Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2149 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 68
Liên thủ trộm kim ấn

Sau khi thó được món tiền lớn của người đàn ông mặc âu phục, chúng tôi không về cửa hàng tranh thư họa nữa. Chúng tôi ở đó toàn bị người khác ghẻ lạnh, ức hiếp. Bây giờ chúng tôi đã có tiền để sống tự do rồi.
Chúng tôi đến một huyện thành lân cận. Đây là huyện thành tôi và sư phụ Lăng Quang Tổ đã gặp nhau lần đầu và là nơi sư phụ đã lừa của cụ Cao một trăm đồng Đại Dương, cũng là nơi tôi suýt bị tay sinh viên du học Nhật Bản đánh đòn.
Chúng tôi trú tại một quán trọ, đóng chặt cửa phòng và bàn cách ăn trộm kim ấn của huyện nha Bảo Hưng. Phía đông huyện nha là miếu thành hoàng, phía tây là cửa hàng đồ da. Trước sau huyện nha không có cây cối và đều nhìn ra ngoài đường. Ban ngày người đi lại đông đúc, ban đêm có người đi tuần tra báo canh. Điều đó có nghĩa là không thể đi vào trong huyện nha từ phía trước và phía sau. Phía tây huyện nha là cửa hàng đồ da, có người trông giữ cả ngày, không thể đi bằng đường này. Phía đông là miếu Thành Hoàng, ban ngày có nhiều người đến hương khói nhưng đến tối thì chẳng có một ai. Tôi gặp sư phụ Lăng Quang Tổ lần đầu cũng là ở miếu Thành Hoàng lúc nửa đêm.
Thế nên muốn đột nhập vào huyện nha tốt nhất là bắt đầu từ miếu thành hoàng.
Miếu thành hoàng cao sừng sững, vòm mái cong vút. Chúng tôi có thể leo cột gỗ để lên trên mái nhưng không thể nào nhảy từ trên đó xuống tường của nha huyện bởi chúng cách nhau đến mười mấy mét. Bất kể dùng cách nào đi nữa cũng không thể nhảy lên trên tường nha huyện được.
Chỉ còn một con đường đó chính là đào tường khoét vách. Đục một cái lỗ từ miếu thành hoàng vào trong huyện nha.
Sau khi vào được bên trong huyện nha, sẽ phát sinh vấn đề nữa. Đó là huyện nha có mấy gian phòng. Đêm về cửa phòng sẽ khóa lại. Kim ấn cất ở phòng nào đây? Chúng tôi đều không biết nên sẽ phải mở khóa từng phòng một để lục tìm.
Nhưng không ai trong chúng tôi biết mở khóa.
Băng Lưu Tử nói: “Chúng mình không biết mở khóa nhưng  luôn có người biết mở khóa”
Tôi hỏi: “Tìm họ ở đâu?”
 Băng Lưu Tử nói: “Không cần phải tìm, sẽ tự động mò đến thôi”
Khi ở nhà trọ, Băng Lưu Tử lấy ra một đồng tiền, mài một mặt vào đá. Sau hai ngày mài, một mặt đồng xu là màu vàng, một mặt là màu trắng, một mặt cùn, một mặt sắc.
Tôi hỏi: “Anh mài đồng tiền làm gì thế?”
Băng Lưu Tử nói: “Đây là mồi câu cá, dùng để câu người mở khóa”
Tôi hỏi: “Làm sao đồng tiền này có thể câu được người mở khóa?”
Băng Lưu Tử nói: “Mày cứ quan sát là biết thôi. Nhớ không được nói câu nào đấy”
Băng Lưu Tử đưa tôi đến một quán ăn lớn nhất huyện thành để ăn tối. Anh ấy đặt đồng tiền có hình dạng kỳ quái đó lên trên bàn. Ngày đầu tiên không có ai đến nói chuyện với chúng tôi. Ngày thứ hai cũng không thấy ai.
Sang ngày thứ ba, có một thiếu niên gầy ốm tìm tới bàn. Hắn chỉ nói với Băng Lưu Tử ba chữ: “Khang Hy Hoàng”
Băng Lưu Tử nói: “là Khang Hy Hoàng. Muốn mở đào nguyên, đang tìm người cắt khắc tử”
Thiếu niên gầy ốm nói: “Tôi biết cắt khắc tử”
Nghe bọn họ nói chuyện mà tôi cứ như đi lạc giữa màn sương. Tôi cũng bôn tẩu giang hồ nhiều năm, đã đọc thuộc bốn cuốn sách của phái Giang Tướng là: Anh Diệu Thiên, Quân Mã Thiên, Trát Phi Thiên, A Bảo Thiên, thế mà vẫn không hiểu họ nói gì.
Sư phụ Lăng Quang Tổ từng nói giang hồ có rất nhiều nghề. Khác nghề như cách núi. Ám ngữ của mỗi nghề cũng khác nhau. Băng Lưu Tử muốn trộm kim ấn. Có thể là anh ấy đang nói chuyện bằng ám ngữ của nghề trộm cắp.
Thiếu niên gày ốm nhanh chóng nhập bọn với chúng tôi. Hắn ta nói mình là một đơn đào. Cách đây không lâu, sư phụ và sư huynh đã bị quan phủ bắt khi đang hành nghề ở Khai Phong, chỉ mình hắn trốn được. Đơn đào cũng là ám ngữ, chỉ những người ra ngoài kiếm ăn một mình. Băng Lưu Tử nói anh ấy cũng là một đơn đào.
Tôi hỏi họ đã nói gì trong quán ăn thì họ giải thích cho tôi rằng đồng tiền mà Băng Lưu Tử đã tốn công làm ra được gọi là Khang Hy Hoàng trong nghề trộm cắp. Người ngoài không biết nó dùng để làm gì nhưng người trong nghề chỉ liếc mắt là biết ngay. Nó dùng để rạch quần áo và túi xách. Lúc sử dụng sẽ kẹp nó vào kẽ tay, chỉ cần cứa nhẹ là túi xách và quần áo sẽ bị cắt đứt.
Mở đào nguyên có nghĩa là đào tường khoét vách, cắt khắc tử có nghĩa là cạy cửa mở khóa. Băng Lưu Tử nói anh ấy muốn đào tường khoét vách và cần một người biết mở khóa. Thiếu niên gày ốm nói hắn ta biết mở khóa.
Thiếu niên gày ốm cho biết trên giang hồ hắn ta cũng có tiếng tăm, tên hắn ta là Nhất Trụ Hương (một cây nhang). Cái tên này cực kỳ sinh động, rất hợp với thân hình.
Trong ba người chúng tôi thì có tới hai người là cao thủ trộm cắp, còn tôi thì như người ngoại đạo.
Nhưng rồi tôi nhanh chóng hữu dụng vì tôi đã từng làm hòa thượng.
Muốn đục tường từ miếu thành hoàng thông qua huyện nha cần người có kỹ thuật chuyên môn bởi vì gạch xây tường là loại gạch vuông kiểu cũ, rất to, rất dày, hơn nữa đã lâu rồi tường chưa được tu sửa, cứ tùy tiện đục phá sẽ làm sập tường. Tường mà sập sẽ kinh động đến người chung quanh, kế hoạch của chúng tôi sẽ chết yểu.
Tôi đóng giả làm một hòa thượng, đi tìm những người thợ nề có thể đục tường.
Tôi nghe ngóng được ngôi làng kế bên huyện thành này có một người thợ nề tay nghề rất cao. Tôi cạo tóc, khoác áo cà sa và gõ mõ đến nhà anh ấy. Tôi nói miếu thành hoàng cần được sửa sang để thông với huyện nha nên cần mở một lối đi nhỏ trên tường.
Anh ấy vui vẻ đồng ý, nói làm việc cho chùa tức là làm việc cho Bồ Tát, sẽ không lấy một đồng tiền công.
Bốn người chúng tôi gồm Băng Lưu Tử, Nhất Trụ Hương, anh thợ nề và tôi đi dọc theo con đường lát xỉ than nối giữa hai huyện thành về hướng huyện Bảo Hưng. Hồi đó đường sá ở nông thôn vẫn chưa được trải nhựa. Người ta dùng củi để đun nấu, nhà nào khá hơn thì dùng than đá. Xỉ than còn lại sau khi đốt sẽ được đổ lên trên đường đất, xe cộ và giày vải sẽ nghiền nát xỉ than và tạo thành một con đường xỉ than. Loại đường này vẫn có thể đi lại vào những ngày mưa, còn đường đất sẽ trở nên lầy lội rất khó đi. Đường xỉ than chính là loại đường tốt nhất thời bấy giờ ở nông thôn.
Sau khi đến huyện thành Bảo Hưng, chúng tôi đi thẳng đến miếu Thành Hoàng. Huyện nha và miếu Thành Hoàng chỉ cách nhau một bức tường. Lúc này đã xế chiều rồi. Trong miếu không còn khách đến thắp hương, nha huyện cũng đóng cửa rồi.
Tôi chỉ vào bức tường và nói với anh thợ nề: “Hôm nay cũng trễ rồi, không làm được nhiều việc. Anh cứ đục lỗ ở đây trước, ngày mai lại làm tiếp”
Anh thợ nề vui vẻ đồng ý. Anh ấy lấy bay và xẻng ra bắt tay vào làm việc. Trước hết anh ấy để cái xẻng xuống đất, chọc bay vào khe gạch, vừa mạnh tay một chút là vôi vữa đã rơi lả tả. Thời đó chưa có xi măng cát, chỉ dùng vôi thay thế. Còn có loại dùng bột gạo nếp trộn với đất sét để làm vữa. Thời cổ đại rất nhiều tường thành đều được xây dựng như thế.
Sau khi anh thợ nề đã lấy hết lớp vôi thì dùng bay nậy gạch. Những viên gạch liền tách ra khỏi tường. Anh ấy đục lỗ trên bức tường loang lổ cũ kỹ này rất khéo léo. Phía trên phần lỗ được khoét thành hình vòm để bức tường không bị sụp xuống. Nếu đục thành hình vuông thì bức tường sẽ sập ngay. Tường đổ sẽ gây tiếng động rất lớn và làm bại lộ mục đích của chúng tôi.
Sau khi đục xong lỗ trên tường thì trời cũng tối. Qua miệng lỗ hổng trên tường, chúng tôi có thể nhìn thấy một cây phong già trong sân huyện nha và cánh cổng đóng chặt. Tôi nói với anh thợ nề: “Anh cứ về nghỉ ngơi trước đi. Ngày mai đến làm sớm”. Anh thợ nề vui vẻ đồng ý.
Sau khi anh thợ nề rời đi, chúng tôi đóng cửa miếu Thành Hoàng, rồi lần lượt chui qua lỗ hổng trên tường để vào huyện nha, nơi mà trong lòng tôi luôn cảm thấy vô cùng linh thiêng và trang nghiêm. Tôi căng mắt quan sát chung quanh, khi nhìn thấy những gian phòng trong đêm tối thì chợt có một cảm giác tự hào và hãnh diện. Chẳng phải mi là huyện nha sao? Chẳng phải mi rất ghê gớm sao? Bây giờ lão tử đã vào trong rồi đây.
Nhất Trụ Hương quả là một cao thủ mở khóa. Tay anh ấy cầm một sợi thép, đầu sợ thép hơi cong. Anh nhét sợi thép vào lỗ khóa, vừa móc vừa kéo vậy là cái khóa bung ra.
Gian phòng nào cũng bài trí rất đơn giản, chỉ có vài cái bàn, vài cái ghế đẩu. Thời này bàn chưa có ngăn kéo, ghế cũng không có chỗ dựa lưng, loại có ghế dựa lưng được gọi là ghế thái sư. Chúng tôi nương theo ánh trăng bên ngoài cửa sổ kiểm tra từng cái bàn, cái ghế nhưng không tìm thấy kim ấn, ngay cả vật dụng giá trị cũng không có.
Chúng tôi bước ra khỏi những gian phòng đó, lòng đầy thất vọng. Đột nhiên tôi thấy sân huyện nha còn có cổng sau. Qua khe cổng, chúng tôi có thể nhìn thấy bên kia sân có một gian phòng. Gian phòng này có lối kiến trúc khác hẳn những gian phòng trước, trông nó như một ngôi miếu nhỏ.
Cổng sau không khóa cửa, hai cái vòng cửa đã han gỉ và được buộc túm vào nhau bằng sợi dây thép lớn. Chúng tôi đã thử mấy lần mà không mở cổng được vì không có dụng cụ chuyên dụng.
Băng Lưu Tử nhìn lên ngọn cây phong cao lớn và nghĩ ra một cách rất hay. Anh ấy tìm được một sợi dây thừng dài trong một gian phòng, khoác nó lên vai rồi leo lên cây phong. Sau đó buộc một đầu sợi dây vào cành cây, đầu còn lại buộc vào thắt lưng, nhẹ nhàng nhảy xuống tường, sau đó trượt xuống sân sau.
Nhất Trụ Hương cũng vào trong sân theo cách đó. Những người làm nghề trộm cắp hầu hết đều có thân hình gầy nhỏ, tay chân nhanh nhẹn.
Băng Lưu Tử đứng sau cổng hỏi tôi có vào được không. Tôi muốn thể hiện thủ đoạn của mình nên nói anh ấy buộc đầu dây còn lại vào vòng cửa của gian phòng đó, sau đó tôi bay lơ lửng từ trên trời xuống giống như Lăng Ba Tiên Tử.
Băng Lưu Tử và Nhất Trụ Hương đều ngẩn người nhìn. Bọn họ nói: “Mày còn có tài này à?”
Tôi nói: “Em biết đi thăng bằng từ bé. Anh chỉ thấy em khắc ấn thôi. Kỹ năng đi trên dây của em còn tốt hơn khắc ấn nhiều”


 

(Tổng: 2149 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận