Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 1979 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
BÍ TỊCH GIANG HỒ
Chương 25
Kín như áo trời
Lăng Quang Tổ nói nhà ông ta ở sâu trong dãy Đại Biệt Sơn. Vậy có khi nào nhà ông ta nằm ngay ở ngôi làng Bán Sơn Động này? Nếu nhà ông ta ở Bán Sơn Động thì ông già chột mắt này có quan hệ thế nào? Thấy Lăng Quang Tổ thông thuộc đường đi lối lại ở đây như thế, tôi tin suy đoán của mình là chính xác.
Nhưng cũng không đúng lắm. Nếu nhà Lăng Quang Tổ ở Bán Sơn Động thì sao ông ấy dám cho Thập Đấu biết địa chỉ thực của mình? Lẽ nào ông ấy lại không sợ Thập Đấu sẽ tìm đến tận nhà? Hơn nữa, Bán Sơn Động cũng không xa Thượng Sơn Động, chỉ cách có năm, sáu chục dặm. Ở khu vực miền núi giao thông đi lại khó khăn như dãy Đại Biệt Sơn này, khoảng cách giữa các làng đều tới cả mấy chục dặm.
Sáng sớm ngày hôm sau khi gà trống đã gáy lần thứ ba thì chúng tôi lên đường. Hàng ngày gà trống đều gáy sáng. Khi chân trời đằng đông xuất hiện một vệt trắng bạc như bụng cá, chúng nó sẽ gáy lần thứ nhất. Khi ánh sáng đến đỉnh đầu chúng sẽ gáy lần thứ hai. Khi mặt trời sắp nhô lên chúng sẽ gáy lần thứ ba.
Chúng tôi đi men theo con đường núi quanh co dốc đứng đến Thượng Sơn Động. Ông già chột mắt không đi cùng chúng tôi. Tôi nghĩ có thể nhà ông già này chỉ là địa điểm gặp mặt của bọn họ. Dãy Đại Biệt Sơn rộng lớn thế này, nhất định bọn họ còn có vài địa điểm gặp mặt khác. Ông già chột mắt không theo chúng tôi đi Thượng Sơn Động, thế thì sau này Thập Đấu có tìm đến Bán Sơn Động cũng không biết được thân phận của ông ta.
Tôi rất tự đắc với suy đoán của mình. Mấy năm hành tẩu giang hồ đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Giang hồ đúng là cái lò để tôi luyện con người.
Khi mặt trời còn chưa lên đến đỉnh đầu thì chúng tôi đã đến Thượng Sơn Động. Người nào người nấy đều mệt đến ná thở. Thượng Sơn Động lớn hơn Bán Sơn Động rất nhiều tuy nhiên vẫn cách biệt với bên ngoài. Người ở đây đều mặc kiểu áo có vạt áo đối xứng nhau. Một vạt quấn trong, một vạt áp bên ngoài, có khuy cài làm từ vải bện lại. Đây là phần áo trên. Còn quần họ mặc là loại quần đũng rộng, nam nữ gì cũng đều mặc một kiểu vậy. Vì cạp quần quá lớn nên khi mặc họ phải cuốn vào trước bụng. Để giữ cho cái quần rộng thùng thình này không bị tụt xuống, người nam sẽ mang thắt lưng dài còn người nữ mang thắt lưng bằng dây bện màu đỏ.
Đứng ở trên đỉnh núi, Lăng Quang Tổ chỉ vào một ngôi nhà to lớn nổi bật trong làng Thượng Sơn Động và nói: “Đó chính là nhà Thập Đấu”
Có thể thấy Thập Đấu đã dày công chuẩn bị đón tiếp chúng tôi thế nào. Trên bàn tiệc tuy không có những món ăn theo mùa, bởi vì bây giờ là mùa xuân, thời tiết mới vừa chuyển ấm, rau cỏ chưa mọc được nhưng lại có những món ngon như thịt thỏ, thịt gà rừng, thịt heo rừng, mộc nhĩ, đầu khỉ, nấm… bày ê hề trên bàn. Tôi vừa thấy đống đồ ăn này thì nước miếng đã chảy cả ra.
Tôi thì hứng thú với đồ ăn còn Thập Đấu thì hứng thú với thân hình Tiểu Kiều.
Tiểu Kiều là loại đàn bà rất biết cách lấy lòng đàn ông. Khi nhìn Thập Đấu không bao giờ nhìn thẳng mà chỉ đưa mắt nhìn trộm. Đuôi mắt chị ấy vểnh lên lúc nào trông cũng như đang cười. Trong tướng thuật kiểu mắt này gọi là đào hoa nhãn. Người đàn bà nào có đôi mắt này thì đa tình lắm.
Thập Đấu không cần dùng mắt cũng biết là Tiểu Kiều đang nhìn mình. Cho nên mỗi lần Tiểu Kiều nhìn trộm Thập Đấu thì khóe miệng anh ta lại lộ nụ cười.
Ở trên bàn tiệc, Thập Đấu đã bắt đầu gọi hai ông bà già là ba mẹ rồi.
Sau bữa tối, Thập Đấu đưa chúng tôi đi thăm nhà cửa, gia súc và ruộng vườn. Mỗi khi gặp người nào trong làng, Thập Đấu đều vồn vã giới thiệu chúng tôi. Anh ta gọi Tiểu Kiều là nội nhân của mình. Nội nhân là cách gọi đã rất xưa rồi. Chỉ có trong các hí khúc người ta mới có kiểu gọi như thế này. Thập Đấu gọi vậy có lẽ là để mọi người thấy anh ta là người có văn hóa, không phải là kẻ thô thiển.
Chú thích: Nội nhân tức vợ hoặc bà xã.
Sau khi đã đi xem hết nhà cửa của Thập Đấu, Lăng Quang Tổ mới hỏi Thập Đấu có ưng Tiểu Kiều không. Thập Đấu cười tít cả mắt, thậm chí đến nếp nhăn trên mặt cũng cười. Anh ta luôn miệng nói ưng, ưng. Lăng Quang Tổ lại hỏi Tiểu Kiều có chịu Thập Đấu không. Tiểu Kiều e lệ cúi đầu, hai tay nắm lấy bím tóc, mãi lâu sau mới đỏ mặt ngượng ngùng nói chịu. Giọng lúng búng nghe như tiếng muỗi kêu.
Ông già gầy gò rút tẩu thuốc ra khỏi miệng, nói: “Tôi chỉ có mỗi đứa con gái, vất vả lắm mới nuôi nó khôn lớn bằng này. Từ nhỏ đến giờ nó đã ăn không biết bao nhiêu chén cơm, mặc không biết bao nhiêu thước vải. Thực tình tôi không muốn nó lấy chồng xa thế đâu, chỉ muốn nó chăm sóc cho hai vợ chồng già. Nhưng Tiểu Kiều đã thích cậu rồi thì tôi cũng đành chịu. Có điều hai thằng anh nó cũng lớn tuổi rồi, còn phải lấy vợ nữa. Số tiền cưới vợ này cậu phải lo”
Thập Đấu nói: “Đó là đương nhiên”
Ông già gầy gò lại nói: “Nhà có thêm hai đứa con dâu thì cũng như mất hai gian phòng. Tôi đã già quá rồi, không thể cưới vợ cho thằng út. Nhà cậu có nhiều đất đai như thế, cũng cần người phụ giúp công việc. Thế thì cứ giao thằng út cho cậu. Cậu cứ xem như nó là gia súc trong nhà tùy ý mà sai bảo. Sau này cậu tìm cho nó một con vợ thì coi như cuộc đời nó êm ấm rồi”
Thập Đấu nói: “Đó là đương nhiên"
Ông già gầy gò nói: “Cưới một đứa con dâu thì cần mười đồng bạc, hai đứa là hai mươi đồng bạc”
Thập Đấu vui vẻ đồng ý. Anh ta lôi từ dưới chiếu ra một cái chìa khóa, mở tủ ra rồi lấy từ dưới tủ hai mươi đồng bạc. Sau đó thì khóa tủ lại, cất chìa khóa xuống dưới chiếu.
Vậy là tôi và Tiểu Kiều ở lại nhà Thập Đấu, còn bốn người kia quay về nhà.
Khi bốn người vừa ra đến cửa thì bà già bỗng bật khóc. Bà vừa khóc vừa nói: “Hai mươi năm mẹ con chưa từng xa cách. Vậy mà từ nay mỗi người một nơi. Tôi làm sao chịu được đây”
Tiểu Kiều quay người lại, cũng khóc nức nở.
Anh em Lăng Quang Tổ mỗi người nói một câu vỗ về bà già. Bà già càng khóc tợn. Lúc thì kêu tên con gái lúc lớn, lúc thì kêu tên con gái hồi nhỏ. Nước mắt nước mũi giàn giụa. Ông già gầy gò nói: “Đừng có khóc nữa, đừng có khóc nữa. Hôm nay là ngày vui, sao lại khóc lóc thế này?”
Lúc này bà già mới nín dần.
Tôi đứng đầu làng nhìn bốn người họ rời đi, trong lòng hơi cô đơn, lại có chút lo lắng. Tôi không biết mình ở đây làm gì, cũng không biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Tiểu Kiều đặt tay lên vai tôi, chị nói: “Em à, sau này cứ nghe theo lời chị. Đến nhà người ta không được nói năng lung tung, không được đi lại lung tung”
Thập Đấu nói: “Nói gì lạ thế chứ. Đây đã là nhà của em rồi, cái gì mà nhà người ta”
Chỉ mất hai mươi đồng bạc mà đã cưới được cô vợ xinh đẹp thế này, Thập Đấu thấy vụ làm ăn này hời quá. Ngay cả tôi cũng thấy hai mươi đồng bạc là quá ít. Lăng Quang Tử chỉ chôn một cái đầu dê ở nhà cụ Cao mà đã có một trăm đồng bạc rồi.
Tôi không hiểu vì sao họ lại đòi ít thế?
Vào đêm tân hôn, tôi được sắp xếp ở trong một gian nhà trống.
Nhà Thập Đấu có tám gian phòng. Ngoại trừ một gian phòng dành cho hai người làm ruộng, một gian dành cho người hầu lo việc nội trợ và một gian dành cho hai vợ chồng thì nhà họ còn năm gian phòng trống nữa.
Gian phòng trống chất đầy nông cụ chưa dùng đến như là bổ cào, lưỡi cày, máy gieo hạt thủ công.
Mùa hè hàng năm, sau khi lúa đã được gặt xong thì sẽ được phơi khô ở sân phơi thóc. Người ta sẽ dùng trục lúa lăn qua lăn lại để ép cho hạt thóc tách khỏi bông. Sau khi lăn xong, lớp rơm sẽ nằm lớp trên, còn thóc nằm ở lớp dưới. Lúc này muốn gom rơm lại thì sẽ dùng đến bồ cào. Sau khi thu hoạch lúa muốn làm vệ sinh ruộng đất, bỏ gốc rạ đi thì phải dùng đến lưỡi cày, lưỡi bừa. Cày và bừa đều có tác dụng giống nhau là làm cho đất được tơi xốp. Sau khi cày xong đất thì gốc rạ vẫn còn, lúc này người ta sẽ dùng đến bừa. Gia súc sẽ kéo bừa đi một vòng quanh ruộng, gốc rạ sẽ được gom lại ở hai đầu ruộng.
Hai người đầy tớ dọn dẹp những nông cụ tạm thời chưa dùng đến để làm phòng ngủ cho tôi.
Có lẽ từ khi xây dựng đến nay gian phòng này chưa từng có người ở nên khi tôi bước vào đã thấy lạnh lẽo. Đến nửa đêm tôi thức dậy. Tôi định qua phòng của Tiểu Kiều và Thập Đấu mượn thêm một cái chăn nữa nhưng tôi nghe trong phòng hai người truyền ra âm thanh rất lạ.
Đó là tiếng kêu nức nở của Tiểu Kiều. Nghe có vẻ đau đớn lại cũng có vẻ khoan khoái. Tiếng kêu đó lúc thì nhịp nhàng, đều đặn, có lúc lại dồn dập, gấp gáp.
Sau đó tôi nghe thấy giọng nói của Tiểu Kiều, chị ấy trách móc: “Bây giờ em đã là người của anh. Anh không được đối xử tệ bạc với em đâu đấy”
Tôi định đi vào phòng họ nhưng lại thấy có gì đó không đúng. Lúc đó tôi đã có chút ý thức về giới tính.
Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được.
Tôi cứ miên man suy nghĩ. Tôi nhớ về ngôi trường tư thục trước kia, tôi nhớ về cái hang sói mà mình đã ở cùng với bọn buôn người, tôi nhớ về những ngày đen tối ở gánh xiếc và tôi nhớ đến Thúy Nhi.
Thúy Nhi ơi, giờ này chị đang nơi đâu?