Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2285 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 114
Thái sinh chiết cát

Bọn họ hỏi: “Sư tổ ở đâu?”
Tôi nói: “Tôi cũng không biết, chỉ nghe nói đang ở thảo nguyên, là đầu lĩnh của một đám ăn mày”
Hắc khất cái nói: “À, vậy là bang chủ rồi, là gậy vàng hay gậy xanh thế?”
Tôi đưa mắt nhìn Yến Tử, Yến Tử cũng nhìn tôi. Chúng tôi không hiểu ý của Hắc khất cái. Tôi hỏi: “Thế nào là gậy vàng, thế nào là gậy xanh?”
Bạch khất cái không trả lời mà hỏi ngược lại: “Sư tổ không cho cậu biết tổ sư gia của Cái Bang là ai à?”
Tôi nói: “Không thấy nhắc đến”
Bạch khất cái nói: “Chẳng trách cậu không hiểu ám ngữ của Cái Bang. Sư tổ của Cái Bang là Chu Nguyên Chương. Hồi trẻ ông ta từng làm hòa thượng, cũng từng làm ăn mày. Có một năm nọ, khi Chu Nguyên Chương sắp chết đói. Hai lão ăn mày đã cho ông ta thức ăn, cứu sống ông ta. Sau này Chu Nguyên Chương tiến quân vào thành Nam Kinh, lên ngôi hoàng đế, ông đã cho tìm kiếm hai lão ăn mày này ở khắp nơi, không ngờ lại tìm được. Chu Nguyên Chương muốn phong quan cho hai lão ăn mày nhưng họ đã quen với cuộc sống tự do tự tại, không muốn làm quan. Chu Nguyên Chương lại trọng thưởng cho hai lão ăn mày nhưng hai lão ăn mày nói đời người chỉ cần đủ ăn đủ mặc là được rồi, không cần nhiều tiền tài làm gì. Chu Nguyên Chương không giữ được hai lão ăn mày ở thành Nam Kinh, chỉ đành ban cho mỗi người một cây quải trượng. Một cây buộc tấm vải xanh, một cây buộc tấm vải vàng và phong họ làm bang chủ Cái Bang. Sau này, Cái Bang trên giang hồ gọi bang chủ của mình là gậy vàng và gậy xanh”
Yến Tử hỏi: “Gậy vàng và gậy xanh khác nhau chỗ nào?”
Bạch khất cái nói: “Gậy vàng ngụ ý bang chủ không phải người Hán, gậy xanh ngụ ý bang chủ là người Hán”
Tôi nói: “Sư tổ là người Đại Đồng, chắc là gậy xanh rồi”
Bạch khất cái tiếp lời tôi: “Từ lâu đã nghe nói thảo nguyên có một gậy xanh. Người này rất có bản lãnh, không ngờ lại là sư tổ của hai vị”
Tôi vội vàng hỏi: “Hai người biết sư tổ à?”
Bạch khất cái nói: “Chúng tôi nào có phúc phận đó, chỉ được nghe đại danh của lão nhân gia thôi”
Chúng tôi nghe ông ấy nói vậy, trong lòng ngập tràn nỗi cô đơn khôn tả. Thảo nguyên bao la vô tận, mênh mông ngàn dặm, biết tìm sư tổ ở đâu.
Chúng tôi đi một mạch về hướng bắc, thấy sắc trời tối dần, phóng mắt nhìn quanh chỉ thấy đồng cỏ rộng bát ngát, không một bóng người. Tôi vô cùng lo lắng, không biết đêm nay sẽ trú chân ở đâu?
Hai người ăn mày chẳng hề lo lắng. Bọn họ đi vào trong bụi cỏ, rút dao quắm từ thắt lưng ra, cắt cỏ gom lại thành một đống, sau đó đào một vòng tròn quanh đống cỏ. Họ nói: “Tối nay chúng ta sẽ ngủ ở đây”
Bốn người chúng tôi chia nhau ra đi kiếm củi, chẳng mấy chốc đã chất thành một đống cao trên cỏ. Bạch khất cái lấy diêm châm lửa, đống cỏ liền cháy phừng phừng.
Chúng tôi ngủ bên đống lửa ấm áp, ngắm nhìn những vì tinh tú trên cao. Hai người ăn mày nói: “Đây mới là cuộc sống mà chúng tôi mong muốn nhất. Có bỏ bao nhiêu tiền cũng không mua được cuộc sống này”
Tôi hỏi: “Vì sao hai người gọi mình là nhã cái thế?”
Bạch khất cái nói: “Cái Bang chia làm rất nhiều loại. Thông thường chia làm văn cái, võ cái và nhã cái”
Tôi tò mò hỏi: “Chia như thế nào?”
Bạch khất cái nói: “Văn cái là ăn mày làm nghề đàn ca hát xướng, tỷ như những người biểu diễn trên đường phố. Các nghệ nhân thuyết thư đi khắp các hang cùng ngõ hẻm kể chuyện cũng là văn cái. Võ cái là những người biểu diễn võ nghệ, chơi đùa với rắn trên đường phố. Nhã cái là những kẻ thích cuộc sống lang thang, phiêu bạt như chúng tôi đây”
Tôi nhớ lại những ngày sống ở gánh xiếc, bèn hỏi: “Những người diễn xiếc có được xếp vào nghề ăn mày không?”
Bạch khất cái nói: “Những người diễn xiếc không được tính. Cái bang chia làm bốn loại dựa theo cách ăn xin nhưng không có nghề diễn xiếc trong đó”
Tôi càng thêm hứng khởi, nói: “Không ngờ nghề ăn mày có nhiều học vấn như thế”.
Bạch khất cái nói: “Mọi ngành nghề trên giang hồ đều có học vấn sâu rộng, cậu có học cả đời cũng không hết. Nếu dựa vào cách ăn xin, Cái Bang được chia làm bốn loại. Loại thứ nhất là những kẻ lăn lộn giang hồ, hành tung bất định, được gọi là hưởng cái. Những kẻ chuyên nghề ăn vạ, bày cờ thế, gõ chiêng trống, vào rừng trúc xin cơm hay hát hý khúc đều thuộc về loại này. Loại thứ hai thường ở một nơi cố định, bịa đủ lý do để xin xỏ, giang hồ gọi là kháo tử gia. Những kẻ nói mình gặp nạn lũ lụt, không có tiền đi học, hoặc bị trộm mất túi tiền, đều thuộc về loại này. Loại thứ ba là đám ăn xin ngoài đường ngoài chợ, giang hồ gọi là khất lãnh phạn đà. Trong ba loại đầu thì loại thứ nhất là bán nghệ, loại thứ hai là lừa đảo, loại thứ ba mới là ăn mày thực sự. Còn loại thứ tư là loại chuyên giết người cướp của” 
Tôi thấy khó hiểu, đã là ăn mày còn đi giết người cướp của, thế chẳng phải cường đạo hay sao. Tôi đang định hỏi, chợt thấy phía xa có mấy con ngựa đang phi nhanh tới. Trời tối mịt mùng, sao nửa đêm vẫn còn có người gấp gáp lên đường?
Bạch khất cái nói: “Thiên hạ đại loạn, ban đêm cũng có những người hối hả đi lại nhưng dù họ là ai cũng không làm khó được ăn mày bởi ăn mày đã ở tầng đáy của xã hội”
Bạch khất cái nói tiếp: “Chính vì vậy mà nhiều kẻ phạm pháp đã xem nghề ăn mày là nơi náu thân. Bọn chúng phạm tội bên ngoài, lo sợ bị bắt nên đóng giả làm ăn mày. Đây là loại ăn mày thứ tư. Loại người này dù đã bước vào nghề ăn mày nhưng ác tính không đổi, vẫn tiếp tục lừa gạt tiền tài, giết người cướp của, coi mạng người như cỏ rác. Kỳ thực, bọn chúng là cặn bã của nghề ăn mày. Sau này, nếu gặp phải bọn chúng, cậu phải hết sức đề phòng”
Hắc khất cái vẫn nghe chúng tôi trò chuyện. Khi Bạch khất cái nói đến loại ăn mày thứ tư thì ông ấy chen vào: “Trong loại ăn mày thứ tư này, đáng hận nhất vẫn là những tên thái sinh chiết cát”
Yến Tử ngồi dậy hỏi: “Thái sinh chiết cát là gì?”
Hắc khất cái đáp : “Không nhắc đến thì hơn. Không nhắc đến thì hơn”
Tôi định hỏi tiếp thì phía xa vang lên tiếng vó ngựa. Tiếng vó ngựa dày đặc như trận mưa rào. Lần này có đến hơn chục người ngựa. Ánh mắt của chúng tôi đều đổ dồn về phía đó. Tối nay thế nào ấy nhỉ? Mới rồi có một đoàn người ngựa chạy qua, sao giờ lại có thêm một đoàn nữa?”
Mười mấy người cưỡi ngựa này đang lao về phía chúng tôi. Dưới ánh trăng, có thể thấy tay họ cầm trường đao sáng loáng. Hắc khất cái nói: “Không hay rồi”. Ông cởi bộ quần áo rách nát ném cho Yến Tử, bảo cô ấy choàng lên người. Bạch khất cái vơ lấy hai nắm đất, thoa lên mặt Yến Tử, dặn dò: “Ngồi yên dưới đất, không được động đậy, không được lên tiếng”
Những người cưỡi ngựa đã chạy tới, mười mấy con ngựa khụt khịt mũi, vây kín chung quanh chúng tôi và đống lửa. Bọn chúng mặc quân phục màu vàng, ánh sáng lúc mờ lúc tỏ của ngọn lửa chiếu lên những khuôn mặt hung ác. Một tên nói xì xa xí xố một tràng, tôi nghe chẳng hiểu gì. Một tên quát lớn: “Thái quân hỏi chúng mày làm nghề gì?” Tên này nói đặc giọng địa phương.
Hắc khất cái, cúi đầu khom người, nói: “Chúng tôi là ăn mày”
Tên nói giọng xí xố lại tuôn ra một tràng dài, tên nói giọng địa phương hỏi: “Thái quân hỏi, có thấy người nào cưỡi ngựa chạy qua đây không?”
Hắc khất cái nói: “Không thấy ai cả, chúng tôi vẫn sưởi ấm ở đây?”
Ba người chúng tôi đều đứng lên hết, Yến Tử vẫn đang ngồi, đầu và nửa thân trên quấn trong bộ quần áo rách nát của Hắc khất cái. Một tên có giọng xí xố khác chỉ vào Yến Tử và nói gì đó. Tên có giọng địa phương hỏi: “Nó làm sao thế?”
Hắc khất cái cúi rạp đầu, nói: “Nó là con trai tôi, bị sốt rét nhiều ngày rồi, không ngồi dậy nổi, không sống được mấy ngày nữa”
Mấy tên nói giọng xí xố bàn bạc với nhau một lúc, rồi phi ngựa chay dọc theo con đường. Chúng tôi tiếp tục ngồi bên đống lửa.
Tôi hỏi: “Đám người nói giọng xí xố đó có phải là người Nhật không?”
Hắc khất cái nói: “Chứ còn gì nữa? Bọn chúng tàn ác lắm. Đã cướp bóc, đốt phá ở Thừa Đức. Cả gia đình chúng tôi phải chạy trốn đến Bắc Bình. Thế đạo sắp đại loạn rồi”
Tôi hỏi: “Người Nhật tàn ác như vậy. Liệu Bắc Bình có an toàn không?”
Hắc khất cái nói: “Bắc Bình có quân đoàn 29 trấn giữ, tạm thời vẫn yên ổn. Gia đình chúng tôi sống ở thảo nguyên bao đời nay, không thể xa rời thảo nguyên. Thảo nguyên là nơi tổ tiên để lại cho chúng tôi, không phải của người Nhật. 
Tôi lại hỏi: “Trong đám người vừa rồi, vì sao có người biết nói tiếng địa phương?”
Bạch khất cái tiếp lời: “Đó là Hán gian, có lẽ là người Mông Cổ. Loại cặn bã này còn xấu xa hơn người Nhật, chuyên cấu kết với người Nhật làm chuyện đồi bại. Bọn chúng chính là con bái trong bầy sói. Đám bại hoại này đang đuổi theo mấy người vừa nãy. Mấy người đó chắc chắn là người tốt”
Tôi đắm chìm trong nỗi suy tư. Tối nay, lần đầu tiên tôi nhìn thấy người Nhật được vũ trang đầy đủ, lần đầu tiên nhìn thấy Hán gian cáo mượn oai hùm. Thảo nguyên thực sự thay đổi rồi, sau này biết làm thế nào? Tiếp tục đi tìm sư tổ hay là quay trở về Tấn Bắc?
Hắc khất cái nói: “Hay là hai người đi về phía tây. Nơi đó là an toàn nhất. Cậu dẫn theo cô vợ như hoa như ngọc thế này, đi lại dưới con mắt của người Nhật, sao không gặp phải quỷ cho được?” 
Tôi khó hiểu nhìn Hắc khất cái. Hắc khất cái nói tiếp: “Từ đây đi về phía đông là vùng đông bắc. Người Nhật đã chiếm vùng này hai năm nay rồi. Từ đây đi về phía nam là Thừa Đức, người Nhật cũng chiếm mất rồi, phía bắc lại là vùng hoang vu không người ở, không bị chết đói cũng bị sói ăn thịt. Chỉ còn con đường đi về phía tây, có lẽ người Nhật vẫn chưa đánh tới đó”
Tôi hỏi: “Phía tây là nơi nào?”
Hắc khất cái nói: “Là bốn tỉnh Tái Bắc. Từ đông qua tây lần lượt là các tỉnh Nhiệt Hà, Sát Cáp Nhĩ, Tuy Viễn, Ninh Hạ. Hiện giờ chúng ta đang ở Nhiệt Hà. Tỉnh này không ở được nữa rồi, chúng ta đi về phía tây thôi”
Chúng tôi ngồi quanh đống lửa, im lặng một lúc lâu.
Đêm đó, tôi trằn trọc mãi không ngủ được, cứ nghĩ về những chuyện phát sinh trong mấy ngày qua. Ban đầu còn tưởng người Nhật không liên quan gì đến người giang hồ chúng tôi, đánh nhau là chuyện của quân đội, chẳng ngờ sau khi người Nhật xuất hiện, giang hồ cũng hỗn loạn theo.
Hai người ăn mày đã chìm vào giấc ngủ, Yến Tử cũng ngủ rồi. Tôi ôm lấy Yến Tử, để đầu cô ấy gác lên đùi mình, như vậy Yến Tử sẽ ngủ thoải mái hơn. Xa xa truyền đến tiếng sói hú nhưng đêm đó tôi không thấy sợ. So với người Nhật, sói ở thảo nguyên còn thân thiết hơn. Chúng nó cũng là sinh vật của thảo nguyên giống như con người. Cả hai đều sống dựa vào nhau, cùng tồn tại ở đây mấy chục vạn năm, thậm chí mấy trăm vạn năm rồi. Còn người Nhật mới là kẻ thù chung của thảo nguyên.

(Tổng: 2285 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận