Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2284 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 18
Tượng Phật biết nói
Chiều hôm đó, tôi cứ đi lang thang trong thôn mong gặp lại hai đứa nó. Nếu tôi có thể gặp lại chúng nó thì bữa ăn tiếp theo sẽ không phải lo nữa rồi.
Vậy mà đợi đến khi mặt trời sắp xuống núi cũng không thấy hai đứa nó đâu.
Hết cách rồi, tôi đành tiếp tục lên đường.
Khi tôi leo qua một ngọn đồi thì một huyện thành xuất hiện trước mặt. Huyện thành nằm trong một thung lũng nhỏ, nhìn cũng không lớn lắm.
Nơi nào có huyện thành thì nhất định nơi đó có chỗ cho tôi ăn ngủ.
Khi đến cổng thành tôi thấy một cô bảo mẫu đang bế một đứa bé trai khoảng hai tuổi. Nhìn bộ quần áo trên người nó có thể nói đứa bé này là con của một gia đình giàu có. Trên cổ nó còn đeo một cái kiềng vàng. Cái kiềng này nhìn có vẻ đắt tiền.
Một người đàn ông trung niên chừng bốn năm chục tuổi nhảy từ trong cổng thành ra. Tôi thấy ông ta làm mặt xấu khiến đứa bé cười nắc nẻ. Ông ta nói: “Bé nhà ta xinh trai nhất, không ai trên đời xinh trai bằng bé nhà ta”. Cô bảo mẫu nghe thấy ông ta khen đứa bé thì cũng cười vui vẻ.
Người đàn ông tháo cái kiềng trên cổ đứa bé xuống, rồi nó với nó: “Gọi bác đi, mau gọi bác đi. Gọi đi rồi bác trả lại”
Cô bảo mẫu nói: “Con gọi bác đi nào”
Người đàn ông nói: “Sao nó không gọi nhỉ. Lần trước ở nhà nó vẫn gọi mà”
Bảo mẫu tưởng người đàn ông là họ hàng của đứa bé nên vui vẻ xem ông ta đùa giỡn với nó.
Người đàn ông làm tư thế bỏ đi, nói với đứa bé: “Con gọi bác ơi thì bác mới trả. Con không gọi, bác cầm đi luôn đấy”
Đứa bé thấy người đàn ông đang chơi đùa với mình thì thích chí kêu a a
Người đàn ông cầm theo cái kiềng nấp ngoài tường thành, miệng kêu: “Đi rồi, đi mất rồi”. Đột nhiên ông ta thò đầu ra. Đứa bé thấy ông ta đột nhiên xuất hiện thì tưởng đang chơi ú òa. Nó khoái chí múa máy tay chân.
Người đàn ông bước vào trong cổng thành, đeo kiềng vào cổ đứa bé, lại khen nó vài câu. Sau đó tháo cái kiềng xuống, nấp ngoài tường thành, kêu to: “Mau gọi bác đi, không gọi bác đi đấy”
Lần này, người đàn ông nấp sau bức tường thành lâu hơn.
Đứa bé và cô bảo mẫu đứng chờ. Người đàn ông đột nhiên xuất hiện, kêu lớn: “Bác đây rồi”. Đứa bé lại bị chọc cho cười ré lên.
Người đàn ông đeo cái kiềng vào cổ đứa bé, rồi khen nó. Sau đó tháo chiếc kiềng ra trốn vào sau tường thành.
Cô bảo mẫu và đứa bé đứng đợi người đàn ông trung niên đi ra nhưng chờ mãi chờ mãi mà không thấy ông ta đâu. Bảo mẫu vội bế đứa bé chạy ra ngoài cổng thành thì mới phát hiện người đàn ông trung niên đã biến mất.
Giữa thanh thiên bạch nhật, giữa phố chợ đông đúc, người đàn ông trung niên dễ dàng lừa được cái kiềng vàng của đứa bé.
Ngày hôm đó, kẻ lừa gạt cái kiềng vàng của đứa bé đã cho tôi một cái nhìn vô cùng sâu sắc. Tôi tận mắt chứng kiến một kẻ chỉ mới dùng một chiêu lừa đảo con con đã dễ dàng lấy đi món đồ rất có giá trị. Dù tuổi còn nhỏ nhưng tôi biết vàng rất quý và cái kiềng vàng đó lại càng quý hơn.
Tôi nghĩ người trung niên có thể lừa được cái kiềng vàng là vì đã có được lòng tin của cô bảo mẫu. Chỉ cần đối phương tin tưởng thì bạn nói gì họ cũng nghe.
Đây chính là bí quyết lừa đảo. Tất cả các trò lừa đảo trên đời đều cần lấy được lòng tin của đối phương trước. Nhiều năm về sau tôi vẫn nhớ lại những gì mình đã thấy, đã ngộ ra trong buổi chiều này. Tôi thấy mình rất có năng khiếu lừa đảo. Thật không ngờ một đạo lí sâu sắc đến như vậy mà một cậu bé chỉ mới mười tuổi như tôi lại có thể nghĩ ra được.
Gánh xiếc thì hành nghề trộm cắp còn người đàn ông trung niên thì đi lừa đảo. Trộm cắp có rất nhiều rủi ro như sợ bị người ta phát hiện, sợ bị chó cắn còn lừa đảo thì chẳng có rủi ro gì. Bởi khi bạn đã tin tưởng ai đó, bạn sẽ ngoan ngoãn giao hết tiền bạc đến tận tay họ.
Lừa đảo so với trộm cắp cònkiếm tiền nhanh hơn cũng dễ thực hiện hơn nhiều.
Người đàn ông trung niên chiều hôm đó chính là bậc thầy đã khai sáng cho tôi. Đây cũng chính là nơi tôi có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống.
Suốt đời này tôi sẽ không làm kẻ trộm nữa mà sẽ làm kẻ lừa đảo.
Tối hôm đó, tôi vào trong huyện thành. Tôi thấy cái bếp lò trước cửa một quán ăn vẫn chưa tắt, trên bếp vẫn còn một lớp xỉ than dày. Tôi tính nghỉ tránh rét ở đây một đêm. Nhưng tôi vừa mới ấm người thì một đám ăn mày kéo từ bên kia đường qua. Bọn chúng đứa nào cũng mang theo gậy gộc. Nhìn thấy tôi đang đứng cạnh cái bếp thì lấy gậy xua tôi. Tôi sợ bị đánh nên vội rời đi.
Một tên nói: “Đây là địa bàn của bọn ông. Cút ngay”
Tôi đành co ro trong cái áo bông, đi xuyên qua gió lạnh giữa đường phố không một bóng người. Sau đó tôi đến trước một miếu Thành Hoàng. Tôi nghĩ chắc ở đây không có ai nên đẩy cửa bước vào.
Tối qua tôi bị bắt trong miếu. Tối nay tôi cũng ở miếu. Tôi sợ lại bị bắt nữa nên đã kiếm một cái ghế đá chặn lối cửa vào.
Tôi lại nằm lên trên bệ thờ, dang rộng tay chân cho thật thoải mái. Đang tính đánh một giấc ngon lành thì chợt tôi nghe thấy tượng Phật nói: “Tiểu thí chủ, sao lại nằm ngủ trước mặt ta?”
Tôi sợ hết cả hồn, định chạy ra ngoài nhưng cánh cửa đã bị cái ghế chặn lại.
Tôi quỳ xuống, người run lẩy bẩy. Trong ngôi miếu còn vương mùi cũ kỹ này chỉ có tôi và một bức tượng Phật biết nói chuyện. Nỗi sợ hãi giống như cơn gió lạnh bao trùm toàn thân. Lẽ nào tôi đã làm quá nhiều chuyện xấu nên kinh động đến cả quỷ thần. Tôi muốn kêu cứu nhưng cổ họng như bị nhét đầy bông, không thốt nên lời. Cho dù tôi có kêu gào thì cũng không ai nghe thấy. Các huyện thành lớn nhỏ đều có miếu Thành Hoàng. Miếu Thành Hoàng nào cũng rất to nhưng thường được xây ở những nơi có dân cư thưa thớt. Bởi vì hàng năm vào những ngày lễ quan trọng như Tết, Thanh Minh, lượng người đến miếu Thành Hoàng cầu Thần khấn Phật vô cùng lớn. Xây chùa miếu ở khu vực đông đúc sẽ ảnh hưởng đến giao thông đi lại hơn nữa còn dễ gây hỏa hoạn.
Tượng Phật lại nói: “Ta thấy mi đã từng làm chuyện xấu, có đúng không?”
Tôi nhớ lại những ngày ở gánh xiếc nên vội gật đầu xác nhận.
Tượng Phật nói: “Bây giờ ta hỏi cái gì thì mi cứ thành thật mà trả lời. Nếu có nửa lời giả dối thì lập tức thất khiếu chảy máu đến chết”
Tôi vội vàng đồng ý:
“Mi từ đâu đến?”
“Con không biết. Con bị bọn buôn người bắt cóc đem bán. Con không nhớ tên quê quán của mình”
“Mi tên là gì?”
“Con tên Ngai Cẩu”
“À, thì ra là Ngai Cẩu. Những gì Ngai Cẩu làm đều đã ghi chép ở đây. Nói xem, mi đã làm những chuyện xấu nào?
Tôi nghĩ lại thấy mình đã làm rất nhiều chuyện xấu. Những chuyện này không thể nói ra nhưng tượng Phật đã hỏi tôi, hơn nữa tôi làm gì ông ta cũng biết cả rồi thế thì không cần phải giấu nữa.
Tôi bắt đầu kể từ việc làm chỉ điểm cho gánh xiếc cho đến việc bú tí Thúy Nhi.
“Ti của Thúy Nhi có to không? Có thơm không? Thúy Nhi có xinh đẹp không?
Tôi nói: “Thúy Nhi xinh lắm ạ. Con chưa thấy ai xinh hơn chị ấy. Ti chị ấy lại vừa to vừa thơm nữa”
Tượng Phật cười khà khà, nói: “Tuổi còn nhỏ mà đã phạm tà dâm. Trong ba ngày tới tất có họa sát thân, chính là bị chó hoang xé xác.
Vừa nghe bị chó ăn thịt, tôi sợ quá. Tôi từng thấy cảnh những con chó ăn thịt người chết. Có những người đi phiêu bạt khắp nơi chết ở xứ người, người địa phương đem vội đem đi chôn. Qua hôm sau xác đã bị chó hoang moi lên ăn. Những con chó hoang có đôi mắt đỏ ngàu, thấy người sống là nhảy xổ đến tấn công.
Tôi rập đầu lia lịa, van xin: “Đừng mà, đừng mà. Con không muốn bị chó hoang ăn thịt”
Tượng Phật nói: “Không muốn bị chó hoang ăn thịt cũng được. Lấy hết tiền trong người ra, đặt lên bệ thờ rồi đi ngay. Không được quay đầu lại. Nội trong một năm không được phép về đây. Chỉ cần quay đầu hoặc về lại đây thì sẽ gặp báo ứng.
Tôi khóc sụt sịt, nói: “Con không có tiền”
Tượng Phật có vẻ rất tức giận, ông nói: “Thế mi có gì? ”
Tôi nói: “Con không có gì cả. Con không có gì khác ngoài cái áo bông này.”
Tượng Phật im lặng một lúc rồi mới nói: “Thôi được rồi, mi quay người lại, nhìn ra cửa miếu. Ta đá mi ba cái thì sẽ hết họa sát thân”
Tôi ngoan ngoãn quay người lại, mắt nhìn ra cửa miếu chờ bị ăn đá. Tượng Phật cao lớn như vậy, chân ông ta to như vậy. Nếu ông ấy đá mình ba cái chắc là nát mông mất. Nhưng tôi không có tiền cho ông ta thì phải chịu đá thôi.
Có tiếng bước chân sau lưng tôi rồi dừng lại. Sau đó mông tôi bị đá mấy cái. Tôi đau quá muốn la thật to nhưng lại không dám.
Sau khi ăn đủ ba cái đá, thì một giọng nói phía sau vang lên: “Quay người lại”.
Tôi quay người lại, chợt nhìn thấy một bóng đen cao gầy đang đứng sau lưng.
Tôi đang còn sợ hãi thì bóng đen bỗng cười phá lên. Ông ta nói với tôi: "Thế nào, trò bịp của ta thế nào, mày mắc lỡm rồi phải không?”
Ngay khi thấy trước mặt mình chỉ là người, tôi không còn sợ nữa. Tôi tức giận hỏi ông ta: “Sao ông lại lừa tôi?”
Người đàn ông ngạo mạn nói: “Lừa mày? Tao còn lừa tất cả mọi người trên đời, trên có quan chức, dưới đến bình dân bách tính. Mày biết tao là ai không?
Tôi hỏi: "Ông là ai?"
Ông ta hiu hiu tự đắc nói: "Tao là đại sư tướng thuật. Tao mới bày chút kế mọn mà mày đã mắc lỡm rồi. Nếu mày là thằng công tử bột nào đó thì tối nay đã đem hết đồ trên người giao cho tao rồi”
Tôi đã nghe về tướng thuật. Nói đơn giản tướng thuật chính là xem bói, dự đoán vận mệnh của đời người để giúp tránh tai họa, cầu phúc lành. Những người này thường đi lang thang khắp các con đường quê. Bọn họ đi nhẹ như gió, tìm nơi nào có người để trò chuyện cùng họ. Họ thường mang vẻ mặt cao thâm khó lường, không ai biết là họ đang nghĩ gì.
Tôi hết chỗ đi rồi nên mới tìm đến miếu Thành Hoàng náu mình nhưng còn tay chuyên đi xem bói này không biết mò đến đây làm gì. Tôi thấy khó hiểu, bèn hỏi: “Đêm hôm ông đến đây làm gì?”
Ông ta nói: "Tối nay gặp nhau ở đây xem như là có duyên. Mày không có nhà, tao cũng không có nhà. Sau này chúng mình sẽ cùng nhau hành tẩu giang hồ. Có được không?
Tôi mừng rỡ khôn xiết. Có thể bôn ba giang hồ cùng một ông thầy tướng số là điều tôi mơ cũng không được. Tôi vội đáp lời: “Được! Được! Được!”
Ông ta nói: “Mày đã kể hết chuyện của mình cho tao nghe thì tao cũng sẽ kể hết chuyện của mình cho mày nghe. Tao thích một người đàn bà. Tối hôm kia tao ngủ lại nhà bà ta. Đến nửa đêm thì chồng bà ta đi làm ăn xa chạy về nhà. Hắn nhốt tao vào trong phòng. Tao phải đưa hết tiền bạc, đồ đạc giá trị có trong người cho hắn thì mới được tha. Không ở đó được nữa nên tao mới đến đây.