Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2127 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 33
Giả thần giả quỷ
Phật Bà bước từng bước trên con đường dẫn lên núi, cái đuôi áo dài lượt thượt kéo theo phía sau. Vô số người cũng theo bước chân bà. Khi Phật Bà vào đến chùa thì nhà chùa đã mở sẵn cửa nghênh đón. Thời khắc này, một niềm hạnh phúc lớn lao đã đánh gục các hòa thượng chùa Hương Dũng. Họ đồng loạt quỳ xuống, mắt nhắm nghiền, miệng lầm rầm niệm kinh.
Phật Bà bước vào trong đại điện, chính giữa điện là một tòa sen. Phật Bà bước lên tòa sen và nhẹ nhàng ngồi xuống. Tuy chính điện không thắp đèn nến gì nhưng mọi người có thể nhìn thấy Phật Bà Quan Âm. Phật Bà có khuôn mặt như hoa đào, thân hình đầy đặn, lông mày thanh mảnh, thần thái cao nhã. Mọi người xếp thành hàng dài đi đến trước Phật Bà để cho bà sờ vào đầu, vai, cánh tay, mông, đôi bàn chân hôi hám của mình... Chỗ nào đau yếu thì cho Phật bà sờ một cái. Chỗ nào không đau yếu cũng cho Phật Bà sờ thử.
Được Phật Bà hiển linh sờ một cái có thể xem như là phúc phận tu tập biết bao năm mới có được.
Khi bình minh đến, chuông chùa Hương Dũng vang lên gióng giả. Phật Bà Quan Âm sắp rời đi rồi. Mọi người đều quỳ rạp xuống khấu đầu, nước mắt lăn dài trên mặt. Khi mọi người ngẩng đầu nhìn lên thì không còn ai trên tòa sen nữa. Phật Bà Quan Âm đã bay về thế giới cực lạc theo những tia nắng ban mai đầu tiên rồi.
Mọi người cực kỳ mãn nguyện. Trên người có bao nhiêu tiền đều nhét hết vào hòm công đức. Cái hòm nhanh chóng đầy ắp, tiền rơi vương vãi khắp nền chính điện. Anh mập liền đổi một cái hòm công đức lớn hơn, cái hòm này cũng nhanh chóng đầy ắp tiền. Anh mập không kịp chuyển nó đi nên đặt một cái hòm công đức lớn hơn nữa ngay giữa chính điện. Cứ thế hòm công đức xếp thành một hàng dài từ chính điện ra đến cổng chùa, hòm sau lớn hơn hòm trước. Cho đến khi người cuối cùng rời khỏi chùa thì cái hòm công đức cuối cùng cũng đầy ắp những tiền.
Lăng Quang Tổ nói anh mập đóng cửa chùa lại, lấy hết tiền trong hòm ra. Anh mập định nhấc cái hòm công đức lên nhưng không làm nổi. Anh ấy chỉ còn cách lật nghiêng cái hòm sau đó moi tiền từ trong ra từng chút một. Tiền bay khắp nơi trong chùa như những bông tuyết, cuối cùng rơi xuống thành một lớp dày. Lúc tôi đi vệ sinh phải đào thành một hành lang mới tới được nhà tiêu.
Tiền nhiều quá nên hết cả chỗ chứa. Chúng tôi phải đào một cái hố thật sâu dưới gốc cây quế hoa rồi không kiểm đếm gì cả cứ chôn hết xuống. Tiền nhiều như thế, có muốn đếm cũng đếm không xuể.
Gốc cây quế hoa từng là nơi chôn giấu sách dạy tướng thuật của sư tổ, giờ đây nó đã được thay bằng một đống tiền khổng lồ.
Nhiều năm sau, tôi nghe kể có một hòa thượng ở Phúc Kiến sau khi hoàn tục đã mua hai khu rừng ở Quảng Tây, xây biệt thự, mua xe sang, cưới vợ sinh con, sống cuộc sống đế vương chỉ có trong truyền thuyết. Nhiều người không tin có chuyện đó nhưng tôi thì tin. Lại nghe kể có nhà sư ở Vân Nam sau khi hoàn tục, đã ôm theo một số tiền lớn, cưới một bà chủ trẻ hơn mình rất nhiều, đã vậy còn tổ chức đám cưới rình rang, các nhân vật tai to mặt lớn đều đến chúc mừng. Nhiều người không tin nhưng tôi tin.
Dù thế nào thì tôi vẫn tin có những chuyện đó.
Tôi cởi chiếc váy dài màu xanh lục pha lẫn sắc hồng của Phật Bà Quan Âm ra khỏi người. Chiếc váy dài bôi một lớp thuốc mỡ, trên đó đó dính đầy đom đóm. Vì khắp người toàn là đom đóm nên cơ thể tôi trông như đang phát sáng.
Tôi bước vào trong nhà kho. Cửa nhà kho có treo một cuộn dây thừng, đó chính là đạo cụ để tôi giúp tôi bước từ mặt trăng xuống đất. Sợi dây thứ nhất nối hai cái cây nằm ở hai đầu ngọn núi. Khi tôi đứng ở đỉnh núi, đằng sau sẽ là mặt trăng khổng lồ. Những người đứng quanh chùa Hương Dũng ngẩng đầu nhìn lên sẽ thấy tôi như đang ở trong mặt trăng. Tôi đi trên sợi dây nối giữa hai ngọn núi, tay giang rộng trên không trung để giữ thăng bằng. Mọi người sẽ cho là tôi đang múa. Quá trình huấn luyện gian khổ trong rạp xiếc đã giúp tôi đi lại trên dây dễ dàng như đi trên đất bằng. Tôi đi dọc theo con đường núi xuống dưới chân núi. Tôi đứng ở vách đá, quấn dây thừng vào hông. Nhị sư thúc và tam sư thúc núp trên đỉnh núi. Họ nắm một đầu dây rồi kéo tôi đi từng bước một lên trên đỉnh núi. Nhìn từ xa tôi giống như đang đi lại trên vách đá dựng đứng.
Tôi mang cà kheo và đi trên con đường nhỏ hẹp dẫn đến chùa Hương Dũng. Chiếc váy dài đã che kín đôi cà kheo nên mọi người thấy tôi rất cao. Tôi bước vào chính điện, ngồi xếp bằng trên tòa sen để mọi người bái lạy. Đến rạng sáng thì tôi cũng mệt rồi, không muốn ngồi thêm nữa. Nhân lúc mọi người đều quỳ rạp xuống, tôi lén bò dậy nấp sau tòa sen. Mọi người sẽ cho là Phật bà đã cưỡi mây lành bay về thế giới cực lạc rồi.
Đêm nay, tôi đã chinh phục được tất cả mọi người.
Mãi đến khi trời sáng hẳn tôi mới thoát khỏi niềm hân hoan vui sướng mà bò lên giường đánh một giấc.
Kể từ đó, chùa Hương Dũng như mặt trời buổi trưa, nhưng nguy cơ cũng vì thế mà ngấm ngầm hình thành.
Hàng ngày du khách đến viếng chùa đông như trảy hội, kẻ đến xin xăm, người đến bái Phật cứ vào ra nườm nượp.
Để mở rộng kinh doanh, tăng cường sức mạnh kinh tế, chúng tôi đã cho tu sửa mười mấy gian phòng. Bên trong đặt các pho tượng đất sét. Dù là Thích Ca Mâu Ni của Phật giáo hay Thái Bạch Kim Tinh của đạo giáo, dù là người có khuôn mặt nho nhã như Thác Tháp Lý Thiên Vương hay hung ác, dữ tợn như Cự Linh Thú chúng tôi cũng đều cho dựng tượng hết.
Lăng Quang Tổ có một cuốn sách Tây Du Kí. Mục đích cuối cùng của ông ấy là biến chùa Hương Dũng thành một thắng cảnh của phương Đông, để hai nhà Phật giáo, Đạo giáo đều có thể tìm thấy vật tổ của mình ở đây.
Sau đó ông sẽ cho dựng hàng rào bao quanh đền Hương Dũng để thu tiền vé vào cửa và tiền nhang đèn của khách hành hương. Cây nhang đắt nhất sẽ lên tới 8888 tệ còn cây rẻ nhất sẽ là 88 tệ.
Mấy chục năm sau, hòa thượng mập Thích Vĩnh Tín của chùa Thiếu Lâm cũng bắt chước cách làm của sư phụ Lăng Quang Tổ, mê hoặc đám đông để moi tiền họ. Những thủ đoạn lừa gạt của bọn họ đều là do sư phụ tôi truyền lại.
Chỉ sau một đêm, ngôi chùa Hương Dũng nằm sâu trong dãy Đại Biệt Sơn ít người biết tới này đã nổi danh khắp một dải Giang Hoài của trung nguyên. Mọi người đua nhau truyền tụng rằng đây là nơi Phật Bà Quan Âm đã hiện thân. Vô số người coi chùa Hương Dũng là thánh địa tâm linh. Họ không quản đường sá xa xôi tìm đến tận chùa chỉ để tận mắt nhìn thấy tòa sen nơi Phật Bà đã ngự.
Cũng giống như cái ghế một người nổi tiếng nào đó thời nay đã ngồi, đôi giày hôi hám đã từng đi, cái rắm đã từng đánh đều có người sưu tập lại. Thậm chí ngay cả cái xác đông lạnh của họ cũng được người ta thờ cúng, được vái lạy từ cách xa vạn dặm.
Dương Tu đã từng nói: “Không phải Thừa tướng chiêm bao, mà chính mi chiêm bao đấy”
Chú thích: Trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa có đoạn viết: Tào Tháo vốn đa nghi, sợ bị ám sát nên thường dặn kẻ hầu: “Lúc ngủ, ta hay mơ thấy mình giết giặc ngoài trận tiền, bọn bây chớ lại gần”
Ðêm kia, Tào Tháo đang ngủ, làm rớt mền, có một tên thị vệ đến gần nhặt mền lên đắp lại. Tào Tháo liền vung gươm chém chết, rồi nằm xuống ngủ. Khi thức giấc, Tào Tháo vờ kinh ngạc, quát lớn: “Ai đã giết kẻ hầu cận của ta?”. Mấy người biết chuyện cứ thực tình mà kể hết. Tháo khóc lóc đau đớn, dặn đem chôn cất tử tế.
Ai cũng tin Tào Tháo nằm mơ giết người, duy có Dương Tu là rõ ý Tháo. Ðến khi chôn, Tu chỉ quan tài tên quân canh, nói: “Không phải Thừa Tướng chiêm bao, mà chính là ngươi chiêm bao đấy”.
Cái tòa sen gỗ do Lăng Quang Tổ làm đã được bọc vải đỏ đặt trên một cái bục cao ngay giữa chính điện. Trên tòa sen viết bốn chữ lớn: “Hữu cầu tất ứng”. Trước tòa sen đặt một cái hòm công đức. Cứ cách một tiếng là anh mập phải thay một cái hòm công đức mới bởi tiền trong hòm nhiều quá không thể nhét thêm được.
Trên tường của chính điện treo đầy cờ xí, trên đó toàn là chữ chúng tôi viết. Nào là “Bồ Tát hiển linh, vạn sự như ý”, nào là “Tống tử Quan Âm, toàn gia hạnh phúc”.
Chúng tôi đã kiếm được bộn tiền.
Một ngày nọ, tôi nhìn thấy hàng xóm nhà Diệp Tử đến viếng chùa. Đó chính là người phụ nữ có chồng đang đi làm ăn bên ngoài. Cô ấy vẫn mang khuôn mặt buồn bã, có lẽ chồng cô ấy vẫn chưa về. Cô ấy vẫn bán đồ trang sức lấy tiền sống cho qua ngày. Tôi ngầm báo cho Lăng Quang Tử biết đó là hàng xóm nhà Diệp Tử. Tôi cũng từng kể cho ông ấy nghe gia cảnh của nhà cô này.
Tôi tưởng Lăng Quang Tổ sẽ tới bắt chuyện với cô ấy rồi nói ấn đường cô ấy sạm đen, người chồng đang gặp rắc rối, rồi thì hai mắt của cô ấy vô thần, nhất định là chồng đã vắng nhà lâu ngày chưa về, rồi thì hai má cô ửng hồng chắc chắn sẽ có hai đứa con trai.
Cô ta đến chùa này nhất định là muốn hỏi xem khi nào thì chồng về nhà. Trong cuốn Anh Diệu Thiệu đã viết rất rõ. Đàn bà, con gái đến xem bói nhất định là để hỏi chuyện chồng con.
Những lần trước nếu Lăng Quang Tổ mà biết rõ tình hình của người nào, ông ta sẽ đến làm quen rồi từng bước đưa đối phương vào tròng, để đối phương tự nguyện móc tiền ra.
Nhưng lần này Lăng Quang Tổ không làm thế.
Ông ấy nói: “Một người đàn bà chỉ biết làm việc nhà thì có bao nhiêu tiền? Tao cần gì phải nói chuyện với cô ta”
Hiện giờ Lăng Quang Tổ chẳng thiếu thứ gì. Ông ấy đã là một nhân sĩ thành công trong thời đại mới.
Tôi trông thấy cô ấy thì có cảm giác rất thân thiết liền chủ động chạy tới hỏi thăm tình hình Diệp Tử.
Cô ấy nói: “Bữa nay Diệp Tử lấy chồng rồi”
Tôi hỏi: “Lấy người ở đâu?”
Cô ấy nói: “Lấy người ngoài núi. Sáng sớm kiệu hoa đã đến rước đi rồi”
Tôi nghe mà như sét đánh ngang tai. Tôi vừa kêu gào vừa chạy đến nhà Diệp Tử. Bây giờ Lăng Quang Tổ đã có rất nhiều tiền. Có lẽ ông ấy sắp rời núi. Tôi cũng có thể lấy Diệp Tử rồi.