Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2218 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 56
Tiếng mõ kêu trong làng

Ông già mặc đồ vải thô vẫn nhìn ông già mập khó hiểu, vẻ mặt tỏ ra vô tội.
Ông già ốm đi tới, một tay cầm ấn một tay cầm miếng ngọc bội, lạnh lùng hỏi ông già mặc đồ vải thô: “Chuyện này là sao?”
Ông già mặc đồ vải thô nhìn cái ấn và miếng ngọc bội, lại nhìn ông già ốm. Ông ta vẫn giữ vẻ mặt vô tội, hỏi lại: “Sao là sao?”
Ông già mập kích động nói: “Người ta không thấy quan tài không đổ lệ. Mày thấy quan tài rồi cũng không đổ lệ. Chiều qua, bọn mày giả vờ đào được nhiều đồ cổ rồi đợi chúng tao đến. Khi biết chúng tao sẽ mua hàng, để nâng cao giá bán, dụ chúng tao cắn câu, bọn mày cố tình nói là có đại gia đã mua cái mả đó.
Để chúng tao thêm tin tưởng bọn mày lại cho người cưỡi ngựa đến giục chuyển hàng về gấp. Khi bọn mày rời đi đã cố tình cho thằng mặc áo cộc tay ở lại trộm ấn và ngọc bội rồi bán lại cho chúng tao. 
Trên đường trở về, bọn mày biết sau khi chúng tao mua được ngọc và ấn sẽ đuổi theo sau. Vì sợ chúng tao lạc đường nên để lại một đám người, lấy cớ có đứa bị trẹo chân rồi chỉ cho chúng tao hướng đi của mày. Sau khi chúng tao đuổi kịp, mày lại giả vờ đồng ý phản bội đại gia, bán hết hàng cho chúng tao. Tao nói không sai chứ hả”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Tôi không hiểu ông đang nói gì”
Ông già mập cầm lấy con dấu và hỏi: “Cái này là sao. Đây mà là ngọc huyết dê? Sao dùng dao cắt thì không còn màu đỏ nữa”
Ông già mặc đồ vải thô cầm lấy cái ấn, đưa ra soi trước mặt trời, ông ta nói: “Ai bảo ông đây là ngọc huyết dê? Đây rõ ràng là ngọc mỡ dê, thuần sắc trắng, đẹp không tì vết. Lớp màu đỏ bên ngoài là do ngâm trong mực lâu ngày mà thành, dùng dao cạo nhẹ sẽ bong ra. Ngọc cực kỳ cứng rắn, dù qua hàng trăm năm, mực cũng không thấm vào được”
Ông già mập cầm lấy cái ấn, đưa ra trước mặt trời quan sát rồi đưa cho ông già ốm. Ông già ốm cũng đưa cái ấn ra trước mặt trời quan sát, rồi cẩn thận nhét vào túi áo trong.
Ông già mập bán tín bán nghi, đưa cho ông già mặc đồ vải thô miếng ngọc bội và hỏi: “Còn cái này thì sao? Vì sao trên mặt lại khắc tước hiệu đầu voi đuôi chuột “Tần Vương Lý Thế Dân Ngự Tứ”? Lý Thế Dân đã là hoàng đế rồi, lẽ nào còn xưng là Tần Vương?
Ông già mặc đồ vải thô cầm lấy miếng ngọc, nhìn mấy chữ trên đó rồi nói: “Ai nói với ông mấy chữ này là Lý Thế Dân cho khắc? Biết đâu nó là do Chử Toại Lương hoặc con cháu ông ta khắc? Con cháu Chử Toại Lương gọi hoàng đế đời trước là Tần vương Lý Thế Dân thì có gì không được? Ai quy định đồ tiên đế ban thưởng không thể khắc chữ lên?
Ông già mập nhìn ông già ốm, ông già ốm nhìn ông già mập.  Nét mặt hai người hoang mang, không biết nên nghe lời ông già râu dê hay ông già mặc đồ vải thô.
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Nếu hai ông cho cái ấn và miếng ngọc này là giả, có thể trả lại tôi. Các ông đã đưa thằng áo cộc tay bao nhiêu tiền thì tôi sẽ đưa lại bấy nhiêu tiền. Thằng này dám trộm đồ, tự mình đem bán, tôi sẽ tìm nó tính sổ.
Hai ông già không nói gì. 
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Tối qua hai người nói muốn lấy bọc đồ cổ đó, hại tôi không trở về huyện thành được. Bây giờ người cả huyện này đã biết tôi mang đồ cổ trốn đi rồi. Chưa biết chừng người đi tìm tôi thanh toán đang trên đường tới đây. Giờ các ông không lấy hàng nữa, tôi lại không thể bán ngay đi được. Các ông hại chết tôi rồi”
Hai ông già vẫn không nói gì. Quả thực bọn họ không biết phải nói gì.
Đúng lúc này, ngoài cổng vang lên tiếng mõ được gõ theo từng nhịp ngắn, âm thanh khô khốc, nghe rất khó chịu. Tiếp đó là tiếng người rao to: “Mua đồng nát sắt vụn, mua tranh rách giấy nát đây”
Ông già mặc đồ vải thô lạnh lùng nói: “Được rồi. Mời mấy ông đi cho, đi ngay cho tôi. Giờ các ông có trả bao nhiêu chăng nữa, kể cả núi vàng tôi cũng không thèm. Tôi sẽ bán cho đồng nát”
Người gõ mõ mua đồ đồng nát thực ra không phải là mua đồ đồng nát mà là mua đồ quý giá. Mua đồ quý giá không thể công khai, trắng trợn nên mới rao là mua đồ đồng nát.
Ông già mặc đồ vải thô vác bọc vải hoa đi ra ngoài. Hai ông già mập ốm đưa mắt nhìn nhau, rồi cũng bước theo sau.
Bọn họ muốn xem đồ cổ trong bọc vải hoa này là thật hay giả.
Người gõ mõ rao mua đồ cổ là một người đàn ông trung niên có thân hình gầy gò, khuôn mặt teo tóp, da dẻ sần sùi do phải dãi dầu nắng gió trong thời gian dài. Ông già mặc đồ vải thô đặt cái bọc vải hoa xuống dưới chân người mua đồ cổ. Anh ta cầm cái này lên ngắm nghía, cầm cái kia lên gõ gõ, tập trung quan sát, nín thở lắng nghe. Khuôn mặt không có biểu cảm gì. Một lúc sau, anh ta hỏi ông già: “Ông bán giá sao đây?”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Chú trả được bao nhiêu?”
Người trung niên nhìn đống đồ cổ và nói: “Hai mươi đồng bạc”
Ông già mặc đồ vải thô cuộn khăn trải giường lại, nhấc chân định bỏ đi. Người trung niên kéo tay ông ấy lại, nói: “Ông anh này, định làm gì thế?”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Chú coi thường tôi quá đấy. Cả đống đồ cổ thế này mà trả có hai mươi đồng bạc?” 
Người trung niên cười nói: “Không nhìn ra ông anh lại rắn thế. Mua bán phải nói thách chứ. Ông anh không ra giá, thằng em biết trả thế nào”
Ông già mặc đồ vải thô đặt cái bao vải xuống, giơ hai ngón tay, nói: “Không lằng nhằng nữa. Tôi cần bán gấp. Chú đưa tôi hai cây”
Người trung niên nói: “Không được, tôi chỉ có thể trả một cây”
Hai ông già mập ốm đứng sau một gốc cây lớn, giả bộ không quan tâm đến giao dịch của bên kia nhưng hai tai thì vẫn lắng nghe động tĩnh từng giây từng phút. Mặc dù bọn họ không biết một cây, hai cây là gì nhưng người trung niên đã trả hai mươi đồng bạc mà ông già mặc đồ vải thô vẫn không bán. Thế thì hai cây có thể là hai trăm hoặc hai nghìn đồng bạc. Nhưng dù có là bao nhiêu chăng nữa, hai người bên đó đã có giao dịch, thế nên đống đồ cổ đó là thật. Ai lại đi kì kèo một đống đồ giả chứ?
Sau khi đã suy tính nát nước, cuối cùng hai ông già cũng bước tới trước mặt ông già mặc đồ vải thô. Ông già mặc đồ vải thô không thèm để ý đến họ, tiếp tục mặc cả với người trung niên.
Ông già mập nói với ông già mặc đồ vải thô: “Anh à, bọn tôi đã nói từ đầu là muốn mua số đồ cổ này rồi. Một gái không gả hai chồng. Sao anh lại đem bán cho người khác thế”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Loại người hay nghi thần nghi quỷ như mấy người, ai mà làm ăn chung được”
Ông già mập nói: “Bọn tôi vẫn mua theo giá đã chốt”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Ông có trả thêm tiền tôi cũng không bán nữa”
Người trung niên thấy hai ông già đột nhiên xuất hiện, cướp mối làm ăn của mình thì bực bội. Anh ta nhìn hai ông già mập ốm hỏi: “Hai ông định làm gì? Không thấy chúng tôi đang giao dịch hay sao?”
Ông già mập nói: “Xin lỗi nhé. Chúng tôi đã thỏa thuận từ  trước rồi” Ông ta vỗ vai ông già mặc đồ vải thô đầy thiện chí.
Người trung niên thấy tình hình không ổn, vội nói: “Hai cây, hai cây, cứ theo giá ông nói đi”
Ông già mặc đồ vải thô nói: Ngoài hai cây còn thêm hai con cá vàng nữa” 
Người trung niên hét lên: “Tôi cho ông anh ba con cá vàng”
Theo ngôn ngữ trong nghề, một cây là một nghìn, cá vàng nhỏ là một trăm, cá vàng lớn là một vạn. Giá cá vàng lớn thường ít người bán. Những người có thể mua với giá cá vàng lớn chỉ có thể là các tay chơi siêu cấp cỡ Lý Gia Thành hoặc Bao Ngọc Cương.
Chú thích: Lý Gia Thành, Bao Ngọc Cương là hai tỉ phú người HongKong.
Ông già mặc đồ vải thô nói với hai ông già mập ốm: “Hay lắm. Người ta đã trả giá cao hơn mấy ông. Tôi chỉ có thể nói xin lỗi hai vị thôi”
Ông già mập cuống lên, nắm chặt tay ông già mặc đồ vải thô, nói: “Anh ra giá bao nhiêu chúng tôi trả bấy nhiêu. Hơn nữa chúng tôi đã có lời trước với anh, thỏa thuận xong xuôi hết rồi mới theo anh đến đây mà”
Ông già mặc đồ vải thô vẻ mặt khó xử. Ông già ốm nãy giờ chưa lên tiếng, cuối cùng cũng không kìm được nữa. Ông ta nói với ông già mặc đồ vải thô: “Đại ca, nam tử hán đại trượng phu. Một lời như đinh đóng cột, đã nói là không lật lọng nữa”
Ông già mặc đồ vải thô nói: “Hây dà, thôi đi, thôi đi. Nếu tôi bán cho người khác sẽ bị chửi bới suốt đời mất. Làm người phải giữ chữ tín. Được rồi. Vậy tôi đợi các ông. Các ông phải nhanh lên đấy”
Ông già mặc đồ vải thô miễn cưỡng trở về nhà. Hai ông già mập ốm đi sau ông già mặc đồ vải thô giống như hai bóng đen một dài một ngắn. Khi về đến nhà, ông già mặc đồ vải thô nói: “Hai người các ông ai đi lấy tiền phải đi sớm về sớm. Tôi không thể ở nhà này nữa rồi. Đại gia kia chắc đang cho người tìm tôi. Tôi phải đi trốn vài ngày với một trong hai ông”
Ông già mập nói: “Tôi về lấy tiền. Hai người cứ lánh mặt đi đã. Nhưng tôi biết tìm hai người ở đâu, tìm bằng cách nào?”
Ông già mặc đồ vải thô ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Khi nào ông mang tiền đến đây, nếu thấy trước cổng nhà có đặt một cây chổi, vậy là có chuyện rồi, đừng vào nhà nữa, chúng tôi sẽ đi tìm ông. Nếu trước cổng không có chổi thì cứ vào thẳng bên trong”
Ông già mập nói: “Được rồi. Vậy tôi đi Bắc Kinh”
Muốn đi Bắc Kinh, phải tới huyện thành ngồi xe ngựa lên tỉnh. Ở đó có xe lửa về Bắc Kinh. Xe ngựa chỉ có ở những quán trọ cho thuê xe ngựa. Đó là nơi cung cấp chỗ ở và phương tiện đi lại.
Tôi theo ông già mập về lại huyện thành. Tôi muốn đi tìm Thuận Oa báo cáo tình hình. Thuận Oa đã để tôi đưa hai ông già mập ốm đi Chu Gia Khẩu, giao cho ông già râu dê. Ông già râu dê sẽ ở đó tiếp ứng. Nhưng tôi không ngờ lại gặp phải bọn trộm mộ giữa đường. Bọn nó đã cản đường và giao dịch với hai ông già mập ốm. Tôi đã trở thành một người thừa vì chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy thế, tôi không thể nhúng tay vào vì không rành đồ cổ. Ở gánh xiếc tôi còn biết đi thăng bằng, làm tai mắt. Ở phái Giang Tướng tôi là tiểu hòa thượng, là một thành viên trong đó. Nhưng ở cái ngành làm đồ giả cổ này, tôi chẳng là gì cả, đến giờ vẫn chưa được nhập môn.
Tôi không biết phải báo cáo với Thuận Oa thế nào nên đành đi theo ông già mập đến quán trọ cho thuê xe ngựa.

 

(Tổng: 2218 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận