Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2170 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 117
Cạm bẫy trùng trùng
Đúng là phía trước đang có chiến sự, bởi số lính Nhật bị thương không chỉ có một vài tên mà chất đầy trên mười mấy cỗ xe lớn. Đám lính Nhật đau đớn đến mức kêu cha gọi mẹ, nằm trên xe rên rỉ gào khóc như heo. Hồi nhỏ, mỗi lần người dân quê tôi đi chợ bán heo, thường trói chúng nó vào xe bò. Trên đường đi, heo sẽ phát ra tiếng kêu y như vậy.
Sau khi lính Nhật đã đi xa, chúng tôi tiếp tục lên đường. Vùng sa địa này rất kỳ lạ, nói là sa mạc cũng không phải vì đi một đoạn có thể trông thấy hồ nước, còn nói là thảo nguyên cũng không đúng lắm vì khắp nơi toàn là cát vàng.
Bạch khất cái nói, sau khi băng qua vùng sa địa này, tiếp tục đi về hướng nam là đến Đa Luân. Năm nào họ cũng đến Đa Luân, ở đó có rất nhiều người quen. Khi nào đến nơi, họ có thể hỏi tin tức của sư tổ giúp tôi.
Một vạt rừng hiện ra trước mặt. Đây là rừng sa liễu đặc hữu của thảo nguyên. Cây sa liễu không cao, thông thường chỉ cao khoảng ba, bốn mét nhưng rễ của nó lại dài tới hơn trăm mét, cắm thẳng xuống phần ẩm thấp nằm sâu dưới lòng đất. Người thảo nguyên đều biết sa liễu có ba cái bất tử: Trời khô hạn không chết, gió cát thổi không chết, bò dê gặm không chết. Dù bò dê có ăn hết vỏ của nó, sa liễu vẫn tiếp tục sinh trưởng. Đây là loài cây có sức sống cực kỳ mãnh liệt.
Hai người ăn mày đề nghị nghỉ ngơi trong rừng một lát. Tôi để Yến Tử ở lại, còn tôi đi lên phía trước dò đường. Vừa nãy mới gặp phải lính Nhật , trong lòng tôi vẫn còn lo lắng. Tôi sợ phía trước lại có lính Nhật.
Tôi đi xuyên qua rừng sa liễu, trông thấy trước mặt có một cây du rất cao. Cây du và cây sa liễu là hai loài cây phổ biến nhất ở sa mạc và thảo nguyên. Cây du cũng là một loài cây chịu lạnh rất tốt.
Tôi ngồi trên chạc cây du, dõi mắt nhìn về phía xa, không tìm thấy dấu hiệu nào khả nghi nhưng lại trông thấy một con cáo. Đôi tai của nó vừa dài vừa to, đứng trên bãi cát vênh vênh váo váo, đằng sau còn kéo theo cái đuôi rất dài. Nó cứ nhẩn nha đi lại, tìm kiếm thức ăn trên mặt đất. Cáo là động vật ăn thịt, nhưng khi chúng nó đói đến cực điểm cũng sẽ ăn cả kiến.
Mọi sinh vật ở sa mạc đều có cuộc sống không dễ dàng.
Con cáo vừa đi vừa đánh hơi, dần dần đến dưới gốc cây du. Nó chổng mông vào gốc cây và bắt đầu cọ cọ cho đỡ ngứa. Nhìn thấy con cáo này, tính trẻ con đã mất từ lâu của tôi bỗng nhiên trỗi dậy. Tôi nhảy từ trên cây xuống, định giẫm lên người nó.
Nhưng thính giác của nó quá nhạy bén. Tôi vừa rời khỏi cành cây, nó đã nghe thấy âm thanh yếu ớt phát ra từ lớp vỏ xù xì của cây du. Nó không ngẩng đầu mà vọt người về trước như một mũi tên.
Sau khi đáp xuống đất, tôi nhặt một hòn đá ném về phía con cáo. Hòn đá mang theo một tiếng rít gió đập trúng vào đuôi nó. Con cáo quay đầu nhìn tôi, chun mũi, cười khinh bỉ. Tôi bị nó giễu cợt bèn đuổi theo sau.
Con cáo bỏ chạy tạo thành một đường khói. Tôi đuổi theo sau cũng tạo thành một đường khói. Chạy được mấy chục mét thì nó bỗng mất dạng.
Tôi chưa hiểu là chuyện gì, tiếp tục đuổi theo, bỗng thấy trước mặt có một cái hố bẫy, hố sâu đến vài mét, bên dưới cắm đầy chông nhọn. Sau khi con cáo rơi xuống hố đã bị chông đâm thủng bụng. Bên trên miệng hố có phủ một lớp cỏ dại, cỏ cũng rơi xuống dưới.
Lạ thật đấy. Không biết người nào đã đặt bẫy ở đây? Động vật vùng sa địa vốn ít ỏi, tìm cả ngày cũng không có một con. Đào hố bẫy ở đây, chẳng phải tốn công phí sức như người mù thắp đèn hay sao?
Tôi tìm kiếm chung quanh, lại phát hiện có điều quái lạ. Không biết ai đã rải rất nhiều thiết tật lê bên cạnh hố bẫy. Tật lê là một loài thực vật ở vùng quê phương Bắc. Bốn mặt mọc gai dài, loài động vật nào cũng sợ nó, kể cả hổ báo. Chỉ cần đạp trúng sẽ bị thương đến chảy máu. Thiết tật lê được thợ rèn chế tạo có hình dạng giống như tật lê, thường được rải dưới chân tường của viện tử vào ban đêm để ngăn kẻ trộm nhảy vào trong nhà. Một số địa phương miền bắc gọi thiết tật lê là trát mã đinh. Người nào cưỡi ngựa đạp phải nó nhất định sẽ té ngã.
Ở đây ngoài hố bẫy ngựa, còn có trát mã đinh, xem ra là để đối phó với kỵ binh. Vậy thì người nào đã bố trí những thứ này?
Những binh lính Nhật vừa nãy, có phải bị thương vì dính bẫy ở đây không?
Tôi trở lại rừng sa liễu, kể cho hai người ăn mày và Yến Tử về những thứ kỳ quái mình vừa trông thấy. Bọn họ theo tôi đến bên hố bẫy ngựa.
Bạch khất cái cúi xuống quan sát rồi nói: “Mấy hố này chỉ mới đào gần đây thôi. Mọi người nhìn xem, đất bên dưới vẫn còn ẩm”
Tôi hỏi: “Ai đã đào hố bẫy ngựa ở đây?”
Bạch khất cái nói: “Tạm thời chưa biết được”
Yến Tử bỗng nói: “Bẫy này dùng để đối phó với lính Nhật. Có thể Đa Luân đang có chiến tranh”
Bạch khất cái nói: “Sao cô biết được?”
Yến Tử nói với Bạch khất cái: “Ông từng nói đi hết vùng sa địa này sẽ đến Đa Luân. Mục dân chăn thả gia súc chỉ chọn nơi có đồng cỏ tươi tốt, chứ không chọn những nơi đất cát thế này, cho nên hố bẫy ở đây không phải nhắm vào mục dân. Đường từ Xích Phong đến Đa Luân bắt buộc phải đi qua vùng sa địa. Người Nhật đã chiếm được Xích Phong, địa điểm tiếp theo sẽ là Đa Luân. Vì vậy, đào hố bẫy ngựa ở vùng sa địa khẳng định là để đối phó với người Nhật”
Bạch khất cái lại hỏi: “Vậy làm sao cô biết Đa Luân đang có chiến tranh”
Yến Tử nói: “Vừa rồi chúng ta đã nhìn thấy một toán lính Nhật. Đám cưỡi ngựa kéo theo những tên bị thương. Đa Luân là một thành lớn, quân Nhật muốn tấn công Đa Luân không thể chỉ với một nhúm nhỏ như vậy. Quân Nhật kéo theo binh lính bị thương tới nơi xa hơn là Xích Phong chứ không phải nơi gần hơn là Đa Luân. Như vậy cho thấy Đa Luân vẫn chưa thất thủ. Binh lính bị thương trên chiến trường chỉ có thể chuyển về hậu phương. Mà hậu phương ở đâu? Ở Xích Phong chứ đâu”
Hắc khất cái nghe Yến Tử phán đoán như vậy thì tán thưởng: “Con bé này thông minh thật đấy, hơn đứt anh chồng rồi”
Hắc khất cái nói xong mới thấy mình lỡ lời, vội quay người đi chỗ khác.
Tôi không xấu hổ chút nào, ngược lại rất vui sướng. Yến Tử vốn thông minh hơn tôi, có thể lấy cô ấy làm vợ là phúc phận của tôi.
Phía trước là hố bẫy ngựa và trát mã đinh, chúng tôi không thể đi tiếp. Hố bẫy được phủ một tầng cỏ dại và cát, chỉ cần giẫm chân lên, sẽ rơi ngay xuống, rồi bị mũi chông đâm xuyên qua người. Trát mã đinh rải trong cỏ dại, chẳng may đạp trúng sẽ đâm xuyên bàn chân, không chảy máu đến chết cũng mắc bệnh uốn ván mà chết. Muốn phá giải hố bẫy chỉ có một cách là đặt tấm ván dày lên trên để bước qua, muốn phá giải trát mã đinh, chỉ có một cách là vừa đi vừa dò dẫm bằng bàn chân.
Chúng tôi quay trở lại rừng sa liễu, đi vòng qua hướng khác, tránh đụng phải hố bẫy ngựa và trát mã đinh.
Khi chúng tôi đi đến cuối rừng sa liễu, thấy trước mặt là một rừng du. Cây du thường cao lớn hơn cây sa liễu. Bên trong rừng du cỏ dại mọc cao đến tận đầu gối. Sa địa Hỗn Thiện Đạt Khắc rất kỳ lạ, đi vài dặm đường sẽ là sa mạc, đi thêm vài dặm nữa sẽ là thảo nguyên, nếu tiếp tục đi về phía trước vài dặm, lại trông thấy hồ nước.
Chúng tôi đi trong rừng du, chung quanh bao trùm một màn tĩnh mịch. Ánh nắng mặt trời chiếu chênh chếch vào khu rừng, trải bóng từng cây du lên mặt đất. Chúng tôi đi dưới bóng cây du, vừa có một cảm giác rờn rợn xen lẫn quỷ dị.
Bạch khất cái đi phía trước. Ông ấy giơ tay bảo chúng tôi dừng lại. Tôi không biết chuyện gì mới rón rén bước lại gần. Bạch khất cái nói: “Ở đây có cơ quan”
Bạch khất cái ngồi xuống, tôi cũng ngồi theo, thấy phía trước cách chân ông ta khoảng nửa mét, có một sợi dây mảnh buộc nối giữa hai thân cây. Sợi dây này cùng một màu với cỏ dại. Nếu không chú ý sẽ không nhận ra. Bạch khất cái đứng dậy, tôi cũng đứng dậy. Ông ấy chỉ tay lên trên. Tôi nhìn theo hướng tay của ông. Qua những tầng cành lá rậm rạp, tôi thấy phía trên chạc cây du gần đó có đặt một cái giỏ tre.
Tôi hỏi: “Đây là cơ quan gì?”
Bạch khất cái nói: “Sợi dây mảnh phía trước được nối với giỏ tre ở trên kia. Người nào không biết đi ngang qua đây sẽ làm đứt sợi dây. Sợi dây mà đứt, giỏ tre sẽ ụp xuống đầu”
Tôi lại hỏi: “Bên trong giỏ tre đựng gì?”
Bạch khất cái nói: “Có người đặt tảng đá lớn vào giỏ, có người bỏ độc sa vào giỏ”
Độc sa là gì? Tôi lần đầu nghe đến thứ này.
Bạch khất cái nói tiếp: “Bỏ năm loài độc vật là bọ cạp, rết, cóc, rắn độc, nhện vào trong nồi, giã nhuyễn, thêm cát mịn, trộn lại thật kỹ rồi đem sao trên lửa. Sau một giờ, cát này sẽ biến thành độc sa, da người mà dính phải một hạt, sẽ lập tức mưng mủ, không thuốc nào có thể trị khỏi”
Tôi nghe ông ấy nói vậy thì hít một hơi thật sâu, không nghĩ trên đời này lại có thứ đáng sợ như thế.
Khu rừng du rậm rạp tươi tốt, phóng mắt nhìn cũng không thấy điểm cuối. Cơ quan không chỉ được bố trí một nơi. Trong khu rừng này cạm bẫy trùng trùng, hay là chúng tôi tạm thời quay trở lại.
Chúng tôi tiếp tục đi men theo bìa rừng. Trước mặt có một cái rãnh sâu, chúng tôi đi dọc theo cái rãnh này. Khi trời chạng vạng tối, đột nhiên chúng tôi phát hiện có một toán lính Nhật ở ngã ba đường trước mặt.
Chúng tôi trông thấy lính Nhật, bọn chúng cũng trông thấy chúng tôi. Bọn chúng lập tức xách súng chạy tới, miệng la hét xí xa xí xố. Bạch khất cái bảo chúng tôi: “Mau chạy về bên trái, chui xuống dưới rãnh”
Tôi hỏi: “Thế còn hai người?”
Bạch khất cái đá vào người tôi, hét lên: “Chạy mau, còn đợi gì nữa”
Tôi kéo Yến Tử nhảy xuống dưới rãnh. Chạy được mấy chục mét, tôi nghe thấy hai người ăn mày quát tháo với lính Nhật: “Lão tử ở đây, con mẹ chúng mày lại đây nào”
Khẩu súng trong tay lính Nhật liền đáp lời, đạn bay sượt qua rãnh, rít lên từng hồi. Hai người ăn mày chạy dọc theo mép rãnh về phía trước, sau lưng là những tên lính Nhật với những khẩu súng dài.
Họ dụ lính Nhật chạy sâu vào rừng du. Bên trong rừng du một màn tối đen, mỗi bước chân đều là cạm bẫy, nguy cơ bủa vây tứ bề.