Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2335 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 5
Đêm khuya chạm mặt sách bạch đảng
Trời bắt đầu tối dần, tôi chạy đến mồ hôi ướt đẫm cả lưng, miệng há to giống như con cá mắc cạn trên bãi cát. Tôi thấy mình hết chạy nổi rồi, người sắp gục ngã đến nơi. Tạ ơn trời đất, một thị trấn hiện ra trước mắt, cỗ xe ngựa đang dừng bên ngoài trấn.
Trị trấn có chừng mười mấy hộ dân, đèn thắp sáng thành một dãy dài. Trong đêm tối mùi thức ăn tỏa ra ngào ngạt. Vào thời đó, một thị trấn như thế này đã được xem là thị trấn lớn. Bên trong trấn có tiệm tạp hóa, tiệm mì, còn có một quán trọ. Trên cột cờ trước cửa quán trọ có treo một cái đèn lồng giấy đỏ soi rõ bốn chữ viết thật lớn. Tôi nhận ra đó là bốn chữ Quán Trọ Đồng Xuân.
Xe ngựa không chạy ngay vào trấn mà dừng ở bên ngoài. Một người xuống xe bước vào trước, những người còn lại đợi bên ngoài. Sau thời gian hút hết một bi thuốc thì bên trong trấn có hai tiếng huýt sáo lanh lảnh, lúc này xe ngựa mới chạy vào.
Gánh xiếc này làm cho người ta cảm thấy rất kỳ lạ.
Tối hôm đó tôi chỉ được ăn nửa cái bánh bao. Cái bánh này là của một người trong gánh xiếc ăn không hết để lại cho. Sau khi ăn xong bữa tối, bọn họ cả nam lẫn nữ đều ngủ chung một phòng. Tôi không nhìn rõ hai người nữ. Họ chưa hề đến dưới ánh đèn. Trong phòng thắp một ngọn đèn dầu. Trên tường có một cái hốc, ngọn đèn được đặt vào cái hốc đó.
Họ được ngủ trên khang, còn tôi phải ngủ dưới đất.
Chú thích: (Khang: Một loại giường xây bằng gạch hoặc đất. Bên dưới có đường thông với ống khói. Dùng để lấy hơi ấm từ lò sưởi)
Đã chạy cả ngày trời nên vừa đặt lưng là tôi đã lăn ra ngủ.
Đến nửa đêm, tôi mắc tè nên tỉnh giấc. Tôi không dám thắp đèn. Thấy vầng trăng khuyết đang treo trên bầu trời tôi run rẩy bước ra khỏi phòng.
Khi bước ra đến sân thì trăng đã bị mây che khuất, những ngôi sao trên trời bỗng nhiều thêm. Dải ngân hà vắt ngang lưng chừng bầu trời cảm giác như đang ở rất gần, ngay sát đỉnh đầu.
Tôi nương theo ánh sao đi đến bên góc tường định đi tiểu thì đột nhiên nghe thấy tiếng nói chuyện của hai người đàn ông trong phòng.
Hai người này đều nói giọng địa phương nhưng tôi lại chẳng hiểu họ nói gì. Một người hỏi: “Mặt có sáng không?” Một người khác nói: “Rất sáng.” Một người hỏi: “Rơi vào tổ chưa?” Một người khác nói: “Vừa mới rơi vào tổ”. Một người hỏi: “Cần chuẩn bị mấy đấu?”Một người khác nói:"Ít ra cũng phải ba đấu"
Tôi nghe họ nói mà như lạc giữa sương mù, không hiểu tí gì cả. Hạ bộ tưng tức không chịu nổi nên tôi mặc kệ họ, tụt quần xuống làm một bãi vào bức tường cái đã. Tiếng nước tiểu phun sè sè giữa đêm khuya thanh vắng nó mới ồn ào làm sao, ngay cả tôi cũng giật cả mình. Tôi nhủ thầm, dừng lại đi, dừng lại nào nhưng không thể nào kìm lại được.
Đèn trong phòng chợt sáng lên, hai người họ bước ra, tay cầm theo cây đèn dầu soi vào mặt tôi. Một người nói: “Cứ tưởng ai thì ra là một thằng nhóc. Làm hết cả hồn”
Bọn họ lại trở về phòng. Tôi vốn nghĩ mình sẽ ăn no đòn, không ngờ bọn họ không thèm hỏi lấy một câu đã bỏ đi.
Tôi lóng ngóng đi về phòng, nằm dưới nền đất mà nghĩ về những lời họ nói. Cái gì mà mặt, cái gì mà tổ, cái gì mà mấy đấu. Đây là ý gì, sao tôi chẳng hiểu một câu nào hết vậy.
Họ đang làm cái gì chứ?
Tôi suy nghĩ một lúc thì cơn buồn ngủ ập đến thế là lại ngủ tiếp.
Khi tôi tỉnh dậy mặt trời đã lên cao. Căn gác gỗ trước quán trọ đã ngập trong ánh nắng vàng. Trong sân quán trọ người đi lại rộn ràng. Có người đóng súc vật vào càng xe, miệng hô: “Đi nào, đi nào”. Có người trên vai gánh những bao tải hàng phát ra tiếng kẽo cà kẽo kẹt
Đêm qua trong phòng chúng tôi có sáu người. Bốn nam hai nữ. Tối qua tôi không nhìn rõ bây giờ mới thấy hai cô gái này rất xinh đẹp. Từ thân hình, ánh mắt, lông mi, cho đến mái tóc đen đều đẹp đến mức tôi chưa từng thấy ai xinh hơn họ. Họ còn xinh đẹp hơn mẹ tôi rất nhiều. Tất nhiên con mụ Lôi Thải Phượng lại càng không đáng bén gót.
Hai cô gái xinh đẹp bước ra khỏi phòng. Tôi cũng bước theo sau, Tôi thấy có hai người đàn ông đang đứng trước cửa phòng mình đứng tè tối qua. Thân hình họ cao lớn và rất anh tuấn. Ánh mắt của họ dán vào thân hình của hai cô gái. Tôi nghĩ chắc hai người đàn ông cao lớn này chính là hai người đã nói những câu mà tôi không hiểu.
Hai người đàn ông bước tới, bọn họ làm như không thấy tôi đi thẳng đến trước mặt hai cô gái chào hỏi. Họ nói: “Các em gái là từ đạo nào?”
Một trong hai cô gái nói: “Núi chia làm hai, nước chảy đôi bờ, đã không cùng đạo thì không cần hỏi nhiều”
Hai người đàn ông nói: “Xem ra cũng là người trong giang hồ, liệu có thể để lại ấn ký không?
Hai cô gái chưa kịp đáp lại thì có một người đàn ông thân hình thấp nhỏ nhưng chắc khỏe bước từ ngoài quán trọ vào. Ông ta ho một tiếng nghe rất có uy. Hai cô gái liền quay trở lại phòng. Người đàn ông đó đi thẳng vào giữa hai người đàn ông anh tuấn kia, còn cố ý dùng vai huých vào người họ. Ông ta thấp hơn cả cái đầu nhưng hai người đàn ông anh tuấn kia lại bị đẩy lui vài bước. Hai người này đều biến sắc mặt. Người đàn ông nói không thèm quay đầu lại, nói: “Trời cao đất rộng, đường ai nấy đi, kẻ thức thời thì nên bớt lời”
Hai người kia đưa mắt nhìn nhau, chán nản trở lại phòng mình, đóng cửa lại không dám ra nữa. Tôi nhìn thấy trên bức tường trước cửa phòng họ, vết nước tiểu của tôi tối qua vẫn còn ướt nhẹp.
Sau này tôi mới biết người đàn ông này là người đứng đầu gánh xiếc, tên ông ta là Cao Thụ Lâm. Còn hai cô gái xinh đẹp đó là trụ cột của gánh xiếc, một người là Thanh Nhi, một người là Thúy Nhi.
Hai người đàn ông anh tuấn đó tên gì tôi cũng không rõ. Sau này tôi cũng không gặp lại họ nhưng những lời nói làm tôi phải vò đầu bứt tai của họ tối hôm đó thì tôi vẫn nhớ mãi. Mãi cho đến mười năm sau tôi mới biết được thân phận của họ, cũng hiểu được những lời họ nói mười năm trước.
Bọn chúng chính là những kẻ đào mỏ chuyên đi dụ dỗ đàn bà, con gái.
Chúng tôi phải lên đường.
Gánh xiếc tổng cộng có bảy người. Ngoài Cao Thụ Lâm, Thanh Nhi, Thúy Nhi còn có bốn người nữa. Người xà ích tên là Thụ Trang, nghe nói là huynh đệ của Cao Thụ Lâm nhưng không biết có phải ruột rà gì không. Cái người hôm qua chĩa cây gậy vào tôi tên là Điểu Tử, nghe đâu cũng biết vài miếng võ nghệ. Còn cái người gày lêu nghêu kia là Tuyến Can. Tay chân hắn ta rất lanh lẹ, có thể trèo lên ngọn cây cao tít. Còn có một gã tẩm ngẩm tầm ngầm, cả ngày làm mặt lạnh, cạy miệng không nói tiếng nào. Nhìn người khác toàn là nhìn trộm, không bao giờ dám nhìn thẳng. Gã này có tên là Bồ Đề. Tôi không hiểu vì sao gã lại có cái tên quái lạ như thế.
Ngoài bảy người này ra, gánh xiếc còn có một con khỉ, hai con ngựa và đủ thứ đạo cụ khác nhau mà tôi không biết dùng để làm gì. Con khỉ đó rất đáng ghét, nó không bao giờ ở yên một chỗ, đôi khi nó còn bất ngờ nhảy lên đầu khiến tôi giật thót mình.
Gánh xiếc này rong ruổi khắp nơi. Cứ cách ba ngày họ sẽ đến biểu diễn ở một ngôi làng khá lớn. Sau khi diễn xong sẽ lập tức lên đường đến địa điểm khác. Khi đi đường bọn họ rất vội vã, cứ như là nhà đang có tang. Tôi không biết vì sao lại phải đi gấp gáp như vậy. Mãi cho đến nửa năm sau tôi mới biết được bí mật này.
Tôi được giao làm những việc lặt vặt trong gánh xiếc như dựng, hạ sân khấu. Cao Thụ Lâm đã nói với tôi ngay trong ngày đầu tiên làm việc: “Tay làm hàm nhai, siêng năng chăm chỉ thì mới có cơm mà ăn, còn không làm mà đòi ăn thì cứt cũng không có mà ăn đâu con”
Vì vậy, tôi rất chịu khó làm việc chỉ mong họ cho bát cơm mà ăn.
Các tiết mục xiếc rất đơn giản, quay đi quay lại chỉ có mấy trò như: Khỉ cưỡi ngựa, khỉ leo cột, múa sao băng, chồng ghế, giáo vàng đâm họng, đi thăng bằng trên dây.
Trò khỉ cưỡi ngựa và khỉ leo cột rất dễ hình dung. Múa sao băng tức là dùng dây thừng cột vào hai cái chén, bên trong chén bỏ ít dầu cải rồi đốt cháy. Tay cầm sợi dây múa xoay tròn. Chồng ghế là đặt một cái chén sứ lên trên ghế, rồi lại đặt một cái ghế lên cái chén, rồi đặt tiếp một cái chén lên trên ghế. Cứ thế xếp chồng lên nhau đến mấy tầng, người sẽ đứng ở trên cái ghế cao nhất.
Giáo vàng đâm họng là hai người đứng đối diện nhau, lấy một cây giáo sắt hai đầu đều nhọn đặt ở nơi yết hầu của mỗi người. Hai người cùng đẩy về phía trước. Đi thăng bằng trên dây là dùng sợi dây thừng buộc nối hai đầu cây cột rất cao cho thật căng, rồi đi lại trên sợi dây đó.
Mỗi người trong gánh xiếc đều được giao phụ trách từng việc riêng. Đánh xe ngựa và huấn luyện khỉ cưỡi ngựa, leo cột là việc của Thụ Trang. Thụ Trang rất giỏi huấn luyện thú. Dưới sự uy hiếp của cây roi da và sự huấn luyện lặp đi lặp lại mà anh ta chỉ cần giơ tay, nhấc chân là khỉ, ngựa đã biết anh muốn chúng làm gì.
Múa sao băng và giáo vàng đâm họng là do Cao Thụ Lâm và Điểu Tử phụ trách. Tiết mục này cần phải biết chút ít kỹ xảo và võ thuật cơ bản.
Chồng ghế là tiết mục của Thanh Nhi và Thúy Nhi. Thân hình hai người họ mềm mại uyển chuyển, ở trên cao trông như chim ưng tung cánh bay.
Đi thăng bằng là món tủ của Tuyến Can. Anh ta ở trên cao duỗi hai tay đu đưa qua lại trên sợi dây luôn làm cho người ta phải trầm trồ mãi không thôi.
Gánh xiếc chỉ có từng đó trò nhưng thời gian biểu diễn khá dài. Phần lớn thời gian đó họ đều dành để ba hoa quảng cáo, đặc biệc là Điểu Tử. Cái miệng của anh ta nói nghe rất đã tai. Trước khi bắt đầu một tiết mục, anh ta sẽ khen ngợi, tâng bốc người biểu diễn cứ như đó là người ít có trên đời. Anh ta lại rất giỏi đọc những bài vè hơi tục nên thường làm cho mọi người cười hô hố mãi không thôi.
Các tiết mục của chúng tôi đều được xem miễn phí. Trước khi bắt đầu biểu diễn, trưởng gánh xiếc đã liên hệ với Lý trưởng. Ông ta sẽ trả cho chút tiền công, còn chúng tôi chỉ việc lên đài biểu diễn.
Thời kỳ đầu những năm Dân Quốc, dưới tỉnh là huyện, dưới huyện là khu, dưới khu là lý, dưới lý là làng, dưới làng là lư, dưới lư là lân. Năm hộ thì là một lân, hai mươi lăm hộ là một lư, một trăm hộ trở lên thì là một làng.
Thực ra thu nhập của gánh xiếc không phải nhờ vào khoản tiền thưởng ít ỏi của Lý trưởng. Câu chuyện đằng sau đó thâm ảo vô cùng.
Trong số bảy người, thì sáu người có tiết mục biểu diễn ngoại trừ Bồ Đề. Mỗi lần tôi dựng đài dựng cột đều không thấy Bồ Đề nhưng đến khi chúng tôi rời đi thì anh ta lại xuất hiện.
Bồ Đề là người bí ẩn nhất gánh xiếc. Tôi là người mới, trong gánh xiếc vai vế phân biệt rất rõ này tôi có địa vị thấp nhất. Thế nên tôi phải giữ mồm giữ miệng, không được có ý kiến gì.
Thực tế bất kỳ tổ chức nào cũng đều có tôn ti trật tự cả.
Ở đâu có người, ở đó có giang hồ.