Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2649 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 90
Gia đinh canh phòng chặt
Sau đó, bọn chúng bắt đầu dùng ám ngữ giang hồ để nói qua đề tài khác. Lúc thì nói về đàn bà, lúc lại nói về những lần trộm cắp trước đây.
Tiếp theo, tôi sẽ viết đến những đoạn đối thoại của đạo tặc. Để bạn đọc tiện theo dõi, trước hết tôi xin giới thiệu sơ qua những ám ngữ thường dùng của đạo tặc. Không phải ám ngữ của đạo tặc ở đâu cũng giống nhau. Ở đây chỉ giới thiệu ám ngữ của đám đạo tặc miền Bắc.
-----
Túi áo trên gọi là thiên song, túi áo dưới gọi là bình đài, túi quần gọi là địa đạo.
Thủ lĩnh được gọi là biều bả tử, thu nhận đệ tử gọi là truyền tử tôn, ước định thời gian và địa điểm gặp mặt với đồng bọn gọi là họa mão.
*Họa mão: Thời xưa có quy định, quan lại bắt đầu làm việc vào giờ mão (5-7 giờ sáng), sai nha phải có mặt đúng giờ để báo danh, nhận việc.
Chuẩn bị trộm là cáp phong, đang tiến hành việc trộm cắp gọi là khốn phong, trộm cắp thành công gọi là khốn trước, trộm cắp bị phát giác gọi là thấu phong.
Người giàu có gọi là hoành tử, người nghèo gọi là thủy mã tử. Người nơi khác gọi là cường sinh đầu, người bản địa gọi là nguyên sinh đầu. Người mặc quần áo lành lặn gọi là nhu bì tử, người mặc quần áo rách nát gọi là thao bì tử.
Nhân lúc đồng bọn giả vờ đụng chạm để trộm cắp thì gọi là cáo nhất trạng, để đồng bọn yểm trợ cho mình tẩu thoát gọi là đả đoản bích, chuyển đồ trộm được cho đồng bọn gọi là nhị tiên truyền đạo, để đồng bọn che chắn cho mình trộm cắp gọi là đáp giá tử. Thu tiền bảo kê ở các cửa tiệm kinh doanh gọi là thu thủy. Thu được nhiều tiền gọi là hỏa huyệt địa chuyển, không thu được tiền gọi là niệm ngọ đầu tử. Đánh lộn gọi là tiên thác, bị thương phải dùng đến thuốc gọi là bì điểm tử.
Kẻ trộm có tiếng tăm tốt gọi là hưởng liễu vạn, kẻ trộm có tiếng tăm xấu gọi là vạn niệm, kẻ không cho biết họ tên thật gọi là lý tinh vạn, trộm đã thay tên đổi họ được gọi là ninh liễu vạn.
Đạo tặc có thủ đoạn cao cường gọi là cao mãi. Đạo tặc có thủ đoạn kém cỏi gọi là đê mãi. Muốn thoát ly sư phụ tự mình lăn lôn giang hồ gọi là cản đản.
Nếu bạn đi lại trên đường mà nghe thấy phía sau có người trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ khó hiểu, bạn nhớ phải hết sức cảnh giác.
………………………………………………………………………………………
Sau khi trời sáng, hai tên trộm rời đi. Tôi thấy bọn chúng một tên cao, một tên thấp. Mặt tên cao có một mảng chàm, không phải là vết bớt mà do người khác nhuộm lên.
Bọn trộm cắp sợ nhất là bị người khác ghi nhớ đặc điểm tướng mạo của mình, thế nhưng tên trộm cao to này lại có mảng chàm trên mặt. Đoán chừng trong lần ăn trộm nào đó đã bị người ta bắt được, thích vào mặt cho ra thật nhiều máu, sau đó đổ thuốc nhuộm vải lên, từ đó mà biến thành dạng này.
Những tên trộm này giống như những con sói què, đều cực kỳ độc ác.
Chúng tôi đi về phương Bắc. Trên bầu trời có những bông tuyết bay lơ lửng. Ban đầu chỉ là lác đác một vài bông, sau đó thì dày đặc. Cả bầu trời và mặt đất đều một màu trắng xóa. Bốn bề vắng lặng, chỉ còn tiếng tuyết rơi lộp độp lên xe.
Nơi đây trước chẳng có thôn làng, sau chẳng có hàng quán. Dọc đường đi không có lấy một bóng người. Dường như giữa trời đất chỉ còn lại cỗ xe ngựa của chúng tôi lẻ loi độc hành trong tuyết trắng.
Ông chủ nói: “Chạy mau lên”
Người đánh xe vung mạnh cây roi, vút một tiếng, vó ngựa càng khua nhanh hơn.
Ngồi trên xe ngựa, tôi hỏi Hiểu Kỳ: “Rắn mô rồi?”
Hiểu Kỳ nói: “Trong người tui”
Hiểu Kỳ vén áo bông ra. Tôi thấy con rắn nhỏ giống như đang ngủ, nó cuộn tròn người lại, dán chặt mình vào lần áo trong của Hiểu Kỳ, mượn cơ thể của cậu ấy để sưởi ấm.
Tôi hỏi Hiểu Kỳ: “Sách nói rắn đi ngủ vào mùa đông. Răng mà con rắn của bạn không ngủ đông?”
Hiểu Kỳ nói: “Sách nói tầm bậy. Con rắn của tui chưa bao giờ ngủ đông. Tui tin nhiều con cũng vậy, không có ngủ đông”
Tôi nhớ lại câu chuyện nổi tiếng “Người nông phu và con rắn” đã học ở trường tư thục hồi nhỏ. Hóa ra sách cũng có khi viết tào lao.
Mặt trời đã ẩn mình sau những đám mây, chắc là đã đến trưa rồi, mọi người ai cũng đói. Ông chủ bảo: “Ráng thêm tí nữa, qua ngọn núi trước mặt kia là có thôn làng. Chúng ta sẽ ngồi trên khang ấm, ăn bát mì cắt, thế mới sướng đời”
Mọi người đều bật cười, nhảy xuống dưới xe, theo sau xe ngựa, leo lên dốc núi.
Sau khi lên đến đỉnh dốc, lại có một đoạn đường xuống dốc nữa. Người đánh xe cố ghìm bánh xe lại, cỗ xe liền phát ra tiếng kêu kèn kẹt chói tai. Chúng tôi ở phía sau giữ chặt sợi dây buộc vào đuôi xe để cỗ xe từ từ trượt xuống dốc.
Khi xuống bên dưới dốc, chúng tôi thấy có một cỗ xe ngựa lật nghiêng ở rãnh nước bên đường, trang phục biểu diễn xanh xanh đỏ đỏ, rơi vương vãi khắp mặt đất giống như vừa trải qua một trận huyết chiến. Có mấy người đàn ông và phụ nữ đang đứng cạnh xe ngựa. Họ rụt tay vào áo, nhảy tới nhảy lui trên mặt đất như cái lò xo. Hai người phụ nữ thật là xinh đẹp, khuôn mặt hình trái xoan, vòng eo như rắn nước, cái quần vải bông họ mặc cũng không che lấp vẻ quyến rũ đến từ tận xương.
Trông thấy xe ngựa của chúng tôi, họ liền xúm cả lại.
Ông chủ hỏi: “Chuyện chi rứa?”
Họ nói: “Xe bị lật rồi. Giúp chúng tôi nâng lên với”
Ông chủ hỏi: “Mấy người mần nghề chi?”
Họ nói: “Chúng tôi là đoàn hát sênh tự do, đi biểu diễn khắp nơi”
Hát sênh là một kiểu hát kịch địa phương của Sơn Tây. Thời nhà Thanh gọi là hát sênh, sau này gọi là Tấn kịch. Người hát sênh cũng là người giang hồ, thuộc về bát đại môn của giang hồ.
Ông chủ bảo người đánh xe tháo ngựa của chúng tôi ra khỏi càng xe rồi đóng chung với ngựa của họ. Sau đó, buộc dây thừng của chúng tôi vào xe của họ. Chúng tôi cầm một đầu dây, bọn họ cầm một đầu dây, sau một tiếng hô, cả người và ngựa đồng thời vận sức kéo cỗ xe từ từ trở lại mặt đường.
Họ cảm ơn chúng tôi, rồi hối hả thu dọn đạo cụ và trang phục biểu diễn rơi dưới rãnh nước. Ông chủ hỏi: “Mọi người đi đâu rứa?”
Một người trông có vẻ như cầm đầu đoàn hát này lên tiếng: “Đến Thường gia đại viện”
Tôi thầm kinh ngạc, quan sát bọn họ lần nữa. Thấy hai người phụ nữ không giống những người phụ nữ bình thường mà mang vẻ quyến rũ mê người. Còn mấy người đàn ông thì lấm la lấm lét, lảng tránh ánh mắt của chúng tôi.
Ông chủ hỏi: “Đi hát cho nhà họ Thường phải không?”
Người cầm đầu nói: “Phải”
Ông chủ vô tư nói: “Bọn tui cũng thế, đi cùng chứ?”
Người cầm đầu nói: “Được”
Hai cỗ xe cùng lăn bánh. Xe chúng tôi chạy đằng trước, xe bọn họ chạy đằng sau. Tôi ngồi ở sau cùng, hai tai vẫn nắm bắt từng động tĩnh của đoàn hát sênh. Tôi vẫn có cảm giác lai lịch của họ hơi khác thường.
Từ đây đến Thường gia đại viện còn tới hai ngày đường nữa. Gánh xiếc được Hổ Trảo cố tình cho người đến báo tin, còn như đoàn hát sênh, làm sao họ biết được Thường lão thái gia sắp tổ chức lễ mừng thọ?”
Tôi nghe thấy bên đoàn hát sênh có người khẽ hỏi bằng ám ngữ: “Phía trước là lão hải à?”
Một người khác nói: “Là thái lập tử”
Người trước đó hỏi: “Có mang thiêm tử không?”
Người sau đó đáp: “Không giống”
Người trước đó hỏi: “Bọn họ đến biển đảm vạn làm gì?
Người sau đó đáp: "Đà ngỗ thôi”
Tôi nhìn về phía trước, không thấy người trong gánh xiếc có phản ứng. Quả nhiên bọn họ không hiểu người đoàn hát sênh nói gì. Hai người kia đang nói về chúng tôi. Người thứ nhất hỏi có phải chúng tôi là người trong giang hồ không, người thứ hai nói không giống lắm. Người thứ nhất hỏi chúng tôi đến Thường gia đại viện làm gì. Người thứ hai nói chắc là chỉ muốn kiếm ít tiền của Thường lão thái gia thôi.
Đám người trên xe ngựa phía sau này có thể cũng là một băng nhóm trộm cắp.
Thường gia đại viện là gì thế, tại sao lại kinh động đến nhiều băng nhóm trộm cắp như vậy?
Để thám thính hư thực của đám người này, tôi cố tình hỏi: “Anh em quê mô đó?”
Người đánh xe bên đó nói: “Thiên Quan”
Thiên Quan nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Sơn Tây, cách đây cả trăm dặm. Hiển nhiên là bọn họ cố tình đi đến Thường gia đại viện”
Tôi hỏi: “Đã đến Thường gia đại viện bao giờ chưa?’
Người đánh xe nói: “Từng đến rồi. Thường lão thái gia vẫn cho người đến mời chúng tôi”
Rõ ràng tay đánh xe này đang nói dối. Thiên Quan cách Đại Đồng rất xa, đường núi gập ghềnh khó đi. Hát sênh rất phổ biến ở Sơn Tây. Huyện nào cũng có vài đoàn hát, thậm chí một số làng cũng có đoàn hát. Từ Thiên Quan đến Đại Đồng, dọc đường không có mấy trăm cũng tới mấy chục đoàn hát sênh. Việc gì Thường lão thái gia phải chạy đến nơi xa xôi như thế để mời bọn họ?
Xem ra, đám người này cũng vì châu báu nhà họ Thường.
Hiện giờ nhìn lại, có ít nhất bốn đội nhân mã đang nhắm đến Thường lão thái gia: “Chúng tôi, đám mặt chàm, đoàn hát sênh, và bang Kinh Tân chưa lộ diện. Nhất định bốn lộ nhân mã này sẽ làm Thường gia đại viện phải một phen náo loạn.
Hai ngày sau chúng tôi đến Thường gia đại viện. Đại viện nằm ở làng Thường Sinh bên ngoài thành Đại Đồng, xây dựa vào núi, nguy nga đồ sộ. Các bức tường quả nhiên cao đến ba, bốn trượng, uốn lượn theo sườn núi. Đứng bên ngoài cổng đại viện có thể nhìn thấy những gian nhà mái ngói, gạch xanh bên trong, tầng tầng lớp lớp như vẩy cá xếp chồng lên nhau. Cổng vào đại viện là loại hai cánh bằng gỗ màu đỏ son, cao hơn một trượng, tường dày khoảng hai trượng, đều bằng gạch. Trên tường thành có gia đinh vác súng đi tuần tra.
Trước cổng có đôi câu đối. Vế trên viết: “Ngũ Hồ Tứ Hải, Thế Gian Tài Vật Nhập Ngã Môn” (Bốn bể năm hồ, tài vật thế gian vào hết cửa nhà ta)
Vế dưới viết: “Phú Thương Cự Cổ, Thiên Hạ Hào Môn Thất Nhan Sắc” (Phú thương giàu có, hào phú khắp thiên hạ thảy đều biến sắc)
Tôi hành tẩu giang hồ đã nhiều năm, tự cho mình đã gặp không ít người giàu có nhưng chưa thấy phủ đệ nhà nào xa hoa lộng lẫy như vậy. Đôi câu đối trước cổng Thường gia đại viện quả thật chẳng ngoa.
Không biết nhà này làm gì mà có thể tích lũy được nhiều của cải như thế? Con trai ông ta làm quan to ở Bắc Kinh, còn những người khác làm nghề gì?
Ba ngày sau là đại thọ của Thường lão thái gia, vì thế chúng tôi không được phép vào đại viện. Hai bên cánh cổng sơn son là một dãy nhà gạch mái ngói, có khang đất để nằm. Chúng tôi và đoàn hát sênh đều ăn nghỉ ở đây.
Nửa đêm, tôi bỗng nghe thấy vài tiếng súng nổ. Tôi cũng không bận tâm lắm vì cho rằng gia đinh nổ súng là để tăng thêm sĩ khí. Sau khi trời sáng mới biết tối qua có người mang theo dây thừng gắn móc câu, quăng lên góc tường, định leo lên trên nhưng đã bị gia đinh bắn chết tươi.
Thi thể bị quẳng ra ngoài cổng, chờ người nhà đến nhận về. Bên cạnh là sợi dây thừng gắn móc câu mà người này đã sử dụng. Dây thừng rất dài, cuộn thành vòng tròn, đầu sợi dây buộc với một cái mỏ neo.
Trước đây, mò vớt đồ vật từng là một nghề ở vùng thôn quê. Nhà nào có thùng nước bị rơi xuống bể chứa nước sẽ tìm người vớt lên. Người mò vớt sẽ cầm theo dây thừng và mỏ neo. Thùng nước đều là thùng gỗ, do các tấm gỗ mỏng và dài ghép lại với nhau và được cố định bằng ba vòng sắt ở ba vị trí trên, giữa và dưới. Sau đó sẽ thêm đáy thùng và quai xách để tạo thành một cái thùng gỗ. Hiện nay có một thuật ngữ gọi là “Nguyên lý thùng gỗ”, lấy ý tưởng từ loại thùng gỗ này.
Người mò vớt sẽ buộc mỏ neo vào một sợi dây thừng nhỏ, rồi thả xuống bể nước. Bể nước tối đen như mực, nhưng người mò vớt sẽ dịch chuyển sợi dây thừng, dựa vào cảm giác tinh vi để xác định thời điểm mỏ neo đụng vào thùng gỗ để móc trúng thùng gỗ và kéo lên trên. Hiện nay, nông thôn không còn ai làm nghề này nữa.
Mỏ neo là một công cụ độc đáo của người làm nghề mò vớt. Tên trộm bị bắn chết kia, phải chăng lúc còn sống cũng là người làm nghề này?
Tôi lại trông thấy người mặt chàm. Hắn ta đứng bên cạnh xác chết. Lần này, hắn đi cùng người khác. Đó là hai thanh niên có thân hình gày nhỏ. Ba người bọn chúng nhìn xác chết nằm trên mặt đất với vẻ buồn bã. Có thể bọn chúng cùng một băng nhóm với nhau. Chẳng qua bọn chúng không dám nhận lại xác đồng bọn. Nếu làm vậy sẽ bại lộ thân phận mất.
Băng nhóm này ra quân bất lợi, chưa giao chiến đã mất một viên đại tướng. Nhưng cũng không thể trách người khác được. Tường đại viện cao như thế, canh gác nghiêm mật như thế, ngay cả tôi cũng biết là không thể leo lên được, vậy mà cái người làm nghề mò vớt này lại cả gan làm liều, có chết cũng không oan.