Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2202 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 111
Đây gọi là chuyển mục trường

Người phụ nữ này là một nhân viên tình báo đến từ Nam Kinh, nhiệm vụ của cô ta là truy tìm tung tích mũ đồng của Thành Cát Tư Hãn. Theo tin tức nội tuyến, người Nhật cũng phái đặc vụ đến thảo nguyên tìm mũ đồng. Mũ đồng là vật vô cùng quan trọng, có thể hiệu lệnh hàng triệu người thảo nguyên, vì vậy mà bất luận thế nào cũng không thể để nó rơi vào tay người Nhật.
Người phụ nữ này tên là Đào Lệ.
Yến Tử tìm đội trưởng là vì đại toản thạch, còn Đào Lệ tìm đội trưởng là vì một bản danh sách. Đào Lệ cho biết một đặc vụ Nhật Bản đã tiềm nhập vào thảo nguyên nhiều năm. Hắn đóng giả làm hòa thượng với mục đích trộm cắp mũ đồng. Đặc vụ này tên là Bản Điền Thứ Nhất Lang, bí danh là Đồng Gia Khải, pháp danh là Vô Cảnh.
*Bản Điền Thứ Nhất Lang: tên tiếng Nhật Honda Jiichiro
Trong một lần đi bắt liên lạc với đặc vụ Nhật bản, hắn đã bị người tuần tra phát hiện. Đặc vụ Nhật Bản bị bắn chết còn hắn rơi xuống dưới hố sâu, gãy mất hai chân. Hắn không dám thừa nhận thân phận hòa thượng của mình, càng không dám thừa nhận thân phận gián điệp, chỉ nói mình là người thảo nguyên, tên là Đồng Gia Khải, trong lúc đi ăn trộm bị thất thủ.
Sau khi Bản Điền Thứ Nhất Lang bị bắt vào tù, đặc vụ Nhật Bản không biết chuyện này, phía Nam Kinh cũng không biết chuyện này. Hai bên đều tìm kiếm gã hòa thượng giả có pháp danh Vô Cảnh. Đặc vụ Nhật Bản muốn tìm mũ đồng thông qua hắn ta, còn phía Nam Kinh muốn cắt đứt kênh cung cấp tin tức này.
Bản Điền Thứ Nhất Lang trong lòng nóng như lửa đốt. Hắn ta muốn truyền tin tức ra ngoài càng sớm càng tốt, khốn nỗi hai chân đi lại bất tiện, muốn trộm mũ đồng nhưng không cách nào trốn khỏi nhà lao.
Đúng lúc này, tôi bị bắt và nhốt chung một buồng giam với hắn ta.
Tôi hỏi Yến Tử: “Cửa vào gian phòng cất giấu bảo vật nhà đội trưởng được khóa bằng ổ khóa. Em biết hình dạng của nó thế nào không?”
Yến Tử nói: “Giống như cái thùng nước, phía trên có tay cầm” 
Tôi nói: “Đây là một loại khóa ẩn. Bên cạnh hông là càng khóa. Muốn mở loại khóa này, trước hết phải giữ chặt tay cầm và kéo càng khóa xuống dưới, lúc đó mới lộ ra lỗ khóa”
Yến Tử tò mò hỏi: "Sao anh biết hay vậy? Anh đến nhà đội trưởng rồi à?"
Tôi nói: “Anh chưa từng đến nhà đội trưởng, cũng chưa từng thấy ổ khóa kiểu này nhưng theo hình dạng em tả thì anh biết nó là khóa ẩn”
Yến Tử nói: “Nhưng anh chưa từng nói anh biết mở khóa?”
Tôi nói: “Lúc còn ở tù, anh nằm chung buồng giam với một người tên là lão Đồng. Chân ông ấy bị què, đi đứng bất tiện. Ông ấy rất am hiểu các loại khóa cổ. Cách mở khóa này là anh học được từ ông ấy”
Đào Lệ nghe tôi nhắc đến lão Đồng, thì đứng bật dậy, hỏi: “Lão Đồng? Người này trông như thế nào?”
Tôi nói: “Lùn lùn, mập mập, nói giọng địa phương, tóc rất ngắn” 
Đào Lệ nói: “Đi mòn gót giày cũng không thấy đâu, thì ra Đồng Gia Khải ẩn thân tại nhà lao.  Lão ta thật biết tìm chỗ trốn. Núp tận trong tù. Chẳng trách chúng tôi có tìm thế nào cũng không tìm ra hắn”
Tôi kể lại việc Đồng Gia Khải, cũng là Bản Điền Thứ Lang, đã nhờ tôi đến tiệm dược liệu bắt liên lạc với đồng bọn.
Đào Lệ nói: “Tiệm dược liệu này là địa điểm liên lạc của đặc vụ Nhật Bản. Sau khi bị chúng tôi phát hiện, bọn chúng lập tức chuyển đi chỗ khác. Đặc vụ Nhật Bản cực kỳ tinh khôn, đánh hơi cũng rất giỏi”
Đào Lệ lại hỏi: “Cậu biết mũ đồng giấu ở đâu không?”
Tôi nói: “Nằm ngay trong chùa Xích Phong. Lão Đồng chỉ tôi cách mở khóa là để tôi trộm mũ đồng thay lão ta”

Đào Lệ nói: “Hắn muốn lấy được đồ mà không phải tốn chút công sức nào. Qua mấy ngày nữa chúng ta sẽ đi trộm mũ đồng, tránh để đêm dài lắm mộng”
Tôi kể về cuộc trò chuyện của bốn tay giang hồ mà tôi nghe được ở căn nhà gỗ đêm hôm đó, về chuyện có ba gã nhắc đến Bản Điền Quân và tiêu ký khắc hình đầu sói trên bức tường chùa Xích Phong. Đào Lệ nói, bốn tay giang hồ đó biết tung tích của mũ đồng, còn hình đầu sói có thể do chính tay họ khắc. Riêng ba gã kia, cứ theo nội dung cuộc trò chuyện của bọn chúng thì chắc có hai tên là người Nhật, còn một tên là người Mông Cổ.
Yến Tử chợt ngắt lời: “Không phải vậy đâu”
Đào Lệ nói: “Em giải thích nghe thử”
Yến Tử nói: “Bốn người này nói giọng địa phương, hiển nhiên là người địa phương nhưng hình đầu sói không phải là tiêu ký của bang phái địa phương”
Đào Lệ hỏi: “Thế của bang phái nào?”
Yến Tử nói: “Theo lời nghĩa phụ, đầu sói là tiêu ký của bang Ký Bắc”
Đào Lệ cả kinh: “Chúng tôi, người Nhật, các bang phái bản địa và bang Ký Bắc đều nhắm tới Mũ đồng của Thành Cát Tư Hãn. Bang phái bản địa và bang Ký Bắc đều biết mũ đồng được cất giấu trong chùa, người Nhật chắc cũng biết rồi. Chuyện này không thể trì hoãn thêm nữa. Tối nay động thủ ngay thôi”
Tôi hỏi Yến Tử: “Hai người đi về phía bắc làm gì thế? Vì sao lại đụng phải bọn hồ tử?”
Yến Tử kể: “Bọn em đang ăn cơm trong một quán ăn ở huyện thành Xích Phong thì có mấy tên bang chúng địa phương đi qua bắt chuyện làm quen. Bọn em làm ngơ, không đếm xỉa gì đến bọn chúng. Thực ra, những người hành tẩu giang hồ chỉ cần liếc mắt đã nhận ra nhau rồi. Mấy tên này sán lại gần nắm cổ tay bọn em. Em lật tay lại khóa chặt cổ tay một tên, một tên khác bị Đào Lệ ném bay qua đầu. Vậy là chọc phải tổ ong vò vẽ. Quán ăn này do một bang phái địa phương mở. Bọn chúng hùng hổ kéo đến hơn chục tên, định bắt chúng em. Đào Lệ rút súng ra, dọa cho bọn chúng khiếp vía. Em thừa cơ cởi dây buộc ngựa trong chuồng, chạy về phía bắc cùng Đào Lệ. Trước khi đi, bọn em còn để lại tiêu ký cho anh”
Tôi hỏi: “Sau đó thế nào?”
Yến Tử nói: “Sau đó chúng em thả ngựa, rồi bơi qua sông, không ngờ gặp phải hồ tử. Năm tên hồ tử liều mạng đuổi theo sau. Đào Lệ đánh chết một tên, em phóng phi tiêu giết chết một tên nhưng ba tên còn lại vẫn không chịu buông tha. Bọn em không còn phi tiêu, đạn cũng hết sạch, về sau trốn vào một hang đá. Bọn hồ tử cứ bắn liên tục vào hang. Bọn em không thể ra ngoài, đói đến lả đi. Sau đó thì anh đến”
Đùi Đào Lệ bị thương do đạn bắn trúng, nhưng không cần quá lo lắng. Đào Lệ là một nhân viên tình báo dày dạn kinh nghiệm. Cô ấy có mang theo túi sơ cứu, sẽ tự băng bó cho mình.
Buổi chiều, trong lúc chúng tôi trò chuyện, Nguyên Mộc đi ra ngoài. Thời điểm này, trong lều Mông Cổ có rất ít người vì mục dân đã đi chăn thả gia súc. Nguyên Mộc lẻn vào một cái lều, trộm hai cái yên ngựa và một túi da đựng đầy sữa ngựa. Cậu ta giấu những thứ này gần lều.
Khi hoàng hôn buông xuống, mục dân dẫn ngựa trở về. Tiếng chân ngựa giẫm lên mặt đất, rộn ràng như nhịp trống gõ, làm người ta phấn chấn tinh thần. Mục dân nhốt ngựa vào một chỗ, đi vào lều nấu ăn. Cơm còn chưa nấu xong, Nguyên Mộc đã cưỡi hai con ngựa béo khỏe chạy đi xa mất rồi.
Kỹ thuật cưỡi ngựa của Nguyên Mộc vô cùng điêu luyện. Hai con ngựa chạy nối đuôi nhau, một con có dây cương dài, một con có dây cương ngắn. Nguyên Mộc bám tay vào yên ngựa, giấu mình một bên bụng ngựa. Phía xa có mục dân đi thả gia súc về. Dưới ánh chiều chạng vạng, họ trông thấy có hai con ngựa đang một trước một sau phi nước kiệu nhưng trên lưng không có người cưỡi, vậy là không để ý nữa. Bọn họ tưởng ngựa nhà ai đó đi lạc. Trên thảo nguyên bao la này, ngựa lạc đường là chuyện xảy ra thường xuyên, cũng chẳng có ai đi tìm. Ngựa già quen đường, ngựa con nhớ đường, đến nửa đêm chúng nó sẽ tự mò về chuồng.
Đêm đó, bốn người chúng tôi cưỡi hai con ngựa chạy đến chùa Xích Phong. Đào Lệ và Yến Tử cưỡi chung một con, tôi và Nguyên Mộc cưỡi chung một con.
Kể từ cái đêm trộm đồ trang sức của nhà Chu đại thiện nhân, Nguyên Mộc đã phục tôi sát đất, tôi bảo gì cậu ta cũng nghe. Nguyên Mộc là tạp tặc có địa vị thấp nhất trong đám đạo tặc song có trình độ cao thâm trong nghề trộm ngựa. Cậu ta yêu thích một nghề, chuyên tâm một nghề, tinh thông một nghề. Ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào cũng có trạng nguyên. Nguyên Mộc chính là trạng nguyên trong nghề trộm ngựa.
Ánh trăng vằng vặc, trắng như sữa bò. Những ngọn núi phía xa và cây cối chung quanh giống như một bức tranh với nét vẽ chấm phá, gió đêm hây hẩy như sợi tơ liễu mềm mại đung đưa trong gió. Đêm nay cảnh vật thật là đẹp nhưng sát cơ cũng ẩn tàng khắp nơi.
Từ địa điểm chúng tôi dùng hồ lô vượt sông lần trước đi về phía hạ du hai mươi dặm có một cây cầu phao với kết cấu đơn sơ, đủ cho một chiếc xe lặc lặc đi qua. Ở trên thảo nguyên mênh mông này, người dân du mục không sống cố định một nơi. Nơi nào đồng cỏ tươi tốt, dồi dào, nơi đó là nhà của họ. Mục dân chở nước, chuyển mục trường hay tham gia lễ hội Naadam đều đánh xe lặc lặc đi qua cây cầu này, thậm chí đàn ngựa, bầy cừu cũng đi trên những cây cầu này.
Chuyển mục trường là dời nhà đến nơi ở mới, còn lễ hội Naadam là lễ hội truyền thống của người Mông Cổ để ăn mừng vụ mùa bội thu 
Đêm đó, chúng tôi trông thấy có một đoàn mục dân đang đi ra mục trường, liền bám theo họ từ xa và đi qua cây cầu phao.
Chuyển mục trường là một phương thức sinh hoạt chỉ có ở người thảo nguyên. Ở quan nội, mọi người sống cố định một nơi, sinh sôi nảy nở qua nhiều thế hệ nhưng ở thảo nguyên, không nhà nào sống cố định một nơi quá một năm. Người thảo nguyên là một dân tộc du mục.
Mỗi hộ gia đình ở thảo nguyên đều nuôi một đàn ngựa và một đàn cừu. Thức ăn cho ngựa và cừu đều đến từ mục trường. Mục trường được chia làm mục trường mùa đông và mục trường mùa hè.
Mục trường mùa hè thích hợp để chăn thả gia súc vào mùa hè, mục trường mùa đông thích hợp để chăn thả gia súc vào mùa đông. Mỗi năm mục dân di cư hai lần. Tháng ba, họ sẽ lùa cừu, ngựa từ mục trường mùa đông đến mục trường mùa hè, tới tháng chín lại lùa cừu, ngựa từ mục trường mùa hè về lại mục trường mùa đông. Đây gọi là chuyển mục trường.
Ở những khu vực bình thường, một năm sẽ chuyển mục trường hai lần, trong khi ở một số khu vực cá biệt cần chuyển mục trường đến bốn lần. Chuyển mục trường là để tránh nạn ruồi muỗi vào mùa hè và tuyết rơi vào mùa đông, cũng như để tìm kiếm những nơi có đồng cỏ tươi tốt hơn.
Người thảo nguyên di cư và sinh sống tại những khu vực có đồng cỏ và nguồn nước.

(Tổng: 2202 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận