Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2330 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 108
Tìm thấy phi tiêu

Xa xa, chân trời đằng Đông đã hiện màu bụng cá trắng, gió lạnh buổi sớm mai thổi tới, những ngọn cỏ lay động, nhấp nhô không ngừng như những đợt sóng. Trời sắp sáng rồi.
Tôi rất nhớ Yến Tử, thật lòng tôi chẳng muốn quay lại nhà lao nhưng không thể không quay lại, bởi lão Đồng đã nhận lời tìm giúp đại toản thạch, đổi lại tôi phải tìm được mũ đồng. Qua mấy ngày tiếp xúc với lão Đồng, tôi thấy ông ấy không phải người tầm thường, có thể giúp tôi tìm đại toản thạch.
Đại toản thạch đã được đánh đổi bằng biết bao tính mạng của huynh đệ bang Tấn Bắc, tuyệt đối không thể làm mất nó.
Nguyên Mộc nói: “Anh cứ về trước đi. Tối nay chúng mình gặp lại nhau, em sẽ thăm dò tin tức chị ấy giúp anh”
Tôi miễn cưỡng rời khỏi bờ sông, quay trở lại nhà lao.
Khi tôi cưỡi ngựa về tới nhà lao thì trời đã sáng rồi. Cũng may đám cai ngục lười biếng vẫn chưa thức dậy. Tôi vừa đến trước cửa buồng giam, lão Đồng lập tức mở khóa cửa. Ông ấy cáu kỉnh hỏi tại sao bây giờ tôi mới về, nếu để lính canh phát hiện tôi vượt ngục vào ban đêm, ông ấy sẽ bị trừng phạt. 
Tôi không giải thích lý do.
Lão Đồng hỏi tôi có bắt được liên lạc với tiệm dược liệu không. Tôi còn chưa trả lời, bên ngoài buồng giam đã vang lên tiếng còi lanh lảnh. Đám cai ngục quát mắng: “Hóng gió, hóng gió nào. Con mẹ nó, đi đổ cứt đi chúng mày”
Sau khi hết giờ hóng gió, chúng tôi trở lại buồng giam. Lão Đồng lại hỏi tôi tình hình bắt liên lạc với tiệm dược liệu. Tôi trả lời: “Tiệm dược liệu chuyển đi chỗ khác rồi. Tôi đã tìm cả đêm nhưng không biết họ chuyển đi đâu”
Lão Đồng chợt biến sắc mặt, liên tục hỏi: “Sao lại chuyển đi chứ? Sao lại chuyển đi chứ?”
Ngày hôm đó, lão Đồng cứ ngồi trong góc buồng giam, không biết là đang nghĩ gì. Trước khi ngủ tôi còn thấy ông ấy ngồi khoanh chân, sau khi thức dậy vẫn thấy ông ấy giữ nguyên một tư thế. Tiệm dược liệu dời đi chỗ khác đã ảnh hưởng rất lớn đến lão Đồng. Nhưng tiệm dược liệu làm gì và có mối quan hệ thế nào với lão Đồng thì tôi không hỏi. Tôi biết tôi có hỏi ông ấy cũng không nói.
Trong lòng tôi chỉ có Yến Tử. Tôi lo lắng cho cô ấy hơn là tò mò về lão Đồng.
Sau khi trời tối, lão Đồng mở cửa buồng giam. Ông ấy nói: “Mau trộm lấy mũ đồng, càng sớm càng tốt”
Tôi gật đầu và trốn ra ngoài nhà lao.
Tôi gặp lại Nguyên Mộc ở ngoại ô huyện thành. Cậu ta dắt theo một con ngựa. Con ngựa đang chở một chùm hồ lô. Tôi hỏi cậu ta mang hồ lô làm gì. Cậu ta nói: “Ra bờ sông sẽ biết”
Chúng tôi phi ngựa thẳng tới bờ sông và lăn từ trên mình ngựa xuống. Nguyên Mộc thả cho ngựa đi. Con ngựa bước những bước ngắn mà nhanh, chân giẫm lên ánh trăng vỡ nát dọc đường, rồi tiếp tục chạy men theo bờ sông. Phía xa, một ngôi sao băng khổng lồ cắt ngang qua bầu trời.
Nguyên Mộc nói: “Sáng nay, sau khi đưa anh đến bên ngoài nhà lao, em lại đến bờ sông kiểm tra tình hình. Lúc ấy vẫn còn sớm, sắc trời u ám nom không được rõ, phải đến khi mặt trời mọc mới nhìn thấy rõ ràng. Trên đường có một hàng dấu chân ngựa, dấu chân khá sâu, sải chân cũng rất lớn, cho thấy có người đã cưỡi ngựa chạy đến bờ sông này. Hơn nữa bên bờ sông có một hàng dấu chân ngựa hướng về phía hạ du. Dấu chân ngựa không sâu, sải chân khá hẹp, chứng tỏ con ngựa này không có người cưỡi, nó đã tự đi khỏi bờ sông”
Tôi thấy phân tích của Nguyên Mộc rất hợp lý.
Nguyên Mộc nói tiếp: “Ngựa không có người cưỡi, cũng không thấy dấu chân người đi về phía hạ du. Vậy người đã đi đâu? Chỉ có thể là đã qua sông rồi. Chị Yến Tử có biết bơi không?”
Tôi nói: “Biết”
Nguyên Mộc nói: “Chị ấy biết cưỡi ngựa không?”
Tôi nói: “Không biết”
Nguyên Mộc nói: “Vậy là đúng rồi. Em quan sát dấu chân ngựa mới phán đoán ngựa không giống như có người cưỡi. Đã vậy, em còn nhìn thấy hai dấu chân người ở bãi cát ven sông. Đến giờ em mới nghĩ ra, chị ấy đã cưỡi chung một con ngựa với người khác, sau đó bơi từ đây qua bên kia sông”
Tôi thấy hơi khó chịu trong lòng, bèn hỏi: “Người kia là ai?”
Nguyên Mộc nói: “Nhìn dấu chân thì là phụ nữ”
Lúc này, tôi mới thấy nhẹ nhõm được chút.
Song tôi vẫn không hiểu. Yến Tử chắc chắn biết tôi đang ở trong nhà lao huyện thành, tại sao còn bỏ đi cùng người phụ nữ này? Một cảm giác bất an dấy lên trong lòng. Có phải Yến Tử đã gặp phải bất trắc gì không?
Nguyên Mộc bỏ chùm hồ lô xuống nước và nói tôi bò lên trên. Cậu ta nói hồ lô là công cụ vượt sông tốt nhất trên thảo nguyên, thậm chí ở đồng bằng Hà Sáo, mục dân cũng dùng hồ lô để qua sông Hoàng Hà.
Tôi nằm rạp trên chùm hồ lô, dùng tay làm chèo khua nước, hồ lô từ từ trôi qua bờ bên kia. Nguyên Mộc bơi bên cạnh hồ lô.
Sau khi sang đến bờ bên kia, chúng tôi giấu hồ lô vào trong bụi cỏ, tiếp tục đuổi theo. Đường đi xa xôi, thảo nguyên rộng lớn, mênh mông vô tận như biển lớn, chúng tôi như hai chiếc lá rụng phiêu phù nổi trôi trên mặt biển. Trên cao sao trời nhấp nháy, tựa như có thể với tay là chạm tới. Dải ngân hà nằm vắt ngang qua nửa bầu trời, dày đặc những vì tinh tú.
Đột nhiên, phía xa truyền đến tiếng sói hú. Tôi run lên vì sợ, vội dừng chân bước.
Nguyên Mộc nói: “Anh đừng lo. Bây giờ đang là mùa hè. Sói có rất nhiều thức ăn. Chúng nó sẽ không chủ động tấn công người”
Tôi nói: “Hồi nhỏ anh bị bắt cóc, rồi lạc vào hang sói nên cứ sợ chúng nó mãi”
Nguyên Mộc nói: “Người thảo nguyên và người quan nội có cách nhìn khác nhau về sói. Người quan nội cho rằng tất cả loài sói đều tham lam, độc ác, còn người thảo nguyên lại xem sói là thần bảo hộ. Trên thảo nguyên có câu ngạn ngữ ‘người sói gặp nhau, vận khí hanh thông, dã ngoại gặp sói, vạn sự cát tường’. Xem ra, có thể tìm được chị dâu rồi”
Tôi hỏi: “Vì sao gặp sói lại là điều may mắn?”
Nguyên Mộc nói: “Sói là do thiên thần Đằng Cách Lí phái tới để bảo hộ thảo nguyên. Gặp sói giống như gặp thần. Trên thảo nguyên người ta còn gọi sói là thiên cẩu, sơn trung thiền sư hoặc cha của núi”
Tôi nói: “Sói ăn thịt cừu. Vì sao người thảo nguyên vẫn gọi sói như thế?”
Nguyên Mộc nói: “Sói ăn thịt cừu nhưng thường chỉ ăn thịt những con già yếu, ốm bệnh. Ăn những con cừu như vậy sẽ giữ cho đàn cừu được khỏe mạnh, không bị bệnh tật truyền nhiễm. Sói ăn thịt cừu là một việc tốt”
Tôi thấy lạ quá: "Sói ăn thịt cừu sao có thể là việc tốt được?"
Nguyên Mộc nói: “Sói và cừu đều do Trường Sinh Thiên phái tới thế gian. Cừu muốn sống, sói cũng muốn sống. Một con cừu chết có thể cứu sống vài con sói. Nếu thảo nguyên không còn sói, dịch bệnh sẽ lây lan trong đàn cừu, chuột thỏ hoành hành, mọi người sẽ gặp tai ương. Sao mà thảo nguyên có thể thiếu vắng sói được chứ?
Tôi nghĩ, người thảo nguyên không giống người quan nội. Người quan nội cho rằng sói là loài động vật hung ác, còn người thảo nguyên quan niệm sói là do thiên thần phái đến. Điều này thực sự rất thú vị.
Chúng tôi đi khoảng một giờ thì trông thấy một căn nhà gỗ nhỏ. Cánh cửa nhà này có khắc hình một con chim én.
Đúng là Yến Tử đã đi qua đây, vậy còn người phụ nữ đó là ai? Họ đang đi đâu? Nếu có người đuổi theo họ thì đó là ai?
Đã đi suốt nửa đêm, tôi thấy đói bụng bèn vào trong nhà ăn ít lương khô. Nguyên Mộc nói cậu ta không đói, đứng bên ngoài quan sát tình hình chung quanh.
Tôi mới ăn được vài miếng, chợt nghe thấy Nguyên Mộc kêu lên đầy kinh ngạc, cậu ta gọi: “Anh ơi, mau lại đây xem thứ này là gì?”
Tôi vội lao ra ngoài, dưới ánh sao ảm đạm, thấy Nguyên Mộc đang cầm một ngọn phi tiêu, đuôi phi tiêu buộc tua rua màu đỏ, trên phi tiêu có hình chim én. Đây là phi tiêu của Yến Tử. 
Tôi run giọng hỏi: “Cậu tìm thấy nó ở đâu?”
Nguyên Mộc nói: “Ở bên vệ đường”
Tôi cầm lấy phi tiêu, đưa lên mũi ngửi. Phi tiêu có mùi máu tanh nồng, hiển nhiên đã phóng trúng người truy đuổi. Kẻ này đã rút phi tiêu, ném xuống đất và tiếp tục bám theo.
Những kẻ này là hãn phỉ. Trái tim tôi như thắt lại.
Mặt trăng đã chui ra khỏi những đám mây, mọi vật chung quanh như nổi lên trên mặt biển, dần trở lên rõ ràng. Trên mặt đất rải rác một vài thứ phát sáng lấp lánh. Tôi nhặt lên xem, thấy đó là vỏ đạn. Bên cạnh vỏ đạn còn có những dấu chân hỗn loạn.
Trong tay hãn phỉ có súng.Tôi từng ở trong quân đội hai lần, biết đây là vỏ đạn súng trường. Kẻ nào đã cầm súng truy đuổi Yến Tử? Bên kia bờ sông không có dấu chân của kẻ truy đuổi nhưng bên này lại có. Rốt cuộc những kẻ này là ai? Yến Tử đã trúng phải phục kích hay chỉ là ngẫu nhiên chạm trán?
Tôi đứng dậy, chạy về phía trước, vừa chạy vừa nói với Nguyên Mộc: “Nhanh lên nào, Yến Tử đang gặp nguy hiểm”
Nguyên Mộc nói: “Tìm ngựa trước đã. Cứ vậy mà đuổi theo thì đuổi đến bao giờ?”
Nhưng tôi nhìn quanh quất, chỉ thấy thảo nguyên rộng mênh mông vô tận, chỗ nào mới có lều Mông Cổ đây? Có lều Mông Cổ mới có mục dân, có mục dân mới có ngựa.
Chúng tôi chạy về phía trước khoảng vài trăm mét thì dấu chân cũng biến mất, cỏ bên đường đã đổ rạp một mảng. Rõ ràng Yến Tử và những kẻ truy đuổi đã bỏ con đường lớn, chạy sâu vào bên trong đồng cỏ.
Cỏ dại cao lút tận đầu gối, đổ rạp thành một mảng, giống như cánh đồng lúa chín sau khi chạy qua sẽ để lại một hàng lúa bị giẫm nát. Chúng tôi cứ bám theo dấu vết này đuổi về phía trước mấy trăm mét. Đột nhiên, Nguyên Mộc la lớn một tiếng rồi ngã xuống dưới đất.
Tôi quát hỏi: “Chuyện gì thế?”
Nguyên Mộc hoảng hốt hét lên: “Người, người…”
Tôi lao bổ tới, định cứu cậu ta nhưng Nguyên Mộc đã tự đứng dậy. Cậu ta nói: “Ở đây có người chết”
Người chết là một người đàn ông, toàn thân mặc bộ đồ màu đen. Cơ thể cứng ngắc, lạnh như băng, hiển nhiên đã chết từ lâu. Trên trán còn có một lỗ đạn, máu đã đông lại. Hắn ta nằm ngửa mặt lên trời, tay vẫn còn cầm một khẩu súng trường.
Người này bị súng bắn chết. Yến Tử không biết bắn súng. Người bắn chết gã này nhất định là người phụ nữ chạy trốn cùng Yến Tử. Cô ta có mang theo súng, tôi cũng thấy yên tâm.
Tôi nhặt khẩu súng lên, kéo chốt an toàn kiểm tra, bên trong vẫn còn một viên đạn. Tôi từng học bắn súng khi còn trong quân đội, có lẽ khẩu súng này sẽ có chỗ dùng đến.
Chúng tôi tiếp tục đuổi tới trước một ngôi miếu thổ địa. Miếu thổ địa được xây bằng gỗ nhưng không có người coi sóc, cánh cửa mở toang. Tôi kiểm tra trước sau miếu một lượt nhưng không thấy tiêu ký của Yến Tử, chỉ nhìn thấy một vết rạch nằm ngang trên tấm gỗ.
Vết rạch này nhất định là của Yến Tử để lại. Cô ấy còn chưa vẽ xong tiêu ký, kẻ địch đã đuổi đến nơi.
Những kẻ này là ai? Vì sao đã chết mất một người mà đám còn lại vẫn cố sống cố chết bám theo?
Chúng tôi tiếp tục đuổi về trước, sau khi chạy được vài dặm thì thấy trước mặt là một con đường dốc, cỏ dại trên dốc đổ rạp xuống từng mảng, rõ ràng Yến Tử và những kẻ truy đuổi đã lăn từ trên này xuống.
Tôi và Nguyên Mộc cũng chuẩn bị lăn xuống, đột nhiên dưới chân dốc có tiếng người trò chuyện.

(Tổng: 2330 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận