Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2302 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 89
Tặc xuất hiện rất nhiều

Gánh xiếc này không có loại dây thừng chuyên dụng, cũng không có cột gỗ chuyên dụng, bởi họ không có tiết mục đi thăng bằng trên dây. Tôi nói: “Dây nào cũng thế thôi, chỉ cần buộc giữa hai thân cây là tui đi được”
Ông chủ hỏi: “Có chắc không?”
Tôi nói: “Tui đi bao nhiêu năm nay rồi. Ông cứ yên một vạn cái tâm đi”
Ông chủ nói: “Chỉ cần cậu dám đi, tui sẽ tăng thêm tiết mục”
Tôi nói: “Được. Tui mà té sẽ đền bù toàn bộ thu nhập hôm nay của ông”
Ông chủ quay mình rời đi. Một lúc sau, ông ấy dẫn theo mấy người từ trong làng ra. Bọn họ mang theo dây thừng dùng để kéo nước giếng. Thời trước, người miền nam dùng nước sông, người miền bắc dùng nước giếng. Ở khu vực Tấn Trung và Tấn Bắc, giếng được đào rất sâu. Người ta vẫn thường nói: “Giếng sâu ba mươi sáu trượng”, dây thừng kéo nước giếng cũng dài tới ba mươi sáu trượng (khoảng 120 m)
Những người đứng xem chung quanh thấy dây kéo nước giếng được mang đến thì xúm cả lại. Bọn họ chia làm hai nhóm, mỗi người góp một tay buộc dây thừng vào hai cái cây ngô đồng già bên cạnh sân phơi lúa. Tôi bước tới dưới gốc cây ngô đồng và thoăn thoắt leo lên cây. Mọi người đứng xem chung quanh đều ồ lên kinh ngạc.
Những người được huấn luyện chuyên nghiệp đều dùng hai chân để leo cây, hai chân đặt đối nhau, hai tay ôm lấy thân cây. Mỗi lần nhảy lên là cao bằng thân người. Những người không được huấn luyện chuyên nghiệp, hai chân sẽ quặp lấy thân cây, di chuyển chậm chạp, tất nhiên sẽ tốn thời gian hơn.
Tôi đứng trên dây, nhìn những chú chim nhỏ đang chao lượn trên cao và rừng đầu người phía dưới, cảm giác siêu phàm thoát tục năm nào lại ùa về.
Tôi đi trên sợi dây, thấy mình như đang bay bổng giữa bầu trời và trên những đám mây. Tôi như một ngọn gió, tự do phiêu du khắp mọi chốn. Tôi là vua của dây thừng. Không gì có thể ngăn cản bước chân của tôi, dây thừng chính là thế giới của tôi.
Tôi dang hai tay như một chú chim sải cánh bay vút lên không trung. Tôi thấy nhiều người bên dưới vỗ tay, miệng há hốc nhưng không nghe thấy giọng nói của họ. Tôi đang đắm chìm trong thế giới của riêng mình.
Tôi trở lại mặt đất, đứng trên sân phơi lúa, như một chú chim nhỏ đậu trên cành cây. Mọi người xúm lại, nhấc bổng tôi lên và tung lên cao. Tôi trông thấy Tỏa Tử cưỡi một con ngựa và dắt theo một con ngựa, mau chóng rời đi.
Cuộc sống trong gánh xiếc mà tôi xa cách từ lâu, nay đã trở lại rồi.
Tôi đã trở thành diễn viên chủ chốt của gánh xiếc. Khi các tiết mục khác kết thúc, thì món ăn chính mới thực sự bắt đầu. Đó chính là tiết mục đi thăng bằng trên dây của tôi. Tiết mục của tôi đã giúp gánh xiếc nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả.
Gánh xiếc này cũng có một cỗ xe lớn, một con ngựa giống như gánh xiếc của Cao Thụ Lâm. Mọi vật dụng đều chất hết lên xe. Điểm khác biệt là gánh xiếc này không có khỉ mà có một con rắn. Con rắn nhỏ dài bảy thốn này có thể chui vào trong miệng và chui ra ngoài qua đường lỗ mũi.
* Bảy thốn: Khoảng 23 phân.
Người nuôi rắn là một thiếu niên chừng mười bảy, mười tám tuổi, tên là Hiểu Kỳ. Trong gánh xiếc chỉ có hai chúng tôi là nhỏ nhất và cũng chỉ có hai tiết mục của chúng tôi là hấp dẫn nhất. Những người còn lại nếu không diễn trò giáo bạc đâm họng thì cũng diễn trò đập đá trên ngực. Ngoài ra còn có một màn ảo thuật gọi là cá vàng ngoan ngoãn.
Nhiều tiết mục trông thì có vẻ nguy hiểm nhưng một khi mánh khóe được tiết lộ thì chả còn gì là nguy hiểm hay kích thích nữa.
Hãy để tôi bắt đầu với trò vờn rắn.
Người huấn luyện thường dùng loại rắn nhỏ vì nó có thể chui qua lỗ mũi và cổ họng. Nhưng rắn nhỏ thường có độc, còn trăn thì không có độc. Rắn săn mồi bằng cách truyền nọc độc vào con mồi, khiến con mồi bất tỉnh, sau đó nuốt chửng. Trăn săn mồi bằng cách siết chặt con mồi làm con mồi ngạt thở rồi mới nuốt vào bụng.
Khi người huấn luyện bắt được con rắn đúng ý mình. Trước tiên phải loại bỏ nọc độc của nó mới có thể biểu diễn được. Mỗi con rắn độc có hai cái răng nanh dài và nhọn. Nọc độc sẽ truyền vào con mồi qua hai cái răng này. Người huấn luyện có một dụng cụ giống như cái kìm nhưng dài và nhỏ hơn. Khi con rắn chuẩn bị cắn, người huấn luyện sẽ dùng dụng cụ đặc chế này kẹp chặt cổ con rắn, làm miệng của nó phải há thật to mà không khép lại được. Sau đó dùng một dụng cụ đặc biệt giống như là cái muỗng để loại bỏ túi nọc nằm phía sau răng nanh. Như vậy, sau này có bị nó cắn cũng không đến nỗi mất mạng.
Những con rắn nhỏ mất túi nọc có thể dùng để biểu diễn. Lỗ mũi của người thông với khoang miệng. Trong lúc ăn cơm, nếu bạn đột ngột hắt hơi, thức ăn có thể trào ra ngoài qua đường mũi. Nhét con rắn nhỏ vào lỗ mũi, nó sẽ bò ra bằng đường miệng.
Tiết mục này trông thì vô cùng nguy hiểm và khó giải thích nhưng biết được đạo lý bên trong rồi thì không còn thấy lạ.
Tất nhiên, để làm một người huấn luyện rắn cũng cần có dũng khí rất lớn.
Bây giờ sẽ nói đến các tiết mục khác của gánh xiếc.
Trước đây tôi từng kể về trò giáo vàng đâm họng, bây giờ sẽ nói về trò đập đá trên ngực.
Đập đá trên ngực trông nguy hiểm thế thôi nhưng thực ra không nguy hiểm chút nào. Đầu tiên, loại đá được dùng là một tấm đá rất lớn, thuôn dài, hai mặt trên dưới đều bằng phẳng. Lúc biểu diễn, một người cởi trần nằm dưới đất, một người đặt tấm đá lên bụng, một người khác sẽ vung búa tạ đập mạnh xuống làm tảng đá nứt toác. Vì tấm đá có hình dạng thuôn dài nên khi búa đập xuống, toàn bộ xung lực bị phân tán hết, tấm đá vỡ thành nhiều mảnh, người nằm bên dưới không có cảm giác gì và cũng không bị thương. Nếu đổi thành tảng đá nhỏ hơn, bạn có dám thử không?”
Tôi và Hiểu Kỳ cùng một lứa tuổi, tự nhiên cũng thân thiết với nhau hơn. Hiểu Kỳ lấy con rắn nhỏ ra cho tôi sờ thử. Tôi sợ quá không dám sờ. Hiểu Kỳ nói: “Nó ngoan lắm. Đã ở với tui vài năm rồi, không cắn người mô”
Tôi hỏi: “Răng nó không cắn?”
Hiểu Kỳ nói: “Rắn cũng như chó ấy. Mình dạy nó quen rồi, nó sẽ không cắn nữa”
Tôi hỏi: “Mấy năm rồi? Phải nuôi mấy năm mới được như vậy?
Hiểu Kỳ nói: “Loại rắn này không lớn. Chỗ tui gọi nó là bà địa trùng, có lớn thêm nữa cũng không quá một xích (khoảng 30 phân)
Tôi nói: “Tui vẫn sợ lắm. Nhìn không đã thấy ghê rồi”
Hiểu Kỳ nói: “Nhà mô cũng có rắn hết, chỉ là bạn không thấy nó thôi. Rắn thích ở những nơi râm mát. Có con núp dưới hốc cây, có con ẩn trên xà nhà. Nó thấy mình nhưng mình không thấy nó”
Tôi hãi quá, mới hỏi: “Thế trong phòng tui có rắn không?”
Hiểu Kỳ nói: “Tất nhiên là có rồi”
Mười ngày sau, chúng tôi tới vùng giáp ranh giữa Tấn Trung và Tấn Bắc. Chúng tôi càng thêm thân thiết hơn. Tôi cũng dám sờ vào con rắn của Hiểu Kỳ. Đến lúc này, tôi mới hỏi nhỏ cậu ta: “Gánh xiếc hồi xưa của tui, đi đến đâu là trộm cắp đến đó. Gánh xiếc này có làm vậy không?”
Hiểu Kỳ nói: “Sao lại không chứ? Không trộm chúng ta sống bằng gì? Chỉ dựa vào diễn xiếc thì kiếm được bao nhiêu tiền?”
Tôi hỏi: “Trộm thế nào?”
Hiểu Kỳ nói: “Thấy gì trộm nấy, kể cả quần áo phơi ngoài sân”
Tôi nghĩ, gánh xiếc nào cũng y như nhau, toàn đi trộm cắp.

Cũng chính vào ngày này, sau khi chúng tôi biểu diễn xong, đột nhiên có một người đàn ông tầm hơn ba mươi tuổi tìm đến gánh xiếc. Ông ấy khen ngợi các tiết mục của chúng tôi và nói với ông chủ gánh xiếc rằng đi khắp Tấn Bắc này cũng không có tiết mục nào hay hơn thế. Ông chủ nghe mà mặt mày rạng rỡ, những người trong gánh xiếc cũng hết sức phấn khởi.
Người này cho hay: “Tấn Bắc có Thường gia đại viện. Thường lão thái gia ở đó sắp tổ chức lễ mừng đại thọ bảy mươi tuổi liên tục hơn bảy ngày. Nếu các ông có thể đến đó biểu diễn, nhất định sẽ nhận được thù lao hậu hĩnh”
Ông chủ nghe vậy thì phấn chấn tinh thần, luôn miệng nói: “Được, được”
Người kia nói xong thì rời đi. Tôi nhìn theo bóng lưng của ông ấy, bụng nghĩ chắc đó là người Hổ Trảo phái đến.
Sau khi người kia đã khuất dạng, ông chủ cao giọng thúc giục chúng tôi: “Thu dọn hành trang, đến Thường gia đại viện”
Đêm đó, chúng tôi tá túc ở một nơi gọi là Hàn Tín Dụ, đây là một ngã ba nối liền Tấn Trung với Tấn Bắc và Hà Bắc. Tương truyền, năm xưa Hàn Tín và Chiêu Vương giao chiến với nhau đã từng bày binh bố trận ở đây.
Hàn Tín Dụ chỉ có một quán trọ cho thuê xe ngựa. Quán trọ này có hai gian phòng, bên trong đều là khang đất. Dưới khang đốt lửa để giữ ấm. Nguyên liệu bao gồm các loại nhỏ vụn, cháy lâu như vỏ trấu, lõi ngô… Sau khi chất đầy dưới khang là có thể cháy âm ỉ cả đêm.
Giường ngủ ở các quán trọ cho thuê xe ngựa đều là loại giường chung. Nó gồm một một dãy khang đất kề sát nhau. Ban đêm đi ngủ, dù già hay trẻ cũng ngủ thành một hàng. Một số quán trọ có hai gian phòng. Một gian dành cho nam, một gian dành cho nữ. Có quán trọ chỉ có một gian phòng, nữ nằm một dãy, nam nằm một dãy.
Vì tôi là người mới nên tối hôm đó được sắp xếp nằm ngay dưới cửa sổ. Đây là nơi lạnh nhất, hơi ấm từ lửa không truyền tới được.  Gió lạnh lọt vào trong nhà cũng đi qua mình trước. Bởi thế mà trời còn chưa sáng tôi đã tỉnh giấc vì lạnh.
Sau khi thức dậy, tôi nghe thấy khang đối diện có hai người đang trò chuyện với nhau bằng ám ngữ:
Một người giọng ồm ồm: “Hoàng Tử Gia còn mấy ngày hành trình nữa?”
Một người giọng léo nhéo: “Nhiều nhất là ba, bốn ngày”
Giọng ồm ồm nói: “Đã bảo hôm nay phải họa mão, sao không thấy người đâu?”
Giọng léo nhéo nói: “Cẩn thận có ngật cách niệm, nghe thấy mất”
Giọng ồm ồm nói: “Đều là tả thủy mã tử, kỳ điền sinh, đừng lo”
Giọng léo nhéo nói: “Biều bả tử cũng không tới, sốt ruột quá”
Giọng ồm ồm nói: “Hay là biều bả tử tìm biển đảm vạn trước rồi?”
Nghe đến đây, tôi giật mình kinh ngạc. Thì ra hai người này là đạo tặc. Mục tiêu của bọn chúng cũng là Thường gia đại viện. Bọn chúng đến Tấn Bắc từ phía nam, hiển nhiên không phải người của bang Kinh Tân, mà là một bang phái giang hồ khác. Hơn nữa dường như lần này bọn chúng định làm một cú lớn, ngay đến bang chủ cũng trực tiếp xuất thủ.
Nội dung cuộc đối thoại của bọn chúng là như thế này. Giọng ồm ồm hỏi giọng léo nhéo còn mấy ngày nữa mới đến Thường gia đại viện, rồi lại hỏi đã hẹn với đồng bọn ở đây, sao giờ vẫn chưa có mặt? Giọng léo nhéo nhắc phải cẩn thận, đừng để người giang hồ nghe thấy. Giọng ồm ồm cho rằng những người ngủ trong phòng này đều là nông dân không biết ám ngữ giang hồ. Giọng léo nhéo bảo không thấy bang chủ đâu, nên rất sốt ruột. Giọng ồm ồm nói liệu có phải bang chủ đã đến Thường gia đại viện trước rồi không.
Hiện giờ có ít nhất ba bang phái đang nhòm ngó nhà họ Thường. Bang Kinh Tân, bang Tấn Bắc chúng tôi và bang phái chưa rõ lai lịch này.
Thường gia đại viện sắp có một trường náo nhiệt rồi.

 

(Tổng: 2302 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận