Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2147 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
 BÍ TỊCH GIANG HỒ
Chương 30
Học ám ngữ giang hồ

Cái thúng của anh mập chứa rất nhiều thứ tôi chưa từng thấy như: giới điệp, mõ, tràng hạt, áo cà sa, kinh sách… Đây đều là đồ dành cho hòa thượng.
Đến giữa trưa thì Lăng Quang Tổ cạo tóc cho tôi. Ông ấy nói: “Sau này mày sẽ là một tiểu hòa thượng”
Tôi hỏi: “Sao con lại phải làm tiểu hòa thượng?”
Ông ấy nói: “Mày sống ở trong chùa, ăn uống ở trong chùa, mày không làm hòa thượng mà được à?”
Lăng Quang Tổ cạo đầu tôi xong lại dạy thêm ám ngữ giang hồ. Ông ấy nói: “Hôm nay dạy mày số đếm, phải nhớ cho kỹ vào. Số một (Nhất) gọi là Lưu, số hai (Nhị) gọi là Nguyệt, số ba (Tam) gọi là (Uông), số bốn (Tứ) gọi là Tắc, số năm (Ngũ) gọi là Trung, số sáu (Lục) gọi là Thần, số bảy (Thất) gọi là Tinh, số tám (Bát) gọi là Trương,  số chín (Cửu) gọi là Nhai, số mười (Thập) gọi là Túc, Trăm (Bách) gọi là Xích, Nghìn (Thiên) gọi là Trượng, Vạn gọi là Phương.
Tôi đọc theo Lăng Quang Tổ từng chữ một, cảm thấy ám ngữ giang hồ chẳng có quy luật gì hết, cũng không biết là ai là người đầu tiên nghĩ ra cái thứ ngôn ngữ cố tình làm người bình thường không hiểu được này.
Tôi nói: “Ám ngữ khó học quá”
Lăng Quang Tổ nói: “Khó mấy đi nữa cũng phải học. Ngoài số đếm ra, hôm nay phải ghi nhớ mấy tên gọi sau: “Kỹ nữ gọi là Hoa Đế, Quan lại, viên chức gọi là Đà Vĩ, Thương nhân gọi là Tử Tôn, khách hành hương gọi là Nhất Ca, Gái đĩ gọi là Phiêu Khách Xuyến Tử”
Tôi nói: “Con học muốn bể cái đầu rồi”
Lăng Quang Tổ nói: “Có bể đầu cũng phải học. Chùa mở cửa đến nơi rồi, tao không đợi mày học xong mới khai trương đâu. Trước mặt đám Nhất Ca mà mày không nói ám ngữ, chẳng lẽ định nói những câu chúng nó hiểu được”
Lăng Quang Tổ đã dạy tôi ám ngữ này rồi. Nhất Ca là khách hành hương nơi chùa chiền miếu mạo, cũng là khách mua hàng chốn chợ búa, buôn bán, còn ở quán ăn thì chính là thực khách. Tùy theo từng trường hợp mà có cách hiểu khác nhau. Thời nay Nhất Ca là từ chuyên dùng để chỉ các lão đại.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện thì anh mập vẫn luôn chân luôn tay quét dọn sân chùa, sửa sang bồn hoa, siêng năng như một con kiến. 
Lăng Quang Tổ nói với tôi: “Sau này nói chuyện lừa bịp thì tránh xa thằng Đế Thọ Thất Lộ này ra”
Trong cái thúng tre còn có một lá Hạnh Hoàng Kỳ thêu chữ Phật cực lớn. Lăng Quang Tổ buộc nó vào dây thừng, treo thật cao lên đỉnh cột cờ. Sau đó ông ta lôi ra mấy bức hoành phi. Có bức viết: “Tiên tri ngũ bách niên, hậu tri ngũ bách niên. Gia Cát tại thế, Lưu Cơ trùng sinh – Tín Dương, Cao Gia Trại, Cao Vương Thắng, kính tặng”. Có bức viết: “Hữu cầu tất báo, tống tử Quan Âm”. Lăng Quang Tổ cho tôi biết ông ấy đã bỏ tiền đặt làm mấy bức hoành phi này ở một thị trấn dưới núi. Có mấy bức hoành phi này thì khỏi lo không kiếm được tiền.
Sau khi lấy hết đồ trong thúng, tôi cất nó vào trai phòng hậu viện. Đột nhiên tôi nghe thấy trước sân chùa có tiếng ồn ào.
Tôi nhìn qua cửa sổ trai phòng thì thấy một đám người ùa vào cổng chùa. Có người ngạc nhiên hỏi: “Chùa có hòa thượng à? Ái chà, mấy năm rồi ở đây không ai đến hương khói”. Lại có người nói: “Đứng dưới chân núi thấy trên này cờ bay phấp phới, tôi nghĩ là có người ở. Quả nhiên là vậy”
Lăng Quang Tổ tay lần tràng hạt, mắt lim dim hiền từ, miệng lầm nhẩm đọc kinh bước lên nghênh đón. 
Một gã thanh niên mặt mũi lấc cấc nhìn mấy dòng chữ trên bức hoành phi rồi hỏi một người đứng tuổi bên cạnh: “Trên này viết gì thế?”
Người đứng tuổi đọc một lượt, gã thanh niên mới nói: “Lừa người thôi. Nghe nói bây giờ có cả hòa thượng giả, chuyên đi gạt tiền” 
Lăng Quang Tổ không hề giận nói: “Trước mặt đức Phật, thí chủ không thể nói càn nếu không sẽ gặp họa đổ máu.
Thanh niên lấc cấc gân cổ lên nói: “Tao nói mày là hòa thượng giả, chuyên đi gạt tiền người ta đấy. Mày làm gì được tao?”
Lăng Quang Tổ luôn miệng nói: “Tội lỗi, tội lỗi. Trong vòng bảy ngày nhà thí chủ sẽ gặp tai vạ.
Thanh niên lấc cấc cười hô hố: “Trò này của mày lừa được ai chứ sao lừa được tao”
Lăng Quang Tổ lại nói: “Trong vòng bảy ngày, nhà thí chủ sẽ gặp tai vạ. Xin hãy về cho”
Lúc thanh niên kia bỏ đi còn vênh mặt tự đắc nói: “Tao ở nhà bảy ngày để xem tai vạ nó thế nào”
Khi đám người này đã ra khỏi chùa, Lăng Quang Tổ gọi tôi lại, bảo tôi trùm áo bố lên trên đầu và bám theo họ. Tuyệt đối không được để lộ thân phận và phải âm thầm ghi nhớ vị trí ngôi nhà của gã thanh niên kia.
Thời ấy đàn ông dưới quê đều có lối ăn vận giống nhau.  Đó là mặc quần áo màu đen sẫm hoặc màu chàm. Người dân quê miền Bắc mang giày vải, người dân quê miền Nam mang giày cỏ. Kiểu tóc của đàn ông dưới quê cũng na ná nhau, hoặc là cạo trọc hoặc là cắt húi cua, giống như kiểu tóc một thốn ngày nay. Hồi đó nông thôn cũng có bán các loại vải bông do các nhà máy dệt trên thành phố sản xuất. Màu sắc tuy đa dạng nhưng số lượng rất ít. Người dưới quê gọi loại vải bông có đường vân mịn này là vải tây. Tên gọi này vẫn còn được dùng cho đến ngày nay. Ở một số vùng quê xa xôi miền Bắc, các cụ già vẫn gọi loại vải mua ở tiệm về là vải tây. 
Thế nhưng thanh niên lấc cấc này thì khác. Tóc để khá dài mà lại rẽ ngôi ở phía trước, nó tương tự như kiểu tóc bổ luống ngày nay. Người thời đó gọi kiểu tóc này là kiểu đầu học sinh hay kiểu tây. Quần áo của thanh niên này cũng không giống ai. Hắn mặc áo khoác may từ vải ngoại, cổ áo dựng đứng. Quần không phải là quần đũng rộng mà giống kiểu quần ống suông ngày nay. Thanh niên này từ lối ăn vận cho đến tóc tai đều không giống những nông dân đã đi cùng. Hơn nữa nước da của hắn cũng không có thô ráp, đen đúa như họ.
Hắn là một học sinh quê lên trên thành phố học.
Đã sống ở phố thị vài năm đến khi về lại quê loại người này rất dễ kích động, thấy cái gì cũng không vừa mắt, cũng muốn châm chọc, đả kích.
Một người như vậy rất có tiếng ở quê, Lăng Quang Tổ sắp sửa khai đao với hắn ta.
Theo dấu một người giữa đám đông không phải chuyện dễ dàng, nếu không biết cách sẽ nhầm với người khác. Tuy thế thanh niên lấc cấc này lại khác bởi vì hắn ta rất là nổi bật giữa đám nông dân giống như con hạc đi giữa bầy gà.
Tôi đóng giả làm người đi đường, thong thả bám theo họ. Thỉnh thoảng tôi còn dừng lại phủi bụi dưới chân. Bọn họ cười nói rôm rả suốt dọc đường về nhà, chẳng để ý gì đến người đi phía sau.
Đi được một đoạn thì tôi thấy thanh niên kia tách khỏi đám đông, đi vào một lối rẽ, sau đó biến mất trong một vạt rừng.

Tôi nhẹ nhàng đi vào vạt rừng, phát hiện phía trong này chỉ có một ngôi nhà với mấy gian phòng mới xây. Đằng sau vạt rừng này còn có một vạt rừng lớn hơn nữa, ở đó có mười mấy hộ dân sinh sống, nhà cửa đã cũ nát.
Hình tượng của thanh niên nổi bật giữa đám nông dân như thế nào thì căn nhà của hắn ta cũng y như vậy, nó giống như hạc giữa bầy gà.
Gia đình thanh niên thuộc diện khá giả ở nông thôn. Thanh niên này thuộc thành phần nông dân có học.
Năm ngày sau, vào một đêm không có ánh trăng, sao mọc đầy trời, tôi đi theo Lăng Quang Tổ đến trước nhà học sinh này. Lăng Quang Tổ đổ dầu cải lên cửa nhà hắn ta. Sau khi châm lửa, chúng tôi lập tức rời đi.
Trên đường về núi, tôi quay đầu nhìn lại thì thấy trong ánh lửa có vài bóng người đang bỏ chạy.
Sáng sớm ngày hôm sau, khi cửa chùa vừa mở, anh mập cầm chổi chuẩn bị quét dọn bụi bặm trên mặt đất thì có hai người bước vào chùa. Một ông già và một bà già. Họ quỳ trước tượng Phật, liên tục vái lạy.
Sau đó ngoài cửa chùa lại có nhiều người đến nữa, cả đám người này quỳ lạy kín cả chùa.
Anh mập thấy nhiều người đột nhiên đến viếng chùa như thế thì rất cao hứng. Anh ấy bỏ cây chổi xuống, gọi to: “Sư phụ ơi, sư phụ ơi”
Tôi đang bận gõ mõ, liền bước ra khỏi thiền đường hỏi: “Chuyện gì mà hoảng hốt thế”
Anh mập hỏi: “Sư phụ đâu rồi?”
Tôi cố ý nói thật to: “Hôm qua sư phụ đi vân du ngoài núi, đến nay chưa thấy về.”
Quay đầu nhìn lại, tôi thấy Lăng Quang Tổ đang nấp sau song cửa sổ, miệng cười gian xảo.
Các làng các bản đều xôn xao với câu chuyện của thanh niên. Chỉ sau một đêm mà chùa Hương Dũng đã vang danh khắp dãy Đại Biệt Sơn. Số người đến viếng chùa mỗi ngày một đông.
Có một hôm tôi bắt gặp Diệp Tử trong đám người đến dâng hương. Ba mẹ em đang quỳ trước tượng Phật, miệng lâm râm cầu khấn nhưng tôi không nghe thấy họ đang nói gì. Diệp Tử quỳ sau lưng ba mẹ, nhân lúc họ không để ý liền đứng dậy chạy ra sân chơi. Trong sân có một cây Hòe lớn, mấy con sâu xanh đen treo lủng lẳng trên cành cây, bọn chúng đang kéo tơ.  
Tôi rón rén đi ra sau lưng Diệp Tử và hét lên: “Hù”
Diệp Tử giật mình quay người lại. Thấy đó là tôi thì đánh yêu vài cái. Cô bé lấy lòng bàn tay xoa cái đầu trọc của tôi và nói: “Anh có tóc hay không có tóc thì vẫn đẹp trai”
Tôi cố ý nói: “Em thấy anh đẹp trai thì em lấy anh đi”
Diệp Tử nói: “Được lắm, vậy để em về nhà nói với ba mẹ. Ngoài anh ra, em không lấy ai hết”
Tôi nói: “Thế thì em phải đợi rồi”
Diệp Tử nói: “Mấy ngày nay đều có người đến nhà dạm hỏi. Ba mẹ muốn gả em đi rồi.  Chỉ cần anh lấy em, em sẽ không lấy ai hết”
Khi ba mẹ Diệp Tử đứng dậy thì Lăng Quang Tổ bước tới bắt chuyện. Diệp Tử chạy đến và hét lên: "Ba, mẹ, con không lấy ai cả. Ba mẹ đuổi bà mai đó đi đi. Con chỉ lấy anh Ngai Cẩu thôi”
Họ thấy tôi đứng đàng sau Diệp Tử liền nói: “Trẻ con thì biết gì, đứng qua một bên đi”
Diệp Tử nói: “Con chỉ lấy anh Ngai Cẩu thôi, chỉ lấy anh Ngai Cẩu thôi”
Ba em nói: “Ngai Cẩu không lấy vợ được”
Diệp Tử nói: “Tại sao anh ấy không thể lấy vợ”
Mẹ em nói: “Con nít con nôi, kêu gào ầm ĩ chuyện chồng con. Còn biết xấu hổ không hả?”
Diệp Tử bĩu môi nói: “Thế ba mẹ nói chuyện cưới xin với bà mối thì có thấy xấu hổ không? Ngoài anh Ngai Cẩu con không lấy ai hết.
Diệp Tử giận dỗi chạy ra khỏi chùa. Lăng Quang Tổ sờ cái đầu trọc của tôi cười ha hả.

(Tổng: 2147 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận