Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2366 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
BÍ TỊCH GIANG HỒ
Chương 21
Yểm nhà mới
Tôi không nhớ là chúng tôi đã ở huyện thành này mấy ngày, có thể là năm ngày, cũng có thể là bảy ngày nhưng chắc chắn là không ở lại lâu. Lăng Quang Tổ đã nói nếu chúng tôi ở đây quá lâu thì có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc dính vào tù tội. Cụ Cao biết mình bị hớ sẽ tìm đến gây phiền phức cho chúng tôi ngay.
Chúng tôi đã làm được ba việc ở huyện thành này. Việc thứ nhất là lừa được cụ Cao một trăm đồng bạc. Việc thứ hai là lỡ tay đưa bà già khoe của kia xuống suối vàng. Việc cuối cùng đó là trù yểm một hộ.
Cái gọi là trù yểm, nói cho dễ hiểu đó chính là gài bẫy.
Tôi thích điêu khắc từ nhỏ. Tôi rất có khiếu về món này. Nếu tôi không bị bắt cóc vào năm lên tám tuổi và nếu ba chịu chuộc tôi về thì có lẽ cuộc đời tôi đã khác. Sau khi lớn lên có thể tôi đã là một nhà điêu khắc. Cho dù không trở thành nhà điêu khắc thì chí ít cuộc sống cũng khấm khá hơn khối người.
Dù hồi nhỏ thích điêu khắc nhưng tôi lại không biết nó gọi là điêu khắc. Người dưới quê chỉ cho là tôi nghịch ngợm, làm những chuyện vớ vẩn không đâu. Tôi thường mang một con dao nhỏ bên mình. Chỉ cần có cơ hội thích hợp là tôi lấy dao ra nghịch. Cái ghế nào của trường cũng được tôi khắc hình. Dưới cái ghế của tôi là hình một con chim én. Còn dưới ghế của các bạn học khác thì là hình cua, nhện, cóc. Riêng cái ghế của ông thày tôi khắc một con rùa. Mỗi khi lên lớp, nhìn ông thày đang ngồi ngay ngắn trên ghế, vẻ mặt nghiêm nghị thì tôi lại liên tưởng đến hình ảnh ông ấy đang ngồi trên lưng con rùa. Lúc đó tôi chỉ muốn cười phá lên. Có lần ông thày ngồi không vững làm ghế đổ xuống, lúc đó mới phát hiện cái hình tôi đã khắc lên. Thày liền mở cuộc điều tra quy mô, cuối cùng tôi bị thày lôi ra ngoài lớp dùng thước kẻ đánh cho sưng cả tay.
Sau này ở gánh xiếc ngày nào tôi cũng bận tối mắt tối mũi như là quy từ, còn đâu thời gian mà điêu với khắc. Thời đó người ta gọi những người đánh trống thổi kèn là quy từ. Mỗi khi có ma chay hiếu hỉ bọn họ người đánh trống kẻ thổi kèn từ điệu này kéo qua điệu khác. Mọi người được ngồi ăn uống còn bọn họ thì không thể. Họ chính là những người bận rộn nhất.
Từ khi đặt chân đến huyện thành, hiếm khi nào tôi có được vài ngày rảnh rỗi như thế này. Cái thú chạm khắc của tôi bắt đầu nhen nhóm trở lại rồi.
Ở huyện thành có một thợ khắc ấn trẻ. Cứ rảnh rỗi là tôi lại chạy đến tìm anh ấy. Anh ấy làm việc hết sức tập trung. Tay trái giữ chặt phôi, tay phải cầm dao khắc. Cứ khắc được nét nào là lấy miệng thổi một cái cho bay hết mạt gỗ. Tôi ngồi bên cạnh chăm chú nhìn đến say mê. Tinh thần làm việc hết mình của anh đã cuốn hút tôi. Con dấu anh ấy khắc ra cũng làm tôi mê mẩn. Có lần tôi thấy nước mũi của anh ấy đọng ở đầu mũi, đung đưa như sắp rơi xuống thế mà anh ấy cũng không biết mà chùi đi. Tôi nghĩ, một nghệ nhân có thể tập trung cho công việc đến mức độ này thì nhất định là một nghệ nhân vĩ đại.
Trong gian hàng của anh ấy có mấy con dao khắc. Đó là loại dao bốn cạnh, có phần lưỡi ngắn, sáng loáng còn phần thân màu đen rất dài. Con dao trước kia của tôi được mài từ mảnh sắt vụn, làm sao có thể đẹp bằng mấy con dao chuyên dụng này?
Tôi nói với anh ấy: “Anh cho em sờ con dao một cái được không?”
Anh ấy bực bội nói: “Đi chỗ khác. Đồ nghề của thợ là sinh mạng, sao có thể tùy tiện đụng chạm? Mày cứ thử đứng giữa đường, tụt quần xuống, rồi để người ta thoải mái sờ mó tiểu đệ. Xem có chịu được không?
Tôi nghĩ cũng có lý nhưng mà tôi đang muốn có một con dao giống như vậy nên nói: “Thế anh bán cho em một con có được không?”
Anh ấy nói: “Mày có thấy ai đi bán đồ kiếm ăn của mình bao giờ chưa? Đi, đi chỗ khác chơi.
Tôi không chịu thua nên cứ ở lì trước cửa hàng của anh ấy và nói: “Anh nói cho em biết chỗ nào bán dao đi, có được không?”
Anh ấy nói: “Đến Nam Môn. Ở đó có tiệm rèn. Mày vào đó mà hỏi”
Muốn mua dao thì phải có tiền mà tôi thì không có đồng nào. Tôi đi tìm Lăng Quang Tổ nói mình muốn mua loại dao này. Lăng Quang Tổ liền đưa tôi một đồng bạc. Ông ấy nói: “Học cho giỏi vào, khắc cho khéo vào. Học xong ắt sau này có chỗ dùng đến”
Tôi cầm tiền đi đến Nam Môn thì thấy đúng là ở đó có tiệm rèn. Nam Môn chính là tên một con ngõ.
Trong tiệm rèn lò lửa đang cháy đỏ, trên lò đậy một miếng ngói. Ông thợ rèn đeo tạp dề bằng da, còn người thợ phụ ngồi trên ghế đẩu tay kéo bễ. Cái bễ kêu u u làm cho ngọn lửa rực sáng.
Tay trái ông thợ rèn cầm kẹp, rút một khối sắt nóng đỏ từ trong lò ra đặt lên trên đe, tay phải giơ cái búa con lên. Người thợ phụ đứng dậy, nâng cái búa sắt lớn lên. Cái búa con của ông thợ rèn gõ lên khối sắt, cái búa lớn của người thợ phụ liền đập theo sau. Búa nhỏ gõ vào chỗ nào thì búa lớn đập vào chỗ ấy. Cái búa nhỏ giống như như con gà mổ thóc còn cái búa lớn như sấm sét giáng xuống. Cái búa lớn vừa đập xuống là mạt sắt bắn ra tung tóe. Mạt sắt biến thành màu đen rồi rơi xuống tạp dề của ông thợ rèn, rơi cả trên cái đe sắt đen sì và vương vãi khắp nơi trên mặt đất.
Khối sắt nóng đỏ từ từ nguội đi, cong dần, sau đó biến thành hình dạng của cái cuốc chim.
Ông thợ rèn và người thợ phụ mồ hôi nhễ nhại. Cuối cùng thì họ cũng dừng tay. Ông thợ rèn nhìn tôi, lau mồ hôi trên mặt rồi hỏi: “Cần rèn gì?”
Tôi nói: “Cháu muốn mua dao khắc”
Ông thợ rèn nói: “Dao khắc gì”
Tôi nói: “Nó là loại dao khắc ấn”
Ông thợ rèn nói: “Không có”
Tôi nói: “Vậy bác làm cho cháu một cái đi. Anh thợ khắc ấn gần miếu Thành Hoàng nói bác biết làm”
Ông thợ rèn nói: “À, mày đang nói đến thằng khắc ấn đó à. Được. Vậy thì đánh cho mày một bộ. Một bộ là năm con”
Tôi nói: “Cháu không cần cả bộ. Cháu chỉ cần một con thôi”
Ông thợ rèn nói: “Một con thì một con. Mày ngồi chờ tí là xong ngay”
Ông thợ rèn tìm trong đống lộn xộn trên mặt đất một miếng sắt, sau đó ném vào lò. Qua một lúc ông gắp miếng sắt cháy đỏ đó ra, dùng cây búa nhỏ gõ gõ đập đập thành một cây sắt bốn cạnh. Tiếp đó đập vát một đầu. Ông nói: “Xong rồi”
Tôi đưa cho ông thợ rèn một đồng bạc. Ông ấy trả lại tôi cả nắm tiền.
Tôi mang cây sắt lạnh lẽo này ra bờ sông, cẩn thận mài nó lên mặt đá. Cuối cùng cũng mài thành một con dao khắc sắc bén.
Con dao khắc này đã trở thành món đồ quý giá nhất của tôi. Có dao trong tay nên gặp thứ gì tôi cũng muốn khắc lên. Lăng Quang Tổ hỏi: “Mày biết khắc không đó?”
Tôi nói: “Chuyện nhỏ. Ông thích khắc hình gì tôi sẽ khắc được hình đó”
Lăng Quang Tổ nói: “Vậy mày khắc một cái xe ngựa lên ngạch cửa xem nào”
Tôi nhấc cái ngạch cửa của quán trọ lên, đặt vào trong lòng rồi cầm dao khắc. Chỉ loáng cái trên ngạch cửa đã có hình một cái xe ngựa.
Lăng Quang Tổ vỗ tay cười lớn: “Hay lắm, hay lắm. Hôm nay chúng ta sẽ ra ngoài, tìm nhà nào đang xây rồi trù ếm nó”
Chúng tôi rời quán trọ, đi chầm chậm qua các con phố. Tôi bước đằng sau Lăng Quang Tổ. Ông ấy trông như một thương nhân khôn ngoan đang đi tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Cứ đến cổng một hộ giàu có thì ông lại đứng đó trầm ngâm quan sát. Có người tò mò đến hỏi thăm thì ông nói: “Tôi đến tìm nhà người bà con mà quên mất nhà ở góc nào rồi?” Người ta hỏi: “Bà con của anh tên gì, để tôi đưa anh đi. Lăng Quang Tổ sẽ nói: “Tôi chỉ biết tên tục của người đó là Ngai Cẩu, còn tên thật thì tôi không nhớ”. Trong lúc người đó đang cố nhớ xem ai có cái tên là Ngai Cẩu thì tôi suýt bật cười. Ngai Cẩu chính là tên tôi hồi nhỏ. Lăng Quang thấy người đó chưa nghĩ ra thì nói: “Tôi có thể tìm được, không dám phiền bác nữa”. Sau đó chúng tôi tiếp tục đi về phía trước.
Đi được nửa huyện thành thì chúng tôi bắt gặp một hộ đang xây nhà. Tường gạch đã xây xong, gỗ làm nhà chất đống một bên. Nhà thời đó không phải kiểu nhà lắp ghép mà là loại nhà có kết cấu từ gạch và gỗ. Để xây một căn nhà cần phải có xà gồ, vỉ kèo, cột gỗ.. còn cần có gạch, ngói, vôi vữa… Khi xây nhà đầu tiên phải đào móng, dùng cọc đá đầm móng nhà cho chặt.
Sau đó thợ sẽ trộn vôi và nước theo một tỷ lệ nhất định để làm vữa, trải vữa lên trên gạch là có thể liên kết hai viên gạch lại với nhau. Cứ thế mà xây thành một bức tường. Hiện nay người ta đã chuyển qua loại vữa dùng cát pha xi măng.
Thợ nề xây xong bức tường gạch sẽ tạm nghỉ một thời gian, lúc này đến phiên người thợ mộc bận bịu. Họ phải dựng cột nhà vào chân tường, gác xà lên trên cột, gắn rui vào xà thế là xong phần khung của nhà.
Sau khi thợ nề và thợ mộc đã làm xong công việc của mình thì đến lượt người thợ lát mái. Họ trải những tấm phên đan bằng lau sậy lên trên rui, tiếp đó phủ một lớp hỗn hợp của rơm rạ và bùn, rồi lợp ngói lên trên. Vậy là nhà được xây xong.
Hộ giàu có thì xây nhà bằng gạch, ngói, gỗ cây tùng. Cây tùng sinh trưởng chậm, giá cả đắt đỏ. Tuy thế, người nào càng giàu thì gỗ tùng dùng làm xà, rui càng lớn. Còn những người nghèo khổ, bần cùng thì dùng loại gạch sống để xây tường, dùng gỗ dương, gỗ cây ngô đồng cũng cất được cái nhà tạm để che mưa che nắng còn không thì cứ đào một cái hang ở vách núi rồi lấy gạch sống xây thành vách nhà hoặc đào một cái hầm rồi sống dưới đó như con chuột đồng. Gạch sống là gì. Đó là đổ đất mềm vào khuôn hình chữ nhật, lấy đá đầm cho chặt. Sau đó tháo khuôn, đem phơi khô thì thành gạch sống. Loại gạch sống ngày dùng để thay cho gạch nung.
Chủ căn nhà này chắc là giàu lắm, nội cái xà nhà đang nằm dưới đất kia đã to bằng cả người ôm, ngay cả cái rui cũng to bằng đùi tôi. Nhìn mặt cắt của cây gỗ toàn là những vòng tròn dày đặc như thế ngay cả tôi cũng biết chủ nhà thuộc dạng lắm tiền nhiều của.
Lúc này mấy người thợ đã đi ăn cơm hết rồi. Chỉ còn một ông già khoảng trên năm mươi tuổi đứng coi. Mắt ông ta có bọng đỏ, người thấp bé, quần áo rách rưới nhìn là biết thuộc tầng lớp lao động chân tay.
Lăng Quang Tổ thấp giọng nói: “Tao đánh lạc hướng lão ta, còn mày khắc một cái xe ngựa lên trên xà nhà. Nhớ khắc ngay chính giữa, khắc thật nhỏ thôi sao cho không dễ nhận ra.
Tôi khẽ hỏi: “Khắc hình xe ngựa làm gì?”
Lăng Quang Tổ cáu tiết nói: “Bảo mày khắc thì mày cứ khắc đi. Nhiều lời làm đéo gì thế”
Tôi bực mình nói: “Nếu ông không nói thì tôi không khắc”. Tôi biết là ông ấy đang rất cần tôi.
Lăng Quang Tổ cười nói: “Được rồi, được rồi. Mày khắc xong thì tao nói cho biết. Cái xe đó đổi được một trăm đồng bạc đấy”
Lăng Quang Tổ bước tới chào ông già, rồi bắt chuyện với ông ta.
Ông ấy cố tình để ông già quay lưng lại phía tôi. Trong lúc ông già không để ý, tôi đi vào đống gỗ, lấy dao ra khắc lên cây gỗ lớn nhất hình cái xe ngựa to cỡ con nhện.
Sau khi khắc xong, tôi đi về phía họ. Lăng Quang Tổ vẫy tay chào ông già rồi chúng tôi rời đi.