đuổi theo họ, tôi chẳng thấy sợ chút nào nhưng bây giờ nhìn bộ dáng của họ thế này thì tôi sợ lắm. Tôi đâu có làm gì họ mà họ lại tỏ ra hung dữ như thế?
Tôi nói với giọng van lơn: “Cho con đi theo với, con làm gì cũng được” 
Người vừa hỏi tôi dùng gậy nâng cằm tôi lên và hỏi: “Chúng mày có bao nhiêu người?”
Người còn lại vẫn tiếp tục nhìn ngó chung quanh tôi. Bọn họ cứ như đang chuẩn bị đối đầu với đại địch vậy.
Tôi nói: “Chỉ có mỗi mình con thôi”
Người cầm gậy nói: “Mày dám nói láo, ông sẽ bẻ cổ mày trước”. Người còn lại nói: “Không thấy ai nữa, chỉ có mỗi mình nó”
Người cầm gậy liền đổi sắc mặt, hỏi với giọng hòa hoãn hơn: “Sao mày muốn đi cùng bọn tao”
Tôi nói: “Con mà không trốn đi, cha mẹ nuôi sẽ đánh chết”
Người cầm gậy bật cười, bọn họ bỏ mặc tôi . Hai người ngồi trên càng xe, mỗi bên một người. Người im lặng từ đầu đến cuối trong tay đã có thêm một ngọn roi. Vút một tiếng, xe ngựa lại bắt đầu chạy.
Tôi đứng giữa sắc trời mỗi lúc một tối dõi mắt nhìn theo cỗ xe ngựa đang dần dần rời xa mình, trong lòng vô cùng hoang mang, không biết phải làm gì. Sau đó nghĩ đã đến bước này rồi thì dù có là khe sâu hay vách núi thì cũng phải nhảy qua, thế là chạy theo sau cỗ xe đó.

(Tổng: 3004 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận