Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2796 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 102
Chó Mông Cổ hung mãnh

Lão Đồng nói: “Cậu hiểu giang hồ nhưng không biết gì về chốn công môn, còn tôi thì ngược lại. Chúng ta làm một cuộc giao dịch. Tôi lấy toản thạch về cho cậu, cậu lấy đồ tôi cần về cho tôi. Cậu thấy sao?”
Tôi nói: “Được thôi, nhưng ông cần thứ gì?”
Lão Đồng nói: “Tối nay tôi sẽ cho cậu biết”
Sau khi trời tối, tôi chờ lão Đồng cho biết thứ ông ấy cần nhưng chờ mãi không thấy ông ấy nói gì.
Đêm đó, ánh trăng vằng vặc trên cao chiếu xuống, cả khu nhà lao sáng như ban ngày. Ánh trăng lọt vào buồng giam khiến cho mọi thứ bên trong cứ mờ mờ ảo ảo.
Gần đến nửa đêm, trên mái nhà có tiếng ngói vỡ. Tôi thì thầm với lão Đồng: “Có người, ở trên mái nhà”
Lão Đồng nhỏ giọng: “Ai thế nhỉ?”
Tôi nói: “Tôi không biết, là người giang hồ”
Lão Đồng nằm ngủ dưới đất, trên người đắp toàn rơm rạ. Tôi còn đang ngờ vực thì trước cửa buồng giam xuất hiện một người mặc đồ dạ hành. Hắn ta nhìn vào buồng giam qua song sắt. Tôi ngồi dưới đất nhìn hắn ta.
Hắn ta hỏi: “Còn ai nữa không?”
Tôi đáp: “Không còn ai”
Người này biến mất khỏi ô cửa, bước chân nhẹ nhàng của hắn di chuyển đến trước một buồng giam khác.
Qua một lúc sau, tôi thấy trong sân có năm, sáu người. Bọn họ đều mặc đồ dạ hành, trông rất bí hiểm. Bọn họ chụm đầu bàn bạc một lúc rồi leo lên mái nhà rời đi.
Lão Đồng bò ra từ đống rơm, tóc tai toàn là rơm, nhìn rất thảm hại. 
Tôi hỏi: “Bọn họ tìm ai? Tìm ông phải không?”
Lão Đồng nói: “Phải”
Tôi hỏi: “Bọn họ tìm ông làm gì?”
Lão Đồng nói: “Bọn họ là tiêu sư của một nhà đại hộ. Đêm hôm trước tôi đến một nhà đại hộ trộm đồ bị bọn họ phát hiện nên ngã từ trên mái nhà xuống, gãy mất hai chân. Sau đó, đám tuần đêm bắt tôi giam vào nhà lao. Thật không ngờ, bọn tiêu sư vẫn không chịu bỏ qua, còn muốn vào đây gia hại tôi”
Tôi không nói gì, tôi đang phân tích lời ông ta nói. Dựa theo quy củ giang hồ, câu nói này của lão Đồng đầy sơ hở. Nhà đại hộ có người canh giữ, những người này không gọi là bảo tiêu. Những người hộ tống hàng hóa trên đường mới gọi là bảo tiêu. Người canh giữ cho các nhà đại hộ gọi là gia đinh. Có thể lão Đồng không biết cách gọi này. Điều đó cũng không có gì lạ. Thế nhưng, gia đinh tuyệt đối không đột nhập vào nhà lao để lấy mạng người. Gia đinh không rời khỏi nhà đại hộ. Đây là quy củ của nghề .
Rốt cuộc lão Đồng là ai? Đám người mặc đồ dạ hành này là ai? Trong lòng tôi ngổn ngang trăm mối nghi ngờ.
Sau đó, tôi cứ miên man suy nghĩ, rồi ngủ thiếp đi. Đầu óc của tôi vốn chậm chạp, gặp phải vấn đề khó hiểu là sẽ buồn ngủ và ngủ rất nhanh.
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mặt trăng đã ngả về đằng tây, trời sắp sáng rồi. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi thấy hai mắt lão Đồng đang mở thao láo. Có thể ông ta vừa mới thức dậy, cũng có thể cả đêm rồi chưa ngủ.
Tôi hỏi: “Tối qua ông nói muốn tôi làm giúp một việc. Là việc gì thế?”
Lão Đồng không trả lời mà hỏi: “Cậu biết Thành Cát Tư Hãn chứ?”
Tôi nói: “Tôi không biết ông ta. Những người tôi biết tên họ đều có hai chữ hoặc ba chữ, chưa từng biết người nào có tên bốn chữ, hơn nữa còn là cái tên kỳ quái như vậy”
Lão Đồng nói: “Thành Cát Tư Hãn là thần của thảo nguyên. Ông ấy đã chết cách đây mấy trăm năm rồi, tất nhiên là cậu không biết ông ấy. Trước thời Thành Cát Tư Hãn, trên thảo nguyên đã có những bộ lạc nguyên thủy sống rải rác khắp nơi. Thành Cát Tư Hãn đã thống nhất họ lại và xây dựng nên một đội quân hùng mạnh. Thành Cát Tư Hãn đầu đội mũ đồng, cưỡi chiến mã, dẫn đội quân này đi chinh phạt khắp nơi từ đông sang tây, hình thành một đế chế khổng lồ trải dài khắp hai châu lục Á-Âu. Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, mũ đồng của ông ấy đã trở thành một thánh vật, được lưu truyền qua nhiều đời. Trên mũ đồng có ba chữ lớn “Đại Khả Hãn”. Chỉ cần nhìn thấy chữ này thì biết đó là thánh vật của Thành Cát Tư Hãn để lại” 
Tôi nói: “Chỉ là một cái mũ đồng, làm sao có thể trở thành thánh vật được?”
Tôi nhớ lại quãng thời gian mình làm nghề giả cổ ở huyện Bảo Hưng. Những kẻ làm nghề đó, trong một đêm có thể làm mấy chục cái mũ đồng như thế. Đem nhét vào hầm nhà tiêu chừng mươi bữa nửa tháng, khi đào lên sẽ có lớp đồng gỉ, sẽ chẳng còn ai nghi ngờ đó là đồ giả.
Lão Đồng nói: “Người thảo nguyên chất phác, dễ tin người. Họ thấy mũ đồng của Thành Cát Tư Hãn như thấy chính ông ấy. Thành Cát Tư Hãn còn được người thảo nguyên tôn xưng là Đại Khả Hãn. Vậy nên, chỉ cần người nào có được mũ đồng của Đại Khả Hãn, người đó có thể làm thủ lĩnh thay ông ấy và có thể thống trị thảo nguyên”
Tôi hỏi: “Một cái mũ đồng mấy trăm năm tuổi lại có tác dụng lớn đến thế à?”
Lão Đồng nói: “Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, lăng mộ có rất nhiều, thật giả khó phân. Để tránh việc mộ bị trộm cướp, ông đã để lại một thứ duy nhất. Nghe nói đó chính là cái mũ đồng này. Mấy trăm năm nay, người thảo nguyên vẫn tôn thờ Thành Cát Tư Hãn, thấy vật như thấy người. Nếu lấy được mũ đồng là có thể hiệu lệnh trăm vạn người thảo nguyên”
Tôi hỏi: “Cái mũ đồng này ở đâu?”
Lão Đồng nói: “Đây là bí mật lớn nhất của người thảo nguyên. Bọn họ không nói cho ai biết. Mấy trăm năm nay, thổ phỉ, đạo tặc, quan phủ đều muốn chiếm đoạt cái mũ đồng này nhưng đều thất bại. Thậm chí có người hoài nghi truyền thuyết về mũ đồng là giả. Thế nhưng, gần đây, tung tích của mũ đồng đã được hé lộ. Nó được cất giấu ở huyện Xích Phong”
Tôi nói: “Có thật không? Sao nó đến được huyện Xích Phong?”
Lão Đồng nói: “Mũ đồng vốn được thờ phụng bí mật trong một ngôi chùa ở Ô Lan Sát Bố nhưng hai năm nay thì tình hình bất an. Thổ phỉ, mã tặc, quan phủ đều thèm muốn nó, người Nhật cũng vậy. Các hòa thượng trong chùa đã bí mật phái người mang mũ đồng đến huyện Xích Phong”
Tôi hỏi: “Làm sao ông biết những chuyện này?”
Lão Đồng nói: “Tôi vẫn âm thầm bảo hộ mũ đồng. Tôi là con cháu của Thành Cát Tư Hãn”
Lạ thật đó, vì sao con cháu của Thành Cát Tư Hãn không phải họ Thành mà là họ Đồng.
Tôi hỏi: “Ông là con cháu của Thành Cát Tư Hãn, vậy rốt cuộc ông họ gì thế?”
Lão Đồng nói: “Mấy trăm năm nay, các dân tộc đã dung hợp với nhau, con cháu Thành Cát Tư Hãn chúng tôi cũng mang đủ họ”
Tôi nói: “Mũ đồng được cất giữ trong ngôi chùa ở huyện Xích Phong, nhất định là rất an toàn. Ông còn muốn tôi làm gì nữa?”
Lão Đồng nói: “Không, mũ đồng để ở đó không an toàn chút nào. Hai vị Lạt ma hộ tống mũ đồng rất đáng tin cậy nhưng các lạt ma trong ngôi chùa ở huyện Xích Phong thì không như vậy. Bọn họ vẫn muốn sát hại hai vị Lạt ma hộ tống mũ đồng để chiếm làm của riêng. Nếu mũ đồng rơi vào tay đám gian tặc này, hậu quả khó mà lường được.
Lão Đồng ngừng một lát rồi nói: “Tôi không thể ra ngoài. Tôi cần cậu lấy mũ đồng trong ngôi chùa huyện Xích Phong và giao cho một người. Mũ đồng trong tay người này sẽ tuyệt đối an toàn. Nếu để mũ đồng rơi vào tay bọn xấu, sinh linh sẽ lầm than”
Nghe những lời này của lão Đồng, một cảm giác thiêng liêng sục sôi, dâng trào trong trái tim tôi. Tôi thấy mình sắp cứu thoát vạn dân khỏi cơn nước lửa, sắp làm một đại anh hùng đầu đội trời chân đạp đất tới nơi.
Tôi hỏi: “Tôi sẽ đi trộm mũ đồng nhưng ông biết cái mũ để nơi nào trong chùa không?”
Lão Đồng nói: “Ngôi chùa này có một gian địa thất, để xuống dưới địa thất phải qua ba lớp cửa. Mỗi lớp cửa đều được khóa bằng khóa đồng. Sau khi mở hết ba khóa đồng mới vào được địa thất. Bên trong địa thất có một bức tượng trụ trì đầu tiên của chùa. Tượng này là tượng rỗng, cái mũ được giấu bên trong tượng”
Tôi hỏi: “Làm sao ông biết?”
Lão Đồng không trả lời mà tiếp tục nói: “Trong chùa có nuôi hai con chó chăn cừu, to cỡ con nghé. Đây là giống chó chăn cừu Mông Cổ thuần chủng. Người thảo nguyên gọi nó là đông phương giảo lang khuyển. Nó có thể truy đuổi và cắn chết sói thảo nguyên”
Tôi nói: “Chó chăn cừu Mông Cổ à, chưa nghe đến bao giờ. Tôi chỉ biết chó ngao Tây Tạng. Mọi người đều nói giống chó này rất lợi hại”
Lão Đồng nói: “So với chó chăn cừu Mông Cổ thì chó ngao Tây Tạng chẳng đáng là gì. Chó ngao Tây Tạng và chó chăn cừu Mông Cổ đều hung mãnh nhưng trí khôn của chó ngao Tây Tạng thua xa chó chăn cừu Mông Cổ. Chó chăn cừu Mông Cổ được người thảo nguyên nuôi ở khắp nơi. Ngay từ lúc mới sinh, nó đã sống cùng bầy cừu và có tình cảm sâu sắc với chúng. Khi người thảo nguyên thả cừu ra, họ sẽ giao lại bầy cừu cho con chó, rồi chạy đến nơi khuất gió ăn thịt uống rượu. Con chó sẽ làm hết trách nhiệm của mình, bảo vệ đàn cừu, không để đàn sói có cơ hội quấy phá. Khi mùa đông về, nhiều loài động vật nhỏ đi ngủ đông, thảo nguyên thiếu thốn thức ăn. Đàn sói sẽ nhân lúc trời tối, liều lĩnh tấn công đàn cừu. Chó chăn cừu Mông Cổ phải kịch chiến với bầy sói, thỉnh thoảng bên ngoài lều lại phát ra tiếng kêu loạt soạt. Sau khi trời sáng, người thảo nguyên bước ra khỏi lều, chỉ thấy xác sói đã nát bấy, còn con chó trên mình đầy vết máu, đứng hiên ngang ở đó. Một con chó chăn cừu Mông Cổ trưởng thành có thể giết chết hai, ba con sói hoang dã”
Tôi nghe vậy thì hãi quá, mới nói: “Trong chùa có hai con chó, tôi không dám đi đâu”
Lão Đồng nói: “Mặc dù chó chăn cừu Mông Cổ hung dữ, nhìn thấy sói sẽ lao vào cắn giết nhưng lại rất tốt với người và cừu. Cái này là do bản tính của chúng quyết định. Khoảng một nghìn năm trước, những người Mông Cổ đầu tiên sống ở dãy Đại Hưng An Lĩnh đã di cư về phía Tây và đến thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ. Đi cùng những người Mông Cổ này còn có một loài mãnh thú. Chúng nó có hình thể cường tráng, lông dày da dày, vừa mạnh mẽ lại tinh khôn, hơn nữa còn không ngại đánh nhau với các loài mãnh thú to lớn như hổ, báo. Chúng nó cũng cực kỳ trung thành với con người, tận tâm tận lực bảo vệ bầy cừu - nguồn sống của con người. Loài mãnh thú này chính là chó chăn cừu Mông Cổ. Trước kia, người Mông Cổ chủ yếu làm nghề săn bắn ở Đại Hưng An Lĩnh, sau này làm nghề du mục ở thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ. Loài chó ngao Tây Tạng mà cậu vừa nhắc đến thực ra là một biến chủng của chó chăn cừu Mông Cổ”
Tôi hỏi: “Vì sao chó ngao Tây Tạng lại là biến chủng của chó chăn cừu Mông Cổ?"
Lão Đồng nói: “Năm xưa, khi Thành Cát Tư Hãn dẫn quân chinh tây, đã mang theo một đội quân chó chăn cừu Mông Cổ. Những con chó này đã theo chân đại quân Mông Cổ đi khắp các nước ở Tây Vực, Tây Á, Trung Á và Âu Châu. Chó chăn cừu Mông Cổ đã giao phối với các giống chó bản địa và tạo ra các giống chó khác như chó ngao Tây Tạng, chó chăn cừu An Lạp Thác Lợi Á, chó chăn cừu Cao Gia Sách, chó chăn cừu Trung Á. Vì địa hình nơi này toàn là núi cao vực sâu, cao nguyên và sa mạc, môi trường vô cùng khắc nghiệt nên chó săn Mông Cổ có thể trạng cực tốt, vì vậy mới tạo ra các giống chó cũng có huyết thống ưu việt như nó”
Lão Đồng ngừng một lát, lại nói: “Vì chó chăn cừu Mông Cổ rất trung thành, không có lòng phòng bị với con người, nên cậu chỉ cần khôn khéo một chút là có thể đối phó với hai con chó này. Trên đời này, thứ khó đối phó nhất chính là con người, lòng người còn hiểm ác hơn mãnh thú gấp trăm lần”
Tôi nói: “Để trộm mũ đồng, thứ nhất tôi phải đối phó với hai con chó, thứ hai tôi phải mở được ba cái khóa đồng, thứ ba tôi sợ trong chùa còn có người canh giữ, những người này cũng cần phải đối phó. Nhiệm vụ này thực sự quá khó”
Lão Đồng nói: “Cậu lăn lộn giang hồ bao nhiêu năm như thế, lẽ nào chuyện nhỏ này cũng làm khó được cậu?”
Tôi ngẫm nghĩ rồi nói: “Đối phó với hai con chó chăn cừu Mông Cổ kia, tôi có thể làm quen với chúng nó trước. Chùa là nơi luôn mở rộng cửa đón nhận mọi người. Chỉ cần tôi đến đó hàng ngày, cho chúng nó đồ ăn. Như vậy thì dăm bữa nửa tháng sau, chúng nó sẽ quen hơi bén tiếng. Ban đêm tôi vào chùa trộm mũ đồng, chúng nó sẽ không sủa nữa”
Lão Đồng nói: “Đây là một cách hay. Có điều chúng ta không thể đợi lâu như vậy. Đến lúc đó mũ đồng đã bị bọn Lạt ma xấu xa cướp đi mất rồi. Muốn đoạt lại sẽ vô cùng khó khăn. Thảo nguyên rộng lớn như thế, bọn chúng cứ lẩn trốn ở nơi nào đó, chúng ta cũng chẳng tìm được”
Tôi ngẫm nghĩ rồi nói: “Giang hồ có một cách đối phó với bọn chó giữ nhà, đó là ngâm thịt vào trong rượu rồi cho chúng nó ăn. Đợi khi chúng nó say rượu và ngủ quên. Chúng tôi sẽ vào nhà trộm”
Lão Đồng nói: “Đây cũng là một cách hay nhưng chỉ dùng để đối phó với những giống chó thấp kém, không có tác dụng với giống chó thông minh và hung dữ như chó chăn cừu Mông Cổ”
Tôi lại vắt óc tìm cách rồi nói: “Còn một cách nữa, đó là đánh lạc hướng hai con chó này. Chó chăn cừu Mông Cổ trung thành với chủ, đây là ưu điểm và cũng là nhược điểm của nó. Tôi có thể đến bên ngoài chùa đào một cái hố, rồi dụ chúng nó lọt xuống dưới hố. Như vậy có thể trộm cắp thoải mái”
Lão Đồng nói: “Đúng thế. Chó chăn cừu Mông Cổ chỉ là con vật, dù có thông minh cỡ nào cũng không phải đối thủ của con người”

 

(Tổng: 2796 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận