Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2206 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 37
Giang hồ cùng một nhà
Sau khi ra khỏi Thiên Vương Trại, tôi tìm đến một quán trọ cho thuê xe ngựa. Tôi bỏ mười đồng Đại Dương thuê người chở mình chạy thật nhanh về chùa. Ngồi trên cái xe ngựa lắc lư, tôi cẩn thận nhớ lại từng câu nói của Lăng Quang Tổ.
Lăng Quang Tổ đoán Hắc Cốt Đầu sẽ hỏi về thê thiếp, điểm này không có gì khó. Cuốn Anh Diệu Thiên có ghi chép: “Bát vấn thất, hỉ giả dục bình tử quý, oán giả thực vi thất sầu. Thất vấn bát, phi bát hữu sự định nhiên tử tức gian nan …” Câu nói này dùng ám ngữ giang hồ, ý là: “Đàn bà sẽ hỏi thầy tướng số tình hình của chồng con mình, đàn ông sẽ hỏi thầy tướng số tình hình của vợ con mình. Người đàn ông mà có vẻ mặt tức tối thì chắc chắn là muốn hỏi về vợ mình.
Nhưng để Lăng Quang Tổ nói được chính xác thời gian và hướng đi của người phụ nữ lúc rời khỏi Thiên Vương Trại thì rất khó. Không hiểu sao ông ấy nắm rõ thế.
Chưa hết, làm cách nào mà Lăng Quang Tổ có thể nói chính xác về dáng vẻ, chiều cao, làn da, tính cách, nơi sinh của người phụ nữ kia. Có khi nào ông ấy đã từng gặp cô ta? Nghĩ tới đây thì một tia sáng chợt lóe lên trong đầu tôi. Ấy chà, đó chính là người phụ nữ đang ở trong chùa.
Đến giờ thì mọi chuyện đã rất dễ hiểu. Thiên Vương Trại là nơi được phòng bị nghiêm mật, ba mặt là vách đá, ra vào cũng chỉ có duy nhất một con đường hướng về phía Nam, vì thế người phụ nữ đó chỉ có thể đi về hướng Nam. Thiên Vương Trại ban đêm canh gác nghiêm ngặt, không ai được phép ra khỏi cửa. Đây là quy củ của thổ phỉ nhằm ngăn ngừa gián điệp trà trộn vào bên trong. Vì thế người phụ nữ chỉ có thể bỏ trốn vào ban ngày. Thổ phỉ thường uống rượu vào ban đêm, đi ngủ rất muộn, thức dậy cũng khá muộn cho nên mới phán đoán người phụ nữ chỉ có thể thừa dịp Hắc Cốt Đầu chưa tỉnh giấc để trốn khỏi sơn trại, thời điểm đó là lúc rạng sáng. Người phụ nữ nói giọng Giang Hoài, cho nên sinh ở Giang Hoài.
Cỗ xe nhanh chóng chở tôi về đến chùa. Tôi vội vàng chạy vào trong chùa thì thấy anh mập đang ngủ gật trước cửa chính điện. Tôi hỏi: “Con mụ kia đâu rồi?”
Anh mập nói: “Trốn rồi. Hai người vừa đi là trốn luôn. Mụ ta đi khỏi chùa cũng tốt, đỡ va chạm với chúng mình.
Tôi hỏi:“ Nhị sư thúc đâu rồi? ”
Anh mập nói:“ Đang ngủ ở hậu đường ”
Tôi ba chân bốn cẳng chạy vào hậu đường, đánh thức sư thúc: “Việc lớn không xong rồi”
Nhị sư thúc mở mắt nhìn, thấy vẻ mặt hoảng hốt của tôi thì hỏi: “Chuyện gì vậy?”
Tôi nói: “Sư phụ dặn con nói thế này: ‘Mau về chùa nói nhị sư thúc đưa cô gái đó đến Hồi Hương Các ở Kinh Môn, không để ả nói lộ một câu’. Sư Phụ bảo con không được nói sai một chữ”
Nhị sư thúc nhổm người dậy, lập tức tỉnh táo lại. Ông hỏi tôi: “Sao con về được đây?”
Tôi nói: “Con thuê xe ngựa chạy về đây”
Nhị sư thúc nói: “Mau giữ thằng đánh xe lại, không cho nó quay về. Chúng ta cần cỗ xe đó, tốn bao nhiêu tiền cũng được”
Tôi hớt hải chạy ra khỏi chùa thì thấy người đánh xe đã quay đầu ngựa, chuẩn bị trở về. Tôi rối rít gọi anh ấy và nói rõ mục đích của mình.
Người đánh xe nói: “Tôi mà nhận lời tiểu hòa thượng, không báo lại ông chủ, chắc chắn khi về sẽ bị phạt… Mỗi ngày nhà chùa phải trả tôi ít nhất 15 đồng Đại Dương.
Nhị sư thúc xách theo một cái túi nặng trĩu. Ông nói với người đánh xe: “Mỗi ngày tôi cho cậu ba mươi đồng Đại Dương, mau cho xe chạy về hướng Nam”.
Nhị sư thúc quăng cái túi vào trong xe, cái túi va chạm với sàn gỗ kêu loảng xoảng. Bên trong túi là những thỏi vàng và đồng tiền Đại Dương.
Người đánh xe cho ngựa chạy như bay trên đường. Khi chúng tôi đến cổ trấn đầu tiên, xe ngựa liền dừng lại. Phía trước là một ngã ba. Nhị sư thúc nhảy xuống xe. Ông nhìn chỗ này một chút, ngó chỗ kia một tí, lại còn bò trên mặt đất tựa hồ đang nghe ngóng, tra xét cái gì đó, cẩn thận như một con chó săn. Sau đó ông đứng dậy, yêu cầu người đánh xe cho ngựa chạy về con đường bên phải.
Xế chiều xe chúng tôi đến cổ trấn thứ hai. Nhị sư thúc nhảy xuống xe ngựa. Lần này ông không dò xét nữa mà đi thẳng đến chỗ lão thầy bói đang ngồi phía bên kia đường. Tôi cũng nhảy xuống xe đi theo ông.
Thầy bói là một người mù, đeo kính đen, có đôi tay vừa gầy vừa dài y như cái cẳng gà. Khi chúng tôi đi đến trước mặt thì ông ấy nghiêng tai lắng nghe. Động tác và thần thái giống hệt một người mù.
Nhị sư thúc cung kính hỏi: “Xin cho biết ai chọn người làm thầy tướng số?”
Tai của người mù khẽ máy động, ông ta đáp: “Sư phụ”
Nhị sư thúc lại hỏi: “Sư phụ quý tính là gì?”
Người mù trả lời: “Họ Phương”
Nhị sư thúc hỏi tiếp: “Xin hỏi thân phận của người là gì?”
Người mù đáp: “Tiến sĩ. Xin hỏi thân phận của anh?”
Nhị sư thúc đáp: “Bảng nhãn”
Người mù đứng bật dậy, kéo tay áo nhị sư thúc nói: “Nhị sư huynh giá đáo, không nghênh đón được từ xa, xin hỏi có gì cần sai bảo?”
Nhị sư thúc nói: “Mời lên xe”
Cỗ xe lại chở chúng tôi chạy về hướng Nam. Trời mỗi lúc một tối, trăng đã lên cao. Người mù tháo kính trên mặt xuống. Tôi thấy dưới ánh trăng mắt ông ấy sáng lấp lánh.
Người giả mù nhìn nhị sư thúc với ánh mắt thăm dò. Nhị sư thúc nói: “Đại chưởng quỹ bắt giữ trạng nguyên ca, muốn tìm một ngoạn phiếu khách xuyến tử (Đầu lĩnh thổ phỉ bắt giữ đại sư huynh, bắt phải đi tìm một con đĩ)
Người giả mù hỏi: “Ngoạn phiếu khách xuyến tử trông thế nào?” (Con đĩ trông như thế nào?)
Nhị sư thúc nói: “Thật là soái khang, mặt rất sáng, qua tửu hỏa” (đẹp lắm, mặt mũi ưa nhìn, ăn mặc diêm dúa)
Người giả mù hỏi: “Tôi có bả điểm, tìm được rồi thì làm gì?" (Tôi có người thám thính, tìm được rồi thì làm gì?)
Nhị sư thúc nói: “khiêu khứ khố quả dao nhi” (Bán vào kỹ viện)
Người giả mù nói: “Mấy đĩnh? (Kỳ hạn là mấy ngày?)
Nhị sư thúc: “Tắc đĩnh” (Bốn ngày)
Hai người họ toàn dùng ám ngữ để nói chuyện, người đánh xe ngựa không hiểu nhưng tôi hiểu hết. Cuối cùng tôi cũng biết được Hồi Hương Các ở Kinh Môn mà Lăng Quang Tổ đã nói té ra là một nhà chứa.
Nhị sư thúc đẩy cái túi chứa đầy vàng bạc về phía người giả mù. Người giả mù cũng không từ chối, ngồi luôn lên trên.
Mặc dù người giả mù đã nhận khoản thù lao cực lớn nhưng tôi biết để tìm một người trong kỳ hạn bốn ngày là chuyện rất khó. Dãy Đại Biệt Sơn toàn là núi cao trùng điệp, chỉ cần cô ta trốn đại vào chỗ nào đó, muốn tìm được cũng phải mất sáu tháng, một năm.
Chúng tôi đến bên ngoài một huyện thành vào lúc nửa đêm. Cổng huyện thành đã đóng từ lâu, chúng tôi không vào bên trong được nên tìm đến một cổ bảo ở ngoại thành.
Tòa cổ bảo này cách huyện thành vài trăm mét, hai phía tiếp ứng cho nhau. Bao quanh cổ bảo là những lớp tường thấp rời rạc. Mé bên cổ bảo có bậc thang dẫn lên phần mái vuông, chu vi khoảng bốn năm chục mét. Phía trên cổ bảo có lỗ châu mai và tháp canh giống như ở tường thành. Lỗ châu mai dùng để tránh né và bắn tên vào quân địch khi chúng đánh vào thành. Tháp canh dùng để quan sát tình hình quân địch từ xa và ngăn quân địch tấn công từ trên cao. Tòa cổ bảo này đã bị bỏ hoang từ rất lâu. Tầng trên cùng đã đóng một lớp bụi dày nhiều năm. Bước chân lên là bụi bay mù mịt.
Nhiều năm trước từng có một đạo quân tấn công vào huyện thành. Họ đánh rất lâu nhưng không chiếm được thành vì thế đã cho xây dựng cổ bảo và đóng quân ở đây. Sau đó quân phòng thủ ở huyện thành được tiếp viện đã phản công lại. Quân tấn công phải rút lui dần, sau đó giao chiến với quân tiếp viện ở cổ bảo này. Kết quả thế nào tôi cũng không rõ nữa.
May mà còn có tòa cổ bảo này chứ không thì đêm nay chúng tôi cũng không biết trú chân ở đâu.
Người đánh xe ngựa tháo dây cương, kéo hai con ngựa ra chỗ vắng cho ăn cỏ. Ba người chúng tôi đi vào trong cổ bảo. Bên dưới cổ bảo có rất nhiều hầm ngầm. Chúng tôi chui xuống hầm ngầm thì thấy trên tường vẫn còn dấu vết của khói lửa. Nhớ lại năm đó tòa cổ bảo này cực kỳ náo nhiệt. Quân lính của bên tấn công đã nấu nướng, ăn ngủ, chuyện trò và bày mưu tính kế ở đây còn bây giờ tất cả bọn họ đã hóa thành những hạt bụi bay lơ lửng trong những góc khuất nào đó chúng tôi chưa biết.
Mùa này ban đêm trời không quá lạnh, chúng tôi cũng không cần đốt lửa sưởi ấm. Vì người đánh xe không có mặt ở đây nên người giả mù và nhị sư thúc không cần phải nói chuyện bằng ám ngữ. Bọn họ đang tán dóc về một số sự tích cổ xưa của phái tướng thuật trong giang hồ. Tôi ngắm nhìn mặt trăng như cái đĩa bạc đang nhô lên giữa trời, thầm nghĩ Diệp Tử giờ này không biết đã ngủ chưa, em ấy có biết là tôi đang ngồi trong một tòa cổ bảo xa lạ không. Tôi cứ miên man suy nghĩ rồi ngủ thiếp đi.
Rạng sáng, tôi tỉnh dậy, nhìn thấy trong cổ bảo chỉ có hai người là nhị sư thúc và người đánh xe, không thấy người giả mù đâu. Nhị sư thúc và người đánh xe cũng đã ngủ rồi. Bọn họ duỗi thẳng chân, dựa người vào tường mà ngủ. Tôi khẽ trở mình ngồi dậy, đi ra khỏi hầm ngầm. Hai con ngựa đang cọ người vào nhau đột nhiên nhìn thấy tôi thì giật mình sợ sệt. Sau khi chúng nó nhận ra người quen thì tiếp tục thân mật với nhau.
Tôi đứng bên ngoài hầm ngầm nhìn sang hai bên, thấy đỉnh núi cứ thoải dần, xa xa về phía nam là một vùng đồng bằng rộng ngút ngàn tầm mắt. Nơi chúng tôi đang ở đây chính là cửa vào dãy Đại Biệt Sơn.
Khi mặt trời ló nửa mặt trên đỉnh núi phía đông thì người giả mù quay lại. Theo sau ông ta còn có một người. Người này thân hình thấp bé, tay nhỏ chân ngắn, khuôn mặt gầy quắt nhưng bàn chân lại rất to, hai mắt nhìn ngang liếc dọc, linh hoạt như mắt chuột.
Người giả mù nói với nhị sư thúc: “Đây là bả điểm, người trong giang hồ vẫn gọi là Thần Hành Thái Bảo. Bả điểm là ám ngữ giang hồ, chỉ những người biết do thám, đi lại nhanh nhẹn giống như là Thần Hành Thái Bảo của Lương Sơn. Thực ra Lương Sơn chỉ là bọn xã hội đen, Tống Giang định tìm cách tẩy trắng bọn họ nhưng cuối cùng lại đẩy cả đám xuống biển Thái Bình Dương.
Thần Hành Thái Bảo bắt tay nhị sư thúc sau đó bắt tay tôi. Tôi thấy lòng bàn tay anh ấy toàn là xương, bắt tay anh ấy mà giống như đang cầm một cái cẳng gà.
Nhị sư thúc đưa thêm tiền cho người đánh xe, dặn anh ấy đợi chúng tôi ở cổ bảo rồi chúng tôi cùng đi về hướng huyện thành.