Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2063 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 84
Đêm khuya thăm tiệm quan tài
Tôi nói: "Muốn”
Lão ăn mày bước lên trước vài bước, chỉ tay lên đỉnh núi, nói: “Tôi có một điều kiện. Chúng ta sẽ chạy từ đây lên đỉnh núi, nếu cậu đuổi kịp tôi, tôi sẽ bày cách cho cậu”
Tôi nhìn lão ăn mày, thấy người ông ấy gầy như que củi, lưng thì còng, còn phải chống gậy nữa. Tôi rất tự tin khi cho rằng với thân thủ hiện tại của mình muốn bắt kịp ông ấy chỉ là chuyện dễ như trở bàn tay.
Lão ăn mày vừa nói hết câu là quay người chạy rồi. Ông ấy cắp nạng dưới nách, chạy lạch bà lạch bạch như con vịt. Tôi nhìn dáng chạy xấu xí đó thì cười nham hiểm. Ngai Cẩu ngày nay đâu còn là Ngai Cẩu ngày xưa nữa. Bây giờ thân thủ của Ngai Cẩu đã mạnh mẽ và nhẹ nhàng như chim én rồi.
Tôi để ông ấy chạy được hai, ba chục mét mới đuổi theo sau. Tôi chẳng coi ông ấy vào đâu nên cứ nhẩn nha chạy. Thế nhưng, sau khi đã chạy cả trăm mét, tôi vẫn không tài nào bắt kịp ông ấy. Chân tôi ngầm phát lực, gia tăng cước bộ nhưng thật kỳ lạ, tôi nhanh thêm bao nhiêu, ông ấy cũng nhanh thêm bấy nhiêu. Sau đó, tôi chạy hết sức mình nhưng ông ấy vẫn ở đàng trước.
Chúng tôi bắt đầu lên núi rồi. Tôi nhìn lão ăn mày trước mặt, hai chân guồng thật nhanh, miệng thở hồng hộc, hận không thể tóm được cái vạt áo đen của ông ấy. Hai tay lão ăn mày đánh qua lại như đang bơi trong nước, trông nhàn nhã hơn tôi rất nhiều. Khoảng cách giữa chúng tôi mỗi lúc một dài thêm.
Có một ngôi đình ở lưng chừng núi. Khi tôi chạy đến trước đình, thấy lão ăn mày đang ngồi ở đó, khoan khoái hút thuốc. Tôi lao bổ tới định túm lấy ông ấy thì ông ấy đã vọt lên đỉnh núi như một con chim lớn sải cánh bay lên không trung.
Một thanh niên tự nhận mình có thân thể nhẹ nhàng như chim én lại không đuổi kịp một ông già què chân, tôi thấy ê cả mặt, nên kiểu gì cũng phải bắt được ông ấy. Tôi lau mồ hôi và tăng tốc đuổi theo.
Khi chạy tới đỉnh núi, tôi thấy lão ăn mày đang ngồi trên một tảng đá, vừa đập hai chân vào nhau vừa nói: “Cái chân thấp khớp đã lâu chưa dùng đến, vậy mà cũng bỏ xa thanh niên cả mấy chục dặm. Bọn trẻ bây giờ, hầy, thật là vô dụng mà”
Tôi đã tin rồi. Ông ấy tuyệt đối là cao thủ. Mặc cho mồ hôi vẫn đang chảy ròng ròng, tôi vội quỳ xuống cúi đầu nói: “Tiền bối cao nhân, xin nhận vãn bối một lạy”
Ông ấy không nói gì.
Tôi cảm thấy lạ mới ngẩng đầu nhìn thì ông ấy đã đi xuống núi được mấy chục mét rồi. Trong gió còn truyền đến tiếng cười chế nhạo: “Bằng chút đạo hạnh cỏn con này mà đòi xông pha giang hồ. Đến lúc chết cũng không biết mình chết thế nào đâu”
Tôi gọi thật to: “Tiền bối xin dừng bước”
Ông ấy vẫn không quay đầu, miệng nói: “Ai là tiến bối của cậu? Ai muốn làm tiền bối của cậu chứ?”
Gió núi rít gào, đất trời rộng lớn, một mình tôi đứng trên đỉnh núi mà lòng đầy cô tịch và chán chường. Tôi hận mình sao quá vô dụng, cũng thấy xấu hổ vì thói tự cao tự đại của mình trước đây.
Tôi nhìn lão ăn mày đang bước nhanh xuống núi, muốn đuổi theo ông ấy nhưng không đủ dũng khí.
Mắt tôi dõi theo bóng lưng vải thô dần khuất sau cánh rừng nơi lưng núi, cảm thấy như vừa đánh mất thứ gì đó, trong lòng buồn bã vô hạn.
Tôi rất muốn gặp ông ấy nhưng không biết ông ấy ở đâu.
Ông ấy lại biến mất khỏi cuộc đời tôi một lần nữa.
Tôi trở lại tiểu viện và tiếp tục luyện tập cùng Băng Lưu Tử.
Như tôi đã nói, không phải ai cũng có thể trở thành đạo tặc. Muốn trở thành đạo tặc, đó phải là những tinh anh đã trải quá trình huấn luyện khắc nghiệt.
Trong thời gian này, chúng tôi bắt đầu rèn luyện lòng can đảm.
Trộm cắp không chỉ đòi hỏi tay chân nhanh nhẹn, đầu óc linh hoạt, khả năng phán đoán chuẩn xác mà còn phải có lá gan mà người bình thường không có. Cuộc sống của kẻ trộm lúc nào cũng bị nguy hiểm rình rập, trộm cắp chính là một trận chiến của trí tuệ và lòng gan dạ. Dù cho có bị bắt, mặt cũng không đổi sắc, lâm vào tuyệt cảnh vẫn ung dung như thường. Chỉ có như thế kẻ trộm mới có thể hóa nguy thành an.
Chúng tôi muốn trở thành đạo tặc, liệu có dễ dàng vậy không?
Nơi tốt nhất để rèn luyện lòng can đảm chính là bãi tha ma ban đêm.
Tôi không tin vào mấy chuyện quỷ thần. Tôi từng ở phái Giang Tướng, biết rõ ma quỷ, thần thánh là thế nào. Chỉ toàn là sợ bóng sợ gió, tự mình nhát mình. Vì thế tôi cuộn mành cỏ và chăn lại, vác ra ngoài nghĩa địa nằm ngủ. Tôi nhìn mặt trăng trên cao mà nói: Giá có con quỷ nào đến đây thì hay quá, tốt nhất là một nữ quỷ xinh đẹp, mình sẽ đè nó xuống mà chơi, thích chơi bao lâu thì chơi. Tiếc là trước nay chưa từng thấy một con quỷ nào, nói gì đến nữ quỷ xinh đẹp.
Băng Lưu Tử thì khác. Mặc dù nằm bên cạnh tôi nhưng anh ấy vẫn không ngừng run rẩy, chắc là anh ấy sợ ma. Tôi nói: “Người sống chúng mình còn chẳng sợ, sợ gì mấy người chết?” Băng Lưu Tử nói với giọng run run: “Trên đời không có ma thật à?” Tôi nói: “Lấy đâu ra chứ? Đều là bịa đặt thôi”
Mặc dù tôi luôn mồm nói không có ma nhưng đêm đó tôi đã thực sự gặp phải ma.
Khuya về, ánh trăng mông lung. Tôi và Băng Lưu Tử nằm ngủ giữa những nấm mồ nhấp nhô. Cách chúng tôi hơn chục mét là một ngôi mộ mới đắp. Những vòng hoa trên mộ cứ rung rinh trong ngọn gió đêm, phát ra tiếng xào xạc.
Trong lúc mơ màng tôi bị đánh thức bởi một âm thanh khác thường, nghe như tiếng đào bới, cứ lục cục bên tai. Người giang hồ có một cách để phán đoán khoảng cách của kẻ thù gọi là “phục địa thính thanh”. Áp tai xuống sát mặt đất là có thể nghe thấy tiếng chân ngựa cách đó vài dặm. Tôi lặng lẽ bò dậy, dưới ánh trăng mờ ảo, tôi thấy có mấy tên trộm mộ đang đào bới ngôi mộ kia. Theo phong tục, nhưng ngôi mộ mới chôn đều có đồ tùy táng.
Trong tay bọn trộm mộ là thuổng Lạc Dương. Mỗi lần chúng nó dộng cây thuổng xuống đất, bên tai tôi lại vang lên tiếng thùm thụp. Thuổng Lạc Dương là một công cụ được tạo ra chuyên cho việc trộm mộ.
Băng Lưu Tử cũng đã tỉnh dậy. Tôi thấy anh ấy đang mở to đôi mắt kinh hãi, cả người run lẩy bẩy.
Tôi nhẹ nhàng bò đến sát bên người Băng Lưu Tử, ghé vào tai anh ấy thì thào: “Đừng có gây tiếng động, không là mất mạng đấy”
Băng Lưu Tử gật đầu lia lịa.
Đây là nơi hoang vắng. Đối phương có tới năm, sáu người, lại sẵn công cụ trong tay. Chúng tôi chỉ có hai người, tay không tấc sắt. Nếu chẳng may bị phát hiện, nhất định chúng nó sẽ giết người bịt miệng. Bọn trộm mộ tuyệt đối không để ai biết được hành tung của chúng nó.
Trộm mộ cũng là một phái trong giang hồ nhưng hoàn toàn khác với chúng tôi. Theo ám ngữ giang hồ, người miền nam gọi trộm mộ là lật bánh tông, còn người miền bắc gọi là bào khoai lang. Những kẻ làm nghề này đều là những kẻ gan to mật lớn, tâm địa đen tối.
Tôi nhớ lại cái đêm tôi hù dọa bà mối khi còn ở phái Giang Tướng.
Tôi khẽ nhấc mình, bò tới phía sau một ngôi mộ nằm gần phía bọn trộm mộ, sau đó nhổm người dậy, nhảy loi choi giữa bãi tha ma và la hét: “Quái lạ thật. Lúc ra ngoài vẫn còn ở đây, sao lúc về không thấy cửa nhà đâu nữa”
Bọn trộm mộ nghe đằng sau có tiếng nói, đồng loạt ngừng tay, quay đầu nhìn tôi đầy kinh ngạc.
Tôi nhoài người về trước, tay phải đưa ra sau, làm như đang bị giữ lại. Tôi hét lên: “Đừng kéo tao, đừng kéo tao. Tao vừa hút no máu người. Chúng mày muốn hút máu thì tự tìm đi. Đừng hút máu tao” Tiếp đó tôi rít lên: “Đừng hút máu tao, đừng hút máu tao. Bên kia có mấy người kìa. Qua hút máu bọn nó đi”
Bọn trộm mộ nghe tôi nói thế thì hồn vía lên mây, liền quẳng đục và thuổng Lạc Dương xuống đất rồi bỏ chạy tháo thân.
Chúng tôi cũng nhanh chóng rời khỏi bãi tha ma.
Cuối cùng tôi cũng có điểm vượt trội Băng Lưu Tử, trong lòng tràn ngập niềm hân hoan đắc ý. Tôi nghĩ lần sau gặp lại lão ăn mày, nhất định có cái để khoe rồi.
Ít lâu sau, trong lúc ra chợ mua rau, tôi lại trông thấy lão ăn mày. Ông ấy vẫn ăn mặc như cũ, còn cười hì hì nữa.
Lão ăn mày hỏi: “Dạo này hai đứa làm gì?”
Tôi bèn kể lại thật chi tiết và sống động chuyện mình hù dọa bọn trộm mộ ở bãi tha ma đêm hôm đó.
Lão ăn mày nói: “Cậu không tin có ma sao?”
Tôi nói: “Tất nhiên là không rồi. Trên đời này làm gì có ma?”
Lão ăn mày mua một giỏ màn thầu ở tiệm bánh bao. Ông nói với tôi: “Canh ba đêm nay. Cậu mang giỏ bánh này đến tiệm ký gửi quan tài và để lên trên mỗi cỗ quan tài một cái bánh”
Tôi nói: “Được thôi”
Tiệm ký gửi quan tài là một loại hình dịch vụ đặc biệt thời trước. Người Trung Quốc rất xem trọng lá rụng về cội, nhập thổ vi an. Những người đi làm ăn xa mà bị đột tử, gia đình sẽ cho xác vào trong quan tài và gửi tạm ở tiệm quan tài. Đợi đến dịp thích hợp sẽ vận chuyển về quê.
Canh ba đêm đó, tôi xách giỏ bánh đến tiệm ký gửi quan tài ở thành nội và để lên trên mỗi cỗ quan tài một cái bánh màn thầu. Mới hơn nửa giờ, đột nhiên người chết trong quan tài mở miệng xin: “Cho tôi thêm cái nữa”
Tôi vô thức để một cái bánh lên trên quan tài, xong xuôi mới thấy không đúng lắm. Trong quan tài là người chết, người chết đâu biết nói năng. Tôi cố tỏ ra gan dạ, mới hỏi: “Ông là ai?”
Người đó trả lời: “Tôi là ma chết đói”
Tôi nghe mà dựng tóc gáy, chẳng trách hắn ta đòi tận hai cái bánh. Thì ra là một con ma chết đói. Tôi quẳng cái giỏ vẫn còn mấy cái bánh xuống đất, định bỏ chạy nhưng hai chân không nghe lời mình nữa, cứ ríu lại như bó tỏi.
Nắp quan tài bỗng bật mở, một người chui từ bên trong ra, vỗ vai tôi nói: “Sao cậu nói trên đời này không có ma?”
Tôi quay đầu nhìn lại, té ra là lão ăn mày.