Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 1984 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
 BÍ TỊCH GIANG HỒ
Chương 29
Hòa thượng giỏi lừa lọc

Mùa xuân đã lặng lẽ về trên núi, trời mỗi ngày một ấm hơn. Bộ quần áo bông mới Lăng Quang Tổ mua ở huyện thành cho tôi đã đọng một lớp mồ hôi. Ánh nắng ấm áp chiếu lên những sườn núi. Hoa dại nở rộ khắp nơi, ong bướm bay lượn rập rờn giữa các khóm hoa.
Tôi đi dọc theo con đường trong thung lũng thẳng về trước. Đây là con đường duy nhất nối với thế giới bên ngoài. Thỉnh thoảng trên đường có cỗ xe ngựa chạy qua lại, còn có một vài người đi thả ong mật. Nhưng nói chung, con đường này khá vắng vẻ. Chùa Hương Dũng nằm ở cuối con đường này. Lăng Quang Tổ nói trong vòng ba năm ông ấy sẽ kiếm được một gia tài lớn, liệu có khoác lác quá chăng?
Tôi đi khoảng một giờ thì bắt gặp một cái chợ. Chợ này nằm trong một cái khe ở giữa hai ngọn núi. Người dân từ các làng bản quanh vùng mang đến đây các sản vật của miền núi nào là thịt gác bếp, lông thú, củ mài. Họ bày thành dãy hai bên đường chờ người đến mua.
Có vài hộ sống rải rác ở lưng chừng núi. Đứng trước cửa nhà họ tôi có thể nhìn thấy toàn cảnh khu chợ. Tôi quyết định ở nhờ những gia đình này.
Cửa nhà thứ nhất có treo một cái khóa đồng. Cái khóa đã lên nước sáng bóng, rõ ràng đã có từ rất lâu rồi, nó đã được bàn tay của không biết bao nhiêu thế hệ đánh bóng. Nhà thứ hai cửa mở toang, tôi đứng ngoài nhìn vào thì thấy một cô bé tầm tuổi tôi đang đứng ở chỗ khuất trong nhà.
Tôi hỏi: “Nhà em có ai không?”
Cô bé bước qua ngạch cửa đi ra ngoài sân. Ánh nắng mặt trời rực rỡ bất chợt chiếu lên người cô bé, chiếu sáng cả đôi mắt tôi. Tôi ngẩn ngơ tưởng như Ni Tử đang đứng trước mặt mình.
Cô bé nhìn tôi, hỏi: “Anh là ai?”
Tôi nghĩ rồi đáp: “Anh đến từ chùa Hương Dũng”. 
Tôi cũng không biết mình là ai. Là tiểu hòa thượng ư? Không phải. Là thầy tướng số ư? Cũng không phải. Là người diễn xiếc ư? Cũng không nốt. Hiện giờ tôi chẳng có thân phận gì cả. Tôi chỉ là một người có cái tên Ngai Cẩu.
Cô bé vui vẻ nói: “Chùa Hương Dũng á, em đã đến đó rồi. Anh vào nhà đi”
Tôi bước vào trong nhà, thấy đồ đạc bày biện rất đơn giản. Một chiếc giường làm bằng tre dựa vào góc nhà. Trên giường là mấy cái chăn bông xếp chồng lên nhau.
Tôi hỏi: “Ba mẹ em đâu rồi?”
Cô bé nói: “Đi chợ hết rồi” 
Dưới nền nhà có hai cái ghế đẩu nhỏ, chúng tôi ngồi đối mặt chỉ cách nhau một bước chân. Tôi thấy ánh nắng chiếu vào giữa chúng tôi. Những hạt bụi li ti đang lơ lửng giữa vạt nắng giống như đàn cá con bơi lội giữa biển khơi. Hình như cô bé mới gội đầu, mái tóc tỏa mùi thơm dìu dịu, trên đầu còn cài một cái nơ vải đỏ hình bươm bướm.
Tôi chợt thấy ở cùng một cô gái như vậy thật tốt biết bao, nó giống như đang uống mật ong ấy.
Chúng tôi ngồi được một lát thì ba mẹ em ấy về. Ba em là một nông dân nhanh nhẹn, tháo vát, thân hình gầy ốm. Mẹ em có dáng người cao ráo, nói chuyện rất nhanh, đi lại cũng rất nhanh nhẹn.
Họ hỏi kỹ lai lịch của tôi. Tôi sợ họ sẽ không cho ngủ nhờ, hơn nữa để nói dối một câu thì cần ít nhất mười câu lấp liếm nên tôi trả lời rất thành thật. Một người xa lạ đột nhiên xuất hiện ở đây không khỏi làm cho người ta nghi ngại. Chẳng thà tôi cứ nói thật còn hơn.
Tôi kể về cha tôi Vương Tế Quỷ, chuyện tôi bị bọn buôn người lừa bán, chuyện tôi trốn khỏi ngôi nhà đối xử tệ bạc với tôi, rồi tôi kể về gánh xiếc, kể lại chuyện ngủ lại miếu Thành Hoàng đã gặp Lăng Quang Tổ thế nào... Nhưng tôi giấu biệt tất cả những trò lừa đảo và những lần trộm cắp của gánh xiếc cũng như chuyện Lăng Quang Tổ dùng bói toán để lừa gạt người ta.
Hai người họ nói: “Tội nghiệp cho con quá”
Cô bé đó tên là Diệp Tử. Tôi ở tạm nhà này ba ngày. 
Trong ba ngày này tôi cùng gia đình Diệp Tử ra đồng làm việc. Chúng tôi cầm búa đi vỡ đất sau đó lật nguyên gốc cỏ đem phơi trên bờ ruộng. Thỉnh thoảng có những con chuột đồng ngơ ngáo chui ra ngoài hang, nhìn thấy chúng tôi thì quay đầu chạy thục mạng. Tôi và Diệp Tử đuổi theo phía sau, tiếng cười của chúng tôi cứ vang vọng mãi trong thung lũng.
Hàng xóm nhà Diệp Tử chính là ngôi nhà có cái khóa đồng trên cửa tôi đã thấy. Nhà này chỉ có một phụ nữ trung niên và hai đứa con. Người phụ nữ có khuôn mặt buồn khổ, hai khóe miệng hằn sâu. Nghe Diệp Tử kể, ba của hai đứa nhỏ năm ngoái đã bỏ nhà đi. Nghe nói là ra ngoài làm ăn nhưng đến Tết vẫn chưa thấy về. Gia đình họ trước kia rất khá. Họ là người nơi khác đến đây sinh sống. Người vợ còn mang đồ trang sức, có đến mấy bộ quần áo khác nhau.
Ba ngày sau, đoán chừng Lăng Quang Tổ đã về nên tôi trở lại chùa Hương Dũng.
Khi về đến chùa tôi chẳng thấy Lăng Quang Tổ đâu cả. Không biết hôm nay ông ấy có về không. Nếu ông ấy không về thì tối nay tôi phải làm sao? Tôi đang khổ sở nghĩ cách thì chợt thấy một hòa thượng đi từ trên núi xuống. Hòa thượng này đi cùng với một người vai mang quang gánh.
Hòa thượng vẫy tay gọi tôi. Tôi thấy lạ quá bởi tôi đâu có quen ông ấy.
Hòa thượng hét lên: “Ngai Cẩu, lại đây giúp một tay”
Tôi bước lên trước hai bước để nhìn cho rõ. Thì ra hòa thượng đó là Lăng Quang Tổ. Ông ấy mặc một cái áo cà sa, cái đầu trọc bóng lưỡng. Ba ngày không gặp mà ông ấy đã thay đổi hoàn toàn, trở thành hòa thượng rồi.
Người mang quang gánh ở phía sau là một cặp hoàn hảo với Lăng Quang Tổ. Thân hình Lăng Quang Tổ cao gày, còn người kia thì vừa lùn vừa rắn chắc. Cả người Lăng Quang Tổ hiện rõ nét gian xảo, còn người này thì thật thà, chất phác. Lăng Quang Tổ da dẻ trắng trẻo còn người này thì đen đúa. Nhiều năm sau này, mỗi khi xem tiết mục tấu hài trên vô tuyến, tôi lại cảm thấy bọn họ giống như một cặp diễn chung.
Tôi chạy tới trước mặt họ và hỏi Lăng Quang Tổ: “Sao sư phụ lại biến thành hòa thượng thế này?”
Lăng Quang Tổ còn chưa mở miệng thì người mập ú kia đã lên tiếng. Anh ấy nói: “Là cạo ở chùa đấy. Lúc đó tôi cũng có mặt. Sư phụ Thượng Minh tụng kinh cho ông ấy, tụng xong thì cạo tóc. Sư phụ Thượng Minh nói để sư phụ giữ tóc lại cho nhưng ông ấy nói không cần. Ông ấy đã không cần nữa thì tôi quét gọn lại một chỗ để tìm cái gì đựng nhưng tôi không tìm thấy. Bạn biết rồi đấy trước giờ nhà chùa phải luôn sạch sẽ. Sau đó tôi tìm thấy miếng gỗ, đựng tóc của ông ấy rồi mang chôn sau chùa. Từ đó ra sau chùa phải đi qua một đoạn bậc thang. Bạn biết chùa có bao nhiêu bậc thang không? Tôi đoán là bạn không biết. Nói cho bạn biết nó có hai mươi hai bậc"
Anh ấy nói liền một hơi không ngừng nghỉ, còn nhấn mạnh với tôi là chùa có hai mươi hai bậc nhưng chùa có bao nhiêu bậc thì liên quan gì đến tôi chứ. Cho dù nó có hai trăm hai mươi bậc thì sao nào. Tôi chỉ muốn biết vì sao Lăng Quang Tổ trở thành hòa thượng thì anh ấy lại không nói, có lẽ anh ấy cũng không biết nốt.
Tôi thấy anh ấy gánh đôi thúng tre, mệt đến mức thở phì phò. Tôi chỉ vào cái thúng và nói: “Để em giúp anh bỏ bớt đồ ra”
Anh ấy lách qua một bên, nói: “Đây là nhiệm vụ của tôi, nhiệm vụ của tôi là gánh đồ, nhiệm vụ của bạn là tụng kinh. Gánh đồ thì không biết tụng kinh, tụng kinh thì không gánh được đồ. Nếu người lo việc tụng kinh đi gánh đồ còn người gánh đồ đi tụng kinh thì có mà loạn mất”
Anh ấy tuôn ra một tràng dài, đến mức thở hổn hển không ra hơi. Anh ấy nói đặc giọng Hà Nam nhưng cứ kề rà kề rề, dây cà ra dây muống. 
Trong giới giang hồ, người Hà Nam nổi danh vì lối nói ngắn gọn. Nghe kể có hai người Hà Nam ở chung một quán trọ. Một người thức dậy, người kia chợt tỉnh giấc mới hỏi: “Ai?” “Tôi”, “Gì?” “Tè”. Chỉ bốn từ ngắn ngủi đã truyền tải ngắn gọn, súc tích được sự việc.
Nếu sự việc trên để anh mập này nói phỏng chừng một tiếng cũng chưa xong.
Lăng Quang Tổ nhìn tôi, dẩu miệng về phía người thấp béo rồi nói: “Thằng Thất Lộ này là Đế Thọ, không có Tinh Chi, Lão Niệm để hắn tới”
Tôi biết Lăng Quang Tổ đang nói bằng ám ngữ giang hồ nhưng tôi không hiểu lắm. Tôi mới học được vài từ nên chỉ nghe được ông ấy nói tới Lão Niệm. Lão Niệm là ám ngữ của giang hồ dùng để gọi hòa thượng hoặc đạo sĩ. Nếu ông ấy đã nói đến Lão Niệm thì cái anh mập lắm lời này chắc chắn có liên quan đến hòa thượng, đạo sĩ.
Sau khi vào đến chùa, anh ấy vừa đi lòng vòng quan sát, vừa lấy bàn tay quạt vào mặt mình. Ngôi chùa đổ nát này đã cho anh ấy rất nhiều cảm xúc. Nhìn cái gì cũng liên tưởng đến cái tương tự ở ngôi chùa cũ. Cái mồm anh ấy liến thoắng luôn hồi rồi đi đến kết luận là ngôi chùa mình đã ở đẹp hơn ngôi chùa này.
Tôi thấy anh mập tự biên tự diễn mà buồn cười quá vì thế kéo Lăng Quang Tổ qua một bên hỏi nhỏ: “Vừa rồi sư phụ nói gì thế?”
Lăng  Quang Tổ nói: “Tao nói thằng này là một thằng ngốc, không có vợ. Hòa thượng của chùa đó để tao đưa hắn đến đây”
Tôi nói: “Anh ấy sẽ về lại chùa cũ chứ?”
Lăng Quang Tổ nói: “Không về nữa”
Anh chàng mập thấy chúng tôi đứng một chỗ thì thầm với nhau thì cười cười rồi chạy đến. Anh ấy hỏi: “Các anh đang nói về tôi hay sao thế?”
Lăng Quang Tổ nói: “Chúng tôi không nói anh mà là nói về một gã ngốc không có vợ”
Anh mập tò mò hỏi: “Sao gã ngốc đó giống tôi thế? Tôi cũng không có vợ”

 

(Tổng: 1984 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận