Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2162 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
 THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ

Chương 12

Vua trộm ngay kề bên

Gần trưa chúng tôi đến một huyện thành. Thúy Nhi cũng không còn khóc nữa.
Tường thành được bảo tồn khá tốt, trên cổng thành khắc bốn chữ: "Thiên hạ danh châu". Những con đường bên trong thành được lát bằng những phiến đá xanh. Những phiến đá xanh đã được vô số bàn chân và đế giày mọi người chà cho nhẵn nhụi, trông khá cũ kỹ. Hai bên đường là các hàng quán. Trước cửa bày sạp thành hàng bán đủ thứ như bánh bao, bánh canh, bánh nướng, mì xào, hủ tiếu, thịt heo, kẹo kéo, kim chỉ, vải vóc, thúng mủng, dao kéo .... Cứ đi về phía trước, rẽ vào một khúc quanh, sẽ thấy một tòa bảo tháp. Dưới chân tháp rất đông người, tiếng người tiếng súc vật ồn ã hòa vào nhau. Có người bán trâu bò, có người bán ngựa, có người bán cừu, có người bán heo, có người bán chó, có người bán mèo, có người bán thỏ, có người bán chim sáo, có người bán thức ăn, có người bán xe ngựa, có người bán đồ chơi, có người bán áo khoác da, có người bán cửa sổ ... Còn có người bán chim ưng. Cánh tay anh ta quấn da, tay cầm sợi dây xích, một đầu nối với con chim ưng. Con chim ưng đang đứng trên cánh tay của anh ta. Cánh tay của anh ta nâng lên đặt xuống, con chim cũng vung cánh theo như muốn bay.
Cách tòa tháp mười mấy mét có một quán trọ. Chúng tôi đánh xe ngựa vào. Người phục vụ tươi cười chào đón. sau đó buộc hai con ngựa vào chuồng ngựa phía sau rồi mời chúng tôi lên căn phòng gỗ ở lầu hai.    
Cao Thụ Lâm nói: "Bây giờ ai thích đi đâu thì đi, tối về lúc nào cũng được. Cứ vui chơi cho thỏa thích vào.  

Tôi sướng rơn. Gia nhập gánh xiếc biết bao lâu mà hôm nay mới được tự do làm theo ý mình. Tôi muốn nhảy lên thì nhìn thấy khuôn mặt trầm buồn, đôi mắt sưng húp đỏ tấy của Thúy Nhi thì không nỡ làm vậy.
Mọi người lần lượt đi ra khỏi nhà trọ, tôi cũng bước ra khỏi nhà trọ. Cao Thụ Lâm ở trong phòng rửa mặt cạo râu. Khi tôi đi ngang qua một ông già bán kẹo hồ lô thì Thúy Nhi đuổi kịp. Chị nói: "Chị đòi Cao Thụ Lâm tiền của em, nếu không được thì mình trộm. Sau khi trộm được tiền rồi thì chúng mình sẽ đi khỏi đây ngay”
Tôi hỏi: “Mình đi đâu thế?”
Thúy Nhi nói: “Đến ở nhà bà, em quên rồi à? Em sẽ làm người đàn ông của chị” 
Vừa nghe đến làm người đàn ông của chị là tôi nhớ đến lời Thúy Nhi dặn hôm ấy. Tôi nói: “Được à, vậy em sẽ về lại đó”
Thúy Nhi ngó nghiêng chung quanh, sau đó nói: “Em nhớ về sớm nhé. Tối nay chúng mình sẽ đi”
Tôi nói: “Được ạ”

Thúy Nhi thấy tôi đã đồng ý liền quay người đi. Tôi cũng quay lưng hòa vào dòng người đông đúc trên phố. Hôm đó là hội miếu ít gặp được cho nên trên phố người rất đông.    
Hôm đó, tôi chơi trên phố rất lâu, lần đầu tiên được ăn bánh nồi đất, mì xào và nhâm nhi móng cừu nướng. Móng cừu nướng chẳng ngon gì, trông thì to mà gặm chỉ được vài miếng thịt, còn lại là toàn là xương vừa dài vừa thô. Sau khi ăn đùi cừu nướng, tôi thấy có người nói đằng trước có người kể chuyện. Tôi chưa bao giờ nghe kể chuyện và tôi cũng không biết nó là gì, nhưng người ta đã nói như vậy thì chắc là hay lắm. 
Tôi đi theo hai người trước mặt bước vào nơi kể chuyện. Ở đây có rất nhiều người, nhìn chỉ thấy đầu người. Tôi chen lên phía trước thì thấy ngay chính giữa sân khấu có một ông lão mù đang ngồi. Cặp mắt của ông ta trũng sâu như cái giếng khô cạn nước, gương mặt gầy gò khắc khổ. Ômg tay đang ôm cây đàn tam huyền miệng nói vài câu trước khi gảy đàn. Tiếng đàn nghe lộn xộn như hạt châu rơi trên bậc thềm.
Tôi tưởng kể chuyện hay ho thế nào không ngờ lại chán đến thế. Trên đường phố kia có biết bao cô gái xinh đẹp, bao nhiêu đồ ăn làm ta thèm đến chảy nước dãi mà còn chưa xem hết. Ai mà lại thích xem cái ông già mù vừa xấu vừa già này chứ.

Tôi vừa định chen ra thì người mù trên sân khấu đột nhiên hét lên: “Ta là Trương Dực Đức người nước Yên đây, kẻ nào dám cùng ta quyết một trận tử chiến.” Thanh âm như xé lụa, như sấm động bên tai. Dưới sân khấu khán giả vỗ tay vang dội. Tôi dừng bước, nghe thử xem có gì hay không?
Hôm đó lão mù nói về dốc Trường Bản. Đây là một chương thú vị nhất trong truyện Tam Quốc Chí. Vừa nghe tôi đã bị cuốn hút. Hồn tôi như bay bổng theo Thường Sơn Triệu Tử Long đánh giết khắp nơi, máu nhuộm áo bào. Sau đó, tôi tưởng tượng mình là Triệu Tử Long, lúc thì lo lắng, lúc thì phấn chấn, lúc thì vui sướng, thoải mái dễ chịu giống như đang khát được uống một gáo nước giếng mát lạnh.   
Triệu Tử Long xông ra khỏi vòng vây, phía sau truy binh đuổi theo rất gấp. Rốt cuộc truy binh đã đuổi kịp chưa. Tôi định dừng lại thì lão mù đột nhiên nói: “Muốn biết chuyện sau thế nào, xin đợi ngày mai kể tiếp”
Đám đông giải tán ùa ra khỏi nơi kể chuyện. Tôi cũng bị cuốn ra ngoài. Khi đi trên phố tôi vẫn còn đang đắm chìm trong cái uy thế kinh người của Triệu Tử Long. Tôi không để ý đã đi theo đoàn người đến cổng thành từ khi nào. Nhìn thấy cái cổng cao cao tôi mới biết mình đã đi sai đường nên vộ quay trở lại.
Tôi vừa mới bước được hai bước thì sau lưng vang lên tiếng đóng cửa nặng nề. Khi cổng thành đóng cái rầm cũng là khi trái tim tôi sụp đổ. Thúy Nhi bảo tôi về sớm để chuẩn bị tối nay cùng nhau đi trốn. Nhưng bây giờ cổng thành đã đóng thì làm sao thoát được?   
Quán trọ ở gần bảo tháp nên tôi chỉ hỏi hai người thì biết bảo tháp ở đâu và tìm được quán trọ.
Mọi người đã về cả chỉ có Thúy Nhi là không thấy đâu
Tôi hỏi: "Thúy Nhi đi đâu rồi"
Cao Thụ Lâm nói: "Vẫn chưa thấy về, chắc là ra ngoài thành chơi rồi”
Tôi nói: “Cổng thành đóng hết rồi, làm thế nào cô ấy về được"
Cao Thụ Lâm nhìn tôi rồi lại nhìn mọi người, ông ta nói: “Đúng vậy, cổng thành đóng cả rồi, sao nó về được đây.”  
Tối hôm đó, mọi người đi ngủ rất muộn. Chỉ cần thấy bên ngoài gió thổi cỏ lay là Cao Thụ Lâm chạy ra kiểm tra. Khi trở về phòng, ông ta lại buồn bã nói: “Cái con bé này, sao giờ vẫn chưa về. Ham chơi quá đi.”
Đến nửa đêm tôi cũng thấy buồn ngủ. Nhìn sang hai đứa nhóc đã ngủ từ lúc nào tôi cũng nghiêng người gác đầu lên đùi chúng nó mà ngủ. 
Hôm sau thức dậy thì trời đã sáng từ lúc nào. Trên đường phố người đi lại đông vui nhộn nhịp, cổng thành hẳn đã mở từ lâu nhưng vẫn chưa thấy Thúy Nhi.

    
Tôi hỏi: “Thúy Nhi đâu?”
Cao Thụ Lâm đột nhiên khóc òa lên: “Thúy Nhi chắc không quay về nữa rồi. Hầy a. Ta chỉ mới nói nặng vài câu thôi mà nó đã bỏ đi rồi”
Mắt của Thanh Nhi cũng sưng húp đỏ hoe.
Cao Thụ Lâm vừa khóc vừa nói: "Đều là do tôi không tốt mới để con gái bỏ đi. Ôi con gái ơi, con đang ở đâu thế. Con có biết cha rất nhớ con không?” 

Tôi mở to đôi mắt ngơ ngác. Tôi không biết tại sao Cao Thụ Lâm lại khóc, tôi không biết Thúy Nhi bây giờ ra sao. Hôm qua chị ấy còn nói sẽ cùng tôi trốn về nhà bà cụ, sao lại bỏ đi một mình?
Đến tận bây giờ tôi vẫn không biết Thúy Nhi ra sao? Chị ấy đã chết hay đã bỏ trốn rồi?
Không có Thúy Nhi tôi cũng không muốn về lại nhà bà cụ. Cho dù muốn quay lại cũng không biết nhà bà ở đâu, đi bằng cách gì. Tôi chỉ có thể theo gánh xiếc tiếp tục đi về phương Nam.
Mọi sinh hoạt vẫn bình thường như cũ. Mới đầu tôi còn nhớ Thúy Nhi nhưng về sau tôi cũng dần quên chị ấy, quên mất hình dáng của chị thế nào. Người trong gánh xiếc cũng không thấy nhắc đến chị nữa. Chị ấy cứ thế biến mất như thể chị chưa từng có mặt trên đời, chưa từng để lại dấu vết gì. 

Tiết mục xiếc cũng đã thay đổi, bỏ đi tiết mục chồng ghế. Do không có Thúy Nhi thì Thanh Nhi có biểu diễn một mình cũng không còn hấp dẫn nữa. Thanh Nhi chuyển qua biễu diễn trò xoay khăn tay. Mọi khăn tay lớn nhỏ gì Thúy Nhi đều có thể xoay giống như cái cối xay.
Hai thằng nhóc, một đứa tên Tiểu Thiên, đứa còn lại là Tiểu Vạn. Bọn chúng nó theo Bồ Đề học diễn xiếc.
Ba trăm sau mươi nghề, nghề nào cũng có trạng nguyên. Trộm cắp cũng được xem là một nghề trong đó.
Bồ Đề tự mình chỉ cho chúng nó cách nhảy tường, leo cây. Tay chân Bồ Đề nhanh nhẹn linh hoạt khiến bọn nhỏ phải há hốc mồm khâm phục.
Bồ Đề lấy ra mấy ổ khóa, nhét một sợi dây sắt nhỏ cong cong vào rồi xoay xoay, ổ khóa mở ra ngay lập tức. Bọn nhóc nhìn mà không ngừng xuýt xoa. Vào thời đó, các ổ khóa đều là ổ khóa sắt do một tiệm rèn làm, còn có loại ổ khóa bằng đồng do tiệm đúc đồng làm. Chìa khóa có hình dạng như cái thước gập hay cái móc câu bỏ túi. Ổ khóa chia làm hai phần. Một phần cắm vào bên trong là khóa lại. Chỉ cần dùng chìa xoay xoay vặn vặn vài cái là đã mở được. Cấu tạo rất là đơn giản.

Hai đứa nhỏ đó đến đây là để học biểu diễn xiếc. Bồ Đề nói: “Đây cũng là diễn xiếc. Chúng nó phục Bồ Đề sát đất liền đi theo Bồ Đề học cái tiết mục “xiếc” này.
Bồ Đề mang theo một số dụng cụ đặc biệt trên người. Một sợi dây sắt mỏng cong được dùng để mở khóa; một lưỡi dao mỏng được dùng để mở then cửa. Thời đó cửa chính và cửa sổ đều là loại cửa hai cánh. Ở giữa được chốt bằng then của là một cây gỗ bốn cạnh. Chỉ cần đứng ngoài dùng dao cạy then cửa là mở được. 
Tiền thường được giấu ở đâu? Bồ Đề cũng có cách tìm ra. Anh nói, góc dưới tủ, góc dưới thùng là nơi người ta thích giấu tiền nhất.  Ngoài ra cũng có người giấu tiền ở dưới nệm, dưới chiếu. Còn có người thích lại thích giấu tiền trong túi áo quần cũ. Thời đó người dân sống ở nông thôn rất ít người mặc áo Tôn Trung Sơn, hầu hết mọi người mùa đông mặc áo bông, mùa hè mặc áo đơn. Áo bông có túi may vào phần vạt áo trong còn áo đơn có túi may ở vạt áo trước. Nếu tìm những chỗ trên không thấy thì hãy xem mặt đất và trên tường. Nếu trên tường có hốc thì sẽ có tiền, nếu không có thì tìm dưới đất. Viên gạch nào trên nền đất mà lỏng lẻo hoặc có màu khác với những viên quanh đó thì lật nó lên, bên dưới sẽ có tiền. Nói chung những người thích giấu tiền dưới nền nhà đều thích giấu dưới viên gạch ở sau cánh cửa.
Mọi người đều giấu tiền của họ trong phòng, mà phòng thì không lớn là bao. Nếu đã giấu tiền thì sẽ để lại dấu vết.

 

(Tổng: 2162 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận