Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2548 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 82
Nghĩa khí đứng đầu
Trước khi đột nhập vào nhà, bước đầu tiên cần làm chính là ném đá dò đường.
Tên trộm trèo lên đầu tường, ném một hòn đá xuống sân để thăm dò thực hư. Nếu chủ nhà chưa ngủ, sẽ cất tiếng quát hỏi. Kẻ trộm sẽ bắt chước tiếng mèo kêu chó sủa, đánh lừa chủ nhà. Một số tên trộm còn xoa xoa cây đũa vào nhau tạo thành tiếng kêu lạch xạch y như tiếng mèo chặc lưỡi sau khi ăn.
Vì chủ nhà còn thức, tên trộm tạm thời rút lui, kiên nhẫn chờ đợi. Đoán chừng chủ nhà đã ngủ say, sẽ tiếp tục trèo lên tường và lặp lại trình tự cũ. Nếu không có tiếng người hỏi sẽ tụt xuống dưới sân, yên tâm mà trộm cắp.
Sau khi vào trong nhà phải lập tức rút then cài, để cổng khép hờ. Điều này cực kỳ quan trọng và cần thiết. Nếu chẳng may bị chủ nhà phát giác trong lúc hạ thủ có thể mau chóng tẩu thoát theo lối cổng. Kéo then cài, để cửa khép hờ chính là bước thứ hai. Giang hồ có giải thích bước thứ hai này như sau: “Vào nhà cần khép cửa, không sợ quỷ ám thân”
Rút then cài cửa để bản thân dễ trốn chạy, khép cửa nhằm đề phòng những người đi tuần tra, báo canh bên ngoài. Nếu để họ thấy cổng nhà mở toang vào lúc nửa đêm, nhất định sẽ sinh lòng nghi ngờ.
Bước thứ ba là tiếp cận phòng ốc và thực hiện hành vi trộm cắp. Trong lúc hạ thủ nếu nghe thấy tiếng ho hắng của chủ nhà hoặc tiếng giày dép khua khoắng, những tên trộm có kinh nghiệm sẽ không mảy may sợ hãi. Ấy là vì chủ nhà chỉ hư trương thanh thế, hoàn toàn không phải muốn bắt trộm. Cái này gọi là “ho hắng không rời giường, giày khua không rời phòng”. Kẻ trộm sợ chủ nhà, chủ nhà cũng sợ kẻ trộm. Lúc này, ai lì hơn là người đó thắng. Nếu chủ nhà hô hoán ầm ĩ, kẻ trộm sẽ bỏ chạy. Nếu chủ nhà nhát gan không dám lên tiếng, kẻ trộm sẽ đắc thủ.
Người làm báo có một nguyên tắc đó là khi miêu tả quá trình pham tội của tội phạm không được viết quá chi tiết để tránh có người bắt chước làm theo. Khi miêu tả quá trình điều tra phá án cũng không được viết quá chi tiết để tránh có kẻ phản điều tra.
Về trộm cắp trong nhà tôi chỉ có thể viết đến đây, xin độc giả lượng thứ. Tiếp theo, tôi xin nói về trộm cắp ngoài đường.
Trộm cắp ngoài đường chủ yếu có mấy loại sau: Cẩm nang nhi, khai khẩu nhi, bình chướng nhi, điếu bao nhi, trạo quan tài, súc cốt pháp.
Cẩm nang nhi: Tức là dùng ngón tay hoặc công cụ để trộm tiền trên người. Tay nghề bọn trộm rất cao, chỉ cần để chúng nó nhìn thấy nơi cất giấu túi tiền của bạn, chúng nó có thể dễ dàng trộm mất.
Khai khẩu nhi: Tức là rạch miệng túi để trộm đồ. Nếu bạn giấu tiền bên trong quần áo lót, tên trộm sẽ khai khẩu nhi. Trước đây bọn trộm cắp thường dùng Khang Hi Hoàng, sau này dùng dao lam nhiều hơn.
Bình chướng nhi: Tức là dùng vật dụng để che mắt, cản trở tầm nhìn của bạn nhằm thực hiện hành vi trộm cắp. Vật dụng được bọn trộm sử dụng rất phong phú, thường là quần áo hoặc báo chí, còn có mũ nón, hòm rương, thậm chí còn lợi dụng cả trẻ sơ sinh.
Điếu bao nhi: Thường gặp nhiều trên xe chở khách, khu vực trạm chờ, hành lang đi lại và những nơi công cộng. Những thứ bị trộm là hành lý, ba lô, túi xách nên gọi là điếu bao nhi (đánh tráo). Ngôn ngữ trong nghề gọi là ly miêu hoán thái tử.
Trạo quan tài: Những thứ bị trộm cũng là hành lý, ba lô, túi xách. Kẻ trộm cầm theo một cái vali rỗng cỡ lớn, không có đáy, chụp lên hành lý cần trộm rồi nhấn nút bấm, hai tấm che dưới đáy vali sẽ khép lại và đóng gói hành lý của bạn vào trong chiếc vali của hắn.
Súc cốt pháp: Tên trộm sẽ trốn vào bên trong rương đựng hành lý và tiến hành trộm cắp trong lúc xe đang chạy.
Trạo quan tài và súc cốt pháp là kỹ thuật mới xuất hiện vào thời kỳ sau này. Bốn kỹ thuật đầu tiên đã có lịch sử rất lâu đời rồi.
Cần nhắc lại trong nghề này có một loại nữ tặc, nhìn chung là xinh đẹp, hấp dẫn và có kỹ năng trộm cắp điêu luyện. Bọn chúng biết đóng giả dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, vận dụng mỹ nhân kế và các mánh lới khác hòng thực hiện hành vi trộm cắp.
Nữ tặc chính là nét độc đáo trong nghề trộm cắp.
Sau khi nói về những kỹ thuật đạo tặc thường dùng để trộm cắp, chúng ta sẽ nói tới phương pháp huấn luyện của bọn chúng.
Địa điểm huấn luyện của đạo tặc cực kỳ bí mật, phương pháp huấn luyện cũng được giữ kín, người ngoài nghề không thể nào biết được.
Phương pháp huấn luyện của đạo tặc được chia làm ba phần: thủ pháp, nhãn pháp và thân pháp.
Thủ pháp chú trọng về nhanh nhẹn, nhãn pháp chú trọng về chuẩn xác, thân pháp chú trọng về sức mạnh.
Luyện tập thủ pháp cần tuần tự từng bước. Chỉ lấy một phương pháp trong đó làm ví dụ.
Bỏ một viên bi sắt vào trong chảo và dùng hai ngón tay gắp viên bi ra khỏi chảo thật nhanh. Sau đó đổ đậu tương vào chảo và vẫn dùng hai ngón tay để gắp bi. Tiếp theo thay đậu tương bằng nước sôi, cuối cùng thay nước sôi bằng dầu sôi. Nếu như vẫn có thể dùng hai ngón tay gắp được viên bi sắt ra khỏi chảo dầu, vậy là có thể xuất sư được rồi. Tới lúc này, hai tay sẽ nhanh như điện, tốc độ không gì sánh bằng. Bạn còn chưa thấy tên trộm xuất thủ thế nào thì hắn đã nẫng mất ví tiền trong túi bạn rồi.
Luyện tập nhãn pháp tức là phán đoán ra nơi giấu tiền.
Kẻ trộm có kinh nghiệm chỉ liếc mắt là biết ví tiền nằm đâu. Nếu chưa nắm chắc, bọn chúng sẽ tiếp cận bạn, tìm cách xô đẩy, đụng chạm là có thể phán đoán chính xác.
Luyện tập thân pháp chính là rèn luyện võ nghệ. Vào thời khắc mấu chốt, bị dồn đến đường cùng có thể tự bảo vệ bản thân hoặc đào thoát.
Kẻ trộm còn sử dụng ám ngữ. Bọn chúng sẽ truyền đạt tin tức cho nhau bằng thứ ngôn ngữ khó hiểu. Túi áo khoác được gọi là thiên song (cửa áp mái), túi quần gọi là địa đạo (đường hầm). Vòng tay vàng gọi là khảo tử (còng tay), hoa tai vàng gọi là bồng tử (cái lều), đồng hồ gọi là chuyển tử (con quay), túi tiền gọi là bì tử (da), tiền giấy gọi là khao tử (cây ngải). Chuẩn bị trộm gọi là cáp phong, đang trộm gọi là khốn phong, bị phát giác trong lúc trộm gọi là thấu phong, trộm thành công gọi là khốn trước. Người dám mạo hiểm trộm cắp được gọi là ngưu kim tinh.
Thời trước, trong nghề đạo tặc còn có những kẻ chuyên đi trộm quần áo, mũ nón. Hiện nay, ngoại trừ mấy tên tiểu mao tặc, những tên trộm đã trải qua huấn luyện chính thức chẳng để mấy thứ này vào mắt.
Trộm cắp không thể thiếu mưu kế. Mục đích không nằm ngoài việc đánh lạc hướng sự chú ý của đối phương để dễ bề hạ thủ.
Mưu kế trộm cắp thường có những loại sau: Thâu lương hoán trụ (trộm xà thay cột), kim thiền thoát xác (ve sầu thoát xác), man thiên quá hải (dối trời vượt bể), đả thảo kinh xà (đánh rắn động cỏ), vô trung sinh hữu (từ không sinh có), hỗn thủy mô ngư (đục nước béo cò), điệu hổ ly sơn (dụ hổ rời non)….
----------------------------
Bên ngoài thành Đại Đồng có một ngọn núi, tên là núi Võ Châu. Dưới chân núi có một tòa tiểu viện, lánh xa chốn thị phi ồn ào, cách biệt với thế giới bên ngoài.
Bên trong tòa tiểu viện có một ông già, mặt mũi hiền hòa, động tác chậm chạp nhưng nấu ăn rất ngon. Chúng tôi gọi ông ấy là Chung lão đầu. Đây là nơi chúng tôi sẽ ăn ở và tiến hành huấn luyện kỹ thuật trộm cắp.
Huấn luyện thực ra rất đơn giản. Chẳng qua cũng chỉ là luyện thủ pháp, nhãn pháp và thân pháp. Dùng tốc độ nhanh nhất để gắp bi sắt, phán đoán vị trí giấu tiền trên người đối phương, luyện tập công phu quyền cước để thân thể nhanh nhẹn, linh hoạt hơn.
Hổ Trảo hiếm khi đến đây. Nếu có đến chăng nữa cũng vội vàng, gấp gáp, đến nhanh và đi cũng nhanh, chủ yếu là hỏi về tiến độ huấn luyện chúng tôi. Ngược lại Yến Tử thường xuyên ghé chỗ chúng tôi chơi.
Mỗi lần Yến Tử xuất hiện, Băng Lưu Tử đều vui như bắt được vàng. Anh ấy cố tình phô diễn kỹ năng của mình trước mặt cô ấy. Như là tung mình nhảy lên bờ tường, rồi lật người vọt lên mái nhà. Anh ấy cứ bám riết Yến Tử, miệng không ngừng liến thoắng kể chuyện cười để làm cô ấy vui lòng. Còn tôi thì cứ như người thừa. Tay chân tôi vụng về, thân thủ không mạnh mẽ như anh ấy, ăn nói cũng không được khéo, không biết cách pha trò để chọc cười Yến Tử.
Nhưng không hiểu sao mỗi lần trông thấy Băng Lưu Tử đong đưa trước mặt Yến Tử tôi lại thấy khó chịu. Có thể là vì tôi biết Băng Lưu Tử là người thế nào, cũng có thể vì tôi cũng thích Yến Tử.
Yến Tử xinh đẹp như thế, yểu điệu như thế, phóng khoáng như thế. Chúng tôi lại đang tuổi yêu, nếu như tôi không thích cô ấy thì không phải là đàn ông nữa rồi.
Tôi muốn kể cho Yến Tử quá khứ của Băng Lưu Tử. Anh ấy đã phản bội bang Lương Sơn khi còn ở Sơn Đông, còn làm tay trong cho tiệm quan tài khi ở Hà Nam nhưng tôi cũng không chắc suy đoán của mình có chính xác không. Hơn nữa, tôi là người lưu lạc giang hồ cùng Băng Lưu Tử. Anh ấy đã cứu mạng tôi. Nếu tôi đâm chọt sau lưng anh ấy, vậy thì bất nghĩa quá.
Nghĩa khí là đức tính cao đẹp mà đạo tặc cần phải có. Dẫu đao thương kề cổ cũng không bán đứng bằng hữu, huống hồ nói xấu sau lưng.
Băng Lưu Tử không chỉ biết lấy lòng Yến Tử mà còn kết thân với Chung lão đầu nữa. Dù là người trên hay kẻ dưới anh ấy cũng đều rất biết cách cư xử.
Băng Lưu Tử khôn khéo còn Ngai Cẩu khờ khạo. Băng Lưu Tử là con chim sáo, Ngai Cẩu là con gà rừng. Đôi khi tôi nghĩ, tính cách một người là do trời sinh. Dù có cố gắng thế nào đi nữa, tôi cũng không thể trở thành một người như Băng Lưu Tử và anh ấy cũng không thể biến thành tôi.
Thôi đành vậy. Tôi hãy làm một chiếc lá xanh, còn bông hoa đỏ thì để cho Băng Lưu Tử.
Tôi không thể cạnh tranh với Băng Lưu Tử, vậy cứ cầu chúc cho hai người họ như chim liền cánh, như cây liền cành. Hy vọng Băng Lưu Tử sẽ yêu thương Yến Tử.
------------------------
Vân Cương Thạch Quật nằm trên núi Võ Châu. Vân Cương Thạch Quật đã tồn tại hơn một nghìn năm trăm năm, toát lên bầu không khí lịch sử nồng đậm. Một ngày nọ, khi Yến Tử đến chơi, Băng Lưu Tử rủ chúng tôi đi khám phá Vân Cương Thạch Quật.
Khi đó, Vân Cương Thạch Quật chưa có nhiều du khách và cũng không có mùi kiếm tiền như ngày nay. Những người đến thăm Vân Cương Thạch Quật đều ở vùng lân cận. Cũng vì giao thông bất tiện nên có rất ít du khách đến từ địa phương khác. Tất nhiên, các địa điểm du lịch thời đó đều không thu vé vào cửa, du khách được tham quan miễn phí.
Băng Lưu Tử mặt mày hớn hở, tay chân chỉ trỏ, miệng thao thao bất tuyệt kể cho Yến Tử nghe về lịch sử của Vân Cương Thạch Quật, còn tôi giống như người thừa, bước theo sau như một tên ngốc, không chen nổi một câu. Trên thực tế, tôi chẳng biết tí gì về lịch sử của Vân Cương Thạch Quật.
Băng Lưu Tử nói, một nghìn năm trăm năm trước, một dân tộc du mục người Tiên Ti tên là Thác Bạt Bộ đã quật khởi ở vùng thảo nguyên phương Bắc. Sau khi bộ tộc này thống nhất vùng Tái Bắc, đã dời kinh đô đến Đại Đồng. Khi đó, Đại Đồng vẫn gọi là Bình Thành. Về sau, dân tộc thảo nguyên này lập nên nhà Bắc Ngụy, tiếp thụ văn minh Trung Nguyên, Phật giáo phát triển thịnh vượng. Vì thế mà xuất hiện Vân Cương Thạch Quật. Có hơn năm vạn bức tượng Phật ở Vân Cương Thạch Quật, kéo dài suốt một cây số, là kho tàng nghệ thuật quý báu của Trung Quốc và của cả thế giới.
Tôi kinh ngạc trước kiến thức sâu rộng của Băng Lưu Tử. Anh ấy nói về Vân Cương Thạch Quật rõ ràng đâu đấy. Thực tế là anh ấy học hành không được bao nhiêu, chữ nghĩa không thể bằng tôi nhưng tại sao lại biết nhiều vậy chứ?
Yến Tử nhìn Băng Lưu Tử đầy ngưỡng mộ. Vẻ mặt Băng Lưu Tử thì dương dương đắc ý còn tôi lại thấy chán nản vô cùng.
Sau này tôi có hỏi Băng Lưu Tử, làm sao anh ấy biết rõ về Vân Cương Thạch Quật đến thế. Băng Lưu Tử nói, Vân Cương Thạch Quật nằm trên núi Võ Châu, cách nơi huấn luyện chúng tôi không xa. Anh ấy biết Yến Tử sẽ dẫn chúng tôi đến Vân Cương Thạch Quật vì vậy đã tìm hiểu chi tiết về Vân Cương Thạch Quật thông qua Chung lão đầu từ trước rồi.
Tôi chỉ biết thở dài, tự trách mình không bằng người ta.