Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2605 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
 THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ

Chương 16
Bắt trộm nơi miếu hoang

Năm ngày sau, tôi được phóng thích khỏi nhà lao huyện. Tiểu Thiên cũng được thả ra. Những người khác vẫn bị nhốt lại bên trong. Tiểu Vạn bị chó cắn rất nặng, còn nằm mê man trên giường.
Nói theo ngôn ngữ ngày nay, tôi và Tiểu Thiên đều là trẻ vị thành niên, được miễn trách nhiệm hình sự. Tiểu Thiên biết nhà mình ở đâu. Ba nó đang trên đường đi đón nó, còn tôi thì không có nhà. Tôi không biết Vương Tế Quỷ hiện đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Bấy lâu nay tôi vẫn xem gánh xiếc là nhà, sau này lại coi Thúy Nhi là vợ còn nhà bà cụ là nhà của mình. Bây giờ gánh xiếc đã dẹp rồi, tôi cũng không biết Thúy Nhi ở đâu, cũng không biết nhà bà cụ ở đâu. Tôi đã trở thành một người vô
gia cư.
Tôi không biết phải đi đâu về đâu nên quyết định ra ngoài huyện thành. Tôi đi dọc theo một con đường hướng thẳng về phía trước. Về sau con đường cứ hẹp dần, cũng ít người qua lại hơn. Trời cũng
bắt đầu tối, bụng tôi càng lúc càng đói.
Sau khi mặt trời khuất núi tôi mới nhìn thấy một ngôi làng ở phía xa nhưng làng này không lớn chỉ có vài hộ gia đình. Có hai hộ cửa sổ để đèn sáng, còn có tiếng trẻ con khóc. Tôi tính gọi cửa xin vào ngủ tạm nhưng nhớ đến bộ quần áo bẩn thỉu và mùi hôi hám trên cơ thể tôi lại dừng bước. Tôi nghĩ
chắc chắn họ sẽ đuổi mình đi.
Lát sau ánh đèn dầu nơi cửa sổ cũng tắt, đứa trẻ cũng ngừng khóc. Ngôi làng chìm trong tĩnh lặng. Vầng trăng trên cao soi sáng cả ngôi làng lẻ loi này. Dù chỉ là trăng khuyết nhưng cũng giúp tôi nhìn
rõ từng cái cây trong làng.
Tôi đoán chừng mọi người đã ngủ cả rồi nên nhẹ nhàng lẻn vào trong làng. Đứng trên đường làng tôi thấy một nhà có cổng vòm xây bằng gạch rất cao. Đây hẳn phải là hộ giàu có nhất làng. Tôi đi đến trước cổng, khẽ đẩy cánh cửa. Bên trong cổng đã cài then rồi. Loại cổng lớn này cánh vừa dày vừa chắc, lại có hệ thống chống trộm đầy đủ. Dù có dùng dao của Bồ Đề lách qua khe cửa cũng không cạy được then ra. Đó là do then cửa có chỗ lõm vào, mặt trên lại chốt đinh. Cho dù nhổ hết đinh ra
cũng không mở được cửa bởi vì phía dưới còn có ngạch cửa chặn lại.
Loại cổng này thường được những nhà giàu có thời bấy giờ ưa chuộng. Muốn mở cửa, trước hết phải rút đinh sắt, kéo then cài rồi nhấc ngạch gỗ lên. Cánh cổng là loại mở vào trong.
Chức năng chống trộm của loại cổng này có thể nói là cực kỳ hoàn hảo.
Nhưng hồi đó người tôi thấp bé, còm nhỏm còm nhom. Tôi có thể chui vào qua lối ngạch cửa. Những hộ lớn kiểu này tối nào cũng đóng cổng chính, cài then, chốt đinh sắt, chờ đến khi đi ngủ mới hạ ngạch cửa. Giữa cánh cổng và mặt đất có một khoảng trống chừng nửa xích (khoảng 15, 16 phân).
Khoảng trống này là dùng để hạ ngạch gỗ và lối đi cho gà qué. Bởi vì gà đi tìm kiếm thức ăn ở ngoài

 
làng, phải đến tối mịt mới mò về chuồng. Sau khi đóng cổng gà sẽ chui xuống dưới cổng để vào nhà.
Đợi khi gà đã về hết thì hạ ngạch cửa xuống rồi cả nhà mới đi ngủ.
Nhưng loại cửa này có một khuyết điểm đó là trẻ em có thể chui qua bên dưới. Hồi còn ở nhà tôi rất ham chơi, tận tối muộn mới về. Ba tôi rất giận, thường cho đóng cổng sớm, cũng hạ luôn ngạch cửa. Tôi và đứa con người làm công đi chơi về không vào được nhà, liền bẻ cành cây, nhét xuống dưới
ngạch cửa nậy nó lên, rồi chui qua. Sau khi vào được bên trong thì lại hạ ngạch cửa xuống như cũ.
Tuy bây giờ tôi đã lớn hơn nhưng phải theo đoàn xiếc rong ruổi khắp nơi, ăn uống kham khổ, người gầy gò ốm o vì thế chỉ cần nâng ngạch cửa là vẫn chui vào bên trong được.
Trăng đã lên cao quá đầu người, lúc này đã khoảng nửa đêm. Tôi chui vào trong sân thì thấy nhà này
có năm gian phòng. Bên cạnh gian nhà chính có một căn nhà thấp nhỏ, đây hẳn là nhà bếp.
Tôi nhón chân bước đến cửa bếp và mò tay đến vòng cửa, thấy cửa không khóa. Nhà bếp ở thôn quê
thường không khóa cửa. Lúc đi ra ngoài cũng chỉ khóa cửa nhà chính, nhà bếp chỉ cài sơ.
Tôi nhấc cánh cửa lên để nó không cọ xát với bản lề, tránh phát ra tiếng động khi mở cửa. Tôi bước
vào trong bếp. Bên trong có một cái thớt to tướng, trên để đủ thứ chai lọ, xoong nồi đựng muối, dầu ăn, dấm, ớt bột… Cạnh đó là cái bếp lò, trên có đặt một cái nồi đậy nắp kín.
Ngay khi bước vào bếp tôi đã biết nếu có đồ ăn thì nó sẽ được cất ở đâu. Nhớ lúc xưa tôi và con người làm công đi chơi về muộn thường lén vào trong bếp lục tìm đồ ăn. Để tránh lũ chuột trộm đồ ăn, người dân quê thường hay để đồ ăn ở trong nồi sắt rồi đậy nắp lại. Như thế thì chuột không ăn được
nữa.
Một tay tôi mở nắp nồi, một tay khua khoắng bên trong. Tôi chợt mừng húm. Ngoài bánh màn thầu xốp mềm trong nồi còn có thêm một đĩa rau xào.
Tôi chẳng cần đũa điếc gì, một tay cầm màn thầu, một tay bưng đĩa rau. Cứ nuốt xong một miếng màn thầu thì lại liếm đĩa rau một cái.
Trong khi tôi đang nhai nuốt nhồm nhoàm thì bỗng bên ngoài vang lên tiếng chân người.
Tôi giật thót mình. Vội áp người sát vào tường nhà bếp tối thui, không dám nhúc nhích. Khi tiếng bước chân đến trước cửa bếp, tôi nghe giọng một người đàn ông làu bàu: “Sao đến cửa bếp cũng
không thèm cài nữa”. Tiếp đó là tiếng dây xích và tiếng cài then cửa.
Sau khi người đàn ông này cài cửa lại thì tiếng bước chân hướng về phía nhà sau. Tiếp theo là tiếng
nước tiểu kêu ồ ồ đầy giận dữ. Sau đó là tiếng giày lẹt quẹt trở về phòng.
Chẳng mấy chốc, trong phòng đã vang lên tiếng ngáy. Nhưng bây giờ ruột gan tôi lại nóng như lửa
đốt, không còn lòng dạ để ăn uống nữa. Ấy là vì tôi đã bị nhốt ở trong này, không ra ngoài được nữa.
Tôi cứ đi lòng vòng trong bếp không biết mình nên làm gì. Đợi đến khi trời sáng họ phát hiện ra tôi đã trộm đồ ăn thì sẽ đánh cho một trận nhừ tử. Làm sao bây giờ? Ban đêm trời rất lạnh vậy mà trán
tôi toát hết cả mồ hôi vì sợ.
Sau đó tôi thấy nhà bếp có cửa sổ áp mái. Nó nằm ngay phía trên bếp để khói thoát ra được dễ dàng.
Cửa sổ có cánh nhưng không đóng. Tôi đặt cái ghế đẩu lên trên mặt bếp. Tôi chỉ cần đứng lên trên ghế là đã với tới cửa sổ. Sau đó tôi leo lên cửa sổ trượt xuống dưới sân.

 
Tiếng ngáy của người đàn ông vẫn không ngừng vang lên. Tôi kéo then cài ra, mở cửa bếp, rồi tìm thấy trong bếp một cái túi vải dính đầy dầu mỡ. Tôi nhét tất cả màn thầu còn lại vào túi. Trước khi rời đi, tôi cầm theo cái xẻng xúc than để trước bếp. Cái xẻng này dài khoảng một mét, làm bằng gang, có cán gỗ, dùng để xúc than cho bếp lò. Tôi sẽ dùng cái xẻng này để phòng thân, nó cũng khá vừa tay tôi.
Tôi lại chui ra bằng lối ngạch cửa. Tôi sợ sau khi trời sáng, người nhà này phát hiện nhà bếp bị trộm sẽ đuổi bắt nên chọn một con đường nhỏ rồi đi thẳng về trước.
Đi chừng một hai chục dặm thì tôi tới chân một ngọn núi. Mặt trăng đã ngả về Tây. Tôi thấy trên đỉnh núi có một ngôi nhà. Nó nằm đó lẻ loi, trơ trọi. Tôi đoán đó là chùa miếu bởi vì không ai chọn sống một mình trên núi nơi mà nước uống hay trồng trọt đều rất khó khăn. Nhưng chùa miếu thì lại khác.
Chùa miếu còn có người tới cúng dường, chẳng sợ thiếu cái ăn.
Khi tôi lên tới đỉnh núi thì thấy nó đúng là một ngôi chùa. Chẳng qua ngôi chùa này đã hư hại rồi,
cổng vào đổ nát, tường đã sập, chữ Phật rất lớn chỉ còn lại một nửa.
Khi bước vào trong chùa tôi có thể ngửi thấy mùi bụi bặm tích tụ nhiều năm. Cái mùi này làm tôi phải
hắt hơi mấy lần. Tiếng hắt hơi vang vọng trong ngôi chùa trống trải hơi có phần đáng sợ.
Tôi cầm xẻng đi tìm chỗ ngủ. Ngủ dưới đất xem chừng không ổn lắm, lỡ ngủ quên sói nó kéo đến rồi
tha mình đi đâu cũng chẳng biết. Ngủ trước tượng Phật cũng không được vì chân tượng chỉ cách mặt đất một xích. Sói chỉ cần đứng trên bục nhảy một cái là tới chỗ tôi nằm.
Nhìn tới nhìn lui tôi chỉ thấy chỗ bệ thờ là thích hợp nhất. Bệ thờ cao hơn một mét, lại vừa đủ chỗ cho một người nằm.
Tôi đã buồn ngủ lắm rồi thế là nằm vật người xuống bệ thờ, đầu gác lên cái túi vải đựng đầy màn thầu, tay ôm chặt lấy cái xẻng để phòng thân.
Tôi nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ.
Tôi mơ thấy mình đã trở về nhà. Có hai đứa trẻ mặc quần thủng đít đang ngồi trên hai con sư tử trước cổng nhà. Mỗi đứa ngồi một bên. Tôi hỏi mấy đứa đó là ai thì con trai người làm công nói đó là hai đứa em của tôi. Sau khi tôi mất tích mẹ đã sinh đôi được hai đứa này. Chẳng trách Vương Tế Quỷ không thèm cứu tôi. Thì ra ông ta đã có hai đứa con trai. Trong lòng tôi rất buồn bực. Tôi bước vào cổng, đi tới nhà bếp thì thấy có rất nhiều đồ ăn ngon lành đang bốc khói nghi ngút như gà, vịt, cá. Tôi vừa nhìn thấy đồ ăn ngon thì quên luôn chuyện ba bỏ rơi mình. Tôi sải bước đến bên cái thớt, hai tay nhấc con gà quay lên ăn. Mới cắn được một miếng thì gà vịt trên thớt bỗng sống dậy, chen nhau lao
đến hung hăng mổ tôi. Tôi vội bỏ chạy nhưng vẫn bị một con vịt mổ trúng mông.
Cơn đau ở mông làm tôi thức giấc, mở mắt nhìn thấy trời đã sáng bạch. Trong chùa có mấy người
đang đứng chụm đầu chăm chú nhìn tôi.

 
Một người có đôi mắt tròn xoe lấy nòng súng chọc vào mông tôi. Ông ta nói: “Thằng nhóc này mơ thấy món gì ngon, cứ gãi mép suốt thế nhở, gọi mãi mà không dậy. Chúng mày nhìn xem này, nước dãi nó chảy dài cả thước.
Những người khác đều cười phá lên.
Tôi biết là họ đang chế nhạo mình nên rất khó chịu. Tôi tức giận nói: “Tôi mơ ăn gì thì liên quan gì đến mấy người. Con gà quay thơm phưng phức mới ăn được một miếng đã bị mấy người đánh thức rồi”
Bọn họ lại cười hô hố.
Một người có cái cằm dài hỏi tôi: “Nói, mày từ đâu đến đây, sao lại nằm ngủ trong chùa?” Tôi nói: “Tôi đến từ đâu thì việc gì đến ông”
Người đàn ông cằm dài giơ cái xẻng xúc than trong tay ra, nói: “Đây là xẻng nhà tao, mày nói xem
có liên quan hay không?”
Tôi nghĩ hỏng bét rồi. Tối qua mình trộm bánh và xẻng nhà ông ta, bây giờ họ đã tìm đến tận cửa.
Giờ phải làm sao đây? Sao tôi xui xẻo thế chứ? Đầu óc tôi xoay chuyển tìm cách đối phó, tôi nói: “ Mấy người dựa vào đâu mà nhận xẻng nhà mình. Đây rõ ràng là xẻng của nhà tôi”
Người đàn ông cằm dài nói: “Thằng lỏi này vừa giảo hoạt vừa cứng đầu. Xẻng xúc than nhà ta trên thân đều có hai chữ Trần Ký, nó được lão thợ rèn họ Trần ở làng Trần Gia rèn. Mỗi món đồ lão ấy làm đều có hai chữ Trần Ký. Lão Trần đã nói nếu món đồ nào có hai chữ này không dùng được quá ba năm thì ông ta sẽ tự nguyện trả lại tiền, làm tặng cái khác. Cái xẻng xúc than này chính là cái xẻng
mà vào năm bọn quỷ Tây Dương đánh chiếm Bắc Kinh, lão Phật gia đã đặt làm lúc trốn chạy”
Thôi xong, tôi bị hớ mất rồi. Giờ biết làm sao đây?
Tôi cố vặn lại: “Cái xẻng nhà tôi cũng được lão thợ rèn họ Trần ở làng Trần Gia rèn”
Người đàn ông cằm dài nổi giận nói: “Lão thợ rèn họ Trần trông như thế nào? Con trai ông ta tên gì? Hai cái cây trước nhà ông ta là cây gì?
Tôi đớ lưỡi, không biết phải đáp sao.
Người đàn ông cằm dài nói: “Còn cái túi vải này là của bếp nhà tao. Nó dùng để đựng tỏi, vẫn treo ở trên tường. Sao giờ nó lại chạy đến đây? Ngay cả bánh hấp cũng là của nhà tao, tao có thể ngửi ra mùi bánh nhà mình làm. Nhãi con, khôn hồn thì khai ra, có phải đã ăn trộm đồ nhà tao không, mày mà bướng ông cho ăn dao”
Tôi sợ nhũn người, không dám nói với ông ta nữa. Tôi hỏi người có đôi mắt tròn: “Mấy người là ai?”
Người có đôi mắt tròn vung vẩy khẩu súng nói: “Chúng tao là tuần đinh”
Thật là xúi quẩy, oan gia ngõ hẹp. Tôi đã chạy cả một hai chục dặm suốt đêm, cứ tưởng đã an toàn. Ai ngờ đụng phải đám tuần đinh. Mà trong đám tuần đinh lại có người nhà đó.
Người đàn ông cằm dài hỏi: “Mày trộm nhà chúng tao khi nào? Đã trộm những gì?”
Tôi nghĩ đêm qua mình vào nhà ông ta trộm đồ nhưng ông ta không có mặt, xem ra ông ta vẫn chưa về lại nhà. Tôi tính toán rồi nói: “Tôi nhặt dưới chân núi chiều hôm qua”
Người cằm dài đá tôi một cái: “Mẹ! cái thằng ranh này toàn nói láo. Mày nhặt thử cho ông xem nào”

 

(Tổng: 2605 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận