Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2134 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 57
Tế cẩu đuổi thỏ
Chúng tôi đến sau một mô đất. Dưới ánh trăng, chúng tôi thấy xa xa có bóng người đang chuyển động. Đó chính là nơi có ngôi mộ cổ. Chúng tôi nằm trong lùm cỏ phía sau mô đất, im lặng nín thở. Trong gió truyền đến tiếng người nói chuyện nhưng nghe không rõ lắm cũng không biết họ đang làm gì.
Độ nửa giờ sau thì họ rời đi. Bọn họ không đi về hướng huyện thành mà đi về hướng ngược lại. Hướng bên đó nối với những con đường thôn quê chằng chịt như mạng nhện, bao gồm cả Chu Gia Khẩu.
Sau khi họ đã đi xa chúng tôi tiếp tục đợi thêm một lúc nữa, đến khi thấy chung quanh hoàn toàn yên tĩnh, chỉ có tiếng sột soạt của những con thỏ rừng chạy như bay giữa lùm cỏ thì mới đứng dậy đi về phía ngôi mộ cổ.
Ngôi mộ đã được lấp lại, ngay cả dấu chân cũng không còn nữa. Khu vực chung quanh cũng được quét dọn sạch sẽ, miệng hố đào sâu hoắm cũng được phủ một lớp cỏ dại.
Thuận Oa nói: “Mấy người vừa nãy đã đào hố và nhét đồ giả cổ vào bên trong cái mộ này. Ba ngày nữa họ sẽ đào nó lên trước mặt Vạn Tự. Đến lúc đấy, bất kể là ai cũng sẽ tin những thứ mới được đào lên này chính là những món đồ cổ giá trị”
Ông già mập hỏi: “Vạn Tự là ai?”
Thuận Oa nói: “Vạn Tự chính là người mua đồ cổ”
Ông già mập nói: “Tôi không tin. Có thể hồi nãy bọn họ chỉ lấp mộ để người khác không biết mộ cổ ở đây đã bị đào trộm”
Thuận Oa nói: “Trò lừa đảo này rõ mười mươi như con rận nằm trên cái đầu trọc.
Thứ nhất bọn nó đợi ông ở đây, giả vờ đào trộm mộ để cho ông nhìn thấy.
Thứ hai, bọn nó giả vờ có đại gia đã mua ngôi mộ này, không bán cho ông nữa, để ông tin đây đều là đồ cổ thật.
Thứ ba, bọn nó cho tên áo cộc tay trộm hai món đồ cổ, để ông nghĩ đây là mộ của Chử Toại Lương. Đã là đồ tuẫn táng của Chử Toại Lương thì chắc chắn là rất giá trị.
Thứ tư, bọn nó biết rõ sau khi ông nhìn thấy cái ấn của Chử Toại Lương sẽ đuổi theo nên đã để một số người ở lại bên đường, giả vờ bị trẹo chân, đợi ông đến.
Thứ năm, bọn nó biết sau khi ông đuổi kịp sẽ mua hàng nên lấy lý do sau này không thể làm việc cho đại gia được nữa để ông phải trả giá cao hơn.
Thứ sáu, bọn nó biết ông không có tiền mặt nên sẽ đưa ông về nhà bọn nó ở. Trong thời gian này để ông thêm tin tưởng, chúng nó sẽ cho người thu mua đồ cổ xuất hiện đúng lúc. Thông qua mặc cả trả giá khiến ông tin số đồ cổ này là thật.
Thứ bảy, bọn nó sẽ giữ lại một người trong số các ông, để ông về nhà gom tiền. Đến bước này rồi, có nói gì đi nữa ông cũng sẽ không tin đây là một cái bẫy liên hoàn đã được bọn nó sắp đặt. Ông sẽ cho tất cả những điều này là thật. Nhưng dù đã tính hết các nước bọn nó cũng không tính được hôm nay quân đội lại đến huyện thành, trưng dụng hết xe ngựa của quán trọ, làm cho ông không thể lên tỉnh, về lại Bắc Kinh.
Ông già ngẫm nghĩ rồi nói: “Nếu muốn tôi tin đây là lừa đảo, trừ phi đào được ấn chương của Chử Toại Lương và ngọc bội Lý Thế Dân ban thưởng ở ngôi mộ này”
Thuận Oa nói: “Tuy tôi không thể khẳng định tuyệt đối thứ gì mới được chôn dưới này nhưng tôi có thể đoán được dưới này chính là ấn chương của Chử Toại Lương và ngọc bội do Tần vương Lý Thế Dân ban thưởng, nhưng chúng đều là đồ giả. Nó không khác gì những đồ các ông đã mua từ tên mặc áo cộc tay”
Ông già mập nói: “Vậy tôi sẽ đợi bọn họ đào lên rồi xác minh”
Thuận Oa nói: “Ông không cần đợi lâu đâu, không tối mai thì tối ngày kia thôi”
Đêm đó, Thuận Oa và tôi đưa ông già mập về nghỉ ở quán trọ. Ông già mập vẫn tin đống đồ cổ ông già mặc đồ vải thô bán là hàng thật. Ông ta cứ hỏi đi hỏi lại chủ quán trọ khi nào những cỗ xe ngựa bị quân đội trưng dụng sẽ trở lại.
Thuận Oa nói nhỏ với tôi: “Cái lão già cứng đầu này, chín con bò cũng không kéo lại được, phải mười con mới ăn thua”
Qua hôm sau, Thuận Oa dẫn ông già mập đi ăn mì xào thịt dê. Tiền ăn ở đều do Thuận Oa chi trả. Tôi thầm nghĩ, nếu không phải Thuận Oa muốn vặt ít tiền từ cái ông già đến từ Bắc Kinh này, anh ấy sẽ không rộng rãi như vậy.
Ăn xong bữa tối, chúng tôi ra ngoài thành chơi.
Bên ngoài cửa Nam huyện thành là một vùng bằng phẳng, rộng ngút tầm mắt. Trên cao chim chóc bay liệng, trông cứ như những hạt vừng. Xa xa phía chân trời có bác nông dân đang cày ruộng.
Đàng trước là con bò đang kéo cày chậm rãi. Phía sau là bác nông dân giữ chặt lưỡi cày. Theo sau bác nông dân là người phụ nữ cắp mủng. Cứ sau vài bước chân là rải hạt giống trong mủng xuống luống cày, rồi dùng chân phải gạt đất mịn phủ lên hạt giống. Con bò, bác nông dân và người phụ nữ đều đang bước đi chậm rãi. Dường như lịch sử mấy nghìn năm của loài người đều trôi qua như vậy. Nhìn từ xa, họ giống như một bức tranh cắt giấy.
Chúng tôi bỏ con đường cái, băng qua cánh đồng, đi lang thang ngắm cảnh. Bầy châu chấu xanh thỉnh thoảng nhảy tanh tách trong bụi cỏ, còn có những con chuột đồng thò đầu ra thám thính trong những luống đất mới cày. Một con cáo đang ngồi cách đó không xa, nhìn những vị khách không mời với ánh mắt nghi ngờ. Khi thấy không có gì nguy hiểm, nó mới nhấc mông lên chạy dọc theo những luống cày về nơi thật xa.
Chúng tôi tìm thấy tổ ba hổ dưới một gốc cây bạch dương cao lớn. Ba hổ là cách gọi của người ở đâu, không biết tên khoa học của nó là gì. Ba hổ giống con nhện, người đầy lông lá, có sáu cái chân, nhưng nó khôn hơn nhện rất nhiều. Nó biết làm tổ, lại còn biết làm một cái nắp cửa che tổ mình lại, không cho các loại côn trùng khác chui vào trong. Cái nắp cửa của nó giống như nắp xe tăng hay nắp giếng, tròn vo, có thể đóng mở được.
Hồi nhỏ, mỗi lần đi học chúng tôi nhìn thấy tổ ba hổ thì cố tình gõ cửa nhà nó, cứ mở rồi lại đóng, đóng rồi lại mở cái nắp của nó.
Ba hổ biết có người đến gõ cửa sẽ không mở cửa mà cuống quít bò ra sau nắp cửa, dùng cái chân đầy lông lá giữ chặt nắp cửa, thế là chúng tôi không mở ra được nữa.
Biết là ba hổ đang giữ nắp cửa, chúng tôi bèn lấy dao nhỏ hoặc mảnh sắt bất ngờ chọt vào phía dưới nắp đậy mấy thốn. Thế là cắt đứt hoàn toàn đường lui của nó. Ba hổ muốn trốn cũng không trốn được nữa.
Chúng tôi sẽ tách đất ra và bắt được nó. Chân của ba hổ có thể ăn được, vị hơi mặn. Hồi nhỏ tôi đã ăn không biết là bao nhiêu cái chân của ba hổ rồi.
Ở quê có vô số loài động vật không thể đếm hết được. Chỉ tính riêng chim thôi tôi có thể kể ra mấy chục loài, côn trùng thì còn nhiều hơn nữa.
Nông thôn thật là vui.
Chúng tôi đi được bảy, tám dặm, đột nhiên trông thấy một đám người đi từ xa tới. Đám người này đi thành hàng lối. Mỗi người cách nhau mười mấy mét, người nào cũng dắt theo một con chó.
Loài chó này có hình dáng rất lạ, gầy tong teo, chân cực dài, mõm cũng cực dài. Bọn chúng bước đi nhẹ nhàng, không nghe thấy tiếng chân giẫm lên mặt đất. Mỗi cử động đều lộ vẻ cao ngạo, tự đắc, rất có khí chất. Trên thực tế, bọn chúng chính là quý tộc trong loài chó.
Tương truyền vào thời Hán Vũ Đế, giống chó này được nuôi ở hoàng cung và trong các nhà hào phú thành Trường An. Hán Vũ Đế và các quan đại thần thường đem theo giống chó này đi ra ngoài săn bắn. Phong tục này đã trải qua hai nghìn năm và lưu truyền đến tận ngày nay.
Hồi nhỏ khi ở quan trung tôi đã trông thấy rất nhiều loại chó này. Tên của nó là tế cẩu. Tế cẩu đuổi thỏ là sự kiện lễ hội dân gian có từ xa xưa ở quan trung. Vào lúc nông nhàn, nhiều thì mấy trăm, ít thì mấy chục con tế cẩu sẽ tụ tập một chỗ để đến vùng ngoại ô đuổi thỏ. Phạm vi hoạt động của bọn chúng không chỉ giới hạn ở quan trung mà còn ở nhiều nơi khác; phía Tây đến tận Cam Túc, Ninh Hạ, phía Đông đến tận Hà Nam, Thiểm Tây, phía Bắc đến tận Thiểm Bắc, Nội Mông. Riêng phía Nam thì không thấy chúng nó. Nơi đây có dãy núi Tần Lĩnh, loài có tốc độ chạy cực nhanh như Tế Cẩu không thể phát huy ưu thế của mình ở nơi này. Tế Cẩu là loài động vật có tốc độ chạy nhanh nhất trong các loài chó, ngay cả sói cũng không phải đối thủ của nó. Ngoại hình của Tế Cẩu và báo săn rất giống nhau, đều có đôi chân thon dài và cực kỳ nhạy bén.
Khi tôi đang mải quan sát bầy chó thì chợt nghe thấy một tiếng còi sắc nhọn, giống như một cây trúc đột nhiên kéo dài lên giữa không trung. Chủ nhân của những con chó này đồng loạt tháo vòng cổ chúng nó. Từng con Tế Cẩu lao vọt về phía trước như tên rời cung, để lại phía sau đám bụi màu vàng. Chẳng bao lâu sau, tiếng người, tiếng chó và tiếng cành cây gãy đổ đã hòa làm một. Cánh đồng mới rồi còn im ắng nay bỗng ngập tràn không khí chiến tranh chết chóc.
Chỉ vài phút sau, cánh đồng đã khôi phục lại vẻ tĩnh lặng vốn có. Môt con tế cẩu miệng ngậm một con thỏ xám hí hửng chạy về. Những con còn lại cũng mừng rỡ lắc đầy vẫy đuôi chạy theo sau. Chủ nhân của con tế cẩu này nhét con thỏ vào cái túi đeo sau lưng, rồi lấy từ trong túi ra một miếng thịt bò nhét vào miệng con chó. Hồi nhỏ vẫn nghe người ta nói chủ nhân của tế cẩu yêu nó như con của mình, quả nhiên là vậy. Ông ấy không ăn thịt bò mà để cho tế cẩu ăn.
Tôi rất phấn khích khi được tận mắt chứng kiến Tế Cẩu săn thỏ nên đã hỏi chủ của nó: “Thỏ và chó chạy cùng lúc, vì sao tế cẩu có thể bắt được thỏ?”
Người chủ nói: “Mỗi con chó đều có cách bắt thỏ khác nhau. Có con vồ từ đằng sau, dùng sức nặng của cơ thể đè lên người con thỏ. Có con dùng móng vuốt vỗ từ phía sau, con thỏ sẽ lật ngửa người ngã lăn xuống đất. Con chó này của tôi thích chạy song song với thỏ rồi bất ngờ quay đầu qua cắn vào cổ con thỏ”
Tôi đang nghe đến mê say, định hỏi tiếp thì bỗng có người kêu lên: “Chó của tôi đâu rồi? Chó của tôi đâu rồi?” Giọng cuống quít, như sắp khóc đến nơi.